Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

HỘI CHỨNG SỢ TO

Quy hoạch Thủ đô, xây nhà máy điện hạt nhân, làm đường sắt cao tốc Bắc Nam…những dự án nhiều tỷ đô những tưởng sẽ được hân hoan đón nhận, vì đã đến thời của làm cái gì ra tấm ra món cái đó. Hoá ra không. Thiên hạ lo con cháu vỡ nợ chứ không lo chúng tốn công tốn của dỡ ra làm lại. Thiết nghĩ, dỡ ra làm lại, chưa biết chừng đổ nợ to hơn.


Nghèo quá lâu đâm ra tính toán tủn mủn hay là tầm nhìn ngắn hay là gì gì nữa, nhất là ngày đổi ngôi vương đang rất gần, tất cả đều được suy diễn. Lúc này mới thấy cần, cực kỳ cần một tổ chức phản biện của các khoa học gia. Khốn nỗi, phản biện ở ta hiếm khi thuần túy khoa học, rồi cứ là lèo lái tý đỉnh vào chính trị chính trường, chốt lại chẳng cái gì đến đầu đến đũa. Thiệt thòi lớn nhất là các đại biểu quốc hội, không có điểm tựa trí tuệ khi biểu quyết các việc lớn. (đỡ cả chuyện, phơi phát ngôn như ngoài quán nhậu trước bàn dân thiên hạ).


Đôi khi nghĩ nếu mình là mà thư ký cho bác Nguyễn Quang A chẳng hạn thì cái viện đã giải tán của bác ấy hẳn sẽ ngon lành. Tiếc thật.


 


 


 

TRÒ XƯA TÍCH CŨ


Nghe nói lâu, bữa nay mới mục sở thị bản góp ý kiến  cho Đại hội đảng 2011 của các cụ nguyên bộ đội ta, trẻ nhất 50 già nhất gần 70, ấy là tính theo tuổi Đảng đẻ còn tuổi mẹ đẻ thì phải cộng thêm tối thiểu 18. Hai  tướng một thứ trưởng dăm vài chiến sĩ Việt nam giải phóng quân và cán bộ tiền (khác money) khởi nghĩa, chẵn tròn hai chục cụ.


7 trang ý kiến tựu trung vào mấy vấn đề,  Beo sắp xếp lại thứ tự của các cụ theo sì tai của mình, nghĩa là cấp độ hài hước tăng dần dần.


1.Tiêu chuẩn bầu bán


Dứt khoát không để những ai người Việt gốc nước ngoài vào BCH.T.W. Có thể thông cảm, các cụ lẫn cẫn quên điều lệ Đảng.


Không cứng nhắc về tuổi tác. Điểm này chắc chắn sẽ được hơn 1/3 số UV hiện hành phải nghỉ nhiệm kỳ tới vì lý do quá tuổi,  hoan hô kịch liệt.


Cần có tỷ lệ thích đáng đảng viên hưu trí trong các cấp ủy từ trung ương tới địa phương. Điểm này, chắc chắn sẽ  bị lớp trẻ, khỏe hơn, chống đối kịch liệt.


Không tham nhũng. Thách ai giờ này dám giới thiệu một ông tham nhũng, hình như tham nhũng, có thể tham nhũng… vào TW.


Phải là những người ưu tú nhất. Người ưu tú vượt trội, sẽ được làm tổng bí thư bất kể tuổi tác. Các phẩm chất của TBT các cụ liệt kê dài quá, tớ làm biếng biên, bạn nào muốn biết kỹ hơn chịu khó lục báo  Nhân dân vài ba chục năm trước ra, đầy.


2. Phương thức bầu bán                                                      


Phải thế lọ phải thế chai khí dài nhưng tóm lại y trang thể thức hiện hành. Duy nhất mới là đại hội bầu trực tiếp Tổng bí thư. Gọi là mới, kỳ thực chuyện này TW khóa trước đã đưa ra, ý kiến đồng tình quá ít nên bỏ. Người nóng tính đọc đến đây có thể sẽ buột miệng kiến với chả cò, rỗi hơi quởn việc. Tớ thì thấy tính cập nhật thông tin trong điểm 2 này của các cụ dừng lại từ thời điểm về nghỉ hưu.


Trên kia tớ mạo muội nói các cụ lẫn cẫn. Thật ra thì chả tý lẫn cẫn nào, vì đó chỉ là màn dạo đầu cho ra vẻ khách quan, phần chính, chiếm già nửa số chữ của bản góp ý kiến này, nhắm vào mục thứ ba dưới đây.


3. Nhân sự cụ thể


 


Còn tiếp.



Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Siêu

Siêu 1


Tớ chỉ nghe hơi nồi chõ, không ngồi trực tiếp nên không dám bàn nhiều, trích ra đấy mấy cái từ các báo mạng thấy đóng ngoặc kép, tức là xả băng nguyên văn theo nguyên tắc. Kỳ quốc hội tới quyết cái dự án đường sắt cao cao tốc này, tớ sẽ thu xếp nghe trực tiếp, mới dám có chính kiến…


* Tôi thấy đề án này hơi xa xỉ, "ăn chơi".


* Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay.


* Không bao giờ nên "nhập nhèm" hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội.


* Không thể đẩy lùi đường bộ để làm đường sắt bây giờ được.


* Nếu ta làm đường thì họ mới ưu ái cho vay vì tình nghĩa với Việt Nam


* Nên tập trung làm đường bộ cao tốc thay vì làm đường sắt cao tốc vào lúc này vì nhu cầu khách, tiềm lực kinh tế ta chưa có


* Rằng hay thì thật là hay. Nghe rồi mới biết rất gay về tiền


* Đường sắt hiện nay vẫn chưa giải quyết được bài toán ném đá lên tàu, vậy đường sắt cao tốc thì sao?


* Dự án này cũng làm tác động đến dòng chảy tự nhiên, từ đó làm thay đổi môi trường sinh thái


* nếu QH đồng ý, nhưng Chính phủ lại triển khai khác với kế hoạch thì sao?


