Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

CÁCH MẠNG

- Thể nào cũng phải đến  nhớ, chị phải hỏi cô nhiều kinh nghiệm lắm !
Chị rất xinh, con nhà trâm anh. Anh dân Hà nội gốc, nhẹ nhàng lịch lãm. Vợ chồng cùng giáo viên, nhà toàn sách với sách.
Cả hai anh chị, chả biết sao rất mê những bài thuốc  dân gian truyền miệng. Trào lưu gì, mình cũng thấy cầm đầu và thực thi triệt để hơn người. Ngày ấy mình từng đùa, ông bà mà làm cách mạng, chỉ từ toàn thắng đến đại thắng.
Mình quen anh chị, đúng  dịp uống nước giải chữa bá bệnh. Nước giải là  cách gọi nước tiểu hay nước đái của người Hà nội, hình như có lẽ là cách nói trại đi của nước thải.
Mà phải là nước giải của trai tân mới quý. Tối nào trước khi đi ngủ, thằng oắt 10 tuổi của anh chị cũng bị  nhồi cho 1ca đầy để sáng ngày ra sản xuất nước giải phục vụ bố mẹ. Có đêm, nó  mắc tiểu quá quên gọi mẹ dậy hứng nước đầu, xém ăn bạt tai. Chị bảo, nước nhị không còn chất nữa.
Rồi đến  thanh lọc cơ thể bằng  nước lọc. Ngày 4 lít tối thiểu, hơn nữa càng quý. Riêng chị, 6 chai coca loại 1 lit 25, vị chi 7 lít rưỡi mỗi ngày. Tuyệt đối ko được ăn uống gì khác, ngoài nước.
Anh sau ngày thứ hai bỏ cuộc. Chị nhịn được đến ngày thứ 13 thì nói ko ra tiếng nữa. Đêm phải cột dây vào tay anh để giật gọi khi cần. Mình đến chơi, chị cứ 5 phút uống nước rồi 5 phút vào toilet, xen kẽ nhau đều như dây chuyền sản xuất.
Đận ấy, chị  xuống được 17 kí và khỏi tiệt bệnh viêm đại tràng mãn tính. Vậy nhưng,  bệnh viêm này lại chạy lên cao hơn, tận thượng vị. Chị giải thích, sau khi nhịn nhẽ phải ăn đồ mềm, từ từ một tháng sau mới được ăn cơm, đằng này, chị ăn sớm quá cô ạ.
Mình cũng từng có lần tập tọng theo chị. Dĩ nhiên không thuộc lĩnh vực ăn uống vì mình phàm ăn, nhịn chết liền. Mình  đặt là  Thiền liệt.
Do trái đất có trọng lực hút  ta xuống, nên để cân bằng với bầu trời, mỗi ngày nằm thẳng đơ càng lâu càng tốt trên mặt phẳng tuyệt đối như nền nhà chả hạn. Tuyệt đối không được nhúc nhích, kể cả ngón tay hay mi mắt. Sau đấy, ngồi thêm  cũng càng lâu càng tốt ngật đầu ra phía sau, hết  thước thợ mộc.
Quả nằm thẳng cẳng mình hỏng ngay từ đầu. Dạo ấy vất, thiền phát là ngủ, kiểu gì chồng con ngồi canh cũng tố mình đập tay đá chân co người, không liệt như chị chỉ. Riêng quả ngật đầu, mình thù thằng cha truyền giáo môn này tới giờ vì làm mình suýt đi nhà thương, trẹo cổ nghênh ngáo đầu cả tuần mới hết. Hắn là nhà thơ, sau bị vợ bỏ, lý do cũng liệt nhưng không  phải thiền.
Về nước, bận tối mắt tối mũi nhưng lần nào mình cũng thu xếp đến thăm anh chị. Chị là người dạy những chữ cái đầu tiên cho Giai Xinh. Lý do thật gửi con cho chị vì muốn con mình giữ được giọng nói Hà nội hơn cần học chữ.
Bao năm, nhà anh chị vẫn thế, tinh sách là sách, nắng sớm soi một lớp bụi mờ trên kệ. Món chè đậu đen với chút bột sắn thoang thoảng mùi hoa bưởi. 60 tuổi đầu giọng chị vẫn trong như ngọc, chẳng xuống một octave nào.
Anh chị nghỉ hưu, vẫn chức...giáo viên. 
Không phải uống nước giải hay nước lọc, cũng không phải thiền liệt, mà là ...đi định cư nước ngoài.
Cả hai không cho mình chen vào câu nào, hào hứng như nhập đồng. Không phải hỏi kinh nghiệm sống xứ người từ mình, mà  anh chị chỉ mình cách hòa nhập xứ người. Cũng phải thừa nhận chị lấy được nhiều thông tin nhập cảnh từ nhiều nước thật. Úc, Anh, New Zealand  mình không rõ lắm nhưng Mỹ, cơ bản chính xác cả. Không biết nghe  từ đâu, chị còn biết tận chiều cao TaiLong nhà mình. Cũng chính xác luôn.
Mình vẽ ra rất nhiều viễn cảnh  u ám của cuộc sống “bên Tây”, anh chị phủ quyết hết bằng lý lẽ, cô sống được cớ gì chúng tôi không sống được, cô vui tươi thơ thới thế, cớ gì chúng tôi u ám ủ dột ?
- Chị ơi, nhà cửa đàng hoàng, các cháu thu nhập khá giả cả,  sao  lại phải đổi hết để lấy cuộc sống bấp bênh đến thế ạ ?.
- Gần hết đời làm Giáo Thứ (*) rồi,  cũng liều làm đại cách mạng  một lần, cho biết.


(*) Nhân vật trong tác phẩm Sống mòn của nhà văn Nam Cao.

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

CONGRATS !

