Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

"PHÁP VƯƠNG" CỦA AI ?

Copy, có cắt cho ngắn lại, từ fb của  Hòang Tùng. Tựa do Beo đặt lại.
Tôi sống ở Kathmandu-Nepal từ năm 2005, chọn nghiên cứu lịch sử-văn hoá về India và Nepal nên cũng có một số kiến thức nhất định về các tu viện và dòng tu mật tông Tây tạng ở Nepal, nhất là Kathmandu.
Cuối năm 2011, tôi được dự GLOBAL BUDDHIST CONGREGATION lần thứ I tại New Delhi-India. Đây được coi như một sự kiện trọng đại của lịch sử Phật giáo thế giới hiện đại, vì có tính chất như một kỳ đại hội Phật giáo thế giới với sự tham dự đầy đủ tất cả các dòng truyền thừa, các phái/môn Phật giáo của tất cả các nước. Dù giáo hội chính thống Phật giáo của China từ chối tham dự và chính phủ của China gây ra nhiều sức ép quốc tế để phá hoại đại hội nhưng vẫn có một số nhà sư Trung Quốc tham gia với tư cách cá nhân. Đoàn Việt Nam do Phó Pháp chủ GHPGVN dẫn đầu tham dự. Và dĩ nhiên Ngài Dalai Lama trong đại hội này được tôn kính như người dẫn đầu Phật giáo hiện đại của thế giới. Có thể nói, tất cả các nhân vật nổi tiếng thế giới của mật tông Tây tạng đều có mặt. Vậy thì tại sao một nhân vật "nổi tiếng" (theo quảng cáo của dòng Drukpa) lại không được mời?
Cho đến lúc đó, tôi chưa từng bao giờ nghe đến tên của ông Gyalwang, cũng như dòng truyền thừa Drukpa của ông dù tôi nắm khá chắc các tu viện mật tông lớn ở Kathmandu, cũng như có quan hệ mật thiết với các vị Lama mật tông ở Kathmandu khi nghiên cứu tại đây.
Trong đại hội, tôi gặp và trò chuyện với một người tham dự với tư cách khách dự thính, ông Lê Phước Vũ chủ doanh nghiệp Tôn Hoa Sen. Ông Vũ nghe tôi sống ở Kathmandu liền hỏi tôi có biết núi Amitabha, tu viện Drukpa không. Tôi ớ người vì chưa bao giờ nghe đến những danh từ này.
Sau đại hội ở New Dehli, khi về đến Kathmandu tôi lên khu vực bảo tháp Baudha hỏi thăm các tu viện và các lama quen biết, cũng chẳng ai biết đến Drukpa. Baudha được coi là trung tâm mật tông Tây tạng không chỉ Kathmandu mà cả Nepal với hàng trăm tu viện từ nhỏ bé đến hoành tráng, có cái do các Rinpoche Tây tạng lưu vong đào thoát khỏi sự xâm lược của China vào năm 1959 dựng lên đã hơn nửa thế kỷ. Cho nên rất kỳ lạ là chả ai ở đó biết đến Drukpa. 
Chỉ đến khi tra trên mạng, tìm được trang web tiếng Việt của Drukpa có địa chỉ thì tôi mới có hướng để tìm ra tu viện này. Thì ra núi Amitabha là do ông Gyalwang đặt tên sau khi mua một ngọn đồi thấp ở khu vực hẻo lánh Kimdol, ngoại ô Kathmandu để xây tu viện Drukpa. Việc làm này là vi phạm pháp luật của nước Nepal vì không ai có quyền tự tiện đổi tên các địa danh trên bản đồ Nepal trừ phi có chấp thuận của Quốc hội, nhất là người nước ngoài. Anh có quyền mua đất (nhưng cũng phải để người Nepal đứng tên, người nước ngoài không được sở hữu bất động sản ở Nepal), có quyền xin phép chính quyền cất tu viện lớn lao ra sao cũng được ngay trên khu đất đó, có quyền đặt bất kỳ tên tu viện của mình; nhưng không được phép đặt tên địa danh theo ý muốn. Tu viện Drukpa nằm ở vùng ngoại ô hẻo lánh của Kathmandu, từ đường vành đai phải theo đường khúc khuỷu lên núi chừng 5km; nếu đến trung tâm thủ đô Kathmandu phải đi 15km.
Khoảng tháng 3/2012 , ông Vũ báo tin cho tôi ông sẽ đến Kathmandu du lịch cùng gia đình. Vì tình đồng đạo, tôi có đón và hướng dẫn các anh chị của đoàn tham quan một số nơi ở Kathmandu. Trong khi trò chuyện, tôi được ông Vũ kể về “cơ duyên” giữa ông với ông Gyalwang. Theo lời ông Vũ thì ông Gyalwang nói rằng ông ta và ông Vũ “có duyên” từ nhiều kiếp trước; có kiếp là sư phụ -đệ tử và kiếp gần nhất chính là anh em ruột!!!!!!!! Hiện tại ông Vũ được ông Gyalwang nhận là đệ tử ruột để truyền trao nhiều “pháp”.
(Theo thiển kiến của tôi, mật tông là pháp tu “MẬT” tức không khải thị rộng rãi cho công chúng, hầu như chỉ có một thầy, một trò tu luyện-truyền thụ ở nơi “mật” (tốt nhất là các hang đá linh thiêng ở Tibet.
Một người không biết ngoại ngữ như ông Vũ, cái gì cũng phải nhờ thông dịch thì làm sao tiếp nhận sự truyền pháp của bậc cao tăng? Chắc có bạn sẽ nói đây là pháp “tâm truyền tâm”, không cần lời nói, không cần phiên dịch. Tâm truyền tâm là khi hai tâm ở những tầng nấc không cách xa nhau quá đáng, người thụ pháp phải có một căn cơ vững chắc mới có thể tiếp nhận được ; chứ một tâm ô trọc làm sao tiếp nhận một tâm siêu việt được? Vả chăng, không có ngoại ngữ để có thế tiếp nhận sự dạy bảo trực tiếp của sư phụ thì làm sao có đủ căn cơ mà tiếp nhập pháp thượng thừa truyền thụ qua tâm?)
Ngày thứ hai của đoàn Hoa Sen ở Kathmandu. Mọi người ngồi ở hai bàn ăn lớn trong hotel để dùng bữa tối, một bàn nam và một bàn nữ. Bàn tôi ngồi cùng ngoài ông Vũ còn có nhiếp ảnh gia Dương QĐ, Nhà thiết kế Sĩ Hg, Nhà báo kỳ cựu của Saigon Times Trần Ng. Ch. Lúc đó tầm 8 giờ tối, chúng tôi đã ăn xong và đang uống nước trò chuyện thân mật. Hốt nhiên từ ngoài có một người băng băng đi vào. Đó là một người đàn ông tầm vóc vừa phải, gầy, da sạm nắng, khoẻ mạnh, mình khoác áo choàng đỏ thẫm, đầu đội nón hình bánh bao màu đỏ. Ông Vũ vừa nhìn thấy người này thì mừng rỡ vội vàng bước đến chào đón. Thì ra đó là “Đức Pháp Vương” Gyalwang. Ông lặn lội trong đêm tối đến tận hotel nơi ông Vũ trú mà dặn dò rằng: “ Ngày mai ông (Gyalwang) sẽ rất bận rộn vì có nhiều khách đến chúc mừng sinh nhật.Nên ông Vũ và gia đình hãy đến sớm để được gặp riêng ông.”
Sáng hôm sau, khi ông Vũ và chúng tôi đến tu viện thì đã hơn 7 giờ sáng, Hàng trăm người rồng rắn xếp hàng để được chúc mừng sinh nhật ông Gyalwang. Trong số đó hầu hết là đệ tử Drukpa Việt Nam. Khung cảnh giống như những buổi hầu đồng nhưng được nhân lên hàng trăm lần. Khi ông Vũ xưng danh thì lập tức ông và đoàn của ông được các sư cô phụ trách lễ tân ưu tiên đưa vào phòng riêng để gặp ngay “Pháp Vương” mà không phải xếp hàng. “Pháp Vương” ngồi trên một ghế thấp ân cần đón nhận bái lạy và quà tặng của vợ chồng cùng con trai và con dâu ông Vũ. “Pháp Vương” hỏi han , phủ dụ từng người trong gia đình ông Vũ thật cặn kẽ, thân mật, nhắc nhở từng chuyện nhỏ mà ông biết được trong gia đình ông Vũ. Khi bốn người ấy đã xong thì đến lượt những người bình thường khác. “Pháp Vương” chỉ người vừa quỳ trước mặt ông ngay kế 4 người gia đình ông Vũ hỏi con ông Vũ: “Người nầy là ai?” khi con ông Vũ lắc đầu ra ý không phải người trong gia đình, lập tức “Pháp Vương” tắt nụ cười ân cần, chuyển sang gương mặt nghiêm trang và ban phước cho người đó một cách thờ ơ. Sau đó hàng trăm người lần lượt lết đến chân “Pháp Vương” để cúng tiền và lễ vật mừng sinh nhật ông và nhận sự ban phước qua quýt như cái máy của ông.
( Người giác ngộ sẽ không phân biệt giàu nghèo sang hèn, đối đãi với mỗi chúng sinh như nhau. Người có tiền nhiều được trọng vọng hơn người khác thì đó có phải là tư cách của kẻ chân tu?)
utà no 

