Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Nó, ngày xưa đẹp nức tiếng.
Da mịn, mắt to, tóc hoe nâu.


Lận đận đường duyên, cứ sát
ngày dọn về ở với nhau thì tan. Thuở đẹp nhất, mua nhà sắm gối chung  một thằng rồi, chỉ đợi nó bỏ vợ. Li hôn xong,
nó lấy luôn mụ thẩm phán xử vụ nó. Mình dẫn cho một mối. Manly cực kì. Chàng mết,
vác hoa ôm dây chuyền tặng. Đi công tác mua cả nước mắm về cho. Không hiểu chẳng
chuộc thế nào, giờ chót cũng tan. Chàng kia, phi công quân sự, tướng tá hàng
hiệu chuẩn. Đằng đẵng hàng chục năm, lớn bé ai cũng vun vào, tự nhiên, Nó thôi.


Nó nói, người cõi âm phá. Nói
với lòng tin chân thật, không phải tự huyễn hoặc hay tự an ủi.


Nhận  con cô em gái về làm con. Cũng lạ, cả
nhà  thấp nhỏ, mình thằng bé cao vồng
lên, mặt mũi sáng trưng. Giờ đang học bên Sing, gọi mình bằng mẹ. Ngày nó còn
học ở trong nước, có hôm Hà nội lạnh căm căm, trong lúc đứng vỉa hè đợi đón con
đi học thêm, gọi cho mình, chả biết sau
này nhớn có nhớ đến bác...


Đêm, nghĩ Nó đơn lẻ, chảy
nước mắt. Có lần, Lão í thấy, tái mặt quýnh quáng xin lỗi. Khi biết lí do nửa
đêm nước mắt vắn dài, Lão í im lặng. Tận sáng hôm sau vẫn lấm lét chờ mình nói
mới dám mở miệng. Mà, lần nào như lần nấy, là Nó alô ngược, đêm qua nghĩ thương
cậu, chảy nước mắt. Chơi với nhau mấy chục năm, đôi khi cảm giác hai đứa nhập
hồn làm một. Mình bảo,
tôi nói trước cho
ông biết già tôi ở chung với nó đấy. Bố chịu thôi,
nói thế, nhưng  Lão tủm
tỉm cười.


Bạn bè bất kể thân sơ nhờ gì,
làm quá bằng việc của Nó. Đầu đội zời chân đạp đất. Tính thế, chẳng phải cậy
quen thân hàng tá ông to bà lớn mà dọa thiên hạ. Có ông sếp, lúc đương quyền cư
xử rất tệ. Ông chết, Nó vẫn còng lưng quét chùa trong lễ cầu siêu ông. Đấy chính
là người viết bài báo mà sau này, ông khác (bị ép) nhận thay trong vụ Năm Cam
dù bảng kí nhận nhuận bút còn lưu nguyên tên.


Sáng sớm, Nó nhắn tin, về già chúng mình ở với nhau nhé. Đêm
qua, mình soạn một cái tin  y chóc thế, chưa
gửi, vì lúc ấy đã  hơn một giờ.

GHI CHÉP VẶT LIÊN QUAN ĐẾN VĂN CHƯƠNG THƠ PHÚ

***Ông nhắn cho tôi một cái
tin khá dài và cảm động, …bao giờ sự có
mặt của em cũng mang tới sự tốt lành cho anh chị…


Vợ ông là nhà thơ, sau hoạn
nạn của ông, hay gọi hoạn nạn của cả gia đình ông cũng đúng, thơ chị hay bồng
lên. Dĩ nhiên, không ai mong một hoàn cảnh như chị để có những bài thơ hay
nhưng  có lẽ, đời con người không có
biến cố, văn chương thơ phú chỉ là những thứ gia vị không màu không mùi.


Hai nhiệm kỳ đã trôi qua, mọi
thứ trong ông, đau đớn uất hận tủi hổ, dường như đang lắng lại. Ông chấp nhận
sự nghiệt ngã của chính trị, giống như số phận sắp riêng đặt sẵn cho ông vậy.