1. Chắc chắn, tôi là người thất vọng nhất trong số những người mong muốn Ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục ở lại lãnh đạo đất nước.
Mặc dù, tôi không hề mảy may hy vọng, sự ở lại của Ông sẽ khiến quốc gia này nhanh chóng biến chuyển theo hướng lạc quan nhưng, Ông là lựa chọn khả dĩ tốt nhất, so với ông Trọng hay ông Sang và thậm chí, so với cả những gương mặt kế nhiệm vừa trúng cử.
Một người bạn tôi nói thế này: “Em ko giống chị, chỉ đánh giá giống chị là ông giỏi nhất. Em chỉ muốn ông Ba ở lại dù em cực ghét ông ấy. Nhiệm kỳ cuối người ta có nhu cầu đóng đinh vào lịch sử. Và như vậy xã hội sẽ được lợi”.
Một người bạn khác thì nói thế này: “Thất bại của anh 3 trước Cả Lú là thất bại của chủ nghĩa thực tế trước chủ nghĩa giáo điều. Chả phải vì những kẻ liên kết với nhau chống lại 3D là những kẻ theo chủ nghĩa lý tưởng, mà có lẽ chúng cũng cảm nhận được rằng, chiến thắng của 3D sẽ là sự kết thúc của CNCS, khiến tương lai của chúng và con cháu chúng trở nên mờ mịt. Bằng cách loại bỏ 3D, chế độ này trước mắt sẽ được duy trì.
Chỉ có người có vẻ trong sạch nhất mới có thể chống lại 3D nhiều tì vết. Chỉ có người có vẻ lý tưởng nhất mới có thể chống lại 3D quá mạnh về tính thực tiễn. 
Một khi chủ nghĩa giáo điều lên ngôi, thì cách duy nhất để níu giữ quyền lực cho nhà Tiệc là chế độ công an trị. Một tầng cao mới của chế độ công an trị là viễn cảnh mà chúng ta sớm phải đối diện.
Chào mừng các con dân của xứ Vịt sắp tiến thêm một bước nữa tới thiên đường XHCN!”.
2. Chắc chắn, tôi là người tin nhất (sau gia đình Ông) tin rằng  Ông muốn nghỉ thật sự. Ý nguyện này không phải đợi đến Hn 13, 14 mới đây, mà  từ nửa sau nhiệm kì 2. Khi các đồng chí Ông dồn đuổi Ông từ tứ phía, ngấm ngầm cũng như công khai.
Mấy ngày  nay, đọc  báo chí quốc tế ca ngợi Ông, tôi thật sự hãnh diện. Chưa một nguyên thủ  thời đổi mới nào được  họ  giành cho sự trân trọng như thế. Thật tiếc, những lời có cánh ấy khó mà được phổ biến trên truyền thông chính thống thời điểm này.
Một lần trên chuyên cơ công cán nước ngoài, tôi thấy Ông, ngủ ngon lành trên 3 cái ghế của khoang phục vụ. Rất không giống phong thái vị Thủ tướng, chỉ là một người đàn ông như mọi người  bình thường khác, rất đẹp trai, hào hoa và hơi...nhát gái.
Trưa qua, khi cuộc bầu bán chưa diễn ra, một người  bạn Ông đã khẳng định với tôi, Đại hội có tín nhiệm chăng nữa, Thủ tướng cũng dứt khoát xin nghỉ.
Ngay sau đó, tôi đã treo  cover hình Ông với lời chúc mừng.
Ngần ấy năm từ chiến tranh tới hòa bình, ông  quần quật không ngơi nghỉ  phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, nhân dân không bao giờ vô ơn. Xin  một lần nữa chúc mừng Ông, đã  được an nhàn.
Cảm ơn Ông ạ !.

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

244- CÁI LỀ GÌ THỐN ?

***
244 là Quy chế bầu cử trong đảng, từ thấp nhất (cấp chi bộ) đến cao nhất (cấp Bộ chính trị). Tôi diễn giải ở đây việc bầu bán ở cấp cao nhất và dẫn chứng bằng thực tế đang diễn ra.
Bước 1: BCT khóa cũ giới thiệu danh sách những người tái cử. 
10/16 người  khóa 11 xin rút. Giờ chót, tại hội nghị 14,  Nguyễn Phú Trọng tự ứng cử. Danh sách chốt lại 7 người.
Bước 2: Danh sách  của Bước 1 được đưa ra  Ban chấp hành TW để bỏ phiếu lần 2
Không có gì thay đổi. Ở đây tôi đính chính luôn tin của báo chí chính thống. Ông Trọng được 62% phiếu chứ không phải 100%. 9 thành viên còn lại dứt khoát xin rút.
* UV dự khuyết không được bỏ phiếu.
Bước 3: 1.  Danh sách TW khóa trước giới thiệu
              2.  Đại hội đề cử
              3. Tự ứng cử
Tổng hợp ba danh sách trên, nếu số lượng quá đông, phân tán phiếu, sẽ có hiệp thương- tự động xin rút. Chốt danh sách.
             4.  Đại hội bầu, và đây là lá phiếu cuối cùng quyết định 200 ủy viên BCH TW khóa mới.
* Tất cả các UV TW khóa trước không được tham gia 3 hành động đầu của Bước 3 này, chỉ bỏ phiếu cuối cùng (4).
***
Một bạn doanh nhân comment  với tôi thế này  "Lãnh đạo là người tạo ra sự thay đổi" - xét đến cùng cũng không thể không quan tâm chị ơi...
Báo cáo chính trị vừa đọc tại ĐH 12, không có bất cứ thay đổi gì so với ĐH 11, thậm chí so cả với ĐH 10. Chiểu theo Hiến pháp, Đảng lãnh đạo toàn diện. BCCT là văn bản cao nhất quyết định đường lối chính sách cho sự lãnh đạo toàn diện ấy.
Đó là lý do chính yếu tôi nhận định rằng, sẽ không có bất cứ thay đổi mang tính cách mạng nào  trong 5 năm  năm tới, dù bất cứ ai nắm quyền.
Chỉ việc con một ông lấy chồng có lý lịch (bố mẹ) tham gia chế độ sụp đổ cách nay 40 năm, ông ta còn làm kiểm điểm giải trình 9 lần, thì thử hỏi, chống lại nguyên tắc tổ chức, sống liệu có thành tật ?

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

NÓI THÌ BẢO TRÙ QUẺO...

Việt nam nhẽ quốc gia duy nhất hành tinh quan niệm, sách nghiễm nhiên chứa chức năng giáo dục, người đọc nhiều sách đạo đức sẽ tốt hơn người đọc ít. (Suy ra, mình tầm nhất nước, đêm nào cũng xơi gần cuốn).
Thế nên, người Sàigòn như thấy mình sang chảnh lên hẳn khi đường sách Nguyễn Văn Bình khai trương. Mát mẻ dưới hàng cổ thụ, ngay trung tâm, địa thế chuẩn chả cần chỉnh.
Gian hàng bổ theo nhà xuất bản.  Sách lộn xộn, Cụ Trần Trọng Kim lọt giữa Văn chương thời thổ tả của facebookers. Quanh quất không thấy cuốn của míttơ not thím Đàm, hỏi, cháu nhân viên rất lễ phép, nhanh nhẹn móc dưới đống áo, khẩu trang, găng, mũ bảo hiểm, đưa cho cuốn Sàigòn bao nhớ.
Mô hình đường sách Sàigòn đi sau Nguyễn Xí Hà nội. Hàng độc của Nguyễn Xí: bán dưới giá bìa từ 10 (sách đang hot) đến 30%; Có thể tìm được tất cả các cuốn thiên hạ rỉ tai: đã, đang và sẽ...cấm.
Đường sách Sàigòn chỉn chu và đẹp và, đậm chất Sàigòn.
Diễn giải chất ấy nó thế này: Quán xá mọc kèm rất nhanh và không buồn...đặc thù. Thế nên,  ghế cứng  bất tiện để ngồi đồng (đọc sách) và ồn ĩ...nhạc. (Á. Cứ nghe Tết tết rếtrếtrết tết đến dồi...thực lòng chỉ muốn nhảy vô bạo hành giữa mồm bất kể ai đứng cạnh). Đầu phía Hai bà trưng kịp có càphê bệt, hỉ hả nhếch nhác...; Sách chưa phủ kín chỗ nhưng đồ lạc xon xanh đỏ đã lấp lánh đầy.
Trong vòng bán kính chưa đến cây số từ đường sách, có ít nhất hai nhà sách lớn của Fahasa  cực kì phong phú chủng loại, trong khi đường sách ngắn, giới hạn số lượng NXB nên đơn điệu hơn rất nhiều. Vậy người mua sách (hay người nuôi đường sách), mua gì ở đấy, nếu không có đồ độc? Đến, chỉ để selfie post phây, 3 lần hết đất hết like làm sang.
Cái sự ế ẩm của đường sách trong tương lai, chửa nhìn đã thấy mồn một bày từ hôm nay.
Nếu là người tổ chức, mình sẽ chỉ cho bán ở đây 2 loại sách, sách cũ (cả mua lẫn bán) và sách mới ra lò. Loại thứ nhất, bắt buộc bày theo lớp lang bài bản của ngành thư viện. Việc bày biện thế vừa trọng thị người mua, vừa  chứng tỏ chính người bán có học chứ ko phải con  buôn đồng nát. Loại thứ hai, cứ sau một tuần hay 10 ngày dứt khoát phải ra khỏi quầy; Mình cũng cấm tiệt văn hóa phẩm Tàu (như trong hình), thuần sách thôi, như Nguyễn Xí ấy; Đã có quán càphê (đang xây) phía trong khuôn viên tòa nhà bưu điện, quán của Phương Nam hiện thời bắt buộc sử dụng cho việc gặp gỡ, giới thiệu sách mới của các tác giả bởi, mình chưa thấy thiết kế không gian cho hoạt động này.

