Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

THẦN CÔNG LÍ NGƯỜI DA ĐEN

Tháng trước, bạn Ai Chau Ju Tu
hỏi, chị nghĩ thế nào về việc báo chí ta hân hoan trước sự sụp đổ của chính
quyền Gadhafi và đặc biệt về cái chết của ông?. Bạn đã quá ca ngợi báo chí nước
nhà bằng câu hỏi ấy bởi, đấy là thái độ của báo chí, hãng tin Mỹ (chủ yếu),
Anh, Pháp…đấy chứ, dân nhà ta chỉ dịch nguyên văn từ một nguồn hay tổng hợp
nhiều nguồn thành một bài, sau đó đĩnh đạc kí tên mình bên dưới thôi. (Họ chuyển
ngữ chính xác hộ đã là quý hiếm lắm rồi). Người duy nhất trong cả làng báo Việt
đủ khả năng bình luận được các sự kiện quốc tế (tức là đưa ra các nhận định độc
lập, cá nhân) là nhà báo Danh Đức của Tuổi trẻ. Hạn chế lớn nhất của Danh Đức, bình
luận từ nguồn cung cấp thông tin gián tiếp. Nói một cách nào đó, nguồn ấy chỉ
có một chiều mà người định hướng
đây là các hãng tin Beo kể trên.


Trong điều kiện thực tế tại
Việt Nam,
việc nhìn nhận các sự kiện quốc tế qua lăng kính người khác, âu cũng là chuyện
tạm chấp nhận. Nhưng, có một thực tế khác nữa, ngay cả các cơ quan có văn phòng
đại diện tại nơi xảy ra sự kiện, lại cũng ngồi trong salon dịch báo gửi về và,
bán cho các báo khác.


Một ông, khoe rất hồn nhiên
khả năng tận dụng internet khi sự kiện thay đổi thế giới diễn ra ngày 11/9 tại
Mỹ, ông ở cách tòa tháp đôi có mấy phố, không cần xuống đất chứ đừng nói ra tận
hiện trường, tin ảnh vẫn gửi về nhà nhiều đến mức không còn chỗ để đăng. Ông, thủ
phạm chính trong việc kéo tờ TTVH xuống đến đáy như ngày nay, bằng phong cách
làm báo cần gì xem nghe đọc thấy mới viết được báo, như thế.


Sau này, cơ quan chủ quản
xuống cấp quá vì mang danh là ngân hàng tin tức nhưng không báo nào dùng, người
ta mới ra một quy định phóng viên thường trú nước ngoài buộc phải có mấy chục
phần trăm tự viết mấy chục phần trăm dịch. Beo từng kiểm chứng, không ít tin
bài tự viết lại cũng được dịch từ các tờ báo địa phương ít tên tuổi, đặc biệt
khi tờ báo đó không có  trang online.


Quay lại chuyện định hướng.


Hài hước, quá hài hước khi
nghĩ rằng, báo chí thuộc sở hữu tư nhân thì bảo đảm, bạn đọc sẽ được tiếp cận
những sự kiện một cách trung thực nhất hay nhà báo muốn bày tỏ quan điểm kiểu
gì thì cứ việc tự do phát ngôn. Quên khẩn trương điều đó đi. Ông lái súng bỏ
tiền nuôi thì hoan hô chiến thắng Libya Gadhafi là tên độc tài khát máu, ông
nhà nước chống Mỹ bỏ tiền nuôi thì Gadhafi là anh hùng của tất cả các dân tộc
Phi khi bỏ ra hàng núi tiền của để xoá bỏ Apartheid và dám chống lại Mỹ…BBC
sống bằng tiền chính phủ Anh và mang danh độc lập trong quan điểm truyền thông,
nhưng cũng khốn đốn xáo xác từ nhân sự tới tài chính mất mấy năm, không ai dám
nói thẳng ra để giữ cái mác độc lập dù ai cũng biết, khởi nguồn cơ sự từ việc chống
lại Thủ tướng đương thời. Tự do tuyệt đối, miễn không trái ý ông chủ. Những
kinh nghiệm này, thị Beo không tự bịa ra mà tự rút ra sau những thời gian lượn
lờ trực tiếp ở các tòa soạn báo, từ vũng trâu đầm Mã, Sing cho tới thiên đường tự do The
NYork times Mỹ quốc.


Đành nhẽ, khó ló khôn. Nhưng,
Ai Chau Ju Tu đừng nên quá tin  vào các
trang quốc tế, nỗi căm phẫn lẫn niềm hân hoan của ta đa phần đều bốc nhặt ra từ
cái cân của ông thần công lí, người da đen, ấy đấy.

TẢN MẠN VỚI MỚI

*** Hôm qua, lang thang vào
nhà lão Văn Công Hùng thấy quảng cáo giùm cho tờ chí sắp ra của anh giai Quang
Thiều và chú Nguyễn Quyến. Châm chọc mấy câu rồi cút nhanh.


