Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Xin thắp một nén nhang

Những thằng lưu manh thường
lớn họng, những thằng hèn thường chiến đấu đến giọt máu cuối cùng của… người
khác. Tôi là một trong những “người khác”, đánh nhau đến viên đạn cuối cùng để
rồi bị bắt, bị tù đày vì những thằng lưu manh, hèn hạ đó, và bây giờ vẫn tiếp
tục phải thấy và phải nghe những điều chó má như thế. Trích từ “Nếu Đi Hết Biển” của Trần Văn Thủy đoạn phỏng vấn nhà văn vừa từ trần Cao
Xuân Huy
lấy từ Da màu


Cao Xuân Huy, cùng với Bảo
Ninh, là hai tác giả viết về chiến tranh hay nhất trong lịch sử văn chương
Việt. Mỗi ông đúng một cuốn, cho dù Bảo Ninh còn lâu mới về với đất, như Cao
Xuân Huy.


Hai ông đều là lính, ở hai
bên chiến tuyến. Đảng phái, phe nhóm bầy đàn, kể cả thân xác con người, rồi
cũng tan đi hết. Chỉ những giá trị nhân bản tồn tại. Ở Cao Xuân Huy, nó để lại
trong Tháng ba gãy súng. Hiếm khi, mình thấy những điều trừu tượng lại hiện hữu
cụ thể, bằng như thế.


Xin thắp một nén nhang, cho
người thân thiết chưa kịp làm quen.

MAY HƠN KHÔN (TIẾP)

***    Beo vốn rất ít thiện cảm với các doanh gia
lên báo khoe chiến tích tình trường. Bởi đạo đức người Việt, có lẽ chả cứ người
Việt, hành động đó xúc phạm người phụ nữ. Chưa nói doanh gia cũng chẳng còn
xuân xanh gì, năm sáu chục tuổi đầu nay chân dài gầm cao này mốt ngực khủng
hông bự kia, rồi làm sao dạy con dạy cháu.


Dĩ nhiên ai cũng biết Beo
đang nói về nhạc sĩ kiêm doanh gia Hà Dũng. Thôi thì, hãy tôn trọng phong cách
sống của ông, tầm văn hóa của ông, nó thế, đừng lấy chuẩn mực chung rồi đong đo
nghệ sĩ như mọi người trần mắt thịt khác.


Cái hãng hàng không Indochina của ông mà toàn thể làng báo Việt giành cho nó
bao lời có cánh, nay tan xác pháo. Beo nhớ một dạo hãng cung cấp nhiên liệu dọa
ngưng vì nợ, cũng cả làng báo la lên đồ nhà nước độc quyền láo toét, để giúp phi
cơ ông tiếp tục bay. Giá mà ngưng từ ngày ấy, thì cái hãng nhà nước  kia chỉ mất 
có 12 tỷ thay vì 21 tỷ như bây giờ. Mất, bởi có mà bắc thang lên hỏi ông
giời. Lạ cái là thi thoảng vẫn thấy ông ung dung tự toại tham dự các show diễn với
gà (chữ của các báo), không chút mặc cảm xấu hổ về những thiệt hại đã gây ra
cho các đối tác kinh doanh.


Làm ăn, hẳn phải ứng xử khác chuyện
gái gú. Bởi ứng xử ấy được điều chỉnh thêm cả bằng luật pháp chứ không chỉ bằng
tầm văn hóa, của riêng mỗi  người.


***