Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Mê tín dị đoan hay độc tôn tín ngưỡng

Bài này từ blog Đông A, copy để tặng một bác công an nhà
thơ đang làm báo.


Mê tín dị đoan thật ra là một
khái niệm cổ xưa dùng để bài xích các tín ngưỡng dân gian nhằm độc tôn Nho
giáo. Mê tín là tín ngưỡng tin vào thần tiên ma quái, mà Nho giáo không bàn
luận về quỷ thần. Các nhà Nho gọi những học thuyết không thuộc Nho gia hay không
chính thống là dị đoan. Quan niệm về mê tín dị đoan thật ra là một loại độc tôn
tư tưởng, chống lại và tiêu diệt các tư tưởng khác mình, không giống mình.
Ở thời hiện đại ngày nay, khái niệm "dị đoan" vẫn không khác xa với
khái niệm cổ xưa. Cái gì không chính thống, không giống với quan điểm của mình
là dị đoan. Khái niệm "mê tín" được nâng tầm khoa học và hiện đại hơn
cổ xưa. "Mê tín" là những niềm tin gây hại cho cá nhân mình hoặc/và gây
hại cho những người khác. Ví dụ, chẳng hạn, niềm tin chỉ cầu Chúa là khỏi bệnh,
không cần thuốc thang chữa trị, là một kiểu mê tín. Song ở đây cũng cần nhấn
mạnh rằng, khái niệm "mê tín" hay bị lạm dụng cho những mục đích
khác, chẳng hạn, để bài xích tín ngưỡng khác mình, người ta có thể sử dụng khái
niệm này để tạo ra hỏa mù và định kiến. Ví dụ, chẳng hạn, độc thần giáo như
Thiên Chúa giáo bài xích các tín ngưỡng thờ bái tượng là mê tín.
Một niềm tin hay tín ngưỡng không gây hại cho cá nhân mình cũng như không gây
hại cho những người xung quanh không phải là mê tín. Và cũng không có bất kỳ lý
do nào để cho rằng chúng là dị đoan. Ví dụ một người vào chùa, khấn Phật, xin
Phật ban cho nhiều tiền. Niềm tin này không thể gọi là mê tín, bởi vì nó không
gây hại cho bất kỳ ai. Xin Phật ban cho nhiều tiền khác gì với khấn Phật xin
được an lạc, sức khỏe hay hạnh phúc? Những kẻ cho rằng đi chùa nên để tâm hồn
thư thái, không bận bịu chuyện tiền bạc, mới là tín ngưỡng chân chính, còn
những người xin tiền bạc, chức tước là mê tín, thật ra chính là những kẻ độc
tôn tư tưởng, độc tôn tín ngưỡng, cho rằng niềm tin của mình mới chính thống,
còn người có niềm tin khác mình là mê tín dị đoan, là đáng bài trừ, là đáng
tiêu diệt. Đó chính là những kẻ độc tài trong tín ngưỡng và tư tưởng. Và thật
sự, chưa biết ai đi chùa chiền mới là người thật sự an lạc, người khấn vái xin
tiền hay người không khấn vái xin tiền, bởi vì an lạc là một trạng thái cá nhân
và chỉ có cá nhân đấy mới biết cách an lạc của mình. Đối với nhiều người, khấn vái
xin tiền là một hình thức an lạc. Chỉ có những kẻ độc tôn tư tưởng, độc tôn tín
ngưỡng mới coi cách thức an lạc của mình là duy nhất, là chuẩn, là chính thống,
còn cách an lạc của người khác, không giống mình là mê tín, dị đoan.
Những kẻ đi chùa chiền chỉ nhăm nhăm lắng nghe những người xung quanh khấn vái
gì thật ra là những kẻ vô văn hóa. Người có văn hóa đâu có bận tâm người khác
xin Thần, Phật cái gì, bởi vì đó là chuyện riêng tư và cá nhân. Thật ra những
kẻ lắng nghe người khác khấn vái, sau đó bài xích niềm tin của họ, chính xác là
một kiểu mật vụ và chỉ điểm về niềm tin và tín ngưỡng của dân gian, không khác gì
những tên mật vụ theo dõi những chuyện trong buồng ngủ nhà người ta.
Người ta
"hối lộ thánh thần" thì đã làm sao? Có làm hại cho cá nhân nào không?
Có làm hại cho xã hội không? Nếu không, sao lại là mê tín, dị đoan? Một nguyên
lý cơ bản của thời hiện đại là mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc cho
mình, nhất là mưu cầu đấy không gây hại cho bất kỳ ai. Sao phải ngăn cấm người
khác mưu cầu hạnh phúc cho họ với Thánh Thần?
Cách ứng xử với tín ngưỡng và với niềm
tin của người khác là một cách hữu hiệu lột mặt nạ những tên độc tôn tín
ngưỡng, những kẻ vô văn hóa và bọn đạo đức giả