Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

cọp của Trương Duy Nhất


1000 năm Thăng Long- đại lễ cận kề. Không biết đã tốn bao nhiêu tiền? Chỉ biết rằng những loại “dự án hướng về” đại lễ trong mấy năm qua, trên khắp 63 tỉnh thành (chứ không riêng Hà Nội) đã nhiều đến mức không nhớ nổi. Tiền cho các “dự án hướng về”, và cho kịch bản chính của ngày đại lễ chắc sẽ (đã) chất cao như núi.


          Rồi sẽ ra sao? Chắc lại cờ phướn, băng rôn, sân khấu, hội hè, xếp hình người, múa may, nhảy nhót, hát hò… như muôn vàn lễ hội khác. Xong rồi tắt đèn ra về, đâu vào đấy, nhạt nhòa qua đi chẳng đọng lại gì…


          Trong vô vàn những đại dự án cho đại lễ nghìn năm, cứ thấy nó mông lung, vời xa và hão. Thay vì tổn phí hàng núi tiền cho các loại siêu dự án này, thay vì thành phố 100% quan chức là… tiến sĩ, thay vì “nâng tầm văn hóa” hay “giữ gìn bản sắc” chi chi đó, chỉ mong sao Hà Nội làm được mấy điều nhỏ (vĩ đại) sau:


          - Người Hà Nội không chửi, không văng tục, bớt… điêu ngoa.


          - Phố phường Hà Nội sạch, không còn vương vãi rác.


          - Hà Nội ngập tràn hoa, phố nào cũng hoa. Hà Nội thành một thành phố hoa, thủ đô hoa.


          Điều thứ nhất chắc không khó. Bởi chẳng lẽ người Hà Nội giờ lại không còn chút sĩ diện… Tràng An?


          Điều thứ hai càng dễ hơn, bởi nhiều đô thị khác sạch được, tại sao Hà Nội không ?


          Điều thứ ba rất giản đơn, không tốn phí tiền nhà nước, lại quản được, không phơi bày những biểu hiện thiếu văn hóa như các “lễ hội hoa” mà Hà Nội từng làm. Đó là vận động các hộ dân (tất nhiên cả các công sở) nhất loạt trồng hoa trên đoạn phố trước nhà mình. Hoa họ trồng, tự chăm, tự quản. Thế thì biến Hà Nội thành một thủ đô hoa, hoa ngập tràn 2 vệ đường mọi phố phường Hà Nội đâu có gì là khó, và đâu phải đợi chờ lâu?


                    Kịch bản nào cho đại lễ?


          Kịch bản cũng chia vô vàn… dự án. Một lượng tiền hoảng hồn, nhưng rồi vẫn chỉ nghe quẩn quanh mấy chuyện sân khấu hóa, tuồng chèo, nhảy nhót, hát hò…


          Tôi chỉ ước, một kịch bản giản đơn cho đại lễ, giản đơn mà linh thiêng, linh thiêng hào hoa đúng chất Thăng Long- một kịch bản khác mà tôi vừa… mơ thấy đêm qua:


          Một con rồng khổng lồ từ hồ Gươm, từ khu hoàng thành Thăng Long, hay từ… Phủ Chủ tịch bay vút lên trời cao, thật cao, ngút ngát giữa bao la mây trời Hà Nội. Ngồi trên lưng rồng là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Bản “nghìn năm Thăng Long đại cáo” với những áng văn vang dội sơn hà, qua chất giọng hào sảng của ông được gió trời thiêng Thăng Long thổi vang động đất trời, vọng rung sóng biển Đông, vang vọng khắp dải đất chữ S từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau…


          Bản “nghìn năm Thăng Long đại cáo” phải trở nên như một tuyệt tác tựa “Chiếu dời đô”, để cháu con muôn đời hễ ai là con dân đất Việt đều thuộc lòng như bản tuyên ngôn bất hủ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.


          Cả nước, từ bắc chí nam, có bao nhiêu công sở, bao nhiêu hộ gia đình, đúng giờ đó, sau bài “nghìn năm đại cáo” hào sảng vang dội sơn hà của Chủ tịch nước, nhất loạt gióng chuông lên. Hàng triệu triệu tiếng chuông cùng vang lên trong cùng một thời khắc- rung động năm châu, vang dội đất trời!


          Ấy mới là kịch bản xứng tầm nghìn năm, mới đúng nghĩa thiêng liêng hào hoa.


