Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Cách Mạng Hoa Nhài

Copy từ
blog Trương Thái Du


Cách Mạng Hoa Nhài tại Trung
Đông vẫn đang tiếp diễn. Ở Tunisia ,
chính phủ “Cách Mạng” vừa sập, bạo lực vẫn diễn ra, người dân vẫn đổ máu. Tại
Ai Cập, chính phủ quân sự đang đảm bảo trật tự, liên hồi hứa hẹn sẽ không
chuyển đến một cơ cấu chuyên quyền. Libya đã chính thức bước vào cuộc
nội chiến, khói lửa bom đạn có khả năng được góp thêm vào bởi quân đội ngoại
bang.


Còn quá sớm để kết luận Cách
Mạng Hoa Nhài là cuộc Cách Mạng Dân Chủ theo kiểu mẫu mơ ước của phương Tây. Và
cũng không thật sự muộn để nghi ngờ Cách Mạng Hoa Nhài mở ra một vòng xoáy
bạo lực đầy máu và nước mắt.


Nhân loại nhìn vào Trung Đông
bằng con mắt khác trước rất nhiều, ngay sau khi sự kiện 11.9.2001 diễn ra.
Trong một lần chuyện phiếm, giáo sư triết học Nguyễn Hữu Liêm từng tâm sự với tôi:
“Hãy nhìn vào ánh mắt của người Hồi Giáo, tương lai nhân loại nằm ở
đó”.


Trong nhiều bài báo trên Tuổi
Trẻ Chủ Nhật gần đây, tác giả kỳ cựu Danh Đức cho rằng sự kiện ở Ai Cập nói riêng,
Trung Đông nói chung, là thất bại bất ngờ của người Mỹ, “gậy dân chủ” đập lưng
“nhà xuất khẩu dân chủ”. Thật vậy, khả năng nhân cơ hội này, các lực lượng
chính trị Hồi Giáo cực đoan nhảy vào “chiếm diễn đàn” một cách “hợp pháp” và
“dân chủ” là không nhỏ. Vị thế của Mỹ ở vùng Đông Bắc Phi đang bị thách thức.
Một khi mặt trận Hồi Giáo chống Mỹ liên kết từ Iran – Iraq – Pakistan –
Afghanistan đến Đông Bắc Phi, bàn cờ địa chính trị Trung Đông chắc chắn sẽ rung
chấn dữ dội. Còn quá sớm để nói rằng vũng lầy Đông Bắc Phi đang đợi người Mỹ,
song, viễn cảnh là có thật.


————————


Trái với sự bất ngờ từ đầu
của Mỹ ở Trung Đông, ước mong được thấy Cách Mạng Hoa Nhài diễn ra tại Trung Quốc
của họ thật là chảy bỏng. Chẳng ai nghĩ là đại sứ Mỹ Jon Huntsman lại “tình cờ”
cùng gia đình đi ăn fast food McDonald Vương Phủ Tĩnh trúng ngay địa điểm và
thời điểm ghi trên lời hiệu triệu Cách Mạng Hoa Nhài Bắc Kinh.


Trung Quốc, cũng như Nga
trong suy niệm giữa các tác phẩm của Kundera, là một nước lớn, một nền văn hóa
lớn, độc lập và riêng biệt. Các nước nhỏ có thể mạnh lên, lớn lên nhưng cũng có
thể yếu đi, sức ảnh hưởng giảm thiểu, song nước lớn thì mãi mãi là nước lớn,
sức ỳ của nó thật sự là vĩ đại. Do đó “ao ước” của ngài đại sứ Mỹ hay giới
truyền thông phương Tây quá ư lãng mạn. Cách mạng “gì đó” ở Trung Quốc
chỉ  diễn ra khi các yếu tố nội tại của nó chín mùi, chứ chắc chắn không
bao giờ chịu ảnh hưởng  ngay lập tức từ một hướng khác.


Với logic của Kundera, trong
thời điểm mà hầu như mọi người Việt Nam đều ý thức họ là nước nhỏ (trừ
tôi
), thì Cách Mạng Hoa Nhài ở Việt Nam còn vô phương hơn Trung Quốc ngàn lần.
Lịch sử đã chứng minh có sự liên quan hữu cơ giữa tình hình Việt Nam với Trung
Quốc ít nhất là hàng trăm năm nay.


Như vậy Cách Mạng Hoa Nhài ở
Việt Nam
sẽ không diễn ra đến hai lần.


——————–


Khổng tử cho rằng “Ái kỷ cập
nhân – Con người yên bản thân mình trước rồi mới đến tha nhân”. Nhận
định về Cách Mạng Hoa Nhài của tôi có lẽ xuất phát trước tiên từ nguyện
vọng yên ổn của cá nhân, trên cơ sở những luận điểm có căn cứ nhất định. Tôi
cũng tin rất nhiều người Việt Nam
có cùng cảm nghĩ với mình, ít nhất là với những người hằng ngày bên cạnh mà tôi
có dịp thăm dò.


Lần xem film Mỹ nọ, thành phố
thanh bình, mấy thế hệ chỉ có một biến cố đáng nhớ nhất, sâu đậm nhất là một vụ
sát nhân. Tôi bỗng thốt lên với bạn bè “Sao người Mỹ họ hạnh phúc thế!”. Thế hệ
chúng tôi, đất nước chúng tôi, thế kỷ vừa qua, đã chứng kiến hết biến cố long
trời lở đất này đến biến cố long trời lở đất khác. Hậu quả hiển hiện: đau đớn,
đói nghèo dai dẳng. Và ngược ngạo thay, chính Mỹ chứ không phải ai khác là tác
giả của rất nhiều “biến cố” đầy máu và nước mắt cho các vùng đất khác, dân tộc
khác, khắp nơi trên thế giới.


Phải sống đủ năm, đủ tháng
người ta mới đủ can đảm và dũng khí để xem mình là một kẻ bình thường. Biến cố
đó là sự bất thường. Biến cố là điều tôi đã chán ngán đến tận cổ. Do đó đừng hy
vọng ở tôi một tín hiệu cho Cách Mạng Hoa Nhài.