* Vì yêu cầu chung thì tôi cũng phải đồng ý thôi


* Sao chúng ta lại phải vội vã khi đây là những kỳ họp cuối cùng của Quốc hội sắp hết nhiệm kỳ, bàn về đề xuất của Chính phủ cũng sắp hết nhiệm kỳ?


Tập hợp được ngần ấy người hết khôn vào chung một hội trường, phải công nhận Đảng  siêu việt.


Siêu đệ nhị


Tớ chỉ dòm thấy đại da Kiều diễm lệ từ xa xa, bên Thượng Hải. Rỗ, đen, tóc vuốt keo dựng ngược, dúm dó trong bộ com lê màu củ nghệ lăng xăng loắng quắng. Nếu lần đầu gặp ngoài đường, bảo đảm phản xạ sẽ là nắm chặt quai túi khi ông  í lại gần.


Cơm xong sẽ biên tiếp chuyện  Kiều diễm lệ, từ dắt gái cho đại gia Trung cộng trở thành đại da của  siêu gái Việt ta dư thế lào.

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Tại sao mình kính trọng bác Quang A

Tỷ lệ của tổng số tiền vay để làm một dự án trên số tiền riêng của chủ sở hữu dùng cho dự án đó được gọi là tỷ lệ đòn bẩy tài chính. Tỷ lệ đòn bẩy càng cao thì tỷ lệ lời (hay lỗ) trên vốn của chủ sở hữu càng lớn. Nếu dự án hiệu quả, thì vay được càng nhiều càng tốt. Nếu dự án không hiệu quả (lỗ) thì chủ sở hữu có thể sạt nghiệp rất nhanh chóng hay chủ nợ có thể mất tiền vì người vay phá sản và không có gì để trả.


Rắc rối là ở chữ “nếu”. Chúng ta chỉ biết hiệu quả của dự án sau khi dự án đã hoàn thành. Trước đó tất cả chỉ là dự đoán. Mà dự đoán rất hay bị sai. Có các dự án có hiệu quả, có các dự án không. Đấy là chuyện bình thường, là chuyện hằng ngày mà chúng ta phải đối mặt và quản lý rủi ro là câu chuyện hàng đầu của những người kinh doanh.


Đối với một nước cũng vậy. Vay được tiền để xây dựng đất nước là việc rất tốt. Song luôn phải tính đến khả năng thực của mình (kể cả khả năng quản lý, khả năng tiêu tiền) và, quan trọng nhất, là phải tiêu tiền vay một cách hiệu quả. Nếu không, sẽ đẩy đất nước vào cảnh nợ nần. Tỷ lệ nợ công trên GDP là một chỉ số tổng hợp có ý nghĩa nào đó gần giống tỷ lệ đòn bẩy tài chính. Tỷ lệ ấy càng cao, rủi ro càng lớn. Công nợ trên 40% GDP được coi là không an toàn.


Nợ công thực sự là bao nhiêu?


Nhưng nợ công thực sự ở Việt Nam là bao nhiêu? Có nhiều số liệu không nhất quán.


Theo Bộ Tài chính, ở thời điểm 30-6-2009, nợ nước ngoài của Việt Nam bằng 29,8 % GDP (23,6 tỷ USD). Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ngày 20-5-2010 nói “Dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia nằm trong giới hạn an toàn” nhưng không thấy nêu con số.


Người ta nói tổng số dư nợ công đến cuối năm 2009 của Việt Nam khoảng 44,7% GDP, trong đó nợ của Chính phủ là 35,4% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 7,9% GDP và nợ của chính quyền địa phương là 1,4% GDP.


Theo The World Factbook (tạm dịch: Sách Sự kiện Thế giới) của một tổ chức chính phủ ở Mỹ, nợ công ở Việt Nam năm 2008 ở mức 38,60% GDP nhưng năm 2009 đã tăng rất nhanh, lên mức 52,30% GDP, đứng hàng thứ 44/129 quốc gia về nợ nần. (Vẫn theo phân loại trong cuốn sách này, mức nợ công thấp nhất là 1,1% và mức cao nhất là 304,3% GDP; có 44 quốc gia có nợ công trên 50% GDP).


Mỹ là nước mang tiếng nợ nần nhiều nhất nhưng nợ công chỉ chiếm 39,70% GDP. Trong các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ Philippines có nợ công cao hơn Việt Nam . Tại châu Âu, Hy Lạp đã thực sự vỡ nợ và phải cầu cứu đến gói cứu trợ 120 tỷ euro của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nước thuộc Vùng Euro (Euro Zone). Cuối năm 2009, nước này có mức nợ công chiếm 108,10% GDP.


Điều đáng chú ý là nợ công của chúng ta tăng rất nhanh, trong khi hiệu quả chi tiêu, hiệu quả đầu tư không cao, nạn tham nhũng tràn lan và nạn khát đầu tư của các cơ quan nhà nước vẫn không hề dịu đi.


Minh chứng là các siêu dự án được đưa ra tới tấp như dự án đường sắt cao tốc gần 56 tỷ USD của Bộ Giao thông Vận tải đang được Quốc hội Khóa XII, Kỳ họp thứ 7, xem xét, và dự án quy hoạch chung Hà Nội của Bộ Xây dựng, chỉ tính đầu tư cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030, khoảng 60 tỷ USD…


Một số quan chức vẫn lạc quan, thậm chí có người còn cho rằng “nếu nợ công cao hơn nữa, vẫn đảm bảo trong giới hạn an toàn cho phép”. Nhưng số liệu cụ thể thì không nêu, giới hạn an toàn cũng chẳng công bố. Thậm chí có người còn nói người ta nợ cả 80%-100% GDP có sao đâu (!?).


Nếu coi 40% GDP là giới hạn an toàn thì dường như chúng ta đã vượt quá rồi. Đó là chưa kể đến các khoản sẽ phải vay nếu các siêu dự án được tiến hành.


