Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

LUẬT 5 TRIỆU YÊN

Sự việc: Một chị  bán ve chai, khi mua cặp loa cũ, về phát hiện trong thùng loa có 5 triệu Yên (quãng 900 triệu tiền Việt). Vợ chồng chị đem nhờ công an “giữ hộ” trước áp lực xung quanh về sự an toàn. Gần một năm sau, có một chị khác đến xin nhận đó là tiền của chồng mình, nhưng không chứng minh được.
Luật Mĩ sẽ hành xử thế nào với trường hợp này.
Có 3 lọai “tài sản thất lạc”: bị mất, bị bỏ rơi và bị bỏ quên. Câu thành ngữ “finder keeper” (của thất lạc thuộc về người tìm thấy) từng được xem là luật tiền lệ ở Anh  cách đây 300 năm. Từ đó tới nay, hệ thống luật tiền lệ đã sửa đổi luật về tài sản thất lạc với mục tiêu: khuyến khích đưa trả tài sản về đúng chủ sở hữu hơn là tặng thưởng người nhặt được.
Nhìn chung, đối với tài sản bị mất, nghĩa là tài sản được tìm thấy ở nơi mà chủ sở hữu thật sự hòan tòan không có ý định để ở đó (ví dụ nhẫn cưới trong bãi rác), thì người nhặt được có quyền sở hữu nếu không tìm ra chủ sở hữu thật sự trong vòng 1-3 năm (tùy tiểu bang).
Với tài sản bị bỏ rơi, nghĩa là tài sản được để ở chỗ chủ nhân có ý định để ở đó, nhưng tình trạng của vật sở hữu cho thấy chủ nhân không có ý định quay lại lấy (máy tính cũ, xe cũ) thì thuộc quyền sở hữu của người tìm thấy. Luật này đã và đang bị chống đối rất nhiều vì nó được sinh ra trong bối cảnh Thế chiến 2, khi lính Đồng minh, đặc biệt là lính Mĩ, dựa vào luật này để trộm cắp hàng lọat các kho báu và tranh quí của châu Âu đem về Mĩ.
Tài sản bị bỏ quên là tài sản được tìm thấy ở nơi mà chủ sở hữu đích thực có ý định để ở đó để quay lại lấy nhưng vì lí do gì đó mà không quay lại (bỏ quên, mất tích…). Tài sản bị bỏ quên phải được đem đến cho chủ sở hữu  hoặc nhà chức trách. Trong vòng một khỏang thời gian hợp lí, được qui định dựa trên giá trị tài sản  hoặc từng tiểu bang khác nhau hoặc thậm chí, tùy vào thẩm phán, nếu vẫn không tìm được chủ sở hữu đích thực, tài sản này thuộc về chủ sở hữu hiện trường hoặc nhà nước.
5 triệu Yên nằm trong loại tài sản này.
Như vậy có thể thấy, đa số  các tài sản thất lạc đều sẽ bị  thu nộp cho nhà chức trách, cho đến khi chủ nhân thật sự tới nhận lấy. Nếu không tìm thấy chủ nhân, tài sản thất lạc thuộc về nhà nước. Điều luật này đặc biệt được áp dụng rất nhiều vào lĩnh vực truy tìm kho báu, xác tàu đắm hoặc…UFO, quái vật hồ Lochness....
Luật Việt nam: Nghĩ tị đã.
...