Tôi nhắn tin gì cho ông, anh ơi lưới trời lồng lộng. (Trích từ một cuốn  sách vừa viết xong trang cuối)


*** Năm thứ nhất đại học. Lớp
mình được đổ tới nhà văn hóa quận Nhất bây giờ với một núi sách không biết thu
từ đâu về và tụi mình phải phân loại đồi trụy-đồng nghĩa với sách văn học- và
không. Dân văn khoa, chả đưa nào ngu gì không thủ dăm cuốn mang về. Mình 4: Thơ
Du Tử Lê, Dòng sông ly biệt của Nguyễn Thị Hằng và Cuốn theo chiều gió, Buồn
nôn. Nói thế nào nhỉ, những cuốn sách in trước giải phóng này tác động rất lớn
nhận thức của mình về nhiều thứ, vượt ra ngoài cả chuyện sách vở cho dù vào
thời điểm ấy, mình đã ngốn hết tất cả các bản dịch của hai cụ Tolstoi, cụ Đốt hay
các cụ Pháp quốc văn chương ngòn ngọt đường phèn. Nó hằn sâu vào tâm trí đến
mức sau này không thể đọc nổi bản dịch mới Cuốn theo chiều gió của Dương Tường
và cho đến giờ, vẫn thuộc lòng gần hết tập thơ –rất khó thuộc –của Du Tử Lê.
Lại nữa, có đến U60 thì mình có lẽ cũng không thôi mơ mộng về anh lính Hạ Long,
trong sách của Nguyễn Thị Hằng.(trích
blog cũ)


***Con bạn mọt sách, khi bắt
gặp mình đang đọc  tập thơ của ông giám
đốc một hãng dược, đã nói toẹt, con mẹ này vô văn hóa, đọc tạp không chịu được.
Mình bảo nó, tao đố mày chửi thơ ông ấy đấy. Chửi chứ sợ gì. Bọn có tiền có
chức mà làm mà in  thơ, rởm cái chắc. Thơ
hay người rởm. Tất. Liều kinh.


Nước mình, rất dễ đọc ra mẫu
số chung trong những lĩnh vực hết sức cần sự khác biệt. Bỏ công đọc một thứ
biết trước từ A tới Z, xét ra, mình ngu thậm, không phải nó liều.(trích blog cũ)


*** Suốt đêm qua xơi hết cuốn
Nước Đại nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, của ông người Nhật Y. Tsuboi. Về
cơ bản không thất vọng nếu coi đây chỉ là luận văn tiến sĩ làm tại Pháp
của Tsuboi, được in giống như sách. Chọn thời điểm nửa cuối thế kỷ 18 để mong
vẽ được thể tạng nàng Đại Nam, từ đó tìm lời giải cho việc hoặc nàng bảo toàn 
trinh trắng hoặc ngã vào cả hai anh Tây –Tàu hoặc  chọn hẳn một anh ăn ở với nhau hết kiếp. Lấy
Tự Đức làm trục chính, có thể tài liệu tham khảo từ Trung Hoa và Pháp  thiếu và mới
quá nên để thuyết minh cho một nhận định thì quá đói chi tiết, thậm chí có phần
hời hợt. Mình khoái nhất  khi ông ấy viết
đại ý, cùng  thời gian, các nước như
Nhật, Triều Tiên, Trung hoa, trên bình diện tư tưởng, họ đã nghĩ ra các chiêu
thức để một mặt bảo vệ nền tảng đạo lí xã hội họ (đặt cơ sở trên Nho giáo), mặt
khác mở cửa tiếp thu những kiến thức lạ
tối đa có thể nhằm hưởng lợi. Một trong những chiêu thức ấy là giới trí thức
sinh đẻ ra những luận thuyết của nước họ, khả dĩ chống lại được Âu Tây. Nước Nam ta, đến
quái thai, cũng són ra không nổi.(đoạn
này vừa viết xong
)