Hãy nhớ lại kinh nghiệm của chính mình và bài học của những người khác.


Từ 1993 đến 2003 chính Chính phủ Việt Nam đã phải rất vất vả để cơ cấu lại nợ nước ngoài. Đó là việc xử lý với IMF (1993); xử lý nợ chính thức qua Câu lạc bộ Paris (1993); xử lý nợ thương mại qua Câu lạc bộ Luân Đôn (1998); xử lý nợ với các nước chủ nợ song phương khác. Tổng cộng giảm được trên 11 tỷ USD nghĩa vụ nợ nước ngoài.


Hãy ngó tình hình bất ổn của Hy Lạp không biết bao nhiêu năm nữa mới thoát được ra.


Sẽ chẳng ai xóa nợ cho con cháu chúng ta; và con cháu chúng ta cũng chẳng cần phải làm vậy nếu chúng ta, thế hệ hiện tại hành động có trách nhiệm hơn.


Nguyễn Quang A


 


Bận quá, mang về bày đây đã. Bài đăng trên Tiền Phong. Đang đọc lại cuốn Bằng sức mạnh tư duy bác A dịch từ hồi nẳm vẫn thấy hay như cũ.

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

copy từ dzunglam

Lại bực mình


Cơ khổ, trót đưa lên blog và sau đó được bác Gốc Sậy úp lại và cũng trót đưa tin cho thằng em ở báo Thanh Niên về  mấy hạt thóc tìm thấy trong hố khai quật Thành Dền tự dưng dở chứng nảy mầm do bảo quản trong môi trường ẩm (cứ như mọi khi đem phơi khô ráo tiệt từ đá, đến gốm, đến xương...thì chả làm sao sất) và cứ tưởng bài trên báo Thanh Niên hôm nay đã làm rõ những ý kiến của mình. Nào ngờ suốt từ sáng đến giờ làm việc không yên, tí một lại reng reng... đòi phỏng vấn qua điện thoại hay xin gặp ở Hà Nội.


Sợ thật cho báo với chí nhà mình, PV bây giờ chỉ muốn ngồi trong phòng lạnh, moi tin giật gân, viết bài kiếm nhuận bút. Cuối cùng chỉ có báo Khoa học và Đời Sống và em Kiều Trinh ở TTXVN là chịu sang tận nơi khai quật xem hiện trường, xem hiện vật, quan sát các nhà khảo cổ làm việc, số còn lại khi nghe mình bảo mình không trả lời qua điện thoại và không ở Hà Nội thì các em đều rút lui. Tuy vậy giở trang Vnexpress ra vẫn thấy có bài của PV ngồi tại Hà Nội xào xáo từ bài của báo Thanh Niên, ảnh chụp thì chắc xin của PV báo Thanh Niên và lấy từ Blog của mình (may mà còn ghi người chụp). 


Mà sao Thành Dền quá nhiều cái hay và thú vị, PV chả ai thèm hỏi, chỉ chăm chăm đến thóc nảy mầm, tự nhiên thấy "giá mà chúng đừng nẩy mầm" thì có lẽ tốt hơn. Một lần nữa chán cho báo chí nước nhà quá.


Nghe ý kiến trả lời của một số nhà khoa học có tên tuổi thì còn chán hơn, ở đâu ra cái thái độ của người làm khoa học khi chưa nghiên cứu, chưa tìm hiểu thông tin đến nơi đến chốn đã trả lời TIN hay KHÔNG TIN! Phải HOÀI NGHI và KHÔNG ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH hay PHỦ ĐỊNH NGAY những THÔNG TIN MỚI!


Mình sẽ cố gắng đưa thông tin thật khách quan (nhưng không báo chí gì nữa), lấy tài liệu và khai quật thật cẩn thận, và mọi kết luận cuối cùng đang còn ở phía trước, sẽ còn nhiều chông gai đây, chắc Thầy và Ba sẽ phù hộ cho mình nghiên cứu vấn đề này đến nơi đến chốn!


Có người còn khuyên mình "Đừng làm vì DANH em ạ"! Nghe rất chân tình và quan tâm, nhưng mình cảm thấy LỘN MỬA vì kiểu nói như thế! Không thể hiểu được sao họ lại "suy bụng ta ra bụng người" thế cơ chứ!


MONG MỌI NGƯỜI ĐỂ YÊN CHO MÌNH VÀ CẢ NHỮNG HẠT THÓC CỦA MÌNH!


Dù sao, vẫn phải đãi đất tìm thóc, gạo và tàn tích thức ăn trong các hố rác bếp ở hố 3. Do các cánh đồng lúa xung quanh khu khai quật đã bắt đầu chín, nên phải đem đất về nhà đãi bằng nước giếng khoan cho nó chắc, để hạt mới không lẫn vào hạt cổ. Nói chung nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy sự khác biệt giữa những hạt mới và hạt cũ, hạt cổ.


Một hạt gạo cháy thành than, cũng có một số hạt thóc, nhưng toàn thóc lép, cả ngày hôm qua được 2 hạt thóc mẩy, cuối giờ chiều mình cũng tìm được 1 hạt thóc mẩy, đưa ngay cho Tiến ử ẩm, xem có nảy mầm nữa không.


Thức ăn của người Thành Dền xưa xem ra chủ yếu là cơm và cá! chả thấy xương động vật lớn mấy, hôm nọ bác Thủy sang đã xác định có răng lợn sữa, còn Mai Hương thì xác định có đỗ tương.


Chả nhẽ bà con đã làm tương! Đậu phụ thì chưa rõ, chỉ biết đậu phụ Mê Linh hiện nay cực ngon! Ngày nào chị chủ cũng cho ăn, chỉ sợ mấy anh giai khảo cổ bị ảnh hưởng!

