* Chỉ biết là bắt đầu từ đầu thập niên 1970, khi giá trị của dầu mỏ trở nên rõ ràng, khi thông tin về trữ lượng dầu ở mấy đảo đó được xác nhận, và người ta nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng sân bay, điểm cất cánh trung chuyển và căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, thì một loạt 6, 7 nước cùng xông vào nhận nó là của mình với những “bằng chứng lịch sử” đáng ngờ.
Tôi là người cực dốt về lịch sử, thế nên tôi tin những ý kiến trên của chị không cần lập luận dẫn chứng.
Trên quần đảo Trường sa, Việt nam hiện chiếm giữ 21 đảo và bãi đá ngầm, Trung quốc 6 bãi đá ngầm, Philippines 9 đảo, Malaysia 5 đảo và bãi đá ngầm, Đài Loan 1 bãi đá ngầm…và Trung quốc là nước phát hiện ra sớm nhất trong khu vực giá trị dầu mỏ của TS. Tôi đồ rằng văn bản của cố Thủ tướng Phạm văn Đồng ký năm 1958 thừa nhận 12 hải lý trong đó có TS thuộc về Trung quốc nằm trong âm mưu thâu tóm chủ quyền từ quá trình phát hiện này mà ra.
* Những blogger đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ đã bao giờ đọc Đại Việt Sử Ký (Lê Văn Hưu), Đại Việt Sử Lược (tác giả khuyết danh thời Trần), hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên), hay Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim,) ở dạng nguyên bản, chưa qua biên soạn, cắt xén chưa?
Tôi đã đọc tất cả những cuốn chị liệt kê, bằng bản dịch chữ quốc ngữ mới và không biết nó có bị biên soạn hay cắt xén gì không so với nguyên bản.
Thông hiểu sử sách là một chuyện, nhưng tính tư hữu riêng trong chuyện biển đảo này, theo tôi lại hết sức bản năng, ít lý trí nhất. Ai trong chúng ta cũng biết, đào đâu ra năm mươi vạn tinh binh thời cụ Trần Hưng Đạo. Nhưng ai trong chúng ta cũng đều hài lòng với những khúc sử tô hồng kiểu ấy. Não trạng người Việt, bài Trung đã thành một nếp nhăn di truyền ngàn năm, âu cũng là một trong những phương cách, để tự tôn bên cạnh ông láng giềng quá lớn, bất chấp sự chia sẻ (từ một phía) về văn hóa và tư tưởng , bất chấp có hay không cái gọi là state-controlled nationalism và có thể, hắt rất nhanh bát nước ân huệ từ họ trong suốt hai thập kỷ chiến tranh .
*Những blogger của Việt Nam bị bắt giữ gần đây cũng vậy. Họ không thích nghi theo kịp được môi trường ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 1990, vẫn tiếp tục sống trong cái “anti-China nationalism” (chủ nghĩa dân tộc chống Trung quốc hay bài Trung) của những năm 1980.
Câu này của chị tôi chia làm hai ý. Có một sự thật rất ít người chấp nhận là việc bắt giữ dăm vài bloggers chẳng liên quan gì đến chuyện chống Trung quốc cả. Vào sổ đen thì tôi nghĩ rằng có và chính tôi là một ví dụ. Đứng hàng đầu trong nhóm biểu tình trước lãnh sự quán Trung quốc ở TP HCM, sau đó tôi có bị nhắc nhở nhẹ nhàng từ phía cơ quan, có bị kiểm tra kín đáo việc đóng thuế thu nhập cá nhân hay các loại tiền nghĩa vụ tại địa phương…Thời buổi này, chính quyền trong nước không ngu dại gì hay thiếu văn minh tới mức bắt bớ giam giữ người vô căn cứ. Không có tội chống Trung quốc, nhưng trốn thuế, mượn bài Trung kích động lật đổ nhà nước đương quyền… thì hẳn nhiên, bộ luật hình sự có đủ quy định chi tiết. Có thương xót nhau cách mấy cũng không thể ủng hộ công khai được.
Ý thứ hai, ngược lại. Để thích nghi với môi trường ngoại giao mới, dân chúng cần được chia sẻ thông tin từ phía chính quyền. Tôi nhấn mạnh từ chính quyền chứ không phải từ báo chí. Lâu nay, dân chúng chỉ trích chính quyền hèn nhát trước Trung quốc vì họ chỉ biết tất cả các thái độ, hành động của chính quyền qua vài câu nằm trong bài bản của người phát ngôn bộ ngoại giao.Vẫn biết để ứng phó với Trung quốc cần phải uyển chuyển trăm phương ngàn kế, nhưng giá ngoại giao chuyên nghiệp lèo lái thêm ngoại giao nhân dân, hẳn sức mạnh sẽ không chỉ được nhân đôi.
Còn tại sao tôi gạt báo chí ra ngoài, chị ở xa Tổ quốc, tôi ở đây và là người trong nghề đang làm nghề, tôi xin khẳng định với chị, 700 cơ quan báo trong nước có tới 2100 ông Tổng biên tập, chứ không phải 1 ông như mạng hải ngoại riễu cợt đâu. Đanh thép lên án ông Đào Duy Quát thế, nhưng cái bản đồ Việt nam đăng trên chính báo mình, Tuyên giáo nhắc năm lần bảy lượt làm ơn chấm chấm thêm Hoàng sa Trường sa vào, họ vẫn quên (hoặc là chẳng buồn chấp hành). Hậu trường chuyện bài Trung từ báo chí còn nhiều chuyện cười ra nước mắt, nhưng nằm ngoài phạm vi bài viết của chị nên xin kể vào một dịp khác.
* Ý tưởng viết bài của tôi xuất phát chính từ cảm giác bực dọc, khó chịu khi phải đọc những lời phỉ báng, lăng mạ của các blogger trong nước và hải ngoại đối với nhà nước Việt Nam hay nhân vật lãnh đạo Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc trên Facebook hay diễn đàn BBC, VOA tiếng Việt.
Tôi tin rằng kiểu phê phán lăng mạ chỉ gây phản cảm, phản tác dụng, và theo tôi không thể có kết quả gì
Điều này thì tôi đồng ý và đồng cảm tuyệt đối với chị.
*** Tôi chọn hình thức trả lời vì thấy chị giải thích trên BBC bài viết của chị là những câu hỏi. Và tôi thừa nhận chỉ có câu trả lời chứ không có câu hỏi ngu xuẩn.