Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

THỊ, GÃ VÀ HÀ- KÌ 14

" bố xin lỗi mẹ..."
***
Thị không có ý định thú nhận với chồng. Một nỗi lo lắng mơ hồ, cho Gã.
Gã, ma xui quỷ khiến, đã mang Thị ra khoe với vợ Chiếu nhất, như một chiến tích tình trường. Và vợ Chiếu nhất đem toàn bộ câu chuyện mách với chồng Thị. Không thêm thắt như thói đàn bà, nhưng diễn dịch theo hướng đầy bất lợi cho Gã.
Chồng Thị chủ động xin lỗi trước:
- Bố xin lỗi đã để mẹ cô đơn. Với bố trước sau như một, không gì suy suyển được tình của bố  giành cho mẹ. Mẹ cư xử với bố thế nào, mẹ vẫn là người đàn bà duy nhất của bố.
Trước sự bao dung của chồng, Thị không bất ngờ và cũng không oà khóc như trong các trang tiểu thuyết. Lặng lẽ áp mặt vào ngực chồng, Thị cảm nhận rất rõ sự trống trải trong tim mình. Người đàn ông đang ôm chặt lấy Thị này, đã thuộc về quá khứ. 
Rất khó để bới tìm những khiếm khuyết của chồng Thị, không chỉ với con mắt người đời mà với chính Thị, kẻ trong chăn. Thị chưa bao giờ hỏi chồng, vì đâu mà Thị đáng được yêu thương đến thế.
Và lần đầu tiên Thị hỏi, mặt vẫn áp chặt vào ngực chồng.
- Mẹ là tinh thần, là văn hoá của bố. Rất dễ để tìm người đồng điệu về nhiều phương diện, trừ sự đồng điệu về tinh thần. Hiếm lắm.
Hai tay đỡ mặt Thị ra khỏi ngực, chồng Thị nhìn Thị bằng ánh mắt nửa dịu dàng nửa xót thương:
- Mẹ như đứa trẻ con rất  sinh động. Người ta không bao giờ chán được trẻ con, nghe chưa ! 
Thị vẫn không thể khóc.
- Cái gì đã qua thì để cho qua. Mẹ gầy quá, bố đưa mẹ đi ăn gì nhé.
***
Từ khi gặp Gã, đôi khi Thị cố gắng lý giải sự vô lý của  mình và không lần nào gỡ khỏi mớ bòng bong. Thị chối bỏ hiện hữu, thứ hiện hữu cầm nắm được, thứ hiện hữu cả ngàn người đàn bà khác chỉ có trong mơ, để đổi lấy cái gì, chính Thị cũng không biết rõ. 
đanh đá, trả lời gọn hơ:
- Chị sướng quá hoá rồ!
- Uh, có thể  bản năng chị là con rồ. 
Gã, chỉ là kẻ tình cờ đi ngang qua đời Thị, đúng vào lúc cơn rồ dại bẩm sinh tiềm tàng phát tiết.
Gã, không có lỗi cho những đau đớn của Thị. Nói như đanh đá, ngu thì ráng mà chịu.
***
Thị vẫn mơ thấy Gã,  toàn thấy Gã đánh mình. Những giấc mơ thưa dần không đến hàng đêm nữa. Gã hết quyền lực với Thị. Thực sự hết.
Gã, cũng đã thuộc về quá khứ.
Quá khứ chồng, Thị còn nguyên vẹn một điểm tựa vững chãi, như một người bạn vong niên đầy ngập  tử tế.
Quá khứ Gã, Thị có thêm một kẻ thù mà Thị thuộc phía thảm bại ngay khi cuộc chiến chưa diễn ra.