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

NHỜ VẢ GẤP

BÁC NÀO CÓ ĐỊA CHỈ LIÊN LỆ CÁC KHÁCH SẠN TẠI BANGKOK TỪ 5 SAO XUỐNG 0 SAO TRỪ NGÀN SAO CHỊU NHẬN KHÁCH CHO BEO XIN TRƯỚC 3 GIỜ CHIỀU NAY.


BEO XIN HẬU TẠ BẰNG CHUYỆN BANGKOK CÓ BONUS THÊM CHUYỆN ĐẤT QUÊ TA MÊNH MÔNG CHÂN EM DÀI VÔ CÙNG CỦA ĐẠI GIA KIỀU DIỄM LỆ VÀ CHUYỆN MA ÁM CỦA BÁC BÁ VƯƠNG MIỀN TRUNG.


CHÂN CHỌNG CẢM ƠN CHƯỚC

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

ĐÓNG BLOG

VỪA ĐỌC TRÊN BLOG THIỀM THỪ THẤY LỜI NHẮN, CÓ MỘT BLOG BEO PHIÊN BẢN. BEO VỐN DỐT IT, NÊN SẼ KHÔNG TÌM HIỂU KẺ NÀO ĐÃ HAI LẦN MỞ ĐƯỢC MẬT KHẨU ĐỂ LÀM NHỮNG CHUYỆN TRÊN.


BEO ĐÓNG BLOG, KHÔNG CHƠI BLOG NỮA TỪ HÔM NAY.

Tàn cờ

5 giờ chiều qua, ông Ngô Quang Kiệt đã bị Vatican cho nghỉ hưu vĩnh viễn, thay vì được bổ nhiệm một chức vụ gì đó, như hy vọng cuối cùng, bên Roma. (Không phải Vatican nhận đơn từ chức như một vài chỗ đã mềm hóa sự thật khi đưa tin).


Sai một ly đi một dặm, không có gì đúng tuyệt đối với câu nói đó bằng trường hợp của ông Kiệt.


Dấy lên hai vụ đòi đất, ông muốn lập công với Vatican , là người đầu tiên đòi lại được tài sản cho Giáo hội, từ chính quyền. Nhưng thời điểm và phương cách ông tổ chức thực hiện điều đó, là một sai lầm tệ hại dẫn đến hậu quả ông phải gánh chịu chiều hôm qua, khá  bẽ bàng, không chỉ cho riêng ông.


Có một điều rất tối thiểu, muốn chắc thắng thì phải biết đối phương là ai, thậm chí phải rõ như biết mình. Nghề tình báo có lẽ cũng sinh ra từ binh pháp này ? Vị thế nhà nước Việt nay đã khác lắm. Đừng tự phủ dụ hay lừa dối mình, giữ chút sĩ diện hão để thừa nhận sự thật đó, may ra mới có thể làm nên chút cơm cháo, nếu có ý định chống đối hay lật đổ.


Tàn cuộc, chỉ những con cờ lăn lóc còn lại trong ngoài bàn cup cờ chẳng đến phận. Bởi cup cờ, là của kẻ chơi.

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Cụ Giáp

Nóng, vãi linh hồn.


Chạy xe máy, rát hai cánh tay như bỏng lửa.


Bịt kín châu thân bằng các loại khăn áo mũ mãng mẹ mua, phóng vèo quá tòa án rồi mới nhớ vụ  phúc thẩm Lê Công Định. Chống một chân vỉa hè, nghĩ nửa phút. Chắc chắn chả có gì mới, bên bị tôi trung thành với chế độ không hề đòi đa đảng, bên nguyên anh chưa đòi chứ không phải không đòi. Dở hơi ăn cám lợn, vọt thẳng. Đến cơ quan, đầu ướt mồ hôi như mới gội.


Đã lên lịch ngồi ở tòa nguyên ngày, thế là rảnh rang lôi cuốn sách đang biên tập ra làm.  Bốn tập gần nghìn trang cả thảy, trên cả hay, chưa biết có  in được hay không. Kinh nghiệm riêng cho thấy,  sẽ là chấn động lớn nhất về xuất bản trong vòng 20 năm trở lại đây. Dĩ nhiên  hữu xạ tự nhiên hương kiểu Nỗi buồn chiến tranh chứ không phải khuyếch tán giàu tính phong trào như Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Nói biên tập cho sang vì hầu như rất khó có thể nhúng bút vào đâu, gợi ý đặt tên Đối thoại chính trị, các tác giả chưa đồng ý.  


***


Mò sang blog Trương Duy Nhất, thấy bài cảm nghĩ của bạn ấy về Cụ Giáp, mình nghĩ giống thế dễ sợ.


Cụ nằm (nghĩa đen) từ Tết giờ ở 108, đang cố giữ cụ sống qua lễ Nghìn năm Thăng Long. Định thứ bảy này nhờ bác bộ đội dẫn vào thăm cụ, chẳng phải tò mò theo bản năng, mình ngưỡng mộ cụ thật lòng, thế nên sẽ không viết một chữ nào  nữa những gì mình sẽ trực diện.


Lao xao quanh ý kiến của hai vị tướng khác về chuyện có quốc tang cụ hay không và số phận căn nhà 30 Hoàng Diệu cụ đang ở. Theo quy định hiện hành, quốc tang chỉ dành cho các bậc nguyên thủ. Chức vụ cao nhất bên chính quyền của cụ  mới là Phó Thủ Tướng, cho nên chắc chắn sẽ là một tang lễ đặc biệt, các nghi thức nằm giữa quốc tang và lễ tang cấp nhà nước. Tang lễ đặc biệt này có lẽ sẽ áp dụng cho một vài bậc khai quốc công thần nữa hiện còn sống. Đây là cách ứng xử mình cho rằng thấu tình lại đạt lý. Mà suy cho cùng, người chết là hết, tang lễ kiểu gì cũng chỉ để người sống tự sướng với nhau, mà thôi.


