Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

CHUYỆN TRÊN ĐỈNH TRỜI –TIẾP


Hương
Hồng
Chuyến đi nào, mình cũng mang theo  vài đồ  đàn bà nho nhỏ làm quà  riêng, len lén  tặng các cô giáo. Cây son, hộp phấn hồng, mấy cái quần lót màu thành thị...không đáng gì nhưng là ...đồ xách tay bên bển về.
Lần này, gói quà ấy nằm trong vali thất lạc, leo lên VJ nó mới về đến nhà. Tận hôm nay, vẫn áy náy.
Quanh năm rừng với núi, đường đi khúc bò bằng tay khúc trườn bằng mông, mùa mưa đến bất xuất bất nhập bữa đói bữa no, nhưng cô nào cũng có một đôi giày cao gót, váy áo chờ khách đến để diện. Có năm đông, được đến  ba,  bốn đoàn khách leo lên tận nơi. Hương, Hồng, Tới, ba cô thích mình lắm vì già thế mà đi nhanh.  Lớp mẫu giáo của Hương cách lớp tiểu học của Hồng, Tới một con dốc leo ù tai. Tối, ba cô  tụm vào ngủ chung.
Tự so sánh, các cô toàn thấy mình sướng, mình may mắn vì người Mông ham học, không phải đi năn nỉ phụ huynh hay tìm học trò như anh ấy chị kia bạn bè, dạy ở những vùng khác.
Khi nhà mát bát vàng đang lên đồng với Tứ với Trụ, thì ở nơi hẻo lánh cùng cốc thâm sơn, một năm đủ  bốn mùa sương và giá lạnh, 3 cô gái cũng Bám, cũng Trụ.
Nhóm mình đến,
Tới đang đau bụng tháng
Vẫn cố  đi đến chân dốc đón.
“Mình không gọi là chúng nó với danh xưng cô giáo, mà với mình, chúng nó chỉ là mấy đứa con gái với tất cả những thuộc tính của đám con gái, nhưng những thứ bình dị như một vòng tay ấm, cái ôm chặt, xi-nê, ăn kem, kẹp tóc, mua sắm, khoe áo mới hay thậm chí cả facebook...lại những thứ xa xỉ, nỗi khát khao!
Trường ọp ẹp, nằm tách biệt lưng chừng mây núi, không điện, không nước, tivi, ba đứa quanh quẩn với nhau, với đám học trò nhỏ xíu...
Trời ạ, ngôn từ, một lần nữa, lại bất lực! 
Thương các em vô cùng!” ( Trích từ Quang Bui)

Nhóm thiện nguyện Áo Ấm Biên Cương lập ra từ tứ xứ. Anh vác cái bao áo ấm cho trẻ là một đại gia Hải Phòng, gallant chịu không thấu suốt hành trình leo trèo.
Nàng ngoài xinh hơn ảnh 100 lần. Tận tụy vén khéo cho nhóm. Hai chị em tự phong nhau là hoa hậu AABC.
(Bản quyền ảnh của AABC)

CHUYỆN TRÊN ĐỈNH TRỜI

Không có số liệu thống kê chính xác, nhưng chắc chắn rằng một diện tích khổng lồ rừng Tây nguyên đã bị tàn phá sau giải phóng, bởi tập quán du canh du cư của người Mông.
Người Mông đi tới đâu, đốt rừng để làm nương rẫy. Họ kiến tạo nên những  mảng ruộng bậc thang làm mê mệt các nhiếp ảnh gia cho tới khi đất cằn khô, họ di cư đến nơi mới và...đốt rừng tiếp.
Họ ở rải rác, và chỉ chọn những nơi cao ngút ngàn.
Nhà nào gắn chùm lá thế này, là đang có việc. Tự tiện vào, bị phạt 2 con gà hoặc 1 con lợn. Người chết, để 3 ngày trong nhà. Hàng bữa vẫn đút cơm-thịt vô miệng, mời ăn.
Pờ Hồ Cao là bản Mông ở cao nhất trong dãy Hoàng Liên Sơn. Xuống xe hơi, chạy thêm 5 cây xe máy và lội bộ 4 cây nữa, thì tới nơi. Thiên nhiên như trong giấc mơ thiên đường. Dăm vài cây cổ thụ sót lại, lừng lững đơn độc ẩn hiện trong mù sương. Lá ngón rải lẫn với cây chè dây, ẩn dấu sự bạo tàn sau vẻ đẹp xanh tím mềm mại, cũng đến chết người.
Có lên đến tận nơi, mới thấm thía nỗ lực khai sáng dân trí của chính phủ và cảm phục một cách sâu sắc những người đã và đang thực thi sự khai sáng đó.
Ba cô giáo, đều chưa đến 30. Mình dây da mịn má đỏ căng. Mỗi cô dạy 2, 3 lớp ghép lại, lớp 2- năm cháu lớp 3- tám cháu. Nhắc tới VNEN (chương trình thực nghiệm giáo dục do WB tài trợ và UNESCO cổ súy và đang được dạy tại  đây), hay nhắc tới Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú...ai cũng cười, những  tiếng cười buốt tim.
Hương dân Nam Định. Hai con gửi nội ngoại mỗi bên một, chồng vợ mỗi người mỗi nơi thành nhà chia làm 4. Dạy mẫu giáo, 15 cháu, bán trú, một mình ở trên đỉnh cao nhất bản. Ngoài dạy các cháu tiếng Kinh, cô kiêm luôn  bảo mẫu và  đầu bếp. Gạo phụ huynh góp, cuối tuần cô lội bộ xuống núi gùi đồ ăn tươi sống lên đủ ăn cho 2 ngày đầu tuần. Những ngày sau đó, cô trò ăn đậu phộng, trứng. Người Mông nuôi heo, gà thả đầy quanh nhà nhưng...không bán. Tập tục thế, chẳng khác được.
Lầm lũi đi về đường rừng như thế, 6 năm rồi. Hương khoe một con dao rất đẹp dấu trong balô để phòng thân. Mình bảo, không dao có khi đỡ nguy hiểm hơn. Hương cười, nhưng  em thấy yên tâm hơn.
Cô nào cũng tươi roi rói. Tịnh không một lời ủ ê, u ám. Cuộc sống nghiễm nhiên nó thế, công việc nghiễm nhiên phải thế.
Cho dù, cô nào cũng khóc, vì nhớ nhà.