Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

BÀI CỦA LUẬT SƯ



1.
Không cần nhiều, chỉ cần một lần dự trực tiếp thôi, tại phiên tòa xử các “nhà dân trủ” hay “dân oan”, sẽ thấy ngay, kiếm tiền bằng nghề luật sư ở ta, dễ nhất trong mọi nghề.
Có vị nhớ nhầm tên...thân chủ, tới 2 lần.
Có vị xếp lên bàn một chồng sách luật cao lút tới mũi (cũng là vì vị ấy lùn quá), lúc cãi lý, rút ra một cuốn, giương lên đọc,  trật lất  nội dung đang tranh luận với tòa. Lúc ấy Beo còn nghĩ, lão này không thèm đọc cáo trạng trước khi đến tòa.
Họ hỏi thân chủ mình những câu như lấy lệ, vì chả nhẽ ngâm nga sách hoài không hỏi.
Tựu trung lại, họ chẳng có bài gì chủ đạo, nhằm tận tâm điều chỉnh hành vi của thân chủ và luật pháp sao cho trùng khớp, một cách nhân đạo nhất.
Chỉ thấy ẩu tả, đại khái, qua loa.
Ấy vậy nhưng  nói họ không có bài gì, thì chính Beo ẩu tả, đại khái, qua loa.
Bài của họ, nằm ngoài tòa.
Họ khôn ngoan hướng tất cả mọi phương tiện truyền thông trong tầm tay có thể, chứng minh hai điều. Một, nhân cách thân chủ họ được bảo toàn, thậm chí được xã hội (đặc biệt xã hội của những RFA, BBC...) tôn vinh, bất chấp tội danh gì đi nữa; Hai, hiệu ứng từ  điều một, thân nhân phạm và dư luận thấy luật sư đã tận tâm mọi trách nhiệm có thể, án là tại tòa (Tòa Việt mà, ai chả mặc định trong đầu luật sư tài thánh cãi thắng những cái án đã được cấp XYZ nào đó phê chuẩn).
2.
Vụ ngân hàng ACB sẽ xử trước Tết âm lịch. Dự kiến quãng tháng 1/2014.
Giờ này, cả hai luật sư của hai nhân vật chính, đều bỏ hợp đồng, vì cùng một lý do.
Luật sư mới, chưa thấy đâu.
Với núi hồ sơ như thế, liệu có ông bà luật sư ba đầu sáu tay mười hai con mắt nào kịp tiêu hóa cẩn thận để bảo vệ cho hai con tốt thí sặc mùi chính trị, Lý Xuân Hải và Nguyễn Đức Kiên.
3.
Đang nghĩ có nên viết tiếp

V. ƠI, ÔNG CÓ MUỐN NGHE NÓI THẬT KHÔNG ?



Nơi trang trọng nhất nhì cuốn sách, ông để lời Phạm Thị Hoài, bình thế này: “ Trong cuốn tiểu thuyết phản lịch sử, phản hư cấu, phản hiện thực và phản tiểu thuyết này, các nhân vật chính của tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng nhất, Truyện Kiều, và cả tác giả của nó, Nguyễn Du, bước thẳng ra từ hư cấu và lịch sử để lăn lộn trên một bàn cờ thế sự quái đản mà dường như tất cả chúng ta đều có mặt”.

Tôi, thì lại thấy ở cái lời bình kia đầy một sự “đểu ngầm”, V. ạ. lăn lộn trên một bàn cờ thế sự quái đản mà dường như tất cả chúng ta đều có mặt, ấy thế mà lại phản cả lịch sử lẫn hiện thực, thì cuốn sách ấy nó là cái chi chi?

Lịch sử, hư cấu, hiện thực, tiểu thuyết...là những khái niệm tối giản, phổ thông nhất của nghệ thuật, phản tất như thế, liệu có thể bình gọn lại: phản nghệ thuật.

Còn tôi, thì bình thế này.

Dù trong bất cứ hình dong áo mão cân đai nào, thì tiểu thuyết buộc phải chứa trong nó tính thiện.

Đốt viết như lên đồng, giải phẫu đến tận từng nơ ron thần kinh của cái ác trong Tội ác và trừng phạt. Gấp sách lại, lồng lộng những là bản thiện với nhân văn.

Gấp sách ông lại, tôi chỉ thấy những cóp nhặt sự vụ từ báo chí, từ facebook. Thành thật xin lỗi ông vì không có từ nào thay thế cho nhẹ nhàng, đỡ làm tổn thương ông hơn: một sự cóp nhặt trong tâm thế nhỏ mọn và tủn mủn.

(Tôi đọc đúng 3 lần, để xem có thay đổi được nhận xét ác mồm kia không, nhưng lần sau, điều đó còn rõ hơn lần trước.)

Phàm phận nhà văn, để cho mình tan chảy trong bàn cờ thế sự quái đản, rồi hằn học rồi cay cú bức bối đưa cả vào văn chương, thì tác phẩm, chỉ ở tầng hạ đẳng.

Thời của những tiên tri giả, tiên tri thật, mới quý.