Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

KÍNH CẨN THÔNG BÁO



Beo có một nguyên tắc để lại comment trên các blog bạn như sau:
1. Người Beo quen biết ngoài đời
2. Người Beo từng trước đó có trao đổi thư tín riêng
3. Hết
Rất đơn giản, vì Beo không có nhu cầu giao tiếp với người không quen biết.
Tất cả các comment, dù mang Beo huy hay tên Beo, ở các blog không thuộc hai đối tượng bạn bè trên, đều không phải Beo.
Việc này Beo từng cáo bạch 1 lần trên blog, nay xuất hiện lại nên buộc phải loa loa.
Xin cảm ơn hai bạn Duy Tân và Mai Mơ Mộng đã dẫn link báo cho Beo biết.

XÙY TIỀN RA THÔI, BẦU ĐỨC ƠI!



1. Có nên quá bận tâm vào các cáo buộc của Global Witness (GW) ?
Câu trả lời của Beo: không.
Người đọc thông thường sẽ thấy các cáo buộc dạng này được làm khá chặt chẽ. Đọc kĩ hơn, mới thấy sự ma giáo của GW. Cụ thể trong vụ bầu Đức, mức độ khai thác rừng của HAGL vẫn nằm trong giới hạn an toàn với Lào và Campuchia, nhưng GW lấy tiêu chí cực kì khắt khe của các nước gần hết sạch rừng là châu Âu để áp vào. Hay như GW bóng gió về nạn tham nhũng ở Đông Nam Á, từ đó suy diễn việc chính phủ các nước này bao che cho HAGL, và GW dẫn chỉ số tham nhũng của Campuchia từ một báo cáo của...ngân hàng Thế giới.
Dạng tổ chức như GW, thế giới có cả chục cái lớn nhỏ. Không cần quan sát kĩ cũng có thể thấy, tất cả đều có chung mục đích gây ảnh hưởng chính trị hoặc làm áp lực kinh doanh lên các đảng phái, nhà nước hay các công ty đối lập (đối lập: với dòng tiền ủng hộ nuôi tổ chức ấy).
Tìm ra danh sách rót tiền vào GW trong thời gian gần đây và trả lời thật sát sao câu hỏi: ai sẽ hưởng lợi khi Bầu Đức rút khỏi Lào hay Campuchia, thì sẽ thấy nhận xét của Beo đúng hay sai.
Hai việc cần làm ngay nêu trên, dĩ nhiên Beo viết ra không nhằm chứng minh mình thông thái. Bởi nếu không làm ngay, hoàn toàn xảy ra khả năng GW sẽ ép chính phủ Việt kiểm toán bầu Đức để bắt buộc đưa ra thông tin giao dịch tài chính nhằm chứng minh đúng sai của cáo buộc. Về phía bầu Đức, không loại trừ khả năng sẽ bị phản ứng từ cổ đông và đặc biệt sự tẩy chay của khách hàng.
2. Phản xạ đầu tiên, báo lớn báo nhỏ trong nước thi nhau hùa với GW. Cũng không có gì ngạc nhiên bởi lâu nay vẫn thế, báo chí không tha cho kẻ...giàu bao giờ. Dù nhà báo tuổi đời 8X hay 9X đi nữa, thì tư duy ai cho phép mày giàu khi tao đang nghèo từ ông bà cha mẹ, đã rửa sạch đâu.
Đến giờ này, gió đã đổi chiều. Sự đổi chiều, vì thế dĩ nhiên đầy đáng ngờ về tính vô tư.
3. Đọc các phản ứng với GW của Bầu Đức trên báo chí Việt nam, Beo thấy toàn chuyện vặt trong cả 6 điều ông dẫn giải thanh minh. Nó cho thấy HAGL không có một tư vấn truyền thông có tầm suy nghĩ thế giới khi công ty đã vươn ra toàn cầu, toàn quẩn quanh cái ao làng với nhau.
Đổi chiều (của báo chí) trong nước, dễ.
Trong thế giới đầy những bọn đói khát này, suy cho cùng, nếu muốn đổi chiều GW, dễ nốt.
Xùy tiền ra thôi, Bầu Đức ơi.

LÍ TƯỞNG- tiếp



Beo về SG muộn, không kịp xem phiên tòa xử  hai thanh niên Uyên và Kha.
Như đã biết trước, hầu hết blogger đều tả tình tả cảnh ngoài vỉa hè tòa án và cố sống cố chết nhặt nhạnh những tình tiết nhạy cảm có lợi, hòng kêu gọi sự đồng cảm, ủng hộ của công luận.  Và lẽ đương nhiên, tịt lờ đi việc chúng đã tự tạo mìn, đã rải truyền đơn kêu gọi lật đổ chế độ này và phục dựng chế độ cờ vàng ba sọc cũ...
Beo có niềm tin chắc chắn rằng, các ông Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Quang Lập, cùng một lô các ông đang tung hô hai bé Uyên-Kha và vợ các ông, sẽ không dạy dỗ khuyến khích các con mình theo đó mà làm gương treo cờ vàng thay cờ đỏ. Cũng chắc chắn, các vị lại càng không hân hoan đến thế khi chính con các vị giam hãm gần hết tuổi thanh xuân trong tù, để rửa hận cho việc thực hiện một lí tưởng mà đời các vị làm không nổi không xong. Cái mùi xót thương hai bé bằng chữ nghĩa của các vị, không thể che nổi dã tâm hân hoan ấy.
Thế hệ những Gái Đẹp, Giò Bò, Mấy chú lính Biên phòng...hay Kha-Uyên, chúng tự chọn cho mình một  phương cách tham gia vào sự chuyển động xã hội. Tốt-xấu hay-dở, hãy để chúng tự chịu trách nhiệm và chính chúng cũng dư đủ nhận thức để không mượn bậc phụ huynh chịu trách nhiệm thay. Làm bố làm mẹ, ăn bám vào chúng đã tệ, dùng nỗi khốn khổ có thật của chúng để rửa hận cho sự bất lực nhục nhã của mình, có dụng hết vốn từ vựng tiếng Việt cũng không tả hết sự thảm hại.
Trong tâm thức của một người mẹ, nếu có gì cần nói nốt về Kha-Uyên, Beo mượn lời của Giai Xinh (viết nhảm trên Facebook) ứng vào thế này:
“Tôi đã cố gắng hết sức và không hối hận” là câu biện minh tồi nhất của người thua cuộc. Khi đã tham gia cuộc đua, cố gắng hết sức là không đủ, tôi phải đảm bảo thắng cuộc. Cạnh tranh không phải là một cuộc chơi vui vẻ, mà phải học hỏi từ sai lầm của mình và điểm mạnh đối phương, để tận dụng cơ hội lật ngược thế cờ.