Mình cũng sẽ PR dụ khách bằng cách bịa tạc ra một vài huyền thoại, ví như gốc cây chỗ nhà  Nhã Nam đại thi hào (nào đó) từng tè 2 lần hay  trước cửa nhà  Trẻ, rất nhiều người thấy bóng cụ Hồ Biểu Chánh vuốt râu cười ha ha.
À, mình còn làm thêm một tấm biển đá khắc chữ đồng, giải thích cặn kẽ mục đích ý nghĩa giá trị thẩm mỹ... của cái vòng meo méo kia, bên cạnh mục đích phụ làm barie như đang.

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

NỖI SỢ HÃI MÀU NHIỆM

1. Tôi xếp các tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn vào dòng văn-học-hiện-thực-xã-hội-chủ-nghĩa, theo nghĩa nghiêm túc nhất của khái niệm này. 
Ông là người đầu tiên, chứ ko phải các nhà văn-thơ phản kháng chế độ, từ bỏ sự tô hồng cuộc sống trong tác phẩm và, ông cũng không bôi đen tất cả như các nhà văn-thơ phản kháng kia. Ông bình tĩnh nhìn nhận rồi kể lại một cách đơn giản đời sống, như nó ĐANG thế.
Dĩ nhiên, tôi tuyệt đối ko tin ông đơn giản. Ông chọn cách viết khôn ngoan ấy để lừa mị người đọc vào cảm giác, ông là người chép sử trung thực.
Ngày xưa, tôi từng có lần so ông với Ehrenburg khi đọc Cù lao Tràm. Cái vênh vao duy nhất với ông  nhà văn Nga khi so sánh, xã hội ở kinh đô ánh sáng (cuốn Paris sụp đổ) phong phú hào sảng, xã hội nơi cù lao của ông Tuấn rị mọ như hồng hoang.
Chung dòng với ông Tuấn, sau có Triệu Xuân (Giấy trắng) và mới nhất có 2 tập Đại gia của Thiên sơn. Triệu Xuân không có văn và Thiên Sơn, bỏ tập hai đuối sụp xuống, ở tập một- những trang nội tâm nhân vật bị cường điệu quá mức thành thử, chỉ còn thấy mỗi “đầu” ông tác giả, tả xung hữu đột hết nhân vật nam đến nhân vật nữ.
Vậy nên, Nguyễn Mạnh Tuấn lồng lộng đứng chủ đạo một dòng văn, như Tố Hữu bên dòng thơ Cách mạng vậy.
Điều duy nhất tôi không chịu đựng được trong hầu hết (mà hình như tôi đọc chả sót cuốn nào) tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn, là khi ông viết về tình yêu nam-nữ. Loài người có 3 giới tính, nhân vật của ông này phi cả ba.
2. Hai cuốn mới nhất của ông, Nỗi sợ hãi  màu nhiệm dễ đến cả năm sau xuất bản tôi mới có sách và Phần hồn, chưa kịp đọc hết thì để quên ở sân bay.
Gần ba chục năm, “vốn sống” trong ông từ Cù lao Tràm ngày nào vẫn ngồn ngộn, như thể ông chỉ cần cúi xuống nhặt lên, là thành văn.
Vốn sống ấy, giờ đây tráng thêm một lớp  chiêm nghiệm của thời gian, đọc thú vị vô cùng. “ Sự trong sạch nào cũng phải đấu tranh mới có. Không biết sợ hãi chưa chắc đã thành anh hùng, mà biết sợ hãi chẳng hẳn đã hèn kém”. (Sách cũ, ông ít triết lý thế này lắm).
Tôi vừa đọc lại Nỗi sợ...và vẫn phì cười  từng đoạn như lần trước. Vài chục trang sách, câu chuyện (hình như) là có thật, nhưng nó ám vận vào cả một quãng dài thể trạng tâm thần của xã hội đang sống.
Nhà văn, lớn hay trung bình hay nhỏ, ở chính điều đó.

(*) Đầu tiên ông tưởng mình bị đái dầm, sau đấy là di tinh. Nỗi sợ...kể về quá trình “chữa” bệnh nam khoa khó nói này.
Hình ảnh có chút liên quan. Đây là dòng dõi nhà ông Tuấn. Chưa đọc nên ko bình.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

NHƯ THẾ LÀ TỰ TRỌNG

Copy của THIÊN LƯƠNG
Tôi nghĩ rằng ai cầm bút viết cho đám đông đọc thì nên có một số trách nhiệm tối thiểu của một kẻ có học. Một là phải khách quan, không nên đem góc nhìn chủ quan của mình áp vào sự việc. Ví dụ như tôi rất ghét gái cao ráo thon thả eo nhỏ vú to (do tôi mong ghét của nào trời trao của ấy), nhưng chẳng bao giờ tôi lại chê bai các em gái như thế cả. Hai là phải lạc quan, đời ai chẳng khổ, sinh ra làm kiếp người là khổ rồi, trong Tứ Diệu Đế của nhà Phật, điều đầu tiên là Khổ đế, chẳng có ai làm người mà sướng cả. Cho nên đừng có rêu rao cái khổ, hãy lạc quan lên mà sống. Anh đã già, răng rụng, mắt mờ, chim teo, lưng đau, đời anh chán, nhưng đó là việc của anh, đừng lên facebook reo rắc nỗi khổ của anh cho bá tánh, thử nhìn xem các facebook dâm chủ VN là ai? Toàn một lũ già, nghèo, loser, chứ còn thanh niên có ai chửi bới chế độ và cuộc sống hay không?
Điều quan trong thứ ba của một cây viết có học và có trách nhiệm, là anh phải cố gắng tránh ngụy biện. Đánh giá sự việc phải có phương pháp, phải so sánh tương đương, và không lạm dụng một trường hợp đặc biệt để khái quát hóa vấn đề. Đúng là VN có những vấn đề trong giáo dục, trong ngành công an, trong mọi thứ, nhưng cái anh lôi ra nó có mang tính điển hình hay không? Đâu thể nào vì một vụ trò hiếp cô giáo mà phủ nhận công lao cả ngành giáo dục? Trò hiếp cô giáo là chuyện bình thường ở Mỹ, ở Nga, ở mọi nơi trên thế giới. Chỉ khi nào các vụ việc đó lên đến mức nào đó, chẳng hạn cứ 3 cô giáo thì một cô được học sinh hiếp, thì mới là vấn đề phải quan tâm.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

KHỦNG BỐ Ở TIỂU SÀI GÒN

 Thư của ông Nguyễn Thanh Tú, con trai của cố ký giả Đạm Phong- 1 trong 5 nạn nhân trong phim tài liệu Terror in Little Sài Gòn. Copy từ Calitoday.

