Trước khi bạn đọc
tiếp, phải găm vào đầu rằng, tôi rất trân trọng các bạn đang nỗ lực tiêu thụ
dưa và hành tím cho bà con nông dân. Thậm chí, tôi còn kêu gọi anh em, bạn bè
hùn sức mua giùm nữa. Rào đón vậy, vì tôi chúa ghét mấy người đọc loáng thoáng,
chẳng cần hiểu ất giáp gì, úp cả sọt đá vào đầu người khác. Rào đón vậy, vì tôi
sắp đặt ra một vấn đề hoàn toàn khác.
Năm nay, anh em kêu
gọi mua giúp bà con dưa và hành tím, vì thương lái ép giá, dồn bà con vào cảnh
khốn cùng. Tôi nhớ rằng, hè năm ngoái cũng khá nhiều người kêu gọi người Hà Nội
mua giúp bà con vải thiều bị chất đống vì không vượt được cửa khẩu sang Trung
Quốc. Đồ chừng, dăm tháng nữa, sẽ lại có một loại nông sản nào đó cần cấp cứu,
bởi vì, với kiểu này, rồi thì nông dân vẫn đổ dồn vào một loại cây, loại trái
nào đó mà họ tưởng rằng sẽ được thu mua nhiều;rồi thì sẽ được mùa; rồi thì
thương lái lại dở trò mua rẻ mua ép; rồi thì hàng đống nông sản lại nguy cơ đổ
bỏ… Cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ lặp lại, chỉ khác là mỗi mùa tội đồ lại là một
loại nông sản khác.
Trong khi ấy, báo chí
chính thống thì nhất mực than thở, lo lắng và cảnh báo thương lái thao túng.
Truyền thông xã hội thì xôn xao kêu gọi mua hàng từ thiện. Chẳng anh nào bày
cho người nông dân một cách thấu đáo làm thế nào để họ trồng cây gì, nuôi con
gì thì thương lái không ép uổng được, bởi thị trường nhất định sẽ cần, bởi có
nhà máy, có doanh nghiệp nhất định sẽ thu mua để chế biến, để gia tăng giá trị
nông sản. Mà bày thế đách nào được, vì nông dân quê tôi có lên phây quái
đâu, có đọc báo quái đâu, hoạ hoằn thì xem tivi cốt chỉ để xem mấy cô minh tinh
Hàn sướt mướt hoặc mấy tay xã hội đen Tàu vẩy súng là cùng (!)
Quay trở về với chuyện
mua dưa, mua hành. Bởi anh bạn thân của tôi bên Bộ Công thương đang nỗ lực hô
hào, vận động mang dưa ra bắc bán hộ bà con nông dân, nên tôi cũng muốn đóng
góp bằng cách xơi dưa cho thật nhiều. Đưa con vào quán cà phê, dõng dạc ép cả
nhà uống nước ép dưa hấu ủng hộ, cậu chạy bàn mặt ngượng nghịu bảo, nhà em mấy
hôm nay không nhập… Ơ hơ, thế là thế quái nào? Muốn ủng hộ nông dân thì phải ăn
căng bụng dưa miếng, chứ dùng đồ chế biến là không xong rồi.
Đọc đến đây, bạn lại
đổ lỗi cho chính sách nhà nước chứ gì, đổ lỗi cho hệ thống lưu thông hàng hoá
chứ gì. Câu ấy lúc quái nào mà chả đúng, bởi nhà nước và hệ
thống chẳng là thằng cha nào cả. Câu hỏi của tôi là, lúc mà hàng chục
ngàn hộ nông dân a dua, đổ dồn trồng hành, trồng dưa thì truyền thông ở đâu?
Công cụ nhà nước trong tay mà các kênh truyền thông chuyên biệt cho nông dân èo
uột, lèo tèo, và chả đủ hấp dẫn để kéo nông dân quê tôi ra khỏi các kênh tin
giật gân, đấu đá, ra khỏi các bộ phim diễm tình. Nghe nói, bên Thái có hẳn một
kênh truyền hình nông nghiệp cực kỳ ăn khách, và họ chẳng hề mượn giấy phép để
phát phim truyện hoặc game truyền hình thực tế để câu khách. Sao ta không có
nhỉ?
Còn, truyền thông xã
hội khá là dễ dàng khơi gợi sự thương cảm của công chúng, kích động sự phẫn nộ,
nếu cần. Chỉ cần thông qua vài KOL (những người có ảnh và dẫn
dắt dư luận), vài người có danh phận là có thể tạo ra một làn sóng ủng hộ hoặc
phản đối. Nhưng những vấn đề mà họ ủng hộ hay phản đối thành trào lưu rất hiếm
khi là một đề tài nghiên cứu khoa học, một chính sách xã hội, một dự án corporate
philanthropy (từ thiện xã hội của doanh nghiệp).
Điều gì mà truyền
thông, và nhất là truyền thông xã hội làm dễ hơn nhỉ? Kêu gọi các tấm lòng
thiện nguyện, góp cơm, góp áo, mua giúp vài chục cân dưa, vài lạng hành tím?
Hay là vận động mang tri thức đến cho nông dân, đưa báo chí và internet đến mỗi
thôn làng, dạy họ làm nông nghiệp theo cơ chế thị trường, làm marketing, chọn
làm ăn với doanh nghiệp uy tín, tham gia vào vùng nguyên liệu được quy
hoạch...?
Chắc chắn là điều thứ
nhất rồi. Cho nên, các bạn hãy chuẩn bị một mùa mua hàng thiện nguyện tiếp theo
nhé.
By: Lê Quốc Vinh