          Quá dễ để làm được điều này. Tại sao không?


 


 


Học

Tổng 3 thế hệ nhà tớ còn 6 nhóc liên quan đến cái sự học hành. 4 đại học, 1 lớp 1 và nàng- thèm đi học lắm zồi nhưng bố mẹ ông bà nội ngoại chưa quyết được trường, sau nhiều buổi hết bàn thảo căng thẳng đến vận động hành lang lẫn lộn nhau.


Không nên chui vào chỗ rắc rối, vậy nên tớ chỉ kể chuyện 4 nhóc đại học. 2 Bển 2 Này. So sánh từng chương mục.


Thời gian học trên lớp. Bển ít hay nhiều tùy thuộc vào khả năng tiếp thu, vào tính nết chăm hay lười, vào có chỗ trong lớp hay không để rồi một mùa lấy nhiều hay ít lớp. Để quản lý du sinh, Bển quy định mỗi mùa phải học tối thiểu 13.5 credit tương đương quãng 3 môn, dân bản xứ  thì thoải con gà mái. Này đơn giản hơn rất nhiều vì sêm sêm với giờ hành chính, lớp học như trại lính vì giống y trang nhau, ai cũng như ai.


Thời gian tự học. Bển nhiều gấp bội Này. Trước ngày thi có khi Bển học đến 1-2 giờ sáng. Thư viện Bển 10h đêm mấy tầng lầu còn kín mít trò. Thư viện Này nhỏ quá nên trò đi đâu học không rõ, về nhà năm thì mười họa mới thấy cầm cuốn sách lim dim.


Thầy. Niềm tự hào của Bển là đã có chỗ trong lớp của CIO này Nobel kia. Giá trị của trường phần lớn cũng từ đội ngũ thầy mà định ra. Này thì không được chọn thầy nên không rõ  thế nào. Giá trị của thầy do điểm bài kiểm tra  của trò định ra. Nói xấu thầy sau lưng thì hai bên như nhau.


Chương trình học. Bển nặng hơn Này chút đỉnh, về cơ bản là tương đương. Không biết sao Này hay đòi hỏi phải giảm chương trình, trong khi Bển giai xinh học tự nhiên vẫn phải học lịch sử và triết, gái đẹp học xã hội vẫn có môn toán. Khác nhau cơ bản nhất là các bài giảng của thầy Bển dựa trên các thông số thật, chính xác và cập nhật, thầy Này thông số cũ và giả định nhiều quá. Để làm bài kiểm tra về phân tích tài chính, giai xinh Bển phải bỏ 60 đô mua một báo cáo tài chính của một công ty thật, trên nền đó mà làm bài. Gái đẹp Này thì phải tự tưởng tượng ra các tình huống của một công ty ma. Mai mốt ra trường, muốn ma lần thế nào cho ra thật thì công ty phải dạy lại từ đầu còn thật sẵn rồi thì kiếm tiền nuôi bố mẹ ngon.


Còn nữa, Bển học rất nhiều về đạo đức, các môn chuyên ngành trong giáo trình có hẳn một chương về đạo đức ứng xử của ngành ấy. Hỏi Này sao hok thấy con học môn đạo đức, bị nó mắng cho đạo đức là thứ có sẵn, có thừa, xử thì tùy cơ ứng biến, việc gì phải học. Ngẫm cũng không phải vô lý.


Giải trí. Bất cứ chỗ nào, xe bus, tàu điện ngầm, phòng gym, đi bộ trên đường…đều thấy quãng 6-70% nhóc Bển không dắt tai nghe nhạc thì cũng ôm cuốn sách tờ báo. Xếp hàng từ 6 giờ sáng mua đĩa nhạc khi 10h tiệm mới mở cửa  có khổ thân tôi không cơ chứ. Chúng có thể bàn luận sôi nổi suốt bữa ăn về một cuốn phim (dở kinh theo tớ) hay kể nguyên nội dung một cuốn tiểu thuyết cho nhau nghe qua điện thoại. Này chỉ mê games, giúp việc xúc một tô cơm để cạnh bàn phím thì nó ăn, không thì nhịn, mắng nó nhe rằng cười không cãi, hòa cả làng. Cả hai đều không bao giờ chịu đi nghe nhạc cổ điển dù giá vé chỉ ngang kịch hay xiếc, Này thậm chí còn miễn phí, cũng không.