Tu Nguyen. 3310 N. Braeswood Houston, Texas 77025
 Ngày 15-1-2016
Kính gửi: Nghị sĩ Janet Nguyen
STATE CAPITOL. Sacramento, CA 95814 Văn phòng Địa hạt 10971 Garden Grove Blvd Garden Grove, CA 92843

Kính thưa Nghị sĩ Janet Nguyễn:
Tôi tên là Nguyễn Thanh Tú. Bố tôi, ông Nguyễn Đạm Phong là một ký giả người Việt có tiếng của tờ nhật báo "Tự Do" đã bị một tổ chức tội phạm có tên là "Mặt Trận", mà hiện nay là Việt Tân”, giết chết, được ghi lại trong bộ phim tài liệu có tên "Khủng Bố Ở Little Saigon” do Propublica và Frontlines của PBS sản xuất. Bốn (4) nhà báo khác có lẽ cũng do Việt Tân giết chết.
Thật vậy, một lãnh đạo cao cấp [của Mặt Trận] đã thừa nhận rằng, “rất có thể” các thành viên Mặt trận đứng đằng sau vụ ám sát ông Đạm Phong và có thể đã phạm những tội ác khác. Ông thừa nhận, có một nhóm bạo lực bên trong tổ chức, và khi nhân viên thu hình tắt máy, ông Nghĩa thừa nhận ông đã tham dự một cuộc họp của Mặt trận mà trong đó các thành viên thảo luận về kế hoạch ám sát một biên tập viên của một tờ báo nổi tiếng ở Quận Cam. Ông Nghĩa cho biết ông thuyết phục các đồng nghiệp không nên giết người đó. Ông Nghĩa nói: "Đó là một chương đen tối trong cuộc đời tôi[1]”. Và ông Đỗ Thông Minh, một trong những người sáng lập, đã qua paltalk có chia sẻ với tôi rằng "Trong 5 người bị chết, 2 người đáng coi là nạn nhân trực tiếp vì những bài báo họ viết ra đả kích MT[2] nặng nề là nhà báo Đạm Phong năm 1982 làm tờ Tự Do và vợ chồng ký giả Lê Triết năm 1990 làm cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong."
Tôi rất cảm động trước sự hỗ trợ nhiệt tình và dũng cảm của các nhà báo Mỹ gốc Việt, là đồng nghiệp của cha tôi, các nhà báo Mỹ và cộng đồng người Việt thân thương của tôi ở đây và ở các nước khác. Tôi đã làm việc với Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) và một công ty Luật ở Washington D.C. để mở lại các vụ án mạng này. Thật không may, em trai của tôi, Tài Nguyễn, hiện đang sống ở quận Cam, bang CA, đã lưu ý tôi về lá thư của Nghị sĩ ngày 10 tháng 11 năm 2015, trong đó, Nghị sĩ đã nhanh chóng đưa ra kết luận khi không thấu hiểu câu chuyện. Trong khi tôi và gia đình tôi đã chờ đợi ba mươi ba năm để có công lý, tại sao Nghị sĩ không bỏ ra thêm 5 phút cho chúng tôi để gọi điện thoại hỏi thăm trước khi đưa lời tuyên bố? De roi toi có thể chia sẻ với Nghị sĩ Bố tôi đã sống như thế nào thay vì chết như thế nào. Tôi biết rằng Nghị sĩ là một người thực sự tranh đấu cho nhân quyền và lời tuyên bố này chỉ là một sự vô ý. Tôi kêu gọi Nghị sĩ hãy ủng hộ công việc điều tra, tập trung vào nhu cầu của nạn nhân và góp phần vào việc tìm ra thủ phạm giết năm nhà báo.
Cộng đồng hải ngoại ngày nay rất khác so với thập niên 90. Nhiều người hiện nay, ở Mỹ và các nước khác, sẵn sàng cung cấp thông tin có thể giúp giải quyết các vụ án mạng còn trong nghi vấn, như các vụ án này và có khả năng dẫn đến việc tìm ra thủ phạm. Tuy nhiên, tại thời điểm quan trọng của việc điều tra đang diễn ra, tôi vô cùng lo ngại về mối liên hệ chặt chẽ và sự hỗ trợ lâu dài cho một tổ chức bị cáo buộc bởi các phương tiện truyền thông dòng chính, các cựu lãnh đạo/sáng lập của họ và FBI về các hoạt động khủng bố. Và sự hỗ trợ công khai của Nghị sĩ đối với Việt Tân, đã cho phép họ sử dụng tên NGHỊ SĨ và lá thư của Nghị sĩ như là một hình thức tuyên truyền để hợp pháp hóa tổ chức tội phạm của họ đối với người dân ở Việt Nam và một số người ở các cộng đồng người Việt mà họ có kết nối chính trị chặt chẽ. Điều này cũng có thể ngăn cản các nhân chứng tiềm năng đứng ra làm chứng vì họ nghĩ sai rằng, Việt Tân được chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ, nên được hưởng sự miễn tố.
Hơn nữa, điều quan trọng cần phải chỉ ra là nếu bất kỳ nhân viên nào của Nghị sĩ là một thành viên hay cảm tình viên của Việt Tân trong khi làm việc cho Nghị sĩ và được trả lương bằng tiền thuế, Nghị sĩ không thể nào giữ được bí mật của bất kỳ người tranh đấu cho nhân quyền nào đang trong vòng nguy hiểm, những người đang tìm kiếm sự trợ giúp của Nghị sĩ thông qua nhân viên của Nghị sĩ. Công bằng mà nhận định rằng, nhân viên đó có khả năng chuyển các thông tin cho Việt Tân, một tổ chức với các hoạt động bị cho là khủng bố, mà không thông qua Nghị sĩ. Điều đó rõ ràng là xung đột lợi ích, lòng trung thành bị phân chia và không thích hợp, đặt người ta trước sự nguy hiểm.
Cái chết đau đớn của năm nhà báo, trong đó có cha tôi là ông Đạm Phong, vẫn chưa lành. Vết thương đó là vấn đề đạo đức, hoặc được gây ra bởi sự "khinh miệt" và "bất công", là tâm điểm của nỗi thống khổ của chúng tôi trong ít nhất hơn ba thập niên qua. Tôi nghĩ rằng Nghị sĩ khó vượt qua nỗi mất mát trong lòng. Và không phải để muốn nói rằng, Nghị sĩ không vượt qua để có được sự bình an, các vết thương – vết thương chỉ lành bề ngoài – có thể vẫn còn hằn sâu.
Phải chăng Nghị sĩ không biết rằng (1) Tammy Trần, tức Trần Thiện Tâm, là Đoàn Trưởng đầu tiên của Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Miền Nam California. Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu là tổ chức ngoại vi của Việt Tân để thu hút giới trẻ; ngoài Nam Cali, họ còn có chi nhánh ở Toronto và ở Na Uy. "Tammy Trần cho biết, khi cô gia nhập Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, lúc đó mới 16 tuổi và đang là học sinh trung học. Hôm nay cô đã 30 tuổi, thành ra nửa đời người gắn bó với Đoàn" (xem Dẫn chứng A đính kèm). Và (2) Thỉnh nguyện thư thứ hai là do một "nhóm trẻ" phát động chiến dịch "Tôi yêu Little Saigon" ở Quận Cam thực hiện. Các nhân vật chính trong nhóm trẻ là Trinity Hồng Thuận, đảng viên đảng Việt Tân, và Billy Vũ Lê, đoàn viên Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu (xem Dẫn chứng B & C đính kèm). Tóm lại, hai thỉnh nguyện thư chống đối phim Khủng bố ở Little Saigon cùng do đảng viên Việt Tân tung ra để làm ra vẻ đến từ nhiều thành phần trong cộng đồng.
Tôi xin hỏi Nghị sĩ, làm thế nào hai sự kiện phổ biến này không đưa tới câu hỏi về tính khách quan hay chủ quan? Kiến nghị của Tammy Trần và Trinity Hồng Thuận giống như người cộng sản đi xin chữ ký về vị thế nhân quyền của họ. Đó là những kiến nghị tự phục vụ mình và không có gì về cộng đồng Việt Nam thân yêu của chúng tôi!
Do đó, tôi trân trọng yêu cầu Nghị sĩ:
 (1) Hãy hối thúc Tổng Biện lý tiểu bang California cho mở lại cuộc điều tra về nhiều vụ giết người và âm mưu ám sát, xảy ra tại tiểu bang California, nơi mà nhiều nhà lãnh đạo hiện tại và trước đây của Việt Tân có liên quan đến; và
(2) Chỉ thị cho nhân viên của Nghị sĩ không nhận bất kỳ sự đóng góp nào từ những cá nhân của đảng viên Việt Tân cho các cuộc vận động tranh cử tương lai. Bằng cách không chấp nhận các khoản đóng góp, Nghị sĩ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Nghị sĩ sẽ không bỏ qua, hỗ trợ hoặc tha thứ bất kỳ chiến thuật bạo động nào chống lại người dân Mỹ đang thực hành Tu Chính Án Thứ Nhất, nhưng quan trọng nhất, tiếng nói của những người dân Mỹ thông qua Nghị sĩ không thể được mua!
 Xin vui lòng giúp tôi sự bảo đảm rằng, Nghị sĩ sẽ làm việc để nhìn thấy tính toàn vẹn của Tu Chính Án Thứ Nhất được bảo vệ, bất kể được viết bằng ngôn ngữ nào, và rằng việc bảo đảm quyền tự do báo chí không được xem là có thể chọn lựa. Có thể liên lạc với tôi qua địa chỉ email: nguyentut@hotmail.com.
 Kính thư,
Nguyễn Thanh Tú, Con trai của một người cầm bút bị giết trong việc theo đuổi chân lý và công lý.
[1]https://www.propublica.org/article/terror-in-little-saigon-vietnam-american-journalists-murdered (page 18)

