Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Gái Hà Nội

By: Gấu Tham Ăn
Ông thầy đại học bảo, cầu Chương Dương giống như cô gái trẻ nhưng xấu xí quê mùa, còn cầu Long Biên như người đẹp tuổi đã xế chiều nhưng vẫn còn nguyên những đường nét thanh tú của một thời vang bóng.
Bà nội không phải gái Hà Nội gốc. Bà là gái Nam Định, trôi về đất Hà thành buôn bán. Ông tôi mộ tiếng, tìm đủ cách cưới về.
Chẳng hiểu các cụ ngày xưa mối manh tìm hiểu thế nào, mà tận khi cưới về xong, bà mới ngã ngửa ra ông đã có vợ cả, còn mình chỉ là vợ lẽ. Nửa đêm, bà lấy trộm cái tít (thẻ căn cước) trốn đi. Ông cho người lùng về, xé tan cái tít rồi đánh cho một trận tơi bời, canh chừng cẩn thận. Đến tận lúc có con, bà mới thôi bị quản thúc; và từ lúc ấy, bà quán xuyến mọi việc trong nhà vì như ông nói, bà cả thì đần, có cũng như không.
Chắc là tôi không công bằng cho lắm khi phán xét chuyện này. Thứ nhất, ông làm vậy để khiến cho mình hạnh phúc, chứ chẳng nhằm mang lại bất hạnh cho bà. Thứ hai, vào thời của ông bà, có lẽ ông tin rằng lấy được một người như ông chẳng có gì là không tốt. Thứ ba, ông chẳng có cơ hội để phân bua cho mình - ông đã mất từ trước khi tôi kịp sinh ra.
Nhưng mà kệ, vì ông đã chưa kịp phân bua, và vì tôi chưa có dịp để thân thiết với ông như bà, nên tôi vẫn ấm ức cho bà bị ông bức hại, và tự hỏi làm sao người ta có thể chung sống một đời với người đáng để ta khinh ghét.
Thế mà bà, bà chẳng ghét ông. Có thể còn yêu là khác, theo cách của bà. Bà kể chuyện mùng 2 tháng 9 năm 1945, sửa soạn cho ông khăn xếp áo the, xôi nếp thịt gà đủ ăn đến cả tuần; vì chưa ai hình dung ra cái lễ Quốc khánh nó như thế nào. Đến gần trưa thì ông xốc xếch trở về, chửi ầm nhà vì bị chen mất cả cái ô. Bà kể, vừa nhai trầu vừa mủm mỉm.
Bà dạy tôi bói Kiều, mở một trang bất kì và bảo tôi đọc to để bà nghe. Thơ rằng:
"Trên yên sẵn có con dao
Giấu cầm nàng đã gói vào chéo khăn..."
Tôi ngơ ngác. Bà cười. Hẳn là ngày nào xưa, khi nửa đêm tân hôn trốn ra đường, bà cũng kiên quyết như nàng Kiều lúc ấy. Nhưng rồi bà cũng đã chấp nhận điều đó như là số phận, và khi đã chấp nhận thì vun đắp cho nó hết lòng. Điều mà những đứa con gái như tôi lúc này, ở thế kỉ khác nhìn về, không làm sao hiểu nổi.
Ông nội mở xưởng gò vành xe đạp ở phố Kì Đồng, Trần Phú bây giờ, nho nhỏ cỡ đôi ba chục thợ. Bữa nọ, có anh Tây vào sửa xe rồi dông thẳng, bà hốt hoảng hô lên: "Ối ông ơi, thằng kia nó không trả tiền." Ông bà hộc tốc chạy theo, ông chặn đằng trước, bà níu đằng sau giữ lại, dần cho anh Tây một trận ra trò. Cả đám bị điệu lên sở cẩm. Tội đánh người Tây, thợ thuyền ai cũng xanh mắt. Ấy vậy mà ông bà hoa chân múa tay trình bày một lúc, được tha bổng về. Chỉ hiềm sau hôm ấy, quan chánh cẩm cứ dăm hôm lại lượn qua thăm. Ông thấy có mùi, cấm tiệt không cho bà bước chân ra xưởng nữa.