(còn tiếp)





MÁY TÍNH BẢNG VÀ CÀ RĂNG CĂNG TAI - tiếp nữa

Beo tạm dừng một kì để  post bài viết theo Beo khá thú vị của một bạn FB,Nguyễn Anh Đức nhằm mục đích sẽ " phản biện " lại bạn ấy.
Cháu (tuy còn trẻ người non dạ) cũng xin góp thêm mấy ý cho cuộc trao đổi này, và cũng khẳng định luôn là những ý kiến bên dưới sẽ trái ý cô Beo Hồng nhưng vẫn xin mạn phép đưa ra trao đổi ạ. Dưới đây là bài đăng trên tường nhà cháu nên việc nhân xưng đều dành chung chứ không chỉ cụ thể ai, có nghĩa việc dẫn lại tại bài đăng của cô đây cũng không nhằm vào cô chủ nhà đâu ạ, . Dưới đây là phần dẫn:

"Về "đề án máy tính bảng" đang còn được xin ý kiến. Do còn đang xin ý kiến nên mới có vài góp ý để góp phần chặn lại khả năng đề án được chấp thuận (bởi cả phụ huynh và các ban ngành). Và cũng bởi chưa được xem nội dung đề án nên không nói đến tính khả thi của đề án ở đây. Chỉ có vài điều như sau:
- Thứ nhất (quan trọng nhất): Người lớn hãy thôi ích kỷ để nghĩ rằng cái gì có lợi cho mình thì cũng có lợi cho trẻ. Các cháu đã được mấy năm sống trên cõi này? đã tiếp thu được bao nhiêu kiến thức để mà phải trang bị máy tính bảng để các cháu tiếp thu thêm? Câu trả lời xin tạm xem ở những câu chuyện (có thể là giả nhưng nói việc thật) cười ra nước mắt về văn tả cảnh, tả người, tả con vật,...của trẻ (đặc biệt là trẻ thành phố).
- Thứ hai: Các vị muốn đặt nền móng đề gây giống một thế hệ cận thị, viễn thị, loạn thị để tiến hành hội nhập phát triển kinh tế trong thời hiện đại và sẽ còn hiện đại hơn hiện nay sao? Ở nhà các cháu xem tivi, nghịch máy tính, chơi điện thoại thông minh (của bố mẹ), và vô vàn thiết bị điện tử khác. Đến trường cũng lại "phải" - mặc dù các cháu rất thích - cắm cúi với cái máy tính bảng nữa. Thử hình dung xem các cháu phải hứng chịu lượng phóng xạ lớn cỡ nào khi chỉ có đi ngủ là ít (chỉ là ít chứ không hẳn thoát được) chịu ảnh hưởng của điện từ? Trong khi cả thế giới đang cố gắng ngăn chặn tác động tiêu cực của các thiết bị điện tử đối với sức khỏe của con người thì các vị muốn đầu độc con cháu chúng ta bằng cách đó mà chỉ nhằm phục vụ cái sự vị kỷ của chính các vị đã nêu thứ nhất.
- Thứ ba: Các vị muốn đặt nền móng để gây giống một thế hệ chỉ biết tới tri thức qua thế giới ảo (hoặc phần lớn tiếp thu qua thế giới ảo) để rồi khi ra ngoài đời thực, các cháu vẫn phải nhìn với một ánh mắt ngỡ ngàng, một sự ngạc nhiên khó tả? Hay các vị chỉ đơn thuần muốn các cháu "được bất ngờ"? với thế giới thực? Tôi không phủ nhận với sự phát triển hiện nay, những hình ảnh trên thế giới ảo rất giống thật. Nhưng đừng đánh lận trắng đen như thế. Ảo là ảo chứ không thể là thật. thay vì đầu tư cho các cháu tiếp thu cái ảo, hãy tổ chức cho các cháu đi xem cái thật ở ngoài đời để phục vụ nhu cầu tiếp thu của các cháu. Dã ngoại đâu phải là vấn đề khó khăn hơn đề án này?
- Thứ tư: Có mấy người trong số các vị trực tiếp hướng dẫn các cháu sử dụng máy tính bảng để học tập? Có hiểu được khó khăn của công việc thực tế không? Có đủ trình độ không trong khi một cài sự cố nhỏ thì đa số các vị cũng cần nhờ đến anh bạn thạo công nghệ gánh giùm? Cớ sao bắt các thầy cô phải thông thạo nhiều đến vậy? Các vị lấy ví dụ hiệu quả ở những quốc gia xa xôi nào đó đã nghĩ xem họ đã phải chuẩn bị nhân lực, trí lực đến giai đoạn nào mới áp dụng được như vậy để đạt hiệu quả mà các vị bê nguyên hiệu quả đó về xã hội nghèo nàn, lạc hậu, thiếu tri thức như ở Việt Nam chưa?
- Và thứ năm (tạm đến đây): Các vị bảo làm như vậy để các cháu được học mọi lúc, mọi nơi. Dừng một chút để xem lại ý thứ nhất, thứ hai và thứ ba ở trên. Thêm nữa là các vị có tính đến sự an toàn cho các cháu khi mang theo một khối tài sản lớn như vậy khi đi học, đi về nhà...? Hay các vị tiếp tục muốn là những bậc phụ huynh mẫu mực, hàng ngày đưa đón con tới trường? Để được làm giảm đi tính tự lập của các cháu, để được góp thêm phần vào tắc đường?....