[2] hay Mặt trận Hoàng Cơ Minh - là một tổ chức chính trị kết hợp vũ trang chủ trương khôi phục chính thể Việt Nam Cộng hòa hoạt động từ 1980 đến 2004. Đây được xem là tiền thân của Đảng Việt Tân.

HOÀI CỔ HAY THIỂN CẬN ?

Phật nằm ở Myanmar, có từ 600 năm trước.
1. Tứ linh sơn (bốn ngọn núi thiêng) Trung quốc, rồng rắn khách du lịch, khách hành hương lễ bái bốn mùa. Mùa sen nở, thậm chí còn kẹt đường từ chân núi.
Hàng ngàn năm trước,  Trung quốc đã “tiếp thị” cho những cảnh quan mỹ miều nhưng cheo leo người khó tới của mình, bằng cách xây chùa, để rồi từ đó thần thánh hóa nó. Những ngôi chùa trên đỉnh non cao hơn 3 ngàn mét, chưa nói phật tử chiêm bái, mà khách du lịch vô thần cũng sảng khoái “đáng đồng tiền bát gạo” khi lên được tới nơi.
Không chùa, những nơi ấy giờ nhẽ chỉ khỉ cái ngồi huyết lình hàng tháng.
Tôi đã đi đủ Tứ linh sơn lẫn  hàng loạt tỉnh thành Trung quốc khác và, tôi cũng đi đủ 62 tỉnh thành Việt. Tôi rút ra kết luận thế này: TẤT CẢ  kiến trúc Phật giáo (gọi là cổ) phía Bắc của ta đều  dập khuôn kiến trúc Phật giáo Trung quốc. Độc đáo như Chùa Đồng Yên tử (theo hình vẽ cũ) cũng copy nguyên mẫu từ Chùa Đồng Côn Minh. Khác chăng,  kì quan đúc từ nguyên khối đồng không mối ghép này của họ, lớn và tinh xảo hơn ta  rất nhiều lần mà thôi.
2. Việc xây cất chùa chiền phụ thuộc rất nhiều vào thịnh suy kinh tế của các triều đại. Bỏ qua sự quá vĩ đại của người Trung quốc, nhìn sang các nước bên cạnh. Thái Lan, Myanmar, Sri Lanca... với những ngôi chùa phủ vàng ròng kì vĩ, với những tượng phật  bằng vàng, bằng ngọc nguy nga tới mức không tìm được góc đứng nào chụp toàn cảnh nổi. Nó cùng thời với những chùa Phật tích,  Dâu, Trăm gian, Yên tử...ta, và  có quyền suy đoán rằng, chẳng đợi đến thời cộng sản, chúng ta mới nghèo hơn họ.
Đừng mượn lý do chiến tranh để biện minh, bởi sử các quốc gia ấy cũng chiến tranh lân bang liên miên, y hệt ta. Và, hãy đến Phật tích chứng thực bằng những gì các cụ ta xưa “quy hoạch” chùa, hướng tới hoành tráng chùa to tượng lớn lắm đấy. Chắc lực bất tòng tâm nên nó bé con con  nên giờ, chúng ta quy nó thành mẫu hình đặc điểm truyền thống. (Những mong nối dài cái nghèo...?)
3. Các con tôi, đứa 10 đứa 15 năm sống ở nước ngoài, chúng nhìn khác hẳn luồng dư luận đã và đang miệt thị chùa Bái đính. Dẫn bạn ngoại quốc nào về, chúng đều đòi đến đấy. Chúng bảo: Đáng mặt tự hào, mẹ ạ
Tự thân tôi làm tour guide cho chừng hơn  ba chục cháu lần đầu đến VN, không đứa nào thấy cái chùa Một cột-biểu tượng Hà Nội- là độc đáo và đứa nào cũng mê mẩn Bái đính bằng hai từ, đẹp quá.
Chúng đến chùa với tư cách du khách, ko biết cúng lễ hoặc theo tôn giáo khác.
4. Ngày ấy mà có internet với báo chí, hẳn giờ chúng ta sẽ không có đỉnh non thiêng Yên tử. Phật Hoàng chắc chỉ dám dựng am 3x3 mét vuông loanh quanh cung cấm tu thiền.
Thời đại ngày nay, nên phóng khoáng nhìn chùa chiền như một sản phẩm du lịch, đừng bó nó lại thuần  yếu tố tâm linh. Một loại sản phẩm thanh sạch hơn cả và mang lại hiệu quả kinh tế nhãn tiền, chứ không như hàng trăm tượng đài đã, đang và sẽ dựng lên ở những khu đất vàng đẹp nhất đất nước này. Nó lại được xây lên không bằng tiền nhà nước. Vì thế, cần khuyến khích phát triển mở mang, thay vì ca thán chửi bới.
Cái gì cũng khăng khăng giữ nguyên hiện trạng với lưu tồn thì trăm năm sau nữa, Phanxipang vẫn  chỉ để khỉ cái ngồi huyết lình hàng tháng. Cái của ngâm rượu đàn ông uống từ 6h tiến thẳng lên 9h bỏ qua giai đoạn quá độ 7-8 ấy.