Rồi kháng chiến, tản cư. Bà đi trước, quẩy một gánh, bên đồ đạc thường dùng, bên bố tôi ngồi gặm cạp thúng. Ông chủ tịch xã lâm thời thấy bà có nhan sắc, thấy bố tôi da trắng tóc hung, quy ngay là me tây, đòi bắt lại. Cái phích nước - thời ấy còn hiếm - bị đập tan tành vì lão tưởng là... bom. Ông nội đến nơi, làm tanh bành họ mới thả vợ con, nhưng nhất định không chịu đền cái phích. 
Ông tôi, một dân buôn thuần tuý chẳng màng gì triết lí sâu xa, cay đắng bảo rằng: "Pháp nó cướp nước, mà nó còn chưa cướp được của tôi đồng nào..."
Sau này thuật lại chuyện ấy, bố tôi chỉ nói nhẹ nhàng: "Người ta ác vì người ta dốt..."
Đó, hình như là điều duy nhất tôi học được từ ông. Để không ác một cách vô tình, không bao giờ được thoả hiệp với sự ngu dốt.
Thời thơ ấu của bố trôi qua nói chung yên bình như tất cả lũ trẻ con phố Hàng khác; hoặc giả trong những cái đầu thơ trẻ, bình yên là dù có bom rơi đạn lạc hay tay uỷ ban từng là ông bán cháo lòng thì cây bàng đầu phố quả vẫn cứ rơi lộp bộp trong bài văn của chúng. 
Sự cố vĩ đại nhất xảy ra vào năm lên 10, lúc người ta cho trẻ con làm bản tự khai để xin vào Đội. Trong khi các cháu khác đều con ngoan trò giỏi thiếu nhi mẫu mực thì chả hiểu do gen di truyền hay như nào mà giống hệt thiếu nhi con sau này, thiếu nhi bố tự dưng thấy ngượng tay nếu tự gióng cho mình toàn chuông vàng khánh ngọc. Phàm người, ai mà chả có tội lỗi? Dứt khoát là phải có tội lỗi. Nghĩ 15' hay nửa tiếng gì đó, thiếu nhi bố viết như sau: "Hôm nọ, đi học qua giàn mướp nhà hàng xóm thấy quả mướp non thò ra ngoài trông hay quá nên em có bẻ chơi. Như vậy là phá hoại tài sản, không biết quý trọng công sức của người lao động."
Trứ tác lừng danh được anh Tổng Phụ trách o bế nhiệt tình về tinh thần giai cấp tư sản ăn trên ngồi trốc, và nhờ vụ thật thà dũng cảm đó, thiếu nhi bố được delay vụ kết nạp xuống một (hay vài) đợt so với bạn bè.
Nói chung, cũng không có gì đáng quan ngại, như một tỉ thứ linh tinh xoè khác.
Nhưng đến cuối năm lớp 10 thì thanh niên bố đứng trước biến cố vĩ đại của đời người: Tốt nghiệp cấp 3. Nếu như nhiều bạn bè chỉ cần lựa chọn giữa đi làm hay tiếp tục học lên, thì bố, với cái tag lủng lẳng trong hồ sơ là con trai một tay chủ xưởng phố Kì Đồng, còn gián cách cổng trường đại học một năm cải tạo lao động nữa. Khi người ta mười bảy tuổi, rồi đột ngột thấy trước mặt mình một cánh cửa chắn ngang, rồi đột ngột hiểu ra rằng, cánh cửa ấy mới chỉ là bước đầu tiên dẫn tới con đường gập ghềnh dành riêng cho mình... Mười bảy tuổi, và nhận ra đôi khi người ta sẽ phải trả giá cho những cái tội không biết vì sao thành tội; và đôi khi bạn giỏi giang thế nào, tốt đẹp đến đâu không quyết định bạn là ai trong mắt người đối diện. Oan uổng và bất công, thứ cảm giác luôn quá sức chịu đựng của con người, nhất là khi người ta 17 tuổi, thừa năng lượng, thừa tự tin để nghĩ mình có thể phá bung hay san bằng tất cả...
