Tưởng chạy sang Đài Loan, ôm theo 64 ngàn cổ vật có
một không hai suốt chiều dài văn minh Hán Đường Tống Nguyên Minh Thanh Trung quốc.
Ngẩn ngơ giữa bảo tàng cố cung Đài Loan, không thể tin nổi những siêu phẩm ngọc
ngà ấy được chế tác bởi con người, từ hàng ngàn năm trước. Thầm ngưỡng mộ tư duy đại quý tộc của Tưởng. Cụ đã gìn giữ cho nhân loại những giá trị vô giá bởi nếu còn nằm ở Đại lục, liệu số cổ vật kia có tồn tại nổi qua cuộc cách mạng văn hóa?
Họ, Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch, cùng chung mục
đích cuối là xây dựng một đất nước Trung hoa hùng cường, nhưng khác nhau con đường
đi. Mao dựa vào nông dân, Tưởng dựa vào trí thức và giới nhà giàu. Gần 2 triệu
người theo Tưởng chạy sang Đài Loan, không rõ giới tinh hoa ấy chiếm bao nhiêu phần trăm nhưng, cách hành xử mềm dẻo khôn ngoan trong các chính sách đối
ngoại bao năm qua rõ ràng đã đóng công phần lớn cho sự tồn tại, cho sự phồn thịnh
của Đài Loan hiện nay.
Và đây, Đài Loan nhìn từ phía phồn thịnh ấy.
Từ Cao Hùng, Đài Trung cho tới thủ đô Đài Bắc, rất dễ
tìm thấy những bản tố cáo THoa đại lục đàn áp môn phái Pháp luân công, thảm sát Thiên an môn. Lại cũng có những chiếc xe hơi kéo quốc kì và đảng kì Đại lục, mở nhạc hết cỡ, chạy lòng vòng khắp phố. Phiên dịch bảo đấy là những bài hát ca ngợi Mao. Một xứ sở có nền chính trị thú vị và nhạy cảm bậc nhất thế giới.
Dĩ nhiên, còn một phía khác của Đài Loan sau những
ngôi nhà cao tầng. Ở đó có phố đèn đỏ xam xám rách nát với các cô gái son phấn đậm đen ùa ra túm kéo những người đàn ông không mấy ngại ngần; Những người đàn ông tàn tật
tươi tỉnh bán vé số; Những người già bắc ghế nghe những bản nhạc xưa cũ phát đi từ một chiếc xe bán băng đĩa dạo cổ lỗ sĩ, thản nhiên nhìn nhà sư khất thực ngang qua; Chị bán bánh bao nướng lầm lũi...
Đừng thấy cụ còng lưng thế mà tưởng già. Cụ đang lựa
phim sex đấy. 100 Đài tệ (quãng 75 ngàn Việt) mua được 5/7 đĩa tùy nơi sản xuất ở
Nhật, Thái hay nội địa.
CÒN TIẾP