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

CHỚ GIÀU ÓC TƯỞNG BỞ

Vì người chat là một nhà báo đang sống ở TaiLong,  nên tôi trả lời một lần nữa, dù tôi đã viết khá rõ ràng ý này: Theo cô những bài viết trên mạng xã hội vừa qua có tác động gì đến thiên đình không? (Và nói toẹt luôn, có phải cháu muốn ám chỉ Trương Huy San-Huy Đức-Osin, Ba Sàm, nguyen cong khe.com...).
Ngay và luôn và chắc chắn: KHÔNG, TUYỆT ĐỐI KHÔNG.
Lý do.
1. Mối cố kết hiện nay giữa các thành viên  không phải cố kết về lý tưởng như xưa. Nó chỉ bị tác động bằng chính những gì đã  gắn chặt nó với nhau: TIỀN. (Quyền lực, suy cho cùng cũng chỉ dẫn đến đích cuối cùng đó mà thôi).
2. (Ý này viết rồi) Không có gì mới, những tố giác cũ xì. Đưa con cháu vào các vị trí lãnh đạo, để gia đình lợi dụng địa vị làm ăn, thậm chí cá nhân tham nhũng...Ôhô aitai, một ông Ba nhúng chàm 174 con cỏn (kể cả 2 người khuất  núi) tâm sáng lòng trong chắc ?
Họ, người trần mắt thịt như chúng ta. Trong bối cảnh hiện nay, giữa tận dụng mạng xã hội để hạ bệ đối thủ và  tự vệ trước an nguy của bản thân, nếu là cháu, chọn vế nào? Cháu có nghĩ, không loại trừ tác dụng ngược không?
Cháu có biết một người dân-thờ-cấm-có-sai, hồ sơ đủ để ngồi tù, tội tham nhũng không ?
Cháu có nghĩ, ngần ấy con người nắm tất cả những ngõ ngách tăm tối nhất quốc gia, các quyết định liên quan trực diện đến vận mệnh cá nhân họ và đến con cái họ, lại bị dẫn dắt bởi những thông tin từ những người nghe hơi nồi chõ là chính không?
(Cô mạnh mồm nói nghe hơi nồi chõ, bởi hai bữa  nay đọc các bình luận y như đúng rồi về số phiếu tại HN 14, cười bục bàng quang).
3. Lý do thứ 3 này, cháu ngồi  cẩn thận trên ghế kẻo té: tỉ lệ người đọc trực tiếp được mạng xã hội, thấp lắm.
Cô chấm dứt đề tài này ở đây, vì ngán ngẩm.
Hok zui zẻ zì 

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Cuối cùng, mỗi chúng ta nên làm điều gì???

Câu trả lời đây:
Kỳ bầu cử đại biểu quốc hội tới. Mỗi người hãy xứng đáng là một cử tri có nhân cách và có trách nhiệm với chính số phận của mình.
Hãy xem xét thật kỹ từng ứng viên, hãy tự tay đi bỏ lá phiếu của mình. Hãy thẳng tay gạch những cái tên bạn cho là vô đạo đức hay chỉ là những kẻ bù nhìn. Kể cả việc điều đó khiến bạn phải gạch trắng danh sách khiến lá phiếu không hợp lệ. Ngay cả tình huống ấy, cũng chính là sự trưởng thành xã hội và lá phiếu của bạn sẽ được ghi nhận thành một viên đá cho nền tảng tương lai.
Hãy sống có nhân cách, đừng để nỗi nhục lịch sử khi một bà nội trợ đi bỏ phiếu thay cho cả gia đình và ghi phiếu theo hướng dẫn của cảnh sát khu vực hay tổ trưởng dân phố cứ tái diễn hết kỳ này qua kỳ khác, để đất nước chìm trong tăm tối ngót 40 năm qua.
Với những người có điều kiện dự các cuộc họp tiếp xúc cử tri, hãy phát động một phong trào giám sát xã hội sâu rộng: Quay clip ghi lại từng lời cam kết của các ứng viên, post rộng rãi lên mạng xã hội để khiến chúng khó có thể hành động vô trách nhiệm và đốn mạt như những gì đã diễn ra phổ biến vài thập niên qua.
Hãy có trách nhiệm với chính mình, với thế hệ mai sau và với tương lai đất nước. Đó chính là nền tảng giúp xã hội này thay đổi, chứ không phải là điều gì xa xôi.

Nhời vàng của Lãng Anh

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

CHUYỆN TRÊN ĐỈNH TRỜI –TIẾP


Hương
Hồng
Chuyến đi nào, mình cũng mang theo  vài đồ  đàn bà nho nhỏ làm quà  riêng, len lén  tặng các cô giáo. Cây son, hộp phấn hồng, mấy cái quần lót màu thành thị...không đáng gì nhưng là ...đồ xách tay bên bển về.
Lần này, gói quà ấy nằm trong vali thất lạc, leo lên VJ nó mới về đến nhà. Tận hôm nay, vẫn áy náy.
Quanh năm rừng với núi, đường đi khúc bò bằng tay khúc trườn bằng mông, mùa mưa đến bất xuất bất nhập bữa đói bữa no, nhưng cô nào cũng có một đôi giày cao gót, váy áo chờ khách đến để diện. Có năm đông, được đến  ba,  bốn đoàn khách leo lên tận nơi. Hương, Hồng, Tới, ba cô thích mình lắm vì già thế mà đi nhanh.  Lớp mẫu giáo của Hương cách lớp tiểu học của Hồng, Tới một con dốc leo ù tai. Tối, ba cô  tụm vào ngủ chung.
Tự so sánh, các cô toàn thấy mình sướng, mình may mắn vì người Mông ham học, không phải đi năn nỉ phụ huynh hay tìm học trò như anh ấy chị kia bạn bè, dạy ở những vùng khác.
Khi nhà mát bát vàng đang lên đồng với Tứ với Trụ, thì ở nơi hẻo lánh cùng cốc thâm sơn, một năm đủ  bốn mùa sương và giá lạnh, 3 cô gái cũng Bám, cũng Trụ.
Nhóm mình đến,
Tới đang đau bụng tháng
Vẫn cố  đi đến chân dốc đón.
“Mình không gọi là chúng nó với danh xưng cô giáo, mà với mình, chúng nó chỉ là mấy đứa con gái với tất cả những thuộc tính của đám con gái, nhưng những thứ bình dị như một vòng tay ấm, cái ôm chặt, xi-nê, ăn kem, kẹp tóc, mua sắm, khoe áo mới hay thậm chí cả facebook...lại những thứ xa xỉ, nỗi khát khao!
Trường ọp ẹp, nằm tách biệt lưng chừng mây núi, không điện, không nước, tivi, ba đứa quanh quẩn với nhau, với đám học trò nhỏ xíu...
Trời ạ, ngôn từ, một lần nữa, lại bất lực! 
Thương các em vô cùng!” ( Trích từ Quang Bui)

Nhóm thiện nguyện Áo Ấm Biên Cương lập ra từ tứ xứ. Anh vác cái bao áo ấm cho trẻ là một đại gia Hải Phòng, gallant chịu không thấu suốt hành trình leo trèo.
Nàng ngoài xinh hơn ảnh 100 lần. Tận tụy vén khéo cho nhóm. Hai chị em tự phong nhau là hoa hậu AABC.
(Bản quyền ảnh của AABC)