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

NGƯỜI NHẬT VÀ NGƯỜI TRUNG QUỐC

Trích từ các bài phát biểu của giáo sư Trịnh Cường- đại học Chiết Giang, Trung Quốc. 
(Copy trên mạng nên ko bảo đảm tính xác thực)
1.
Người Nhật thà thích người da đen, chứ nhất định không chịu thích chúng ta, vì người Trung Quốc mất tinh thần TQ lâu rồi.
2.
Mọi người đều cười người Nga, nhưng tôi biết nước Nga sau này sẽ phát triển, vì ở đó người ta dù bị đói 2 ngày thì vẫn xếp hàng, còn chúng ta dù chỉ có 2 người thì cũng chen lấn đến mức không thể đóng cửa xe bus.
3.
Nhật Bản xâm lược nước ta, vì có rất nhiều Hán gian. Sau này nếu Nhật xâm lược, thì chúng ta có Hán gian nữa không? Ai sau này sẽ là Hán gian của Trung Quốc? Đại bộ phận mọi người ở đây đều sẽ làm. Vì mọi người cười nhạo những người yêu nước, sùng bái quyền lực và tiền bạc, khinh bỉ lí tưởng và chí khí.
Hiện tại ai là Hán gian? Là sinh viên Thanh Hoa, Bắc Đại, vì họ dùng kiến thức học được để giúp người nước ngoài khai thác thị trường trong nước, đánh bại doanh nghiệp Trung Quốc.
4.
Bản chất của giáo dục không phải là mưu sinh, mà là thức tỉnh hứng thú, cổ vũ tinh thần. Dựa vào giáo dục để mưu sinh và phát triển cũng được, nhưng chúng ta đã coi trọng nó quá mức.
5.
Cho dù sau này Trung Quốc phát triển, nhưng các bạn hãy nhìn những triệu phú lái xe đắt tiền, rồi mở cửa xe để nhổ đờm vứt rác. Các bạn sẽ hiểu rằng, nếu không có giáo dục, Trung Quốc giàu có đến mấy cũng không thể lớn mạnh.
6.
Đi học là để biết gánh trách nhiệm. Nhưng giáo dục hiện nay làm cho nữ giới phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm, nam giới trốn tránh quá nhiều trách nhiệm.
7.
Lịch sử nhân loại thực ra là một loạt những sự bồng bột, nên các bạn đừng coi khinh sự bồng bột, bồng bột là đáng yêu.
8.
20 năm nữa, người Trung Quốc sẽ sùng bái tri thức chứ không phải quan chức. Điểm này chúng ta nên học người Nhật Bản, sự tôn trọng tri thức của người Nhật đã lên đến cao độ. Nhưng Trung Quốc ngày nay, người có tiền, người có tí quyền lực - dù chỉ là một ông trưởng phòng, cũng có thể làm cho một giáo sư đánh mất hết lòng tự trọng. Cái trí tuệ có vẻ thông minh ấy, cái đám con buôn dương dương tự đắc ấy, thật nông cạn biết bao.
9.
Một người đàn ông, chỉ có thể quỳ trước cha mẹ và bạn đời, chỉ có thể cúi trước người thầy, chứ không thể cúi đầu trước quyền quý và tiền bạc. Nhưng ngày nay đại đa số là ngược lại.
Giáo dục nên làm cho người Trung Quốc biết tự trọng. Nhưng ngày nay chúng ta nhìn thấy người nước ngoài là cúi đầu, con gái nhìn thấy đám con trai vớ vẩn ngoại quốc là đều muốn lấy lòng. Thưa các bạn, trước mặt người nước ngoài, chúng ta đánh mất hết tự trọng. Trong số những người đi du học tại đại học Kyoto, tôi là người duy nhất quay về, nhưng người Nhật lại kính trọng tôi, vì tôi sống có linh hồn TQ, sống có khí phách.
10.
Vì sao người Nhật không đi xin lỗi, vì sao tổng thống (thủ tướng) Nhật không đi tạ tội? Vì họ biết lòng tự tôn và lịch sử của Nhật Bản là quan trọng nhất, còn sự bất mãn của các nước châu Á là không có tí trọng lượng nào, nên họ không cần phải để ý.


Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

TỪ A ĐẾN Z

Một anh bạn bên nhà vừa hỏi, có người mời chào anh nếu nộp 120 ngàn đô sẽ có Thẻ xanh sang làm việc cho Pizza Hut. Sau 2 năm sẽ có quốc tịch Mỹ. Kì 1, Beo trả lời anh và một vài bạn khác hỏi về những v/đ liên quan đến Thẻ xác nhận thường trú nhân tại Mỹ này.
        Phân loại Thẻ xanh và thủ tục đăng kí
Thẻ xanh thông qua việc làm
a.Thẻ xanh thông qua job offer với ưu tiên hạng nhất:
1. Khả năng ưu việt: nếu người thỉnh cầu có thể chứng minh năng lực xuất chúng trong chuyên môn khoa học, nghệ thuật, kinh doanh hay thể thao, người thỉnh cầu có thể được thẻ xanh mà không cần job offer
2. Khả năng xuất chúng: nếu người thỉnh cầu có thể chứng minh năng lục ưu tú trong lĩnh vực học thuật, và phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc hoặc nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn, người thỉnh cầu sẽ đươc cấp thẻ xanh nếu tiếp tục giảng dạy hoặc nghiên cứu ở một đại học hay viện nghiên cứu.
3. Giám đốc hoặc thành viên HĐQT của công ty đa quốc gia: người thỉnh cầu sẽ được cấp thẻ xanh để tiếp tục chức vụ và công việc với công ty.
c.Thẻ xanh thông qua job offer ưu tiên hạng hai:
1. Bằng cao học: người thỉnh cầu phải có bằng cao học và việc làm ở Mĩ cũng phải đòi hỏi bằng cao học
2. Khả năng xuât chúng: người thỉnh cầu phải có khả năng xuât chúng trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, kinh doanh hoặc thể thao
3. Quyền lợi quốc gia: nếu nước Mĩ xét thấy người thỉnh cầu có thể phục vụ cho quyền lợi  của nước Mĩ, người thỉnh cầu sẽ được cấp thẻ xanh
c.Thẻ xanh thông qua job offer ưu tiên hạng ba:
1. Lao động lành nghề: người thỉnh cầu phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm và công việc phải là việc mà nước Mĩ không có người làm
2. Lao động chuyên nghiệp: người thỉnh cầu phải có ít nhất bằng đại học và công việc phải là việc mà nước Mĩ không có người làm
3. Lao động không chuyên: ngưởi thỉnh cầu phải đủ tiêu chuẩn làm công việc đòi hỏi ít nhất 2 năm kinh nghiệm.
nghiệmnước Mĩ không có người làm
d. Thẻ xanh thông qua job offer ưu tiên hạng bốn:
1. Nhà truyền đạo
2. Phát thanh viên
3. Người phiên dịch đến từ Iraq/Afghan
4. Người Iraq đã giúp đỡ nước Mĩ
5. Nhân viên của các tổ chức quốc tế
6. Bác sĩ
7. Binh lính
8. Nhân viên kênh đào Panama
9. Nhân viên của NATO về hưu
10. Nhân thân của nhân viên của NATO đã qua đời
e.Thẻ xanh cho nhà đầu tư:
1. Vốn đầu tư từ 500,000 tới 1,000,000 USD
2. Doanh nghiệp được đầu tư phải thuê ít nhất 10 người Mĩ
Thẻ xanh thông qua gia đình:
1. Thân nhân của người Mĩ
2.Vợ/chồng
3.Con ngoài giá thú dưới 21
4.Cha/mẹ
5.Họ hàng của người Mĩ:
6.Con ngoài giá thú dưới 21
7.Con thuộc hôn nhân
8.Anh chị em
9.Thân nhân của người có thẻ xanh
Trường hợp đặc biệt:
1.Nạn nhân bạo hành gia đình
2.Vợ/chồng chưa cưới và con riêng
3.Con của nhà ngoại giao
4.Góa phụ/phu của người Mĩ
Thẻ xanh cho người tị nạn chính trị
(còn tiếp)

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

ĐÀN ÔNG MANLY RẤT ĐÔNG …

MC: Làm thế nào để sống được với một người đàn ông có nhiều vợ, người tình, và cũng ko có ý định dừng lại ở mình? 
Cô ơi, Cô dạy cho cháu đi
Cháu cũng đã yêu một nguoi đàn ông như thế, yêu một ngươi đàn ông đúng bằng tuổi bố mình. Với tất cả những gì tốt đẹp nhất của tình yêu theo đúng nghĩa. Nhưng chỉ duoc thời gian đầu, giờ thì có nhiều chuyện làm cháu đau đớn và tê tái, khi cứ thỉnh thoảng cháu lại phát hiện ra một bí mật về những nguoi đàn bà của ông ta. Cháu kinh khiếp đàn ông. Đó là lý do sau khi đọc bài của Cô vừa rồi, cháu càng yêu Cô hơn.

