Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

ÔNG LÝ KHÔNG TÓET ĐÂU

“Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không “.
Đây là phát biểu của Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội.
Beo có thể trả lời ngay: Việt nam không thể học được Hàn quốc.
Có hai lọai nợ xấu: nợ công và  nợ của doanh nghiệp.
Thập niên 80 thế kỉ trước,  SouthWest, Hãng máy bay lớn của Mỹ gặp khủng hỏang. Tất cả nhân viên của hãng đã chung vai gánh vác bằng cách đi làm không lương.
Dĩ nhiên, để đổi được sự trung thành như thế, hãng đã làm được một việc mà cho tới nay, hầu hết các công ty lớn trên thế giới đều xây dựng thành một dạng văn hóa công ty: số phận của công ty gắn liền trực tiếp với số phận của người lao động. Làm ăn phát đạt thì đời sống công nhân ổn định và bảo đảm. Ngược lại, công ty phá sản đồng nghĩa người lao động sẽ mất tất.
Đối với nợ công. Tạm coi một cuốc gia như một công ty, và người dân là công nhân. Nếu công nhân thật sự coi công ty như ngôi nhà mình, thì họ sẽ giúp công ty khi gặp khó khăn.
Và để làm được điều đó, người dân phải hiểu rõ, vận mệnh quốc gia gắn liền với cuộc sống của họ. Họ phải nhận thức được những thứ họ đang có liên quan trực tiếp đến “sức khỏe tài chính” của đất nước mình.
Những yếu tố như vậy, người lao động Việt nam, có giáo dục kiểu nào cách gì, cũng không thể có được.
Về phía chính phủ, cho đến giờ chỉ bày cho dân thấy xử lý nợ xấu bằng cách, phía  bán thì bán quá rẻ để thu tiền  “xổi” và phía mua, chủ yếu để đầu cơ tích trữ.
Niềm tin nào cho người lao động ra tay nghĩa hiệp với nợ xấu?
Đối với nợ công, còn một lý do nữa để nói không với câu hỏi của ông Lý:  nợ xấu là từ khó đòi đến không thể đòi được. Và như vậy, trên thực tế lượng tiền- vàng để cứu nợ xấu cao gấp từ 10 đến 100 lần giá trị nợ xấu.
(Trên blog này cách nay quãng hai năm,  Beo có một entry nói rất rõ nợ xấu là gì. Bạn nào cho rằng lấy tiền dân để trả nợ xấu chịu khó lục lại tham khảo nhé)

CHUYỆN CỦA MỘT NGÀY

Mưa mãi không thôi,  nhẹ nhàng rả rích. Lạnh vừa đủ để cảm giác ly cà phê vừa đi vừa uống thơm, và ấm được hai bàn tay.
Những người đàn bà đàn ông, ở cái tuổi đủ biết  cuộc sống  là  quý giá nhất trên đời, mưa thế lạnh thế vẫn đứng ngòai vòng cấm nhà hộ sinh cầu nguyện cho những sinh linh không được phép chào đời. Bên nhà mình, một  bé gái đói quá vừa mất. Ngoại ô Boston sáng nay, bé 6 ngày tuổi bố bồng trên tay trong nhà, một viên đạn lạc của người đi săn khiến bé ko bao giờ nhìn thấy đuờng nữa.
Nghe một buổi thuyết trình của giáo sư Mỹ. Chàng nguyên là trợ lý thời Bush con, giờ  dạy đại học trên thủ đô, tác giả dăm vài cuốn sách về thời chiến tranh lạnh.
Chàng nói về dầu khí trong mối quan hệ tòan cầu thế kỉ 21. Có cái mới có cái biết rồi nghe như vịt nghe sấm. Chăm chăm ngắm nghía gáy  con bé ngồi ngay trước. Tạo hóa sao sinh ra những sinh vật đẹp đến thế.
Về ngang quảng trường trung tâm, nhìn cái nghịch ngợm   với bức tượng, không nhếch nổi miệng cười. Bao giờ  teen teen xứ mình được hồn nhiên đến thế, bao giờ thôi đi những xoi mói rỉa móc bọn trẻ nhân danh văn hóa từ những kẻ vô văn hóa nhất.
Joshua Wong, trùng tên với ku con nuôi người Singapore, nó nhận thức những điều không khác gì đám con mình-cả gần chục đứa-tầm hồi tuổi ấy. Chẳng đứa nào coi Wong là anh hùng dù rất kính trọng ca ngợi cậu. Truyền thông nước mình đang bốc cậu lên  thành vĩ nhân. Bao lâu rồi, chúng ta không có anh- hùng- thật dám làm chuyện lớn thay vì những bé mọn con con đời thường huếnh hóang với nhau? 
Thôi thì của người phúc ta mượn xa nói gần để cùng dạy nhau trong thời đói khát lý tưởng sống, các bạn nhà báo nhỉ? 

Nghĩ đến Wong, tự dưng liên tưởng chuyện ngày xưa, khi còn đi viết văn hóa, mấy lần nhăm nhăm định chê nhà thơ Song Hảo copy ý của Heinrich Heine trong bài Bao giờ. May, ngày ấy không viết. Để giờ thấm thế mấy câu kết trong một chiều mưa trên phố.
Vườn nhà em đầy hoa
Hương thơm và trái ngọt
Mái nhà em dịu mát
Đầm ấm và bao dung

Mặt đất cong gai chông
Bầu trời đẫm mưa gió
Bao giờ anh đau khổ
Hãy tìm đến với em.