Này cực kỳ chú trọng hình thức, nhịn khổ nhịn sở để giữ vòng eo 58, 7h sáng đã bịt mặt như ninja sợ đen. Đưa tuýp kem chống nắng mắt trước mắt sau quăng mất. Bển ăn phình như rơi vào thùng bột nở, bôi chát rất nhiều nước hoa kem dưỡng ẩm keo bóng tóc toàn hàng hiệu. Rên rỉ ôi tiền của tôi Bển thơm chụt chụt đành tắt volume. Quần áo hai bên cả trăm bộ mỗi đứa, chúng đồng thanh kết luận, chưa bằng mẹ, xong phim luôn.

Viết riêng cho Nguyễn Hưng Quốc


Vào VOA đọc bài Cộng đồng hải ngoại như một lực lượng đối lập của anh, em phải ngồi tĩnh mấy phút để xem mình nghĩ gì. Và không gọi tên cảm xúc ra được…


Mấy năm qua, thời gian em sống ở Mỹ gần gần bằng ở Việt Nam, đọc rất kỹ báo chí, mạng hải ngoại, gặp gỡ Việt kiều tuy không nhiều nhưng em tin rằng đó là những người trung thực và hiểu biết. Em sẽ trao đổi với anh về bài viết dưới tầm quan sát hạn hẹp của em, như vừa kể.


 Về phía hải ngoại, anh có tin rằng có thể hình thành nổi một lượng đủ lực để đối lập? Khi ở dưới San José, em đã chứng kiến mấy nhóm biểu tình, rồi hàng tháng trời trên báo, trên đài cả tranh luận lẫn chửi nhau (đúng nghĩa đen) chỉ vì  cái tên của một khu thương mại mà so với ngay trong nước bây giờ, quy mô của nó cũng bé xíu xiu. Buồn cười là cả hai cái tên ấy đều chả dính dáng liên quan gì đến cộng sản hay quốc gia để mà bảo rằng, nó mang tính biểu trưng biểu tượng.


Những cuộc biểu tình tập trung được 5-7 trăm người liệu có đánh động được đến ai. Trong nhà trắng, tổng thống Bush đã nói với Thủ tướng Phan Văn Khải Ngài đừng quan tâm đến họ. Có lẽ anh không biết chuyện, lãnh sự quán đã lo sốt vó nếu không có biểu tình thì yếu nhân sang Mỹ thấy mình…yếu hơn những ông khác. Thực tình, em đã ứa nước mắt thương những ông già bà lão gào thét trong  buổi sáng lạnh giá ấy vì họ không biết, hành động của họ  đã bị biến thành vật trang trí, cho cả hai phía.


Lực thật như thế, còn lực ảo. Anh vào trang saigonbao.com, phải có thời gian mất cả ngày chưa đọc hết thì dễ dàng nhận thấy, thế giới ảo tưởng mênh mông hóa bé con con. Em biết có một blogger trong nước lừng danh với hải ngoại dùng tới 24 nick tự comment cho entry của mình. Muốn phản đối thì tối thiểu phải biết đối phương là ai. Năm nay nửa triệu người về VN ăn Tết, quay lại hải ngoại, liệu họ có chấp nhận để những người đưa ra những thông tin dạng thế này Dịch tả xảy ra vì không  có chế độ đa đảng, Bộ chính trị bỏ phiếu quyết định bắt hay không Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định…, dẫn lối đưa đường. Áp vào bài viết của anh, có thể mượn hai hình ảnh, thế giới ảo đang chỉ cho kiều bào (duy  kiều bào thôi) thấy gót asin của quốc cộng nằm cạnh…vai và thằng bé nói dối đã quá tam kêu sói ăn thịt cừu.


Về phía quốc tế. Không nên né một sự thật là vị trí của VN trên trường quốc tế hiện không như xưa, thậm chí năm nay đã không như năm ngoái. Đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới ngán ngại sự vươn dậy của Trung Quốc thì cái giá của Việt Nam tăng cao vùn vụt. Vụ tham nhũng của Huỳnh Ngọc Sĩ trong dự án Đại lộ Đông Tây vẫn khiến chính phủ Nhật thúc đẩy VN giải ngân nhanh hơn, nhiều hơn ODA. Năm nay, Obama sẽ sang VN trước đó là nữ bộ trưởng ngoại giao (em mê bà này ghê lắm). Tin em đi, nghị trình không có dòng nào dành cho cái gọi là lực lượng chống đối cả nội lẫn ngoại đâu. Mục đích tối thượng của chính trị bây giờ là tiền anh ạ, hình như xứ nào cũng thế.



