Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

CHẾT LÃNG NHÁCH

Trước sinh mạng một con người
mà đặt cái tựa thế, quá nhẫn tâm. Tuy nhiên, không thể nói khác được.


Có hai mặt của vấn đề.


Từ bé chí nhớn, dân mình
không được học cách tự vệ trừ khi tự học lấy. Không khó để bắt gặp trên phim
ảnh cảnh, một ông bố ôm ngực (nghĩa là dính dáng đến tim) gục xuống, cả đoàn vợ
con cháu chắt xúm vào lắc, lay cật lực thậm chí xốc ngược lên cõng chạy. Cả cái đoàn làm phim mấy chục người ấy không một ai biết đó là 
những cách giúp ông …chết nhanh hơn.


Mới nhất hôm nay, một người
đàn ông ở Cầu giấy Hà nội nhảy ra từ thang máy, bị mất điện và dừng lại  lưng
chừng giữa sàn và trần. Ông rơi lọt xuống hầm thang khi có tới 2 bảo vệ đang đứng
đó trợ giúp. 5/6 báo điện tử cùng đưa tin, thậm chí còn  quay cả hiện trường như thám tử. Beo đọc rất
kĩ, không một báo nào đưa ra những lời chỉ dẫn trong tình huống ấy nên làm thế
nào, rặt những lời nặng nề lên án chủ thang máy trong khi, cái thang không hỏng
 chỉ mất điện.


Giai xinh hỏi: mẹ ơi tại sao
lại hoan hô một bà lao xe máy vào 2 tên cướp. Hành động ấy phải gọi là ngu ngốc
chứ không thể khen dũng cảm khi quý của bị cướp hơn cả sinh mạng mình. Từ phổ
thông, cảnh sát đã đến trường dạy con, không nên chống lại bọn cướp. Việc duy
nhất cần làm là cố gắng nhận diện cướp càng nhiều càng tốt để giúp cảnh sát
nhanh chóng tìm ra nó.


Đến đây thì lại sang mặt kia
của vấn đề: Dân ta hầu như không được bảo vệ từ các lực lượng chức năng chuyên
nghiệp.


Qua  những nước văn minh, rất hiếm khi nhìn thấy bóng
dáng cảnh sát ngoài đường nhưng chỉ cần một va quẹt nhỏ, vài phút sau là năm
bảy xe cảnh sát hú còi ầm ĩ xịch đến vây quanh. Ta, ngược lại. Ngã ba ngã tư
lùm cây góc phố, chỗ nào cũng thấy cảnh sát, đông như bán hàng rong nhưng gặp
chuyện, loe ngoe vài mống.
Chết người còn có chú ghi ghi đo đo còn chưa
chết, hãy tự thân vận động nhào vô cướp lại
từ cướp. Hôm rồi đi miền Tây ngang Rạch giá,
Beo chứng kiến cảnh ba chiếc chiếu, hai lớn một nhỏ đắp đó. Mấy anh dân phòng
và cả thường dân chia nhau…điều khiển giao thông kiêm bảo vệ hiện trường, không một bóng  áo vàng.


Lại nữa, điện thoại cứu cấp
chia ra làm mấy số 113,115... người già trẻ nít làm sao nhớ. Beo từng gặp trường
hợp gọi 115, cà kê dê ngỗng hỏi bệnh gì biểu hiện ra sao. 10 phút sau lại thấy
gọi lại, để… kiểm tra xem có đúng số máy này gọi cấp cứu hay chọc phá chơi.
Thách mà không chửi bậy.


Sự sống bẩm sinh vốn cực kì
mong manh, không được học để tự vệ lại cũng  không được bảo vệ, những cái chết còn là lãng
nhách.