MÁY TÍNH BẢNG VÀ CÀ RĂNG CĂNG TAI-tiếp

(Các số liệu Beo dùng trong bài lấy từ tài liệu nghiên cứu của 1 trong 5 công ty giải pháp lớn nhất thế giới McKensey).
***
Máy tính bảng chỉ là công cụ trong cuộc cách mạng giáo dục của thời đại công nghệ thông tin. Điểm chính của cuộc cách mạng này là khả năng học tập mọi lúc mọi nơi. Mọi lúc mọi nơi không đơn giản là về thời gian hay không gian đia lý loanh quanh nước Việt ta hay bản cà răng căng tai ta, mà là khả năng truy cập kiến thức ở bất kì nơi và thời điểm nào trên toàn cầu. 
Khả năng nói lưu loát ở tuổi nhà trẻ (bang New Mexico) tăng gấp 3 lần trong 3 năm  sau khi sử dụng MTB để giáo viên có thể điều chỉnh bài học thích hợp cho từng trẻ mà  cách dạy cũ không thể thực hiện được. Nhất là loại trường chứa những năm ba chục cháu trong một lớp.
áp vào thực tế Việt nam, máy tính bảng còn có một tác dụng đặc biệt cách mạng nữa: tạo lập sự công bằng, hết cảnh phân biệt vùng sâu vùng xa, xoá khối trường chuyên trường điểm.
Dự đoán 2020, tổng thị trường giáo dục trực tuyến cả phần cứng và phần mềm là 70 tỷ USD, châu á-Thái bình dương sẽ phát triển mạnh nhất với kinh phí mỗi năm tăng 54% (từ 2011 đến 2020).
Các phần mềm giáo dục được tải tăng 239% trong 3 năm 2009-2011, trong khi games chỉ tăng 145%.
***
Máy giời, cũng do con người phát minh ra và điều khiển nó. Và đây chính là vấn đề khi đưa máy tính bảng vào Vn.
Sở GD TP HCM đã làm ngược toàn bộ quy trình so với các nước tân tiến đang thể nghiệm.
Xin lưu ý Beo dùng chữ đang thể nghiệm chứ ko phải đang thực hiện, vì Beo chưa tìm được tài liệu nào nói âu-Mỹ đã đưa MTB vào sử dụng đại trà, chính thức trong trường phổ thông cấp bé nhất.
Thứ nhất,  người ta sẽ cài đặt gì lên cái máy tính ấy cho trẻ con học ?.
Với xứ tân tiến, sa vào cuộc tranh luận cái máy hay phần mềm có trước, là cuộc tranh luận con gà và quả trứng. Tuy nhiên, với xứ Việt, bắt buộc  phải trả lời được câu hỏi trên của Beo. Bởi nếu như cái máy tính chẳng qua thay bộ sách giáo khoa và những cuốn tập  hiện dùng, thì việc dùng máy tính là vô nghĩa và cực kì lãng phí ko cần thiết.
Thế nên lý ra, Sở phải quảng bá chương trình dạy và học trên máy tính bảng của mình sẽ tận dụng được tối đa những công năng tiện ích của cái máy  ra sao, sẽ thay đổi tận gốc thế nào việc học của trẻ và thuyết phục phụ huynh, không chỉ con cháu họ mà chính họ cũng sẽ được hưởng lợi thế nào từ sự thay đổi đó...
Thứ nhì, phải công bố rộng rãi dăm vài cuộc điều nghiên mang tầm vóc luận án tiến sĩ về mọi mặt xã hội, kể cả phản ứng trái chiều của xã hội, trong việc dạy và học trên máy tính bảng. Và thông thường, bọn bán máy  nó phải bỏ tiền ra làm điều này vì suy cho cùng, đây chính là hoạt động marketing ở cấp độ cao.
đằng này, Sở chỉ báo cho xã hội biết  mấy chục ngàn cái máy cần được tiêu thụ cho đề án thuộc sở. Như một cuộc đánh úp bất ngờ với đối thủ có số lần mạnh hơn bằng đúng số máy bán ra.
còn tiếp