Tờ chí ấy có tên Nghệ thuật
mới.


*** Mới, là
từ nhạy cảm, kị húy  nhất trong toàn bộ vốn từ tiếng Việt, đối với mọi giới, từ chóp bu
lãnh đạo tới phó thường dân, từ giới khoa học kĩ thuật tới dân nhảy múa hát
xướng.


Sử Việt, tính từ thời cụ Lý
Công Uẩn chỉ thẳng tay về mảnh đất mé trong sông bảo: dời đô, cho đến ngày bác
Lú lầu bầu trên hội trường cả nước công nghiệp hóa hiện đại hóa nền kinh tế thị
trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có lẽ cái chiếu Dời đô của cụ Lý là
một quyết định chính trị mang tính đột phá (mới)
duy nhất trong cả ngàn năm, do chính người Việt nghĩ ra chứ không sao chép bưng
bê từ nước ngoài vào.


Nhìn vào thì hiện tại cho dễ
thấy. Bất cứ cái gì sắp, xém, chuẩn bị, gần gần, hơi hướm…mới, đã bị cả bầy cả đàn xúm vào đập cho dập đầu gãy cổ, tức là ngay
khi chưa hề biết mới hình dong nó ra làm
sao.


*** Nghệ thuật là thứ khó làm
mới nhất trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống, cho dù không bị ràng buộc níu
kéo bởi bất cứ động lực nào. Cả thế hệ, thậm chí dăm vài thế hệ, chưa chắc sản
sinh ra được cái gì mới. Nhìn lướt giải
thưởng văn học danh giá nhất hành tinh chục năm trở lại đây, nó giống như  giữa đám đông chọn lấy một người hơn là  sự phát hiện khuyến dương các giá trị thẩm mỹ
mới. (Và vì thế, các văn thơ sĩ Việt hoàn toàn có quyền mơ đến một sáng ngủ dậy
có hơn triệu đô la ném trước cửa, nếu có một anh chị dịch giả cao tay giúp sức.)


Hội họa, không hơn gì. Một
hai trào lưu (hay trường phái) mới nhất, cho dù người ta đã mượn  các thủ pháp từ điện ảnh, văn học, thậm chí
cả quyền Anh, Kung Fu, để tôn vinh cái mới
của nó,
thực tế vẫn chỉ là sự nhào
trộn nhuyễn nhừ từ những bảng màu cũ, chất liệu cũ và hình họa, cũng cũ luôn.


*** Trên nền chung của văn
chương Việt, thơ Thiều là một giá trị mới khi Thiều đưa vào những cấu trúc ngữ
pháp chưa từng được sử dụng trong tiếng Việt trước đó. Và Thiều thành công. Vẫn
những hình ảnh cũ kĩ  bà mẹ quê nghèo, đồng  khô nút nẻ hay vật vã suy tư (ba chuyện vặt
vãnh) của kiếp người, nhưng cho ra những cảm xúc khác hẳn so với khi đọc các
tác giả khác. Loại thơ không vần, từ thời cụ Văn Cao, Đặng Đình Hưng… cho tới
thế hệ sau này Vi Thùy Linh, nhóm Ngựa trời…chỉ có phi công trẻ Thanh Xuân yêu
quý của mình theo thiên hướng Thiều, nhưng chưa tới.


Ấy mình trình còi thẩm văn
thơ lỗ mỗ thấy Thiều thế. Các bác phê phán bình pờdồ  chả ai chịu chỉ dẫn gì để nếu
biên lên báo, biết đường định hướng dư luận. Cũng có bác viết, hẳn mấy bài về
tập Sự mất ngủ của lửa trên Sàigòn giải phóng, nhưng tuyền bình chuyện lửa ngủ
nghê ra sao. Nói ngoài lề tí, trong tất cả các báo tại Sàigòn, chả biết có thù
hằn gì nhau  mà SGGP luôn tiên phong
phang mạnh nhất những thứ bạn Beo thích.


*** Cái mới của Việt, đôi khi rơi vào sự thảm hại bởi bị quy đổi sang màu
sắc chính trị. Mở miệng là một ví dụ. Mình hoàn toàn có quyền nói rằng mình là
độc giả chăm chỉ nhất với Mở miệng, từ những manh nha đầu tiên cho tới hôm nay.
Trong nước, vì chống cộng, cấm. Ngoài nước, vì chống cộng, tung hô. Chưa ai chỉ
ra những giá trị văn chương, những phá cách  của Mở miệng. Những thứ mà  sau đây năm bảy năm, người ta còn có khoái
cảm khi đọc lại nó hay quăng ngay nó vào thùng rác, từ lúc chào đời.


*** Câu còm của mình bên nhà
lão Hùng đại ý, mới gì cơ?