MC yêu quý !
Trước tiên phải nói ngay, cô quan niệm, trong lĩnh vực tình cảm riêng tư, không ai dạy được ai và cũng không ai có quyền dạy người khác. Ví như mấy bà Hội liên hiệp không con, thậm chí không cả chồng, chỉ bảo người khác phải nuôi dạy con ra sao, cô thấy nó trái đạo sao sao ấy, đạo làm người tử tế ấy. Mỗi nhà mỗi cảnh, trùm chăn rồi mới biết chăn sạch hay hôi.

Lại nữa, người khác không biết, chứ cô, hòan tòan chẳng biết rút kinh nghiệm là gì sất trong lĩnh vực này. Vấp lần đầu, lần sau vấp đúng chỗ ấy. Sau một ông trăng hoa, vớ đúng một ông trăng hoa y trang, tỏ tình 5 em cùng một lúc. Đến độ cô và một nạn nhân khác thành bạn “tâm giao”, tận giờ thi thỏang vẫn hỉ hả hi ha mang tin nhắn của nhau ra “đọ”. Ơ, em hơn chị câu “anh nhớ em” này. Thế á, chị hơn em câu “ em là người duy nhất anh muốn lấy làm vợ” nhá…
Trở lại chuyện của cháu. Kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình, cô tự rút ra hai điều thế này.
Trăng hoa là bản tính, lọai bản tính vô phương giáo dục, thay đổi. Tuổi trẻ, nhan sắc, trí tuệ, đảm đang, hiếu thuận, kiếm tiền giỏi…phụ nữ có hội đủ tất những điều ấy cũng đừng mong mơ suy chuyển được bản tính này.
Thế nên, trước tiên, phải xem con mình có bị ảnh hưởng gì không về tất cả mọi phương diện ? Cho dù cá nhân mình có đau đớn cách mấy, nuối tiếc cách mấy thì cũng buộc phải chấm dứt ngay, nếu phạm phải vùng ưu tiên một này.
Thứ hai. Chuyện chăn gối, chính mình có còn mặn nồng hay không. Tình dục là biểu cảm cao nhất của tình yêu, nó mang nghĩa dâng hiến. Không có bất cứ bạo hành tinh thần nào khủng khiếp bằng cảm giác sợ hãi mong đêm đừng xuống, và cảm gíac bị làm nhục mỗi đêm bởi chính người mình gọi bằng chồng. 
Anh ta bẩn thỉu - mình dọn dẹp chẳng mất mấy công, anh ta sống cẩu thả - mình đi vá víu các mối quan hệ, được cả tiếng lẫn tình, anh ta không kiếm ra tiền - của vợ công chồng, chuyện nhỏ… Nhưng khi chính mình nguội lạnh chuyện gối chăn…chợt một hôm cô tự hỏi, tại sao lại phải chịu đựng thế này?
MC yêu quý!
Cô đọc tn mà thương cháu quá, nhưng…
Yêu được mới khó, chứ rũ bỏ rất dễ, cháu ạ.
Người tốt mới đáng sợ, vì mình canh cánh “món nợ” nghĩa tình không làm sao trả hết cho họ. Người xấu dễ lắm. Quay lưng đi, là hết sạch.
Chẳng có lý do gì phải kinh khiếp đàn ông. Ko có ai hòan hảo trên đời, nhưng manly đông lắm. Cứ sống thật chân thành và tử tế và cứ yêu hết mình đi, đến già vẫn không hết “thằng” xứng đáng, đến cầu hôn trước cửa. 
Tin cô đi, cháu yêu.

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG GIỮA "CẬU BÉ ĐẦM TÔM" VỚI "LUẬT SƯ CỦA NGƯỜI NGHÈO"

