Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

VỠ LÒNG VỀ NHÂN QUYỀN

1. Cẩn thận gói bằng giấy bạc nhét vô vali nguyên bó rau thơm nấu canh chua lớn ngang bó rau muống, không quên khai CÓ trong tờ khai nhập cảnh, mình thản nhiên đi qua cửa khẩu.
Dĩ nhiên, bị khám vali, bị tịch thu, chỉ không bị phạt 300 đô vì đã trung thực khai CÓ kể trên.
Nhưng, mình như nhời tổng bí Cả Lú, không phải vừa đâu. Mình bảo bọn Mỹ: đấy là cái cây may mắn của tao. Bỏ theo hành lý thì tao tin rằng không bao giờ bị thất lạc.
Sozy rối rít, gói ghém lại gần như cũ, tặng thêm nụ cười rõ tươi và nhấc hộ cái vali lên xe đẩy.
2. Mình không thể chịu nổi, từ trên các phương tiện truyền thông đến mạng xã hội đến loa phường đến biển báo...vì sao người ta mạt sát những đức tin của người khác đến thế. Từ (xía vô) chuyện van vái chức tước bổng lộc trước cửa đền cửa Phật đến (chõ mồm) vào mâm vàng mã hương hoa thịnh soạn...và hàng chục chuyện tương đương thế, trên nền lấy thanh bần làm chuẩn, lấy mớ tri thức hỗn độn của cá nhân làm thước đo.
3. Trong một nghiên cứu của đại học Michigan-Mỹ, Việt nam xếp thứ hai thế giới về vô thần (sau Đan Mạch).
Trong một ngâm kíu của Beo Hồng, Việt Nam dẫn đầu thế giới về công khai xúc phạm quyền riêng tư.
Đừng ôm vác những điều to lớn bao la về nhân quyền tận đẩu đâu về xứ này, khi hàng ngày hàng giờ, bạn không hề thấy bức xúc trước những xúc phạm quyền riêng tư của những người xung quanh và của chính mình.
Chính quyền, sẽ buộc phải gói bó rau ngò gai nghò ôm lại trả bạn, khi bạn biết phân biệt nó là vật khước hay là mớ rau thơm, là giá trị tinh thần hay ăn uống vặt, để đáp trả lại lệnh tịch thu.
Mơ tiến sĩ, trước tiên phải thuộc bài vỡ lòng ấy đã.

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

NHÂN VẬT VÀ SỰ KIỆN CỦA NĂM 2014 - 1

(Entry viết từ năm dương cách nay 2 tháng).
1. Nhân vật xuất sắc nhất năm: NGUYỄN ĐỨC KIÊN
Beo quen biết  già nửa trong 10 người giàu nhất sàn trứng khoán (danh sách năm kia) và nhận xét chung về họ thế này:
- Có học. Tức có cả học vấn lẫn văn hóa cao.
- Làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Không có thừa kế từ gia đình.
- Có tố chất doanh nhân lớn. Có hoài bão xây dựng vị thế quốc gia trên  trường quốc tế. Ý thức nước lên thuyền mới nổi.
- Hiểu biết sâu sắc thể chế chính trị hiện hành. Rất thuộc luật, vận dụng luật pháp cũng như  tinh thần tôn trọng luật pháp rất cao.
Tất cả những nhận xét trên, ông Nguyễn Đức Kiên đã thể hiện rất rõ khi tự bào chữa cho mình tại các phiên xử ông trong năm vừa qua.
Ngay sau phiên sơ thẩm, cộng đồng, vốn được dẫn dắt bởi các  thông tin có chỉ đạo, đã quay sang ủng hộ và ...ngưỡng mộ ông.
Ông xứng đáng là nhân vật xuất sắc nhất  năm 2014 bởi qua ông, dân chúng u mê lần đầu tiên nhìn thấy chân dung-trí tuệ trung thực của một thế hệ doanh nhân mới (Beo đặt tên thế hệ Đông Âu) với những cay cực của họ trên con đường làm giàu trên đất nước mình.
Beo từng viết trên blog này lâu lắm rằng, để thu phục nông dân có cuộc cách mạng cải cách ruộng đất, để lấy lòng dân nghèo thành thị có cuộc cải tạo tư sản  tư doanh và nay, để lấy lại quyền lực, người giàu - một lần nữa-  bị lấy ra...thí cô hồn.
Tàn sát doanh nhân, việc lẽ ra chỉ có ở quốc gia mọi rợ.
2. Sự kiện nổi bật nhất năm: BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM TẠI CUỐC HỘI
Lý giải và bình luận của Beo: hihi, hehe, haha

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

TẾT VỚI CHẢ NHẤT !