Còn tang lễ của lòng dân, lớn hay nhỏ, theo mình nghĩ, hiện nay phụ thuộc ít nhiều vào độ nóng của …báo chí.


Đường Hoàng Diệu và một vài con phố tuyệt đẹp loanh quanh đó có những căn biệt thự Pháp, giống căn cụ đang ở, dùng làm nhà công vụ cho các bậc từ bộ trưởng trở lên trong nhiệm kỳ khi ra HN, còn thấp hơn thì ở Quảng Bá. Các cụ Trường Chinh, Lê Duẩn…khi quy tiên thì con cháu đều dọn ra khỏi các căn biệt thự đó. Trong số các bậc lão thành, người nổi tiếng thanh liêm, cho tới tận giờ, là cụ Lê Đức Anh. Mà thực ra cũng chưa nghe thấy, hoặc giả có mà mình không biết, chuyện tham lam kiếm chác gì từ những người ra khỏi những ngôi nhà này. Việc gợi ý để căn nhà 30 Hoàng Diệu làm nhà lưu niệm  là bất khả thi vì nhiều lẽ mà lẽ lớn nhất, xưa nay mới chỉ cụ Hồ được hưởng tối huệ quốc đó. (Trừ các danh nhân văn hóa không tính). Sau nữa, quân đội đang có  nhiều bảo tàng, quá nhiều là đằng khác. Và cuối cùng, sẽ có hàng loạt nhà lưu niệm ra đời, hẳn sẽ  kéo theo không ít hệ lụy khi mà, giới sử học chưa xuất hiện những sử gia đáng kính trọng.


 


Nóng quá không muốn viết nữa

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

Ôi, Vatican!


1. Xin lỗi dân tộc Việt Nam về những hành động sai lầm của Giáo hội Công giáo La Mã và những tín đồ Công giáo trong hai thế kỷ vừa qua, đặc biệt là trong những thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp và dưới chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm. Giáo hoàng tiền nhiệm, John Paul II, đã xin lỗi nhiều quốc gia ngoại trừ Việt Nam, tuy rằng những bằng chứng lịch sử về tội ác của Giáo hội Công giáo của Ngài ở Việt Nam là không thể phủ bác.  


2. Bồi thường thỏa đáng cho những nạn nhân chiến tranh trong những thời kỳ chiếm thuộc địa của Pháp và dưới chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm vì chính Vatican của Ngài đã dẫn đường mở lối và tích cực ủng hộ cả hai. Một trong những tín đồ của Ngài, Giám mục Pháp Puginier, đã thú nhận dứt khoát trong một tài liệu lịch sử là “Nếu không có những linh mục và giáo dân Việt Nam thì người Pháp ở Việt Nam cũng như những con cua đã bị bẻ gãy hết càng.”


3. Hãy hoàn trả cho dân Việt Nam nhiều đất đai và tài sản mà giáo hội Công giáo đã chiếm hữu dựa vào quyền lực của chính quyền thực dân Pháp và chính phủ Ngô Đình Diệm.


4. Hãy hoàn trả cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam những Chùa đã bị chiếm hữu theo chủ trương biến đổi Chùa thành nhà thờ như Chúa Báo Thiên đã trở thành nhà thờ lớn Hà-Nội, Chùa Lá Vằng đã trở thành nhà thờ La Vang, một Chùa rất cổ đã trở thành nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn.


5. Hãy giáo dục giới linh mục Việt Nam và những tín đồ từ bỏ niềm tin ô nhục “Thà mất nước chứ chẳng thà mất Chúa”, niềm tin đã biến họ trở thành những tay sai của ngoại bang đồng thời phản bội dân tộc và nền văn hóa của chúng tôi.


6. Hãy ra lệnh cho giới linh mục Việt Nam xưng tội và chấm dứt mọi sách nhiễu tình dục đối với trẻ con và phụ nữ như đã từng xảy ra trong nhiều quốc gia khác.


7. Hãy giáo dục những tín đồ Công giáo chấm dứt thái độ sai lầm, theo tín lý và kiêu căng trong niềm tin là những người phi Công giáo thì xấu và những tín ngưỡng cổ truyền, nhân bản của dân tộc chúng tôi là không chính thống.


8. Hãy dạy dỗ giới linh mục và tín đồ Công giáo tôn trọng nhân quyền, đặc biệt trong những lãnh vực sau:


-Chấm dứt thói bắt buộc những người trong tín ngưỡng khác phải từ bỏ niềm tin tôn giáo của họ và phải cải đạo để được phép kết hôn với một người Công giáo.


-Hãy chấm dứt thói dụ những người sắp chết và/hoặc những người già bệnh tật cải đạo vào Công giáo trong khi họ ở trong tình trạng không sáng suốt hoặc trong khi họ không có thân nhân ở bên.


-Hãy chấm dứt những hoạt động từ thiện dùng tiền và thực phẩm/thuốc men để cải đạo những người nghèo và cô nhi vào Công giáo.


9. Hãy hủy bỏ ngay sự phong thánh hấp tấp cho 117 người Việt Nam và ngoại quốc chết trong nước tôi trong hai thế kỷ qua. Những bằng chứng và hồ sơ lịch sử đã chứng minh rõ ràng là họ bị kết án tử hình bởi Triều Đình vì họ đã phản bội quốc gia và/hoặc đã có những hoạt động tình báo cho những lực lượng xâm lăng Pháp. Những bằng chứng cũng đã chứng tỏ rằng họ không phải là những “thánh tử đạo” mà Vatican đã ngụy tạo lên để thúc đẩy những tín đồ Công giáo Việt Nam đi vào con đường phản bội quốc gia để được phong thánh.


Trên đây là  một bản lưu truyền trên mạng 9 điều kiện  để Vatican được đặt đại sứ tại VN, và nó được cho là của thầy chùa Thích Chơn Tế.


Thật chất, phía VN chỉ đưa ra hai điều kiện. Một là phải xin lỗi những việc Giáo hội đã làm trong quá khứ với dân tộc Việt. Hai, Giáo hội phải tôn trọng luật pháp VN.