Biết rằng "mọi sự so sánh đều là khập khiễng" nhưng câu chuyện ầm ĩ trong giới luật sư xuất phát từ tuyên bố của LS Võ An Đôn mấy ngày gần đây làm tôi liên tưởng tới câu chuyện của cậu bé đầm tôm - Hào Anh ngày nào. Giữa 2 sự việc này có những điểm tương đồng đến kỳ lạ, dù biểu hiện ra bên ngoài là khác nhau:
- Thứ nhất, xuất phát điểm cả hai đều nghèo. Trong khi Hào Anh vì gia cảnh phải đi làm thuê đổi miếng ăn từ rất sớm thì LS Đôn có một cuộc sống khó khăn về kinh tế do không có một công việc ổn định trong khi thâm niên và danh tiếng chưa đủ để có được lượng khách và thu nhập ổn định từ nghề nghiệp luật sư;
- Thứ hai, cả hai đều là nạn nhân của sự truy bức. Với Hào Anh, đó là việc bị chủ và người làm trong đầm tôm đánh đập, hành hạ dã man. Còn với LS Đôn là khi tham gia bào chữa cho vụ án Ngô Thanh Kiều đã bị đe doạ, gây sức ép, thậm chí bị đề nghị khai trừ ra khỏi Đoàn Luật sư.
- Thứ ba: cả hai đều nổi tiếng và được cộng đồng quan tâm, chia sẻ. Với Hào Anh, nhiều nhà hảo tâm đã động lòng quyên góp tiền giúp cậu bé có được số vốn lớn nếu so với mức sống tại địa phương, nhất là so với hoàn cảnh của cậu ta. Với LS Đôn, đồng nghiệp trên khắp cả nước đã lên tiếng chia sẻ, động viên và đấu tranh để LS Đôn không bị khai trừ, đồng thời, không ít luật sư đã quyên góp tiền giúp đỡ LS Đôn trang trải các chi phí do tin tưởng vị LS này bào chữa miễn phí vì tấm lòng chân thật và góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, bảo vệ công lý;
- Thứ tư: cả hai vụ việc đều "có sạn" ngay từ đầu nhưng được mọi người dễ dàng cho qua. Với Hào Anh, đó là lời khai của chủ đầm tôm và những người làm công rằng cậu bé này có tật trộm cắp vặt và biểu hiện hư hỏng nhưng hoàn cảnh đáng thương của cậu bé khiến người ta dễ dàng bỏ qua lỗi lầm đó mà chỉ quan tâm đến hoàn cảnh đáng thương của cậu bé và gia đình. Với LS Đôn, đó là những phát ngôn tại phiên toà và các bài phỏng vấn, bài viết trên trang cá nhân dường như "đi quá giới hạn". Thời gian này, xúc động trước sự thật vụ án Ngô Thanh Kiều bị phơi bầy và cảm động trước quyết tâm bảo vệ người bị hại của LS Đôn mà dư luận, đặc biệt giới luật sư đã không tiếc công sức để bảo vệ vị luật sư này trước nguy vơ bị kiểm điểm, rút giấy phép hành nghề. Thậm chí, nhiều Công ty Luật, VP Luật sư còn mời LS Đôn về làm việc nhằm giúp LS Đôn ổn định thu nhập và có điều kiện để phát huy năng lực;
- Thứ năm: giao du với bạn xấu. Với Hào Anh, sau khi nhận được sự đồng cảm và giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nhất là gần đến ngày cậu bé đủ 18 tuổi và sẽ được nhận bàn giao số tiền từ thiện, nhiều bạn xấu đã tiếp cận, rủ rê và tiêm nhiễn nhiều thói xấu. Với LS Đôn, trong và sau vụ án Ngô Thanh Kiều, cùng với công luận và nhiều đồng nghiệp sát cánh cùng vị LS này trong chặng đường bảo vệ công lý, không ít đối tượng xấu đã tiếp cận, tung hô và khuyến khích LS Đôn đi theo chiều hướng khác với định hướng nghề nghiệp của một luật sư tư vấn và tranh tụng đúng nghĩa. Dần dần, những bài viết và trả lời phỏng vấn của LS Đôn không còn như trước...
- Cuối cùng: sự phản bội tình cảm và niềm tin của những người đã từng hết lòng ủng hộ và giúp đỡ. Với Hào Anh, từ khi nhận được số tiền từ thiện, cậu bé ngày nào đã mua xe đẹp, quần áo đẹp, đi theo lũ bạn phá phách số tiền có được, bất hiếu với cha mẹ và cuối cùng là trộm cắp sau khi đã phá hết số tiền mà mọi người quyên góp, trao tặng cho cậu để làm vốn vào đời. Với LS Đôn, sau khi nhận lời bào chữa cho bên bị hại trong vụ Ngô Thanh Kiều, tiếng tăm của vị LS nghèo này nổi như cồn. Đặc biệt sau khi vụ án được xét xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt với các bị cáo, và nhất là khi có kiến nghị xử lý kỷ luật, LS Đôn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng luật sư. Có thể nói, sự quan tâm, đồng cảm và chia sẻ từ cộng đồng và đồng nghiệp là "vốn" lớn đối với LS Đôn. Tiếc rằng, chỉ trong khoảng nửa năm trở lại đây, LS Đôn đã dần "đốt" số vốn này qua các bài viết, bài trả lời phỏng vấn với một số báo chí nước ngoài. Ngoài việc bị một số thế lực chống chính quyền lợi dụng tên tuổi, hình ảnh, dường như LS Đôn đã trở thành một phần của "các nhà hoạt động dân chủ". Động thái gần đây nhất, khi đưa ra nhận định về nghề luật sư và giới luật sư Việt Nam, LS Đôn đã hoàn toàn phủ nhận nghề luật sư và đạo đức nghề nghiệp của các luật sư đồng nghiệp. Đây là "giọt nước tràn ly" hay "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" thì tuỳ cảm nhận của mỗi người. Chắc chắn, đồng nghiệp và giới luật gia sẽ không còn chia sẻ, cảm thông chứ đùng nói là giúp đỡ vị luật sư này nữa, sau cú "hắt bát nước vào mặt" những đồng nghiệp đã từng ủng hộ, giúp đỡ anh ta... Nên nhớ, Luật sư không chỉ là những người chuyên về trang tụng hình sự và ngay trong số các luật sư tranh tụng chuyên về án hình sự, số người như mô tả của LS Đôn đến nay không ai dám chắc tỷ lệ là bao nhiêu? Theo tôi, trên thực tế đó vẫn chỉ là thiểu số, còn nếu đọc stt của anh ta (hình ảnh) người ta sẽ cho rằng các Luật sư đều thế, trừ LS Đôn.
Dù không phải là luật sư, nhưng tôi luôn coi các luật sư là "đồng môn", "đồng đội", "đồng nghiệp"... của mình. Xin chia sẻ với những luật sư đã bị phản bội và xúc phạm bởi những tuyên bố mới đây của Luật sư Võ An Đôn
(copy từ facebook Nhan Thanh)


Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

NHẬT TUẤN


@
Nhật Tuấn sinh năm 1939, tuổi Kỉ Mão.
Nếu dừng lại ở thị Beo, thì Nhật Tuấn có 5 đời vợ. 3 có hôn thú 2 không, xen kẽ nhau. Cơ số này sau ngày cưới rất lâu, thị Beo cũng mới biết do chị ruột Nhật Tuấn kể cho nghe.
Thị Beo  có mối quan hệ rất tốt với các vợ và cả với kha khá bồ bịch của Nhật Tuấn. Thậm chí 4 người trong số họ  còn đánh bạn với Thị Beo tới tận giờ luôn.
Nhật Tuấn chưa bao giờ học  về cầu đường như một vài báo trước đây viết. Hết lớp 10 một thời gian dài sau, ông đi làm công nhân, ngày ấy gọi là phụ động, cho một nhóm khảo sát thiết kế đường lên mạn Tây và Đông Bắc. 6 năm lăn lộn ở đây đã được tưởng thưởng một cách xứng đáng cho số phận  một nhà văn sau này, tác phẩm Đi về nơi hoang dã .
Sau đó ông về làm tại bộ Giao thông, trải qua nhiều công việc như giữ thư viện, nhân viên trực tổng đài điện thoại. Cái tổng đài ngày xưa to bằng nửa căn nhà với rất nhiều ổ-phích, nhân viên phải rút ra cắm vào liên tục ấy là nền để hư cấu nên truyện ngắn Con chim biết chọn hạt. Đây cũng là thời gian Nhật Tuấn viết những truyện ngắn hay nhất của mình Trang 17, Con tàu trắng đi trong khói nắng,…
Thấy ông có năng khiếu văn chương, cơ quan cho đi học tại chức khoa Ngữ văn, Đại học tổng hợp. Tốt nghiệp, ông được nhà văn Hoàng Lại Giang giúp chuyển về NXB Văn học. Hoàng lại Giang còn là người ơn rất nhiều việc lớn sau này của Nhật Tuấn.
@
Nhật Tuấn có  thói quen viết gần xong mới đặt tựa sách. Đặt tựa trước, ông sẽ khởi động chương đầu cực kì khó khăn. Đi về nơi hoang dã là trường hợp gần như xuất thần đặc biệt.
Người có công đặt tựa và gợi ý Nhật Tuấn viết cuốn này là nhà văn đã quá cố Lê Quốc Minh, trong một bữa nhậu có sự tham  gia của  nhà văn đã quá cố Trần Hoài Dương, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng. Trong lúc bàn chuyện thế sự và ôn cố tri tân chuyện Tây Bắc, trong ngôi nhà vườn rất đẹp ở Gò Vấp, Lê Quốc Minh đã bật ra cái tựa trên.
Ngay hôm sau, Nhật Tuấn bắt tay vào viết và viết rất nhanh.
Trong  thời gian chung sống, tất cả sách của Nhật Tuấn do thị Beo biên tập, sửa bon morat. Thêm bớt cắt gọt gì hầu như ông không quan tâm sau khi đã đặt dấu chấm hết, mà cứ thế đưa thẳng sang nhà xuất bản. Thường thì  sửa rất nhiều. Ví như Lửa lạnh, sửa bê bết  đến mức Nhật Tuấn càu nhàu, Cậu làm như đồng tác giả.
Riêng Đi về nơi hoang dã,  không sửa  gì kể cả thì là mà và. Tất cả các chi tiết trong sách, buồn đốt rừng ngắm chơi, ông  cán bộ ăn  vụng bánh, móc  thịt chôn đã mấy ngày lên ăn… đều có thật, không có bất cứ tình tiết hư cấu nào.
Tiểu thuyết viết theo kết cấu cổ điển. Câu chuyện bóc dần những bản năng âm u, sư tha hóa của con người trên hành trình, càng đi càng dấn sâu vào nơi vô định hoang dã. Vế sau của lời nhận xét này chính là “độ lớn”, là tầng ngữ nghĩa thứ hai của tác phẩm. Đi về nơi hoang dã là gạch nối- kết thúc “trường phái” sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa  được tụng ca trước đó, đồng thời nó  là cuốn thành công nhất trong nhóm những tác phẩm được mệnh danh văn học phản kháng (Ly thân, Thiên đường mù…), tồn tại gần chục năm sau thì tự hết.
@
Đi về nơi hoang dã chưa bao giờ bị cấm đoán. Lần xuất bản đầu in 10 ngàn cuốn, một con số thông dụng cho hầu hết các tác giả có tiếng thời điểm ấy. (Những tác giả bán chạy nhất như Nguyễn Mạnh Tuấn thường phát hành 30 đến 50 ngàn bản cho lần in đầu).
Việc nó không được bàn luận nhiều trên báo chí, lỗi tại…nhà báo. Riêng báo nhà thị Beo, dứt khoát không có chuyện được nhắc đến hay nhờ ai nhắc đến bất cứ cuốn nào, ko riêng Đi về nơi hoang dã. Chồng hát vợ khen hay là thiếu tự trọng. Giờ nghĩ lại, thấy quan niệm kẻ sĩ Bắc Hà này quê mùa cũ kĩ và phi thị trường.
@
Non nửa ngày vật vã trên xe vì điện thoại hết pin. Tới khách sạn còn giành nhau ổ cắm chán chê mới vào mạng. Có lẽ thị Beo là người biết tin Nhật Tuấn mất cuối cùng, trong số những người cần biết.
Sinh thời, Nhật Tuấn là người lạc quan và cực kì ghét những lời sến sẩm. Nhật Tuấn và Beo xưng hô nhau Cậu- Tớ. Gây lộn thì Ông- Tôi. Mấy năm sống chung, hợp khẩu nên cũng hiếm khi  to tiếng với nhau.
76 năm  có mặt trên cõi đời, Cậu đã góp phần cùng thị Beo tạo ra hai sinh vật đẹp đẽ, ngoan ngoãn và thành đạt. Để lại một cuốn sách mà sau đây, không một cuốn  văn sử nào được phép quên.
Không phải ai cũng làm được những điều to tát thế, Nhật Tuấn ạ.
R.I.P Cậu.
Cứ thô ráp và hoang dại như vẫn, nơi cõi ấy nha!

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

NHỮNG NGƯỜI CAO QUÝ

Như một mẫu số chung, các cô giáo ở những nơi nghèo nhất - khổ nhất Việt nam, rất đẹp, cô nào cô nấy xinh lung linh. Tin Beo đi, vì ko chỉ có con mắt thẩm DUNG kha khá mà Beo còn rất tinh tướng-tường khi ngắm MẠO. Có trường ở Quảng nam, 6 cô mà cô nào cũng chuẩn bậc mĩ nhân.
 