Tết, luôn luôn gắn với nhất.
Tết, gắn chặt với ăn và chơi như các từ đồng nghĩa.
1. Giờ, thử so sánh những thú ăn và chơi đặc trưng ngày Tết, được cho là cổ truyền về phong tục tập quán, xưa và nay.
 Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh trưng xanh
Thịt mỡ dưa hành bánh trưng...thêm mâm cỗ với măng hầm, bóng xào, gà luộc...giờ chả đợi háo hức đến Tết mới ăn mới có. Nó tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm, muốn ăn bất cứ ngày nào giờ nào, có liền. Ấy vậy nhưng, nó vẫn bắt các bà nội trợ quần quật ba ngày Tết, chỉ vì vài miếng ăn như thế.
Cây nêu trừ ma trừ tịch cũng thưa vắng, vì đơn giản, pháo cấm rồi treo gì lên ngọn nêu, dọa ma quỷ.
Tục xin chữ đầu năm, quả là cực đẹp. Nhưng người ta xin thứ người ta thiếu từ người thừa, là ông đồ. Giờ, nhẽ đâu xin ngược, tiến sĩ cần xin thêm chữ ku sắp cử nhân.
Hai sự hiện đại hòa nhập với cổ truyền, bạn có thể thấy bất cứ đâu: nhậu và đánh bài. Lai rai cả năm, nhưng rộ lên (nhất) là vào dịp Tết.
Vô cùng đẹp, tục thăm viếng chúc Tết nhau ngày đầu Xuân. Trăm sự khúc mắc năm cũ bỏ qua, năm mới an hòa cùng nhau thịnh vượng. Tục này giá nào cũng nên gìn giữ và tu bổ uốn nắn giáo dục, nếu nó biến tướng. Ví như bố vợ con rể lỡ có quá chén mà đổ đồng ông thằng mày tao chi tớ.
2. Một sự khôi phục cổ truyền vừa hài hước vừa phỉ báng cổ truyền: lễ lạt mà  chủ tế là người đứng đầu quốc gia.
Vua xưa, vừa là người cai trị quốc gia vừa là người thế thiên hành đạo, sợi nối giữa đời và trời đất linh thiêng. Nay đầy tớ nhang khói van vái đàn Nam giao hay áo nâu xồng giày vải Tịch điền sau đít trâu. 
Mỗi thời đại có nhu cầu tinh thần của mình. Lễ hội xưa phù hợp với bối cảnh sống xưa. Người tham gia lễ hội tin tưởng can dự vào chính đời sống tâm linh mình và, điều này mới quan trọng, rất nhiều khi nó mang lại giá trị đời thường thật sự. Sau Hội Lim, liền chị bấy nay chăn đơn gối lẻ có niềm nhớ nhung liền anh làng bên hay sau hội Đâm trâu, người thắng cuộc nhận được sự nể trọng của làng xóm vì là nhà nông giỏi giang nhất. 
Phục dựng, thuần túy là màn diễn vụng của sân khấu. Chỉ cú click chuột ra  gần nghìn bạn tình tha hồ chọn, chả mất công í ì i éo hát hò. Thời chó quý hơn người, đâm trâu chém lợn quá  quân man di mọi rợ. Và chỉ thần kinh bất bình thường mới tin rằng, sau các lễ tế của các đầy tớ sẽ mưa thuận gió hòa sẽ quốc thái dân an......ví dụ thế. Người ta đến xem thay vì can dự như một thành phần, dư âm hẳn sẽ chẳng là bao.
Ấy là nói trên tinh thần phục dựng chỉn chu tỉ mỉ kĩ lưỡng, chưa bàn đến sự bôi bác nhôm nhoam đến kinh khiếp trên thực tế...
3. Dân mình cực sợ cực kị từ bỏ những thói quen và dân mình, suốt chiều dài lịch sử từ thời Lý Công Uẩn tới đồng chí X, chưa bao giờ sinh ra một nhà cách mạng về văn hóa để nâng những thói quen tốt đẹp tử tế thành chuẩn giá trị văn hóa.
Thế nên, kinh tế có trở nên vẻ vang với các cường quốc năm châu đi chăng nữa, thì văn hóa chỉ từ lụi tàn tới lụi tàn với câu cửa miệng vô cùng phi logic, bao giờ cho đến ngày xưa...
Cái ngày, chờ đến Tết mới được ăn thịt mỡ với dưa hành.