Thoạt nghe thì điều kiện thứ hai  khá đơn giản và quá hợp lý. Nhưng với lịch sử đạo thiên chúa tại Việt Nam và nhất là vận vào tình hình cụ thể hiện nay, thì đây là điều giáng rất mạnh vào niềm kiêu hãnh của một số  người theo công giáo. Tôn trọng luật pháp đồng nghĩa với, muốn bổ nhiệm chức sắc phải hiệp thông với chính quyền và, mọi cuộc đòi đất đòi cát đều vi phạm điều răn của…POP.


Điều một thì POP đã thực hiện xong. Trong một bài giáo huấn mà ngay sau đó vài giờ, TGM Ngô Quang Kiệt đệ đơn từ chức. Điều hai, cũng đang được POP thực thi khá nghiêm chỉnh khi bổ nhiệm TGM phó. Ông Kiệt đã bị buộc quay về VN để làm cuộc bàn giao trước khi nghỉ, khi đang chữa căn bệnh mất ngủ do trái múi giờ tại Roma.


Tại sao Vatican nhún mình hết cỡ như thế trước Việt nam? tại sao Vatican thèm muốn Việt nam hết cỡ như thế?


Vì con chiên Việt cuồng tín hiếm có, tức là chăn dắt sẽ dễ nhất.


Nghe, mà đắng chát!


Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

Gài độ

Miền Nam có từ này rất hay. Nó chứa nhiều nghĩa tuỳ vào ngữ cảnh xử dụng. Từ nghĩa xấu nhất là lừa cho sập bẫy đến nghĩa vui nhất là rủ nhau đi nhậu, bên cạnh nghĩa ban đầu (ấy là tớ chủ quan suy luận thế) thuần túy là gầy nên một cuộc cá độ.


Bắt đầu từ ý xấu nhất.


Bạn Dép Cao trong lần về thăm quê, những tưởng dân bảo xứ Huê Kỳ thì sẽ được võng lọng ra đón ai dè, chỉ có mấy chú công an Đồng Nai bắt  đăng ký tạm trú. Ra Hà Nội, thường thì cỡ Dép chí ít cũng được cấp bộ trưởng tiếp, vui ra thì còn được một trong tứ trụ xoa đầu. Dép thì không. Hôm dòm thấy Dép, tớ bẩu với một bạn bên vụ lễ tân, môi chì da ngoét thế kia, một là giường chiếu rất khá hai là xảo trá phải biết. Xảo trá là phẩm chất đương nhiên, có gia giảm ít nhiều tùy người của dân làm chính trị còn giường chiếu phải thử mới biết. Lần ấy chúng tớ đã cười sặc càphê hoà tan G7 của Trung Nguyên lên tận vách ngăn.


Về Mỹ, bạn Dép nói trên trời đâu không á. Các bác bộ NG cũng thông cảm vì áp lực của các thế lực thù địch bắt bạn ý nói khác khi ở trong nước. Tớ thì đồ rằng bạn Dép chim cú chuyện bị coi thường, đặc biệt là chuyện phải trình hộ chiếu với mấy nhãi ranh. Tuy nhiên, có lẽ các bác bộ NG cũng chim cú không kém, nên mới đẻ ra cái thư của bác Nguyễn Thanh Sơn.


Đại khái cái thư ấy rủ bạn Dép hợp tác để có những cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với cộng đồng hải ngoại, kể cả những bạn đang bất đồng chính kiến. Chỉ cần có tý trí khôn của bác nông dân với những câu hỏi ai, ở đâu, như thế nào trước đề nghị khá trân tình  trên của bác Sơn hay chỉ cần tý  tưởng tượng, cảnh đối thoại giữa bao nhiêu là cơ quan truyền thông hải ngoại của bác thứ trưởng bộ ngoại giao với chủ tịch Đảng Việt Tân Nguyễn Hữu Chánh thôi, là phải hiểu ngay thâm ý cái thư nằm ở 2/3 nội dung còn lại.


2/3 ấy bác Sơn nhắc lại những điều bạn Dép đã nói đã làm ở Việt Nam .


Bức thư không đóng dấu vào chỗ ký tên lẫn dấu treo, có nghĩa nó không phải là một văn bản chính thức, mà là một bức thư riêng.


Và bạn Dép sập độ. Một cái thư gồng mình căng cứng trả lời, đồng thời tung lên mạng. Điều bác Sơn mong cả tháng, giờ mới thành.


Kiểu gì thì bạn Dép cũng hết cao. Gần 90 triệu thằng giai tân  phơi phới xuân thì thế, nó đã mở lòng cầu hôn, đỏng đảnh thì thành rạc rài con bà cô, ấy là chưa nói đến trâu chậm uống nước đục hay hớt váng hớt bọt,  ông bà xưa dạy thế.


Kinh nghiệm nữ dân bảo Chét người Mễ, kiếm phiếu người Việt bằng cách chống cộng cật lực, cộng cấm cửa hcếđ cho vào cộng quốc. Quả này hơi bị đắng vì Chét trở thành vô dụng với cả thân cộng lẫn bài cộng. Bắc loa qua 17h bay để chửi thì để đối thủ Trần Thái Văn chửi tiếng Việt  dễ nghe hơn. Bạn Dép trúng dân bảo phần nhiều cũng do ăn may vì đối thủ bỏ cuộc, quốc cộng mà cấm cửa khóa sau bạn ấy tại vị, tớ cứ đi bằng dép, à không, bằng guốc mộc.


Ý này theo nghĩa vui nhất, tức là buồn cười nhất, dù chẳng liên quan đến chuyện nhậu nhẹt


Mà tôi nói thật, BBC sau khi Nguyễn Giang lên thì rạc hẳn ra, định kiến ngày một nặng nề, trong khi kiến thức cơ bản hổng chỗ này chỗ kia. Tôi nghĩ, điều cần kíp cho bạn BBC là phải giữ thăng bằng. Nhà báo bị định kiến dắt mũi thì cũng chẳng khác gì một nhà đầu tư chứng khoán bị lợi nhuận dắt mũi.