Thanh niên bố không phá, không san, không khóc lóc hay thở than. Thanh niên bố bảo với cô bạn học, hoa khôi trường Bưởi và cũng là con nhà buôn bán, một câu kiểu kiểu như này: Em ạ, chúng mình ở bên nhau, đek có tương lai gì đâu.
Kể thế thôi, chứ tôi biết thừa cái bọn chúng ta, không còn ngốn nổi thứ tình hồn bướm mơ tiên, chưa từng thấm thía cái nhục, cái đau của thằng đàn ông phải thừa nhận không đủ khả năng che chở cho người mình yêu, thì hiểu thế đek nào được tâm trạng của thanh niên bố, khi nói ra lời ấy.
Gái trên đời có 2 loại: Sợ mình khổ và sợ làm người mình yêu khổ. Trong trường hợp này, cả 2 loại có chung một câu trả lời.
Và thế là họ chia tay. Bố lao vào xây dựng sự nghiệp từ 2 bàn tay, quyết không thèm đến cái cơ hội đổi nhóm đổi đời sau 1 năm cải tạo. Bác N., cô thiếu nữ Hà thành xinh đẹp, thì lựa chọn con đường đổi đời mà các cô gái muôn ngàn thế kỉ nay vẫn tin là dễ nhất: lấy chồng. Người mà bác lựa chọn, hay được chọn cho là con trai một gia đình cơ bản, có chức sắc trong ngành y. Và nhờ mối quan hệ đó, bác được sắp xếp để trở thành y tá.
Tôi chưa bao giờ có dịp hỏi xem, ai là người phụ nữ bố từng yêu nhất trong đời. Hẳn là bố rất yêu mẹ, nên mới quỳ xuống chân ông bà ngoại tôi để xin tha thứ, khi hai người chia tay lần thứ nhất. Hẳn là bố rất yêu mẹ, nên mới chọn mẹ làm điểm dừng sau thật nhiều những cuộc tình, khi vây quanh ông và những chiếc xe "cá xanh, cá vàng" đời mới nhất của ông là nhiều hot girl thời bấy giờ, trong đó có cả những nữ diễn viên nay đã được xếp vào hàng kinh điển.
Ở một khía cạnh có phần hơi "phản bội", tôi, con gái của mẹ, lại thầm mong trong lòng bố vẫn còn một góc nào đó dành riêng cho bác N. Cái cảm giác về một người đàn ông cả đời mang trong lòng một bóng hình, luôn có chút gì đó vừa ấm áp, vừa xót xa, vừa tin cậy. Huống chi, đó lại là những hoài niệm thời cấp 3 đẹp và trong veo đến thế, mà tôi thu lượm từng mảnh trong những câu chuyện người lớn nói với nhau, vừa thu nhặt vừa thử ghép vào đó những gương mặt người. Bác N., hẳn rất đẹp với mái tóc dài, nụ cười xinh, một chút e dè, một chút nên thơ, một chút láu lỉnh của những cô nữ sinh Hà Nội thời vừa giải phóng...
Nhưng, câu chuyện thực đầu tiên và trọn vẹn tôi được nghe về bác, thì trần trụi và cay đắng hơn nhiều. Cô y tá N. bị bắt quả tang hủ hoá với một bác sĩ ngay trong ca trực, ngay trong phòng vệ sinh của bệnh viện. Dì ruột tôi, một y sĩ, người được giao tham gia xử lí vụ này, đã rơi nước mắt khi bác N. bật khóc: "Tôi có đến nỗi nào, mà mỗi lần vợ chồng gần gũi nhau, ông ấy chỉ cởi một ống quần..."