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

GIÁO SƯ VÀ DÁO XƯ-2

4. Học hàm giáo sư gắn rất chặt với lợi nhuận, cũng như hầu hết-nếu không muốn nói là tất cả- các danh vị của Mỹ bao giờ kèm sau nó cũng là lợi nhuận.
Có lẽ vì thế mà họ giàu. Họ không cần thứ hữu danh nhưng vô thực. Giấy rách thì họ vất luôn làm lại tờ  giấy mới khác, chứ còn cái lề, giữ để mà chi cho thành chắp vá.
5. Beo đứng nguyên buổi sáng mưa và rét ở Văn Miếu, phần vì có 2 người bạn được phong Phó giáo sư trong buổi lễ hôm ấy, phần vì muốn quan sát thần khí của các thành phần tham gia.
Hào hứng. Trân trọng. Nhưng...
Bài phát biểu lê thê vừa đọc vừa nói vừa giảng của nguyên thứ trưởng Trần Văn Nhung, cho thấy, ông chẳng coi người nghe của mình, những trí thức bậc cao nhất nước nhà, là cái thá gì khi yêu cầu họ phải online, USB chứ đừng gửi cho hội đồng tài liệu gần hai chục cân. Ông cũng (tự) minh oan khi so sánh tỷ lệ giáo sư trên đầu người của ta còn thua nước Đức...
Thôi thì ông bậc cây đa cây đề, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, phàm gắn hai chữ nhà nước tất lẽ dĩ ngẫu,  ông nói gì kệ ông, nhưng đến bài phát biểu của tân giáo sư trẻ nhất, thì...
6. Trong lễ tốt nghiệp đại học của Giai Xinh, cậu tốt nghiệp loại giỏi nhất đại diện các tân cử nhân phát biểu. Đã mấy năm mà ý tứ  Beo vẫn không quên bởi, có thể trích ra như danh ngôn hàng chục câu trong bài nói ngắn đầy hài hước, làm cả hội trường  bò ra cười ấy.
Cậu bảo, đại ý: lớp chúng ta cần nhanh hơn. Nếu có người chắn phía trước, tức chúng ta chưa đủ nhanh. Lớp chúng ta cần mạnh hơn. Nếu vẫn thất bại, tức chúng ta mạnh chưa đủ.
Cậu cảm ơn mỗi bố mẹ.
Hôm ở Văn Miếu, ghi nhanh cảm xúc của mình, Beo viết: Bài phát biểu với những kính thưa, cảm ơn, đề nghị của tân giáo sư trẻ nhất, nó là của nô lệ nói với ông chủ.
Tâm thế và tư thế tiêu biểu, của một  nô lệ.

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

GIÁO SƯ VÀ DÁO XƯ-1

Hai bạn Baron Trịnh và Nguyễn Trần Đăng đề cập đến chức danh giáo sư và phó giáo sư. Tại Nhật, học hàm này Beo không rõ nên không dám qua mặt thầy giáo. Nhưng tại Mỹ, cụ thể như sau:
1. Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, không tổ chức...phong học hàm học vị, chỉ quản lý theo luật lao động.
Việc phong GS với các điều kiện, tiêu chuẩn thế nào là tùy vào từng trường. Tuy nhiên, nó cũng có những chuẩn chung nhất cho tất cả các trường, ví dụ như quá trình (thời gian) giảng dạy, học vị, hợp đồng lao động với trường...Đặc biệt, khi có thành tích khoa học nổi bật (ví dụ như đoạt Nobel, Field...) thì việc phong này đặc cách, bất chấp tất cả những điều trên.
2. Học hàm tại Mỹ có nguồn gốc từ nhà thờ Kitô giáo châu Âu, thế kỷ 16. Như đã nói, vì việc phong học hàm tùy thuộc vào từng trường nên có cả thảy quãng 20 cấp. Trong đó, có 5 cấp cơ bản chung nhất cho tất cả các trường như sau: (Beo chuyển ngữ theo nghĩa dễ hiểu) Giáo sư danh dự (Distinguished Professor), Giáo sư (Professor), Phó Giáo sư (Associate Professor), Trợ lý giáo sư (Assistant Professor), Phụ tá Giáo sư (Adjunct Professor). Mỗi trường có thể gọi khác nhau chút xíu, ví dụ như Adjunct Professor có thể là Lecturer hay, Distinguished Professor một số trường gọi là Endowed Professor.
3. Trợ giảng là Teacher Assistant. Đây không phải học hàm. Nói dân dã nó tương đương chân sai vặt. Các giáo sư có thể thuê bất cứ sinh viên nào làm cho mình, hầu hết các trường do  Giáo sư tự bỏ tiền trả công.
Công việc này, luật lao động không đòi hỏi phải là thường trú nhân mới được phép làm, như các học hàm kể trên. Đây có lẽ là trường hợp mà bạn Nguyễn Trần Đăng hỏi.