CHUYỆN TRÊN ĐỈNH TRỜI

Không có số liệu thống kê chính xác, nhưng chắc chắn rằng một diện tích khổng lồ rừng Tây nguyên đã bị tàn phá sau giải phóng, bởi tập quán du canh du cư của người Mông.
Người Mông đi tới đâu, đốt rừng để làm nương rẫy. Họ kiến tạo nên những  mảng ruộng bậc thang làm mê mệt các nhiếp ảnh gia cho tới khi đất cằn khô, họ di cư đến nơi mới và...đốt rừng tiếp.
Họ ở rải rác, và chỉ chọn những nơi cao ngút ngàn.
Nhà nào gắn chùm lá thế này, là đang có việc. Tự tiện vào, bị phạt 2 con gà hoặc 1 con lợn. Người chết, để 3 ngày trong nhà. Hàng bữa vẫn đút cơm-thịt vô miệng, mời ăn.
Pờ Hồ Cao là bản Mông ở cao nhất trong dãy Hoàng Liên Sơn. Xuống xe hơi, chạy thêm 5 cây xe máy và lội bộ 4 cây nữa, thì tới nơi. Thiên nhiên như trong giấc mơ thiên đường. Dăm vài cây cổ thụ sót lại, lừng lững đơn độc ẩn hiện trong mù sương. Lá ngón rải lẫn với cây chè dây, ẩn dấu sự bạo tàn sau vẻ đẹp xanh tím mềm mại, cũng đến chết người.
Có lên đến tận nơi, mới thấm thía nỗ lực khai sáng dân trí của chính phủ và cảm phục một cách sâu sắc những người đã và đang thực thi sự khai sáng đó.
Ba cô giáo, đều chưa đến 30. Mình dây da mịn má đỏ căng. Mỗi cô dạy 2, 3 lớp ghép lại, lớp 2- năm cháu lớp 3- tám cháu. Nhắc tới VNEN (chương trình thực nghiệm giáo dục do WB tài trợ và UNESCO cổ súy và đang được dạy tại  đây), hay nhắc tới Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú...ai cũng cười, những  tiếng cười buốt tim.
Hương dân Nam Định. Hai con gửi nội ngoại mỗi bên một, chồng vợ mỗi người mỗi nơi thành nhà chia làm 4. Dạy mẫu giáo, 15 cháu, bán trú, một mình ở trên đỉnh cao nhất bản. Ngoài dạy các cháu tiếng Kinh, cô kiêm luôn  bảo mẫu và  đầu bếp. Gạo phụ huynh góp, cuối tuần cô lội bộ xuống núi gùi đồ ăn tươi sống lên đủ ăn cho 2 ngày đầu tuần. Những ngày sau đó, cô trò ăn đậu phộng, trứng. Người Mông nuôi heo, gà thả đầy quanh nhà nhưng...không bán. Tập tục thế, chẳng khác được.
Lầm lũi đi về đường rừng như thế, 6 năm rồi. Hương khoe một con dao rất đẹp dấu trong balô để phòng thân. Mình bảo, không dao có khi đỡ nguy hiểm hơn. Hương cười, nhưng  em thấy yên tâm hơn.
Cô nào cũng tươi roi rói. Tịnh không một lời ủ ê, u ám. Cuộc sống nghiễm nhiên nó thế, công việc nghiễm nhiên phải thế.
Cho dù, cô nào cũng khóc, vì nhớ nhà.

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

BA MƯƠI, CHƯA PHẢI LÀ TẾT- hết

Khuất Thế Minh: Tôi nghĩ chưa ra tại sao chị viết: “ Bất luận ai trong số 7 người tôi điểm danh ở trên vào vị trí tứ trụ, sự đổi mới về thể chế chính trị và khuynh hướng phát triển kinh tế cũng sẽ chậm thêm hai nhiệm kì nữa.
Nhìn lại thời cụ Nguyễn Văn Linh, cuộc cách mạng về thể chế kinh tế của cụ  có những điều kiện khắc nghiệt như: người cầm đầu vô cùng quyết đoán; Tập thể lãnh đạo đoàn kết, đồng lòng; Hệ thống tuyên truyền đủ trình độ- kiến thức lĩnh hội những điều mới...
Và ngày ấy, hoặc  bắt buộc phải ĐỔI MỚI hoặc CHẾT. Điều bắt buộc quan trọng nhất, điều tiên quyết này, hiện trạng kinh tế Việt chưa suy sụp đến mức độ đó.
Chúng ta đều biết rằng, mọi sự đổi mới  đều dẫn tới mất ổn định một thời gian trước khi đi vào nền nếp. Đổi mới càng sâu-rộng, thời gian bất ổn càng kéo dài. Ở cấp vĩ mô đổi mới thể chế chính trị, tôi  cho rằng mất ít nhất 3 năm.
Không ai, trong những gương mặt sáng giá nhất cho trách nhiệm tứ trụ, đủ bản lĩnh (và cả điều kiện) trả giá gần một nhiệm kì của mình cho điều đó.
N.N.M: Cô ơi liệu mấy cuộc bút chiến trên mạng có tác động gì đến nhà trắng không cô? Con không comment được mong cô trả lời.
Chắc chắn không.
Dư luận đồn rằng có những cây bút được trả cả tỷ đồng để viết bài đánh ông A ông B, đó là những đồng tiền ngu. Ngu ở chỗ không những không hiệu quả mà đôi khi, gậy ông đập lưng ông. Ông Trương Tấn Sang nhận được số phiếu ủng hộ thấp nhất trong BCT (2) và “đối thủ” ông, người tuyệt đối không dùng truyền thông làm những trận “võ mồm”, ngược lại, dù đã dứt khoát xin nghỉ.
Những điều chúng ta bàn luận rôm rả, hào hứng như những tin tuyệt mật mỗi chúng ta biết thì, những người đang ngồi ở nhà trắng (như cách gọi của cháu), họ biết kĩ biết chính xác vụ việc hơn chúng ta  vạn lần. Họ không đợi chúng ta cung cấp thông tin cho họ.
Lam Giang: Ông công an mà lên nắm đầu dân chúng thì nhân quyền mệt phải khộng chị. Chị đọc bài dự đoán của ông Thayer trên BBC chưa?
Chục gương mặt đang trong tù hay vừa được “thả” sang Mỹ không đại diện cho  nhân quyền của 90 triệu dân. Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, việc thực thi nhân quyền của chúng ta hiện nay đang ở thang điểm rất tốt. (Bạn hãy tự tra cứu, tôi ko sa đà vào nội dung này).
Tôi chưa đọc bài mới nhất của ông Thayer và sẽ không đọc, rất đơn giản vì chưa bao giờ, chưa một lần nào tôi thấy ông ấy dự báo dự đoán đúng. Đọc phí thời gian. Bạn chịu khó lật lại chính BBC Việt ngữ 5 năm trước để kiểm tra nhé.
Hà Trần: Đọc bài phân tích của chị mà buồn, thật buồn.
Từ ngày chơi facebook cách nay vài năm, chưa bao giờ chị nhận được nhiều inbox với đúng một nội dung, y như comment của em.
Em, lãnh đạo một tờ báo, có nhiều thông tin xác thực hơn rất nhiều bạn khác đang “chém gió vỉa hè”, chắc chắn sẽ buồn nhiều hơn nữa.
Chị đồng cảm điều đó. 

