Thu Hà, một trong hiếm hoi những phóng viên viết văn hóa giỏi nhất còn hành nghề, viết trên Tuổi trẻ, đại khái sửa lưng những nguời đi nghe nhạc giao hưởng mà không biết vỗ tay cho phải lúc.
Mới hơn, nhạc sĩ Dương Thụ ngầm khoe rằng, phải nghe phải am hiểu nhạc giao hưởng như thế hệ ông mới ra người Hà nội gốc.
Chưa rõ từ khi nào, nhạc giao hưởng được người ta khóac cho cái áo nhạc bác học, và vì thế ai mặc nó, nghiễm nhiên được coi là người có văn hóa cao, đôi khi còn được xếp vào hàng sang trọng thanh lịch, vân vân và vân vân.
So sánh đơn giản, nhạc giao hưởng giống như cuốn tiểu thuyết. Chú viết ra hàng ngàn trang chưa chắc đã chứa nhiều hỉ nộ ái ố cuộc đời bằng chị kia viết truyện ngắn mấy trang. Tương tự, bác thích đọc trường thiên tiểu thuyết cũng chưa đủ bằng chứng uyên bác hơn nhà em chỉ mê mẩn mấy bài haiku.
Nhạc giao hưởng xuất phát từ châu Âu, tức toàn bộ nền móng thiên-địa-nhân để sáng tạo nên nó, cách biệt ta một trời một vực. Đây là lí do chính yếu để cho dù, dân trí ta có nâng lên tầm cao mới ngàn lần nữa, thì số lượng người mê nhạc giao hưởng vẫn èo uột thế thôi.
Ở đây, thuần là sở thích cá nhân.
Phàm sở thích cá nhân, nếu bạn thấy chỗ nào hay quá, thú quá, thì cứ vỗ tay thoải mái đi, một mình bạn cũng cứ vỗ. Beo đã đi nghe giao hưởng ở Anh, Pháp, Thụy điển, Mã, Sing và Mỹ, và rút ra kinh nghiệm, chẳng có quy luật bất di bất dịch nào cho việc việc vỗ tay. Đa phần hiện nay, người ta vỗ tay theo cảm xúc chứ không đợi cho đủ hết 4 chương mới ra người lịch sự văn minh.
Cái thời, làm sang bằng nghe nhạc giao hưởng, qua lâu rồi.
Không thích, đến nhà hát chi cho mệt.
Thích, cứ vỗ tay đi.