Beo
làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi với ba đứa con, cùng một câu hỏi: Con nghĩ thế
nào về trách nhiệm công dân của người làm báo?
Giai
Xinh (Thạc sĩ Quản trị kinh
doanh): Báo chí có nhiều loại với nhiều mục
đích khác nhau, viết cho nhiều đối tượng khác nhau. Vì thế, nhà báo không chỉ phải
có trách nhiệm công dân, mà quan trọng nhất là trách nhiệm công việc. Anh làm
cho báo nào thì anh phải phục vụ đúng mục đích và đối tượng của báo đó.
(Con uống trà sữa nha mẹ)
Báo nào cũng phải có một mục đích
chung nhất là phục vụ xã hội…
Cái định
nghĩa ấy xưa rồi mẹ. Báo chí bây giờ là một doanh nghiệp buôn bán trao đổi
thông tin và xã hội phải bỏ tiền ra để mua thông tin ấy. Thế nên trách nhiệm ở
đây phải hiểu theo hướng kinh tế, tức là anh phải đảm bảo sản phẩm cho người
tiêu dùng. Họ bỏ tiền mua tôm anh phải bán tôm, không được trộn tép vào.
(Con uống Coke nha mẹ)
Nếu khi lợi ích của báo đối lập với
lợi ích quốc gia chẳng hạn…
Cũng sẽ do
thị trường quyết định. Người tiêu dùng sẽ đủ sáng suốt để ủng hộ hay tẩy chay
sản phẩm báo nào.
Gái
Đẹp (đang học- Thạc sĩ Quan
hệ quốc tế)
Con nghĩ
nhà báo thì cũng như mọi người, giống như bác sĩ luật sư thôi. Nếu là người có
nhân cách tốt thì là bác sĩ luật sư tốt, không phải vì có cái thẻ nhà báo nghĩa
là được phân loại nhân cách khác người.
Tuy nhiên,
điểm khác biệt giữa bác sĩ luật sư với nhà báo là nhân cách nhà báo là quan hệ
2 chiều. Bác sĩ nói gì bệnh nhân phải nghe luật sư nói gì thân chủ phải nghe,
nhưng nhân cách nhà báo phụ thuộc rất nhiều vào người đọc báo.
Thì tiếc
thay, thế hệ này nhân cách và tầm trí thức của người đọc bị hạ kém nên báo chí
trở thành trò giải trí. Không thì thành con bài chính trị rất hoang dã và rẻ
tiền.
Những nhà
báo thực sự có trách nhiệm, đạo đức và tinh thần gần như không còn nữa.
Tuy thế, tinh thần báo chí (journalistic spirit) thì không thể mất được nên truyền thông nó
tìm những cửa khẩu khác để giải tỏa. Blog là một ví dụ.
(Vừa đang gấp quần áo vừa suy nghĩ
tiếp)
Tóm lại là
nếu muốn nhà báo có trách nhiệm thì người đọc phải có trách nhiệm. Cao hơn, là
người đọc phải có một trình độ tri thức nhất định.
Nếu nền
tảng tri thức của xã hội xuống quá mức thì tinh thần con người vẫn sẽ tìm những
đường khác truyền thông truyền thống để thể hiện.
Lúc đó,
cái từ “người làm báo” không chỉ là người có thẻ nhà báo, mà cả đơn giản
là 1 người với cái laptop và camera.
Út
Ít (đang học- Cử nhân
Đông phương học): Nhà
báo cũng giống như bác sỹ. Bác sỹ khi ra trường phải thề (cái lời thề gì đó ấy mẹ). Căn bản của lời thề là ko được (cố ý)
làm hại ai, và phải chữa hết khả năng của mình bất kể bệnh nhân là ai.
Nhà báo Tàu chẳng hạn, nếu viết bài
khách quan về Biển Đông rất có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, vậy họ sẽ
phải làm sao trong trường hợp này?
(Nghĩ rất lung và rất lâu: Con nghĩ
ra rồi mẹ ạ).
Nhà báo
phải tuân theo bản chất xã hội. Ở những nước như VN hay TQ, xã hội là xã hội
gia đình, tính cộng đồng đặt lên trên cá nhân. Nhà báo là tiếng nói của cộng
đồng, bảo vệ lợi ích cộng đồng. Vậy nên nhà báo TQ có ý muốn bảo vệ lợi ích
quốc gia, là tròn trách nhiệm và đúng.
Hay ở Mỹ,
xã hội yêu cầu mỗi cá nhân hay tổ chức phải tự nói cho mình, tự bảo vệ lợi ích
của mình. Nhà báo nếu có quan điểm đi ngược với lợi ích số đông, thì đó cũng là
bổn phận của họ.
Tóm lại trống mẹ đánh xuôi kèn con thổi
ngược.