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

BA MƯƠI, CHƯA PHẢI LÀ TẾT –kì cuối

* Tôi dành entry này, để cảm ơn các bạn đã like, comment đồng cảm với những suy nghĩ của tôi trong 2 ngày qua.
Trần Lê Quỳnh: Người ta cứ nói ông Dũng vận động mạnh mẽ để trở thành TBT, nhưng một người rất thân với ông ấy lại nói thư xin nghỉ của ông ấy là suy nghĩ thật của ông ấy. Cô đánh giá thế nào ạ?
Cô sẽ trả lời cháu bằng 2 phần.
Thứ nhất. Ông Dũng là 1 trong 4 ủy viên BCT không tham gia vào việc bầu các chức danh mà cô đã viết ở phần 1 entry này.
Lý do: Chiểu theo Quyết định số 224 về Quy chế bầu cử trong Đảng, Điều 11, Mục  5 quy định thế này:” Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đề cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khác để được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đề cử Ủy viên Bộ Chính trị để được bầu làm Tổng Bí thư ...”.
Như vậy, việc BCT đưa ra danh sách Tứ trụ là trái với quy định trên. nói cách khác, là đi ngược từ trên xuống thay vì phải đi từ dưới lên. Nên nhớ, quy định này ông Trọng vừa kí  năm 2014.
Thứ nhì. Ba năm nay, tất cả các mũi dùi đều chĩa vào tấn công ông Dũng. Đến cái nhà thờ họ 37 mét vuông ở quê cũng  có người của UBKT xuống “lén” đo đạc. Những chuyện tương tự, cô không cần dẫn giải thêm.
Cháu có nghĩ rằng, trong bối cảnh ấy, họ sẽ để yên cho ông ấy “vận động mạnh mẽ để trở thành TBT”?
Nguyen Son: Em vẫn nghĩ về kịch bản giống như trận cờ Trân Lung trong truyện chưởng. Hư Trúc đánh 1 nước tự sát thế mà hóa giải đc ván cờ.
30 chưa phải là Tết. Đợi thôi!
Chị cũng nghĩ gần gần như thế. Tuy nhiên, em so sánh có phần sang trọng quá, chính trị gia ta không phải là quân tử Tàu. Nếu trong chuyện  chưởng, vô chiêu luôn thắng hữu chiêu bởi vô chiêu là tuyệt đỉnh võ công, ko ai bắt bài hóa giải được, thì chính trường na ná, lưu manh  dễ thắng chính trực.
HN 14 phải nối dài đến ngày...21. Chờ 1 or 2 ngày tới, xem chị nói có đúng ko nhé.
đang viết

BA MƯƠI, CHƯA PHẢI LÀ TẾT –kì 6

(Tôi tạm gác lại phần Tứ trụ, sẽ viết ngay sau)

2. Về văn hóa chính trị Việt
***
Nhân vật số 1.
Ở đời, may hơn khôn. Câu này ứng với Trọng là tuyệt đối đúng khi vào phút đá bù giờ 14, Trọng nhận được  lá phiếu ủng hộ ở lại thêm nửa nhiệm kì, từ Nguyễn Tấn Dũng.
Dân gian đặt tên cho TBT Nguyễn Phú Trọng là Trọng Lú, dĩ nhiên ai cũng biết rằng, Lú thật thì ko thể tại vị lâu đến thế, vô can đến thế trước mọi biến động xã hội suốt 5 năm qua của đất nước.
Cả quan lẫn dân Việt, rất dị ứng với sự TỰ ỨNG CỬ. Thậm chí, coi việc tự ứng cử là thiếu liêm xỉ, bởi không đủ năng lực và uy tín để được đề cử. Cũng ko bỏ qua yếu tố tuổi.
Trương Tấn Sang, sau cú hồi mã thương vô tiền khoáng hậu, chắc chắn không  ngồi yên, khả năng quy hàng bắt tay Tấn Dũng là hoàn toàn có thể.
Số 2
Một nhân vật “ẩn mặt” nhưng trên thực tế là người kiến trúc, thiết kế 4 hội nghị TW trở lại đây: Tô Huy Rứa.
Số 3
Bà Kim Ngân. Không chỉ ưu thế phụ nữ mà còn là người duy nhất hiện nay không tham gia vào các phe nhóm.
Số 4
Ông Trần Đại Quang, người (duy nhất) nhận được sự ủng hộ từ Trung quốc.
Bất luận danh sách sau ngày mai thế nào, 1 nhân vật vẫn phải chờ lá phiếu quyết định cuối cùng của Đại hội, khai mạc  ngày 21 tới.
30 chưa phải Tết, là thế.
***

Trong entry 1, tôi đã viết: “Đây là lần đầu tiên, tiếng nói của bộ chính trị không còn sức nặng quyết định trong TW. Tiếc thay, đó lại không phải là những dấu hiệu lành mạnh của tiến trình dân chủ hóa trong nội bộ Đảng CS”.
Vậy nó bày ra điều gì?
- Đó là sự khủng hoảng rất sâu sắc về lý tưởng phục vụ dân tộc của cấp chóp bu.
- Ba Đình đã và đang thiếu trầm trọng những nhân cách lớn.
Tiến trình dân chủ hóa chỉ thực sự được khởi động, khi đủ 2 điều trên.
Bất luận ai trong số 7 người tôi điểm danh ở trên vào vị trí tứ trụ, sự đổi mới về thể chế chính trị và khuynh hướng phát triển kinh tế cũng sẽ chậm thêm hai nhiệm kì nữa. “Bộ sậu” ấy chỉ có khả năng vá víu những lỗ hổng ngày một rộng thêm, không đủ cả tư duy lẫn phẩm chất để dẫn dắt quốc gia này thành cường quốc.
Nhân dân, hãy bằng lòng với giấc mơ cơm có gạo!


BA MƯƠI, CHƯA PHẢI LÀ TẾT –kì 4

1. Tứ trụ (tiếp)
Tiếp về ông Dũng
Việt nam đã rất khôn và khéo, tận dụng mối quan hệ với Trung quốc và Nhật để  giảm thiểu thiệt hại ngoài nước trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Thời điểm đó, cũng ghi nhận công lao của không ít ngân hàng tư nhân giúp chính phủ ổn định tiền tệ trong nước. Tận 2016 này, ổn định tiền tệ vẫn là thành tựu nổi bật nhất trong điều hành kinh tế của cựu thống đốc Nguyễn Tấn Dũng.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất tốt và...đẹp. Hệ thống giao thông công cộng phía Bắc, hệ thống viễn thông, cung ứng điện...
Trên trường quốc tế, ông Dũng là lãnh đạo Việt nam duy nhất (từ 1945) đủ uy tín cá nhân tham gia giải quyết những vấn đề tầm khu vực (Myanmar). Thẳng thắn, trung trực nhưng mềm dẻo uyển chuyển, đối ngoại là thế mạnh  lớn thứ hai của ông Dũng.
Ông Dũng là người duy nhất trong BCT có quan điểm tự do-nhân quyền theo khái niệm phương Tây. (Vậy nên ông luôn luôn thất bại với tỉ số 1/16). Tuy nhiên, điều này xếp vào ưu điểm hay nhược điểm là tùy góc nhìn vì thuộc lĩnh vực văn hóa.
Nhược điểm lớn nhất của ông Dũng là quản trị xã hội rất kém. Ví dụ như: Không hoạch định được chiến lược phát triển cho giáo dục; Thiếu quyết đoán trong lĩnh vực truyền thông; Để văn hóa-nghệ thuật phát triển theo hướng tự phát, đầu tư quá ít và dàn trải...
Chính nhược điểm này đã che mờ những thành tựu kinh tế dưới  triều đại ông đạt được, trong đánh giá của nhân dân.