Chính khách, cấp thấp như bà Sanchez, em chưa đối thoại trực tiếp nhưng gặp thì có. Chủ quan em nhận xét thế này, nếu đổi khu vực bầu cử khác, có khi bà ấy lại ca ngợi cộng sản đứt lưỡi không biết chừng. Cao hơn tý có ông Cao Quang Ánh, về nước trong các cuộc làm việc trực tiếp ông ấy basso hơn rất nhiều so với các phát biểu sau đó, với báo chí hải ngoại. Bản chất chính khách thì đến trẻ ranh cũng biết thế nên, bấu víu vào họ chỉ khiến bọn trẻ ranh nó thương hại mình.


Những điều có thể chỉ là vụn vặt như trên nhưng khiến em nghi ngờ tính hiệu quả của mọi sự chống đối và chưa biết chừng, đạn lại lạc vào những người không mảnh giáp che thân.


***


Có lẽ sự tổn thương vì hai lần nhập cảnh bất thành vẫn còn trong anh  nên mới có bài viết vội vã như thế chăng?  Cũng đã lâu anh chưa về nước (thời buổi bây giờ một hai năm đã là dài lắm lắm), em gửi anh coi một đoạn ngắn của một cậu đạo diễn trẻ kiêm phóng viên trong nước để anh tham khảo xem bọn trẻ nó nghĩ gì về những điều thế hệ anh và em quan tâm.


Mục đích bài viết này không phải để tranh luận chính chị chính em, em chỉ muốn giữ một sự kính trọng tuyệt đối với anh, như đã từng.


 


Copy chưa xin phép của Cánh cung xanh


trên là những câu chuyện rất cũ mà mình chả muốn nhắc lại. bởi, mình là đứa thuộc về cái mới. nhưng nhắc là để thấy những cái “bàn thờ” mà định trung long thức (những người được ai đó hăng tiết mà phong là các nhà dân chủ) đang bấu vào chả hơn gì những thứ mà mình nói ở trên. hơn chăng là ở sống trời tây rồi tự ướm vào mình những cái yếm văn minh, trí thức cho nó thêm phần đài các chứ tư duy, trí tuệ chả khác bánh mì lâu năm...mấy bác kia chả rõ nên miễn bàn, vài năm trước thấy cu trung “đăng đàn” phát biểu linh tinh chuyện trong nước rồi rao giảng cho các thanh niên dân chủ mình đã thấy buồn cười. nghĩ thằng này chắc học quá hóa rồ nên cá rô tưởng mình cá mập. mà thú thực, nếu mình là bố mẹ của cái đám thanh niên dân chủ thì mình nhục nhã và xấu hổ lắm. bởi để sinh ra chúng thì chắc cũng phải làm tình vất vả suốt mấy đêm chứ có phải khơi khơi mà bụng to lên được. mang đã nặng mà đẻ còn đau, sinh ra rồi nuôi cho khôn lớn, làm việc vắt chân lên cổ mới mong đủ tiền cho đi du học. tưởng con mình học được những thứ tiên tiến lắm hóa ra lại đi a dua, học đòi những thứ dân chủ tinh linh, củ chuối. phí hết cả cơm lẫn gạo.

năm nay cái ao giải trí việt có vẻ như thất bát, live show ế ấm, phim ảnh lờ đờ, kịch may lắm được vài vở đáng nói thì việc có mặt phiên tòa này âu cũng là cái show gỡ gạc cuối năm cho không khí đỡ phần tẻ nhạt. thú thực, mình thấy chuyện các nhà dân chủ này chỉ đáng để giải trí. thay vì hôm qua ta xem sao này sao kia uốn lượn trên sân khấu thì hôm nay ta xem nhà dân chủ này, nhà dân chủ kia kể chuyện ra sao trước tòa. mình hơi tiếc vài blogger có tiếng trong nước có vẻ như quan trọng hóa phiên tòa này nên đã dành nhiều thời gian cho nó. thậm chí có người còn lôi cả sử, triết, văn…, dùng cả học thuật để bàn về show án này. theo mình đó là phí, là xài sang quá. đùm dân chủ í chỉ cần nói theo lối tấu hài là đủ, là vừa vặn lắm dzồi.