MÁY TÍNH BẢNG VÀ CÀ RĂNG CĂNG TAI

***
Nói ngay và luôn, mình đặc biệt ủng hộ việc phổ cập máy tính bảng cho trẻ con tiểu học. Bởi, đây sẽ thực sự là cuộc cách mạng về giáo dục cho nền giáo dục 60 năm nay (tính từ 1954) toàn những phát kiến cải lùi.
Về phía người truyền đạt kiến thức, bắt buộc phải thay đổi toàn bộ thói quen ( rộng hơn là thay đổi tư duy dạy ) áp đặt kiến thức ( của mình ) lên người khác, cho dù người khác ở đây chỉ là những bé nhóc 6-9 tuổi. Kiến thức, giờ có máy tính bảng hỗ trợ, cái cần truyền đạt chỉ còn phương pháp học ( rộng hơn là phương pháp tư duy ).
Bạn dạy nó rừng vàng biển bạc, sau 30 giây nó sẽ bấm ngay ra hình ảnh động rừng đã cháy và rừng đã chết, yêu cầu giải thích.
Bạn so sánh cho nó, tư bản giãy chếtthiên đường xã hội chủ nghĩa theo quan- điểm- bộ- giáo- dục, thì nó có ngay giáo cụ trực quan bảo vệ quan- điểm- của- nó, và giáo viên buộc phải giải thích. 
Hai ví dụ trên, Beo muốn nói rằng, máy tính bảng sẽ từng bước giảm thiểu được sự dối trá, vốn trở thành một thứ triết lý giáo dục của Việt nam, cho dù là khách quan chứ không phải chủ động áp dụng. Việc giảm thiểu này, rất cần phải áp dụng ngay từ lớp 1.
Chưa nói tới sự dối trá trong hàng trăm hoạt động khác của nhà trường như thi cử, hạnh kiểm, xếp hạng giỏi dốt...riêng việc triệt tiêu được dối trá trong kiến thức, bạn đã thấy máy tính bảng thực sự là cuộc cách mạng chưa, chỉ bằng 2 ví dụ trên của Beo.
Bạn có thể dẫn ra mặt trái của máy tính bảng, hạn chế nó khi ấy  là một trong những công việc chính của nhà giáo đấy. Nó thuộc phạm trù phương pháp tư duy.
***
Phản bác lại việc phổ cập máy tính bảng cho trẻ bằng việc moi móc ra nhóm lợi ích cung cấp máy đứng đằng sau đề án, các bạn nhà báo giáo dục, rõ là cầm tinh con giả vờ.
Việc biên soạn, in ấn và phát hành sách giáo khoa cổ điển xưa nay, không có nhóm lợi ích đứng đằng sau á? Mơ à?
Lưu ý, chữ nhóm lợi ích Beo dùng theo nghĩa phổ thông báo chí hiện dùng, tức là nó hàm nghĩa tham nhũng.
***
Công dụng, lợi ích của máy tính bảng, khỏi nói. Bởi đến những điều đó còn chờ Beo nói mới biết nữa thì nên về lại cà răng căng tai mà sống.
Nhưng Beo thật, đọc mấy bài phản biện trên báo to báo nhớn ở nhà, Beo thấy các bạn vẫn chưa thoát ra khỏi  bản, cà răng căng tai.
còn tiếp