Câu in nghiêng trích blog của một bạn báo Thanh niên. (Viết riêng: nếu  Mr Do nghe  phát thanh thì có khi một giọng nam còn đọc là đảng quốc đại một cơ).  Sau vụ Tinh thần dân tộc lạc đàn, blog của một loạt nhà báo trong nước lên tiếng  thèm muốn không gian tự do của BBC và coi thường trình độ nghề nghiệp của ban tiếng Việt. Việc BBC đăng hai bài về Thái Lan gần đây là một minh chứng rõ nhất cho định kiến và kiến thức của BBC, dù chỉ là bài dịch.


Thái Lan dù bất ổn vẫn hơn Việt Nam . Ôi trời, đến vãi lái ra mất thôi. Không chỉ hơn Việt nam mà Thái giờ hơn hàng trăm nước trên thế giới, nhất là khoản…bất ổn. Ai quan tâm đến chính trị thế giới đều hiểu nguyên nhân bất ổn của Thái nằm ngoài nước Thái thế nên, hầu như không nước nào công khai bày tỏ thái độ hay quan điểm với  áo vàng áo đỏ trên chính trường Thái. Điều đó gây bất lợi cho quốc gia họ, nói nôm na tránh voi chẳng xấu mặt nào hay không dây với hủi. Việt nam không là ngoại lệ, vì Việt ta là nơi sinh ra hai câu thành ngữ kia lại sát nách anh Thái dúi nọ

Tớ có một kinh nghiệm về bạo động Thái rất lạ thế này. Hai ngày sau vụ đánh bom trước cửa trường học Phrasaeng,  tớ có mặt ngay tại nơi được cho là bom nổ. Không thấy gì đặc biệt trừ cảnh sát rất đông. Lân la hỏi những ngừơi cư ngụ sát quanh, có hai người trả lời được tiếng Anh đại khái có bùm bùm có chết nhưng nhiêu người hay cụ thể ra sao thì không biết. Buôn bán vẫn nhộn nhịp bình thường và đặc biệt, gái Thái vùng này xinh cực. Một kinh nghiệm vô duyên nhưng không thể quên.

Chuyện một quốc gia mơ một quốc gia lân bang oánh nhau để mình mạnh lên hay tận dụng cơ hội hôi của, rõ ra tư duy chỉ ở tầm…người viết báo.


Thêm dòng này cho anh zai tác giả bài báo hài hước trên BBC, chính phủ không chỉ đạo bọn tớ tăng cường đưa tin Thái để thấy chế độ Việt tốt an ninh Việt đẹp đâu mà ngược lại, văn bản giấy trắng mực đen do bác Nguyễn Văn Hùng phó vụ trưởng ký, bẩu chúng tớ hãm hãm đưa tin Thái lan lại, cấm đưa hình ảnh đổ máu, cũng như không nên đưa chuyện tình của Tổng nước Pháp nữa, dưng thấy mấy chiện này ăn khách nên chúng tớ chửa ngừng đấy thôi.


Còn tiếp

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

copy của TUANDDK

Các Cẩm phạt từ văn chương lù lù bước ra đường phố


-         Thôi, thế thì tôi chỉ còn cách li dị vợ tôi mà thôi !


-         Chết nỗi ! Tại sao thế ?


-         Tôi đã dặn nó thỉnh thoảng phải bảo trẻ nhỏ ra ném sấu ngoài phố, không thì để nhà cửa cho rõ bẩn thỉu, cống rãnh cho nó ngập lụt, cho thầy MinToa thỉnh thoảng biên phạt, thì tôi mới có dịp phạt lại vợ thầy ấy, thế mà nó cứ để con tôi ngoan như bụt, nhà cửa sạch như lau, như chùi ! Con khốn nạn, con ác phụ !


Câu chuyện bi hài của thầy cẩm MinĐơ vì cái “chỉ tiêu” 5 ngàn bạc Đông dương đã được nhà văn Vũ Trọng Phụng, cũng là ông vua phóng sự đất Bắc đưa vào văn chương từ những năm đầu thế kỷ 20. Cái chỉ tiêu này đã khiến những viên sở cẩm “đè vợ nhau” ra mà phạt văng tê, phạt như có thâm thù với nhau. Khốn nạn cả cho những thằng phu xe biết luật. Và ngay chính các thầy, trong câu chuyện than vãn trà dư tửu hậu đã trỏ mặt hỏi nhau: Chúng ta là cẩm phạt!?


Khốn nỗi, bóng ma “chỉ tiêu” cho các cẩm phạt nay đã từ văn chương lù lù bước ra đường phố khi Hà Nội vừa chính thức giao chỉ tiêu phạt cho CSGT. Tất nhiên, còn lâu các vị MinĐơ, MinToa tân thời này phạt lẫn nhau, bởi giờ đây, “những thằng phu xe” đã đầy đường.


Hoàn toàn không có tiền lệ trong lịch sử công an nhân dân cách mạng về chuyện giao chỉ tiêu phạt. Cũng không rõ căn cứ của thứ chỉ tiêu, mà người ta vẫn đang tranh luận không rõ là một biểu hiện của quyết tâm chống tiêu cực trong nội bộ lực lượng CSGT, hay là biến thái của căn bệnh thành tích- được nghĩ ra căn cứ trên số lượng CSGT, hay trên số lượng vi phạm. Chỉ biết chắc một điều là với chỉ tiêu này, mỗi ngày trên đường phố thủ đô, chắc chắn phải có 415 “thằng phu xe” vi phạm, bị phạt, bị “giam giữ nồi cơm”. Tác giả của cái chỉ tiêu, ông Trưởng phòng CSGT CA Hà nội, thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, trả lời báo chí: "Thời tiết chuyển sang hè, tình trạng không đội MBH, lạng lách trên đường ngày càng gia tăng ở bộ phận thanh, thiếu niên…”. Vì vậy, thì cứ tạm hiểu cái chỉ tiêu sinh ra là bởi… trời nóng và “một bộ phận” tóc xanh tóc đỏ không đội mũ bảo hiểm.