Tôi chưa từng nghe thấy, ở bất cứ đâu, một người phụ nữ kể với giọng xót xa đến thế, về một người phụ nữ. 

DƯƠNG KHIẾT TRÌ SANG VN LÀM GÌ


Bạn Thái Sang hỏi: Tại sao Việt không học Phi đồng minh hẳn với Mỹ chống TQ? Vn không có đối sách nào khác ngoài việc tố cáo và tố cáo?
*** Chính sách ngoại giao của các nước ASEAN với Trung quốc hiện như sau: Trung lập có Thái, Mã, Lào, Mianmar, Campuchia, Brunei. Hợp tác để Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc, nhưng lấy sức mình là chính như Việt Nam, Indonesia, Singapore. Hoàn toàn dựa vào Mỹ có Phi.
Tại Đối Thọai Shangri-La, bộ trưởng quốc phòng  Mỹ đã nói rất mạnh qua ba điểm. 1. Trung Quốc có “những hành động gây bất ổn” ở Biển Đông. 2. Nhà trắng “không ngoảnh mặt làm ngơ” nếu trật tự quốc tế bị đe dọa. 3. Mỹ sẽ hỗ trợ cho Nhật trong kế họach Phòng thủ tập thể ở Đông Nam Á
Vậy nhưng, khi tướng Trung QuốcVương Quán Trung phản ứng: “Nếu Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù thì Trung Quốc chắc chắn coi Mỹ như kẻ thù” thì chỉ vài ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển giọng thế này:  “Chúng tôi khuyến khích các bên tiếp tục đối thoại với nhau, nhưng chúng tôi sẽ không góp ý về việc phán đoán vị trí và ý nghĩa của vị trí đó” (vị trí dàn khoan Haiyang 981).
Diễn nôm ra, chúng mày đừng đánh nhau là được, còn cái dàn ấy nó nằm trên đất thằng nào, tao không biết không quan tâm.
Với phát ngôn trên, bạn nghĩ có thể dựa hẳn vào “đồng minh tin cậy” Mỹ giúp bạn bảo vệ chủ quyền chăng?
*** Việc Trung Quốc gửi văn thư tới Liên hiệp quốc (có thể) là chiến thuật chống đỡ với dư luận thế giới trước sự phản ứng chủ động và mạnh mẽ không ngờ của VN. Bởi nếu im lặng tức đuối lý.
LHQ, sau khi phổ biến văn thư của cả Trung lẫn Việt tới các nước hội viên, thì …im lặng vì không biết (và cả không có quyền tài phán) làm gì hơn.
Thời gian luôn luôn là bạn đồng hành cho những kẻ yếu trong các cuộc chiến tranh. Nếu Việt Nam, trên biển kiên trì bảo vệ lãnh thổ, gia tăng tàu cảnh sát biển, kiểm ngư và tàu cá của ngư dân, trên đất liền vẫn tiếp tục vận động ngoại giao thì uy tín của Trung Quốc mỗi lúc mỗi giảm sút và vô cùng bất lợi trên trường quốc tế.  
Tuy nhiên nếu đơn phương rút giàn khoan thì Trung Quốc mất mặt nên sẽ kèm các điều kiện. Điều kiện gì, thì phải đợi Dương Khiết  Trì nói ra, Beo mới biết. Mưu sâu kế hiểm của thằng lái buôn Tàu, ai đoán trước được hết, Beo lạy ba lạy.
Và các bạn hãy yên tâm, chính phủ Việt hiện rất đồng tâm nhất trí chủ trương đón tiếp Dương Khiết Trì như sau: Trung Quốc phải rút giàn khoan trước, đàm phán sau; Không chấp nhận các điều kiện tiên quyết, đặc biệt các điều kiện bất lợi về chủ quyền lãnh thổ.