Ngày 14/9, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 1441/CT-TTg về tăng cường vai trò của Thông tấn xã Việt Nam trong tình hình mới. 25 năm làm tại TTX, tôi thấy Chỉ thị trên chỉ thuần túy là liệu pháp tinh thần, ít giá trị thực tiễn cho hiện trạng của hãng thông tấn quốc gia này.
Với Văn phòng đại diện tại tất cả các tỉnh thành trong nước và tại gần 30 quốc gia khác, trụ sở chính là 5 cao ốc khang trang vừa mới xây xong hoặc đang xây nằm rải rác trên con phố đẹp nhất thủ đô, TTX là cơ quan báo chí có cơ sở vật chất vào hàng nhất nhì thế giới. Nếu bạn nào biết BBC Luân Đôn hay gần hơn là Bernama ( Malaysia ) thì sẽ thấy tôi không hề ngoa ngôn. Đấy là chưa kể đến trang thiết bị trong các tòa nhà và phương tiện làm việc của phóng viên. Toàn bộ đầu tư là tiền…nhà nước, dĩ nhiên.
Mô hình TTX hiện nay bắt đầu từ những năm 80, khởi thủy từ TGĐ Đỗ Phượng copy mô hình của TTX Tiệp Khắc thời bấy giờ. Nghĩa là song song với chức năng làm ngân hàng tin tức Nhà nước( tôi nhấn mạnh chữ nhà nước), TTX sản xuất luôn những ấn phẩm trực tiếp tham gia thị trường. Hiện TTX có 8 đầu báo giấy ra ngày, tuần, tháng về tất cả các lĩnh vực, một tờ báo điện tử và một nhà xuất bản. Đi theo nó là các nhà in, Công ty phát hành…
Những năm 80, mô hình này cực kỳ hiệu quả về tuyên truyền cũng như về kinh tế vì đơn giản, đầu báo ngày ấy còn ít và các báo TTrẻ, TNiên, LĐộng, TPhong… chưa thành một thế lực cạnh tranh. Và nàng công chúa đã ngủ yên tới 20 năm, khi bừng tỉnh thức thì, nói thế nào nhỉ, không tìm được lối ra, thậm chí càng tìm càng lạc sâu hơn.
Nói về chức năng ngân hàng tin ảnh, TTX bán được dưới ¼ lượng sản xuất ra( 13/100 tin- số liệu năm 2008), khách hàng chủ yếu là Đài tiếng nói VN, báo NDân, báo QĐội và mặt hàng bán chạy nhất là tin về hoạt động của các nguyên thủ và chính phủ, các báo khác thường dùng loại tin này của TTX chủ yếu để bảo đảm tính …an toàn hơn là nhu cầu thật. Tuy thế, mặt hàng này hiện TTX cũng không còn độc quyền nữa khi trang web chính phủ ra đời, thông tin nhanh, chính xác hơn và miễn phí. Lượng truy cập của chinhphu.vn cao hơn gần 4 lần so với vietnamplus.vn trong tháng 8/2009.
Việc TTX được quyền bác bỏ, thực chất chỉ thị 1441 nhắc lại điều mà TTX đã được quyền từ ngày 15/9/1945. Khi vai trò người phát ngôn bộ ngoại giao ngày càng được củng cố và đề cao thì TASS được quyền tuyên bố là một sự lặp lại thừa thãi nhìn ở góc độ tuyên truyền từ chính phủ. Còn từ góc độ người đi mua tin, bạn sẽ chọn mua ở đâu, trực tiếp hay qua trung gian?
Nói thêm chuyện bếp núc là việc phát ngôn bác bỏ này TTX xin từ thời cụ Phan Văn Khải còn đương nhiệm, nay chính phủ mới cho.
Khi mảng việc quan trọng bậc nhất (lại được độc quyền) để giữ vị thế trong làng truyền thông bị suy yếu, TTX thay vì tìm thuốc chạy chữa ngay lại dồn sự chăm chút( vật chất) cho các sản phẩm tham gia thị trường. Hai mảng chuyên môn này ví như hình thức tự sản tự tiêu trong nội bộ TTX. Bán buôn không được, xé lẻ mang ra chợ ngồi bán. Thành công của TTVH, VN news hay thất bại của Ttức chính từ căn nguyên này mà ra: chủ động, ít phụ thuộc( theo nhiều nghĩa) vào ngân hàng TTX thì có thể tồn tại ngoài thị trường và ngược lại.
“… các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có trách nhiệm chủ động và ưu tiên cung cấp thông tin, tài liệu kịp thời, chính xác cho Thông tấn xã Việt Nam “. Chỉ thị này của Thủ tướng theo tôi là cả một nỗi hổ thẹn cho TTX, việc thường ngày ở huyện, việc tối thiểu của một cơ quan báo nay phải nhờ đến tận Thủ tướng lên tiếng hỗ trợ. Tỷ lệ phóng viên giỏi của TTX là đáng thèm muốn cho mọi tờ báo. TTX có một đội ngũ nhân viên cực kỳ chăm chỉ không phải vì tiền. Tôi qua 5 đời TGĐ, 3 đời sau này, không ai đủ thời gian để kịp làm những gì các ông định làm với TTX. Tôi chưa thấy ai đưa ra ý tưởng gì mang tính định hướng phát triển lâu dài cho TTX, chỉ có những chương trình hành động trong quỹ thời gian ngắn ngủi của các ông mà thôi.