Có người đã tính, số lượng CSGT sau khi Hà Tây sáp nhập về  Hà Nội là khoảng hơn 800 người. Nếu tính cơ học, với chỉ tiêu 415 trường hợp vi phạm mỗi ngày thì mỗi CSGT phải phạt 2 trường hợp. Tức là CSGT ngày nào cũng phải tìm ra vi phạm và “phu xe” thì kiểu gì cũng phải vi phạm.


Phản ứng ngay sau khi cái quy định kỳ cục kia được đưa ra, Hà Nội lập tức xảy ùn tắc hàng loạt trong dịp nghỉ lễ 30-4. Tắc 3 tiếng đồng hồ ở Láng- Hoà Lạc. Ùn 4 km ở khu vực đường Pháp Vân… Ùn tắc sinh ra bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự bất lực của lực lượng CSGT trong việc phân luồng, hướng dẫn giao thông, chứ không phải sinh ra từ việc đội mũ bảo hiểm hay không. Đứng giữa cảnh ùn tắc “đi không nổi về không xong” đó, nhiều người đã chua chát đặt câu hỏi: Phải chăng vì cái chỉ tiêu quái đản này, lực lượng CSGT đã chỉ lo xử phạt, thay vì tích cực hướng dẫn giao thông? Phải chăng cái chỉ tiêu này đã chính thức thay đổi nhiệm vụ của các ông cẩm, từ hướng dẫn, đảm bảo giao thông, sang thành một thứ cẩm chỉ chuyên đi rình phạt? Và cảnh sát, ngoài nhiệm vụ duy trì trật tự giao thông, đã có thêm chức năng làm kinh tế khi theo quy định, lập biên bản xử lý là họ được trích % số tiền xử phạt?


Chỉ tiêu, theo định nghĩa, là mức quy định phải đạt trong kế hoạch. Nếu kế hoạch là giảm thiểu ùn tắc, là giảm số vụ tai nạn giao thông thì chỉ tiêu của các thầy cẩm đương thời hoàn toàn không phải chỉ là phạt. Bởi chỉ tiêu phạt chỉ có thể phục vụ cho một kế hoạch thô thiển hơn là đảm bảo cho thành tích phạt được nhiều, thu được lớn % “hoa hồng phạt”. Và hoàn toàn xảy ra trường hợp viên cẩm nào cũng đạt chỉ tiêu nhưng ùn tắc, tai nạn thì vẫn hoàn ùn tắc tai nạn. Như thế, CSGT thủ đô sẽ hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ?


Và vậy thì tại sao Hà Nội không đặt chỉ tiêu mỗi tuần, mỗi tháng, thậm chí mỗi quý giảm đi được một, trong số 64 điểm ùn tắc (trên 2h đồng hồ) đang hành hạ người dân mỗi ngày? Tại sao không đặt chỉ tiêu các đội CSGT phải đảm bảo ở mỗi ngã tư, mỗi điểm mà mình phụ trách không được để xảy ra ùn tắc?


Cũng may là các ông cẩm PCCC chưa học tập kiểu giao chỉ tiêu, chứ nếu ngành PCCC mà có chỉ tiêu thì chắc không còn cách nào khác là phải đốt chợ để chữa cháy.


Nếu họ Vũ còn sống, hẳn ông sẽ phải viết được mấy cái “Số đen” với nhân vật chính là những viên cẩm phạt suốt ngày ẩn ẩn núp núp với ước mơ, không phải là đường thông hè thoáng, mà mong sao cho những thằng phu xe vi phạm, để phạt cho đủ chỉ tiêu.

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2010

EXPO Thượng Hải: CHOÁNG


Bảo vệ hay tình nguyện viên đều thay ca khá đẹp mắt, rất Tàu thế này. Riêng quân đội hỗ trợ an ninh lúc nào cũng đứng nghiêm, các động tác hướng dẫn y như robot.



Gian Việt Nam, kẹp giữa bạn Nhật hình con tằm màu hồng với khối logo Hàn quốc khổng lồ, còn gì là đời chanh che nứa lá hả zời? Cũng an ủi phần nào là thuê riêng được một gian nghìn mét với giá khá bèo 250 nghìn USD cho 6 tháng, hơn chán vạn Lào và Mianma phải chung chia nhau 1 gian.



Khi họ khoe 3D 4D, ta chơi rối nước thía này bên trong. Rất khó để hiểu ta định quảng bá gì, hình ảnh sức mạnh quốc gia hay kích cầu du lịch.



Hàn quốc




Gái Tàu chân dài da trắng nõn



Tình nguyện viên trên cả tuyệt vời, hỏi ai cũng có thể nói tiếng Anh như cái máy khâu. Trước cửa gian Bắc Kinh trong tòa nhà Trung Quốc



Nhà đĩa bay của mấy bạn dầu hỏa râu dài



Đài loan



châu Phi, nể chưa mấy bác tranh tượng sĩ.



Tòa nhà này của Anh. Hãng tin ảnh nào cũng phải ghé mắt vì sự độc đáo



Ấn độ, một trong những nước có ngừơi xem đông nhất (đo bằng mắt độ dài độ đông người xếp hàng)



Không chỉ Đài Loan, mà Tây tạng cũng hoành tráng một gian,  như một quốc gia riêng không nằm trong Trung Quốc



UAE với màn hình 3D khổng lồ 1 600m, tạo cảm giác khi thì bồng bềnh trên thuyền giữa đại dương ngắm cá khi thì chao nghiêng trên máy bay ngắm sa mạc cát mênh mông cho người tham quan.