 Huhuhu Trường của em be bé, cô giáo em tre trẻ


Các nhóm thiện nguyện, đa phần không già như Beo thì xấu tệ hại như ku Quang Bùi ku Nguyễn Ngọc Long, ấy vậy nhưng đón khách, các cô thay váy thay áo như đi hội. Lần ở Lào Cai, thấy cô len lén lau hộp phấn, hộp phấn hồng phủ bụi, trang điểm đón đoàn. Lần ở Cao bằng, lại thấy cô khíu vội cái váy kiểu miền xuôi. Beo bắt gặp, cô bẽn lẽn giải thik, mới mua chưa đến năm mà giờ em gầy nên mặc rộng quá. Ngồi giúp cô khâu lại, mắt cay xè.
Có cô nhớ bố mẹ, chiều thứ Sáu lội bộ 3 tiếng đường rừng về nhà, Chủ nhật lại con đường ấy lầm lụi một mình ngược lên bản, cả chục năm ròng rã như thế. Lương, phụ cấp tất tật hơn 3 triệu tháng, tiêu pha chưa đến 1/3, còn gửi về phụ bố mẹ nuôi các em.
Đôi lần, thay vì phải làm việc như các bạn trong đoàn, Beo ngồi ngắm các cô "xông pha" lựa quần áo giày ủng cho lớp mình, rồi lôi từng đứa ra thử thử ướm ướm, những động tác đầy bản năng chỉ có ở người làm MẸ.
Ngày Gái đẹp vào lớp 1, Beo  bảo, sau này mẹ thik nhất con làm cô giáo. Giờ, ngồi ở giảng đường mĩ miều của ngôi trường danh giá nước Mĩ, lặng lẽ ngắm nhìn gái lùn như cái nấm tròn xoe dạy học, nhớ lại ước nguyện xưa. Trên đường về, chính Gái Đẹp nhắc lại bằng câu hỏi, thấy người ta dạy học mình đã sướng chưa ?
Hình chụp Gái Đẹp  theo đoàn thiện nguyện đi dạy tại trường  trẻ mồ côi (cha mẹ mất vì AIDS) ở Nam Phi. Cũng trong giờ học này, một vụ nổ súng ngay sân trường làm chết một viên cảnh sát.
 

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Đại Tang


Trước cổng cơ quan, một bác nông dân thập thò, nghiêng ngó. Thấy vậy, anh bảo vệ quát to:
- Ông kia! Tới có chuyện gì?
- Tôi muốn gặp giám đốc xin cái giấy xác nhận!
- Hôm nay giám đốc nghỉ lo đám tang. Bố giám đốc vừa mất!
- Vậy cho tôi gặp phó giám đốc được không?
- Cũng không được! Vì bố phó giám đốc cũng vừa mất!
Vẻ thất vọng lộ rõ trên gương mặt bác nông dân, nhưng bác vẫn cố hỏi thêm:
- Vậy cho tôi gặp trưởng phòng được không?
- Không được! Bố chồng của trưởng phòng vừa mất.
- Vậy cho tôi gặp phó phòng!
- Không được! Hôm nay phó phòng nghỉ lo đám tang. Ông nội phó phòng vừa mất!
- ĐKM! Anh đùa tôi đấy à? Chết đéo gì mà lắm thế?
- ĐKM! Ông chửi ai đấy hả? Đã không biết thì im mồm đi! Chết mỗi người chứ lấy đéo đâu ra mà lắm! Bố của giám đốc thì cũng là bố của phó giám đốc, thì cũng là bố chồng của trưởng phòng và là ông nội của phó phòng. Vì giám đốc là anh ruột của phó giám đốc, là chồng của trưởng phòng và là bố đẻ của phó phòng. Ông dù chỉ chửi một người nhưng lại là chửi cả cái cơ quan này đó! Ông biết chưa hả? Thôi, về đi cho tôi đóng cổng cơ quan!
- Vẫn sớm mà! Sao đóng vội thế?
- Tôi phải về lo đám tang. Bác tôi vừa mất!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo
(copy từ Fb Chu Cuoi)

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

ĐỊNH KIẾN?

