Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

THỜI ĐẠI CỦA CHÚNG TA

- Thời đại gì mà điện thoại ngày một thông minh và mỏng manh hơn, còn con người thì ngày một ngu đi và béo ị?
- Thời đại gì mà bạn bè ngã thì người ta cười, còn điện thoại rơi thì người ta khóc?
- Thời đại gì mà người ta có thể tự tin làm đủ trò trên màn hình điện thoại, trừ việc nhìn thẳng vào mắt người khác?
- Thời đại gì mà chụp ảnh trong nhà xí trở thành trào lưu không thể chống lại và được đẩy lên thành 1 môn nghệ thuật - thể thao - văn hóa?
- Thời đại gì mà ai nấy đều cô đơn và khát khao tìm nửa kia hấp dẫn hay ho ngực to bụng 6 múi của mình, nhưng rồi họ lại lỡ bước qua nhau như phim Hàn Quốc chỉ vì mải nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại?
- Thời đại gì mà lũ trẻ quan hệ tình dục thì không cần bảo vệ, nhưng điện thoại lại nhất định phải có lớp chống trầy?
- Thời đại gì mà khi điện thoại bị đánh mất, đánh vỡ, chúng ta lo lắng dằn vặt, còn khi những thứ bé nhỏ vớ vẩn hơn bị mất, bị vỡ, chúng ta quá lười để cúi xuống nhặt lên, ví dụ 1 cục tẩy, 1 cái bút và nhiều lúc là một mối quan hệ, hay thậm chí 1 ước mơ?
Ranh ngôn của nàng BooBoo

PHẢI THAY ĐỔI MỘT ĐIỀU LUẬT VÔ LÝ

Trích ý kiến của Nhà văn Việt kiều Đức Nguyễn Văn Thọ.
Luật Quốc tịch, quốc hội nhà nước XHCN VN ban hành năm 2008, quy định: “ Trước 01-07-2014, người Việt định cư ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.“
Ngày 4-04-2014, ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ ngoại giao cũng nói rằng: “từ thời điểm luật này có hiệu lực đến trước ngày 1/7/2014, kiều bào nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch“. 
Khi công bố điều luật này Bộ ngoại giao đã không hề giải thích cụ thể rằng, ai là người phải đăng kí quốc tịch? Ngay sự trả lời của ông Nguyễn Thanh Sơn cũng để nhiều người hiểu rằng tất cả những người Việt Nam sống ở nước ngoài đều phải đăng kí lại quốc tịch.
Đây là một điều phi lí.
Bởi vì một thực tế rõ ràng là, trong số hơn 4 triệu kiều bào hiện nay đang sinh sống ở nước ngoài, thì hầu hết bà con đều đã có hộ chiếu Việt Nam do các cơ quan có thẩm quyền thuộc Nhà nước Việt Nam cấp. Như vậy về mặt pháp lý, đương nhiên, khi đã cấp hộ chiếu cho họ, nhà nước ta đã công nhận về vấn đề quốc tịch của số người này, chứng nhận họ là Công dân của nước CHXHCN Việt Nam, hộ chiếu còn ghi rõ cho người được cấp hộ chiếu một mục Quốc tịch: Việt Nam. Hồ sơ trong tất cả các đại sứ quán của ta ở nước ngoài, khi cấp hộ chiếu cho ai đó, đều đã được lưu giữ.
Thứ hai, về mặt cá nhân, những kiều bào khi đã nhận hộ chiếu, tức là họ cũng tự thừa nhận việc giữ lại quốc tịch của họ. Chúng ta cũng có những quy định cụ thể rằng, nếu công dân nào xin thôi quốc tịch, đều phải làm hồ sơ để Chủ tịch nước phê duyệt và hồ sơ từ bỏ quốc tịch cũng lưu trong tàng thư của các cơ quan ngoại giao và công an ngoại kiều. 
Điều luật này với sự thiếu rõ ràng của Bộ ngoại giao làm vấn đề trở nên thiếu sự minh bạch, gây hoang mang cho hơn 4 triệu đồng bào ta ở hải ngoại. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, hiện nay chỉ có 6 ngàn người trong số 4, 5 triệu đồng bào ta đăng kí quốc tịch. Như vậy sau ngày 1-7-2014, điều vô lí nói trên sẽ đẩy hàng triệu người Việt bơ vơ không còn tổ quốc. Gần 4 triệu người không còn quốc tịch nữa, dù họ không muốn, sẽ gây hậu quả khôn lường bất ổn về chính trị và thiệt hại không nhỏ về kinh tế, trái với tinh thần nghị quyết 36 của Đảng trong chính sách đại đoàn kết dân tộc, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế nước nhà khi một bộ phận kiều bào đầu tư kiến thiết đất nước bỏ cuộc. 
Một điều luật trái với thực tế khách quan như vậy, cũng dễ là kẽ hở để dễ sinh ra tiêu cực trong các bộ phận lãnh sự ở các cơ quan ngoại giao của ta. Tôi đề ngh
Quốc hội khẩn trương xem xét vấn đề này. Ý kiến của cá nhân tôi là, những ai là người Việt Nam ở nước ngoài đã có Hộ chiếu Việt Nam không phải đăng kí lại quốc tịch.