Nàng tác giả bài này 13 tuổi. Con gái  anh Bui Huy Hoi và chị Vu Vu
Trong cuộc sống, có lẽ luôn có những định kiến về một thứ, một vật, một con người hay bất cứ thứ gì. Người ta định kiến cũng có thể vì người ta ghét, người ta nghe quá nhiều, khó chịu hay là sự ép buộc. Cũng không khó để có sự định kiến. Ví dụ như Bà Tưng đã từng bị rất nhiều người ghét và chửi bới vì hành động "khoe quá đà" hoặc Sơn Tùng M-TP mỗi khi ra một ca khúc mới thì đều bị mọi người chỉ trích là đạo nhạc, mọi người nghĩ là vớ vẩn. Tất cả những thứ như thế đều là định kiến. Vậy thì KPop, nền âm nhạc của Hàn Quốc có định kiến từ đâu?
🌸
KPop là nền âm nhạc thịnh hành của Hàn Quốc và sự nổi tiếng lan ra toàn châu Á, thậm chí thế giới. Fan của KPop phải nói là rất nhiều, có khá lí do để bạn hay người khác yêu thích, tận hưởng KPop. Họ thích KPop có thể là vì những thần tượng đẹp trai, xinh gái, có thể là vì có giọng hát hay, có thể là vì hợp gu thời trang - gây cho họ cảm giác hứng thú, mới mẻ mà họ chưa từng trải nghiệm. Và có vô vàn những lí do khác mà bạn nghĩ được. KPop, US-UK, JPop, VPop,... đều là những dòng nhạc trẻ, mới nổi và có sức cuốn hút. Họ đều hát tiếng của nước họ và bạn không hiểu nhưng cái bạn nghe là nghe giai điệu, âm thanh, sở thích của bạn. Ai cũng có sở thích riêng, có người thích nghe nhạc US-UK, có người thích nghe nhạc Nhật, cosplay giống Nhật, có người thích xem bóng đá và cuồng như Vũ Xuân Tiến và cũng có nhiều người thích KPop giống như tôi. Nhưng các bạn nghĩ mà xem, điều tôi muốn nói là KPop đã ghi lại cho con người những định kiến gì?
🌸
KPop có rất nhiều người ưa thích và rất nhiều người không ưa thậm chí là ghét. Khoan nói về thích vì đơn giản là họ yêu thích rồi nhưng ghét - vì sao vậy? Đối với dân tộc Việt Nam chúng tôi, giữ được truyền thống, nét đẹp văn hoá là trọng trách, là trách nhiệm của mỗi con người. Đất nước nào đều có truyền thống riêng của họ. Nhưng các bạn nghĩ xem, bao nhiêu người Việt Nam hiện nay giữ trong trách đó? Xả rác bừa bãi, chửi bậy khắp mọi nơi, tham nhũng kinh khủng, tham gia giao thông không có ý thức, trộm cắp-giết người, đồ rởm tràn lan,... Các bạn nghĩ như thế là có giữ được nét đẹp quê hương không? Tại sao những ông bố bà mẹ không tự thay đổi chính bản thân mình trước khi bắt ép con cái là một thế hệ mới phải thay đổi? 
Về văn hoá, như tôi đã nói, âm nhạc là một văn hoá. Âm nhạc trên thế giới rất phong phú, nhiều chủng loại thì đương nhiên mỗi người sẽ yêu thích đồng nhạc riêng. Tôi không hiểu sao mỗi khi nhắc đến KPop, người lớn luôn nghĩ chúng tôi lệch lạc, văn hoá nhà quê, hư hỏng, chơi bời. Xin lỗi, hư hỏng-chơi bời là khi bạn nghiện hút, theo bạn bè đú đởn, đập đá, phê thuốc. Văn hoá lệch lạc, suy đồi là khi các bạn truy cập vào những trang web đen rồi hiếp dâm, giết người. Chúng tôi đang nghe một dòng nhạc, ngắm một thần tượng nào đó được gọi là văn hoá thấp à? Các bạn cũng thế, khi bị cấm đoán một thứ gì đó vớ vẩn mà không có lí do chính đáng sẽ rất khó hiểu, cáu giận đúng không? Chúng tôi chỉ yêu thích KPop như bao dòng nhạc khác chứ không hề làm điều sai trái! Chúng tôi vẫn học tốt, làm đúng trách nhiệm và vẫn giữ tốt nền văn hoá dân tộc. Tại sao lại cấm chúng tôi không được phép nghe KPop? 
Tôi rất buồn khi thấy người lớn, những nhà báo nhiều chuyện hay tọc mạch vào những fan KPop. Họ thực sự ác độc khi gây ra định kiến, sự bắt ép, sự phản đối kịch liệt và ánh mắt kì thị chúng tôi. Vì sao các bạn đam mê bóng đá, thích thời trang, nghe nhạc US-UK mà chúng tôi lại bị dèm pha đến thế? Giới tính thứ ba được chấp nhận và sống thật với con người họ thì tại sao chúng tôi không được? Tôi, không bảo vệ thần tượng là đúng nhưng mọi người cũng nên thay đổi cái nhìn về chúng tôi trước khi phán xét chúng tôi như thế.
🌸
Có thể người lớn, người đứng tuổi nhìn chúng tôi bằng cặp mắt ghanh ghét, dở dở ương ương rằng chúng tôi là những con-những thằng FAN CUỒNG, loi choi, hư hỏng. Có vẻ như họ không nghĩ trước khi nói, không thấy rằng đó rất buồn cười hay sao ấy nhỉ? Đúng là KPop có những fan cuồng, hôn ghế thần tượng, rạch tay chảy máu, chửi bố mẹ, trộm tiền đi xem show diễn,... Đó chỉ là MỘT TRONG những thành phần của KPop chứ không phải là TẤT CẢ. Nếu như KPop dạy chúng ta thành những con sâu mọt như thế thì tất cả nên phản kháng lại KPop như IS. Đúng, những bạn trẻ fan cuồng đó đang đi quá giới hạn, đang hành động sai lệch, sẽ phải trả giá đắt. Đó mới là những người đáng bị lên án chứ không phải tất cả chúng tôi. Vì chúng cũng chỉ là những người thích nghe nhạc KPop thôi giống như bạn thích nhạc Trịnh, bạn thích nhạc Đỏ, bạn thích JPop. Các bạn nghĩ gì nếu như người ta nhìn vào Việt Nam và kì thị Việt Nam vì nhiều người thích nhạc Việt? Các bạn không thấy nó nực cười à? Hàn Quốc cũng thế thôi, cũng có những người nghệ sĩ đóng góp công sức dù ít dù nhiều vài công việc họ đang làm. Vấn đề nằm ở chỗ cách ứng xử của fan chứ không phải thần tượng họ mà có định kiến sai lệch về họ.
🌸
"Thằng đấy thì có gì mà đẹp, mắt híp, người tong teo, thẩm mĩ có vấn đề à?" , "Úi giời ơi, nhạc gì mà nhảy nhót như điên!" , "Xem kìa, xem kìa, quần áo tóc tai như mất dạy." , " Bọn này vô duyên, ăn nói cục xúc bỏ xừ ra, vớ vẩn!" ,...
Nghe thấy những câu này nhiều rồi đúng không? Nó giống như các bạn phải cảm thấy có lỗi và hối hận vì nghe nhạc Hàn, yêu thích thần tượng Hàn vậy. Các bạn nghĩ sao nếu nó chuyển thành thế này?
"Nhạc Trịnh như dở hơi ý, bài nào cũng buồn, nẫu cả ruột!" , "Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam là ai đấy? Chắc già lắm rồi nhỉ!" , "Cải lương, chèo là gì vậy?" , " Adam Levine vừa xấu vừa già thế mà cũng có nhiều đứa thích!" ,...
Thì sẽ có rất nhiều Anh hùng bàn phím, Anh hùng ngoài đời cùng chung tay dìm chết những bạn nói những câu như trên. Vậy, còn chúng tôi? Những người thích KPop? 
🌸
Nhà bạn có nhiều đĩa nhạc Trịnh, có ảnh, chữ kí của Thanh Lam, Quốc Trung, Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng,... thì đó là vật quý báu, báu vật của cả gia đình. Còn con em, cháu chắt, anh chị bạn có ảnh của G-Dragon, BigBang, TFBoys, EXO,... thì có thể toàn bộ gia đình bạn hay bạn bè bạn sẽ nghĩ bạn là dị, là con fan cuồng mù quáng, thanh phần thấp kém của xã hội,... Các bạn có thấy tủi thân không?
🌸
Tôi, là một fan KPop, như bao fan khác viết bài này cho riêng mình và cho nhiều người giống như tôi hiểu rằng: 
"Hãy sống tốt, sống có trách nhiệm và cứ thoải mái yêu thích những gì mình muốn còn kệ những ai có thái độ khinh thường, dèm pha bạn vì bạn đã làm tốt những gì bạn có thể rồi. Sau này, họ sẽ nghiệm ra thôi." 
Và tôi mong rằng những người có định kiến về KPop hay bất cứ thứ gì thì hay suy nghĩ, suy xét cho cẩn thận trước khi đưa ra vấn đề.