Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

MẠT HẠNG ĐẾN THẾ LÀ CÙNG...


Mấy ngày qua, mỗi khi lướt facebook lại thấy nổi lên cái chia sẻ này, chia sẻ khác dẫn đến nguồn các bài báo mổ xẻ về cái tư thế nằm ngủ của cô hoa hậu Kỳ Duyên. Lúc đầu còn thấy buồn cười vì cái đám cầm bút mạt hạng câu view, nhưng sau thì thấy sự mạt hạng ấy không còn đáng buồn cười nữa, mà chỉ thấy sự ghê tởm của cả một lũ không hề nhỏ, bên ngoài giả mạo đạo đức này nọ, nhưng hành vi thì vừa phi pháp vừa đốn mạt.
Có lẽ, ở một đất nước mà những quyền cơ bản tối thiểu không được tôn trọng, thì việc xâm phạm hình ảnh đời tư là một chuyện thường tình. Song qua việc này, thấy có mấy điều như sau:
1. Lũ truyền thông lá cải đã và đang chứng minh cho cả nhân loại biết về sự dốt nát, bẩn thỉu và đốn mạt của chúng, bằng việc săn kiếm, tung hê những thứ hình ảnh giật gân, hay những trò khốn nạn, nhằm đoạt tin [không phải lấy tin] cho tờ báo rẻ rách của mình.
2. Họ không được học để trở thành một người làm báo chân chính, ngợi ca cái đẹp nhân văn, nhân bản. Họ được học và tuyển dụng để làm những việc mà chỉ có những kẻ dốt nát nhưng lộng hành vì cái quyền được cho là "quyền lực thứ tư" để mang lại lợi nhuận cho tờ báo của mình.
3. Một xã hội đã âm thầm chấp nhận những thứ rẻ rúng, xem đó như một lá bùa để quên đi những bổn phận chính nghĩa, vì không còn ai bàn đến những chuyện về lí tưởng, nếu có thì trở nên lập dị.
4. Moi móc đời tư, bám váy đám ưỡn bụng khoe giò, chỉ trích và hạ bệ người này, tung hê người khác, làm nhục các bị cáo về hình ảnh khi chưa thành án bằng việc bấm máy chụp hình đưa hình ảnh phi pháp, phi giáo dục, tiếp tay truyền bá chủ nghĩa giết hiếp v.v... là những hành vi và hành động của những kẻ mang danh nhà báo thấp hèn. Sản phẩm vô văn hóa đó lại đang được mệnh danh văn hóa để đang là thứ thức ăn "nhân văn" tưới tắm cho tâm hồn nhân dân.
5. Không ai còn mơ và nghĩ đến những điều nhân bản và dân chủ khi ứng xử. Các giá trị bị giẫm đạp lên nhau chỉ vì quyền lợi của một trong hai phía, mà phần lớn thuộc về cái đám có quyền lực nào đó trong tay.
6. Một xã hội mà có thể đẩy bất kỳ ai vào các thái cực chỉ vì sức ép của dư luận, thì xã hội đó đã bộc lộ sự yếu kém đến thương hại về mặt quy tắc ứng xử và đạo đức tối thiểu, nhưng lại luôn dùng chiêu bài quy tắc ứng xử và đạo đức để ngụy biện cho hành vi khốn nạn của mình.
7. Và điều cuối cùng là, không còn ai an toàn trong gầm trời, mà đáng ra, sự an toàn ấy được tạo hóa chia đều cho hết thảy.
Tạm kết: Tôi chả biết cô hoa hậu kia là cô nào, vì thực sự không quan tâm đến việc cô là ai, nhưng muốn gửi đến cô sự chia sẻ nhỏ nhoi này. Cô chẳng cần thiết phải giải thích gì cả, vì càng giải thích với lũ không hiểu về quyền, nhưng luôn lạm dụng quyền, chỉ làm cho cô mệt mỏi và mất thời gian thôi. Cái đẹp không phải ở cái tư thế khép chặt càn khôn khi đi ngủ, hay dang rộng giang sơn khi đi vệ sinh. Cô cứ là cô tức là cô đã đẹp lắm rồi. Họ đâu có nhìn thấy cô, mà chỉ nhìn thấy những gì chỗ cô gác chân lên cho họ mổ xẻ mà thôi!!!
Chu Giang Phong


Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

TÁI ÔNG MẤT NGỰA


Chân dung các Chí luôn tự nhận là bậc Trí.
Copy từ nhà Lê Thiếu Nhơn có cắt cho ngắn bớt..

NGUYỄN MẠNH TUẤN
Giấy mời ghi 8 giờ khai mạc, vì tắc đường, 8 giờ 20 mới đến nơi, sảnh đón khách loe ngoe vài mống lạ hoắc. Trong hội trường  đông hơn. Đang nhìn quanh tìm người quen thì một quý ông, không rõ nhà văn, nhà thơ, hay nhà phê bình, cỡ tuổi ngoài 50, vồ vập:
- Lâu quá không gặp. Sao ra tập thơ mới, ông không tặng tôi một cuốn?
Tôi bảo:
- Thơ tôi dở, tặng bạn bè chỉ mắc cỡ.
- Này, lát nữa đến bầu cử, ông nhớ gạch tên con Hà Phương và thằng Lê Thiếu Nhơn nhé.
- Tại sao?
- Hai đứa đang liên kết với nhau để vào Ban Chấp hành lần này. Con Hà Phương sẽ tranh ghế chủ tịch Hội, âm mưu hợp pháp hóa trang mạng đen phản động của thằng Lê Thiếu Nhơn. Chúng nó là thế lực ngầm của Văn Đoàn Độc Lập.
- Đến ông cũng biết rõ như thế thì công an phải bắt hai đứa từ lâu rồi.
- Giờ là lúc bọn trên đang chỉ đạo bằng mọi giá phải lấy bình ổn chính trị làm gốc nên chúng nó được yên. Sau đại hội, theo nguồn tin chính xác từ PA25, thằng Lê Thiếu Nhơn sẽ theo gót NQL.
- Thú thật, đến nay, tôi vẫn chưa biết mặt cả Lê Thiếu Nhơn lẫn Hà Phương.
-Cái thằng mặt non choẹt, đang thì thầm với mấy thằng trong băng NĐT báo TT, ở dãy ghế cuối hội trường, là Lê Thiếu Nhơn, còn con Hà Phương, hôm qua, họp Đảng viên phát biểu chống đối, ông cũng dự mà?
- Chắc ông nhầm với ai. Hôm qua, tôi mệt nên vắng mặt.
- Đàn bà trong hội trường, chỉ mình nó học đòi thời trang Việt kiều, nhuộm tóc bạch kim … Nó kia kìa.
- Rồi. Nhất định tôi sẽ gạch tên hai đứa.
Một quý ông trẻ, cũng không rõ nhà thơ, nhà văn, hay nhà phê bình, quãng tuổi 35 – 40, từ xa xán đến:
- Tin chính xác cuối cùng, con Hà Phương bị PA25 cảnh cáo, đã thôi dính vụ vào Ban Chấp hành, nhưng thằng Dương Trọng Dật được bọn Hà Nội và Thành ủy chọn làm Chủ tịch Hội. Thằng nào bảo kê cũng gạch… Nhớ gạch hết, chỉ chừa lại tên người mình.
- Người mình là những ai?
Quý ông trẻ hạ giọng nói nhỏ mấy cái tên nghiệp văn chương  chỉ mới ở hàng tập sự, nhưng đã nổi tiếng láu cá trong giới. Mấy tên này, sau kết quả bầu cử, đều đạt số phiếu cao bất ngờ, nếu có chút lòng tự trọng, chắc chính họ cũng ngượng. Thôi thì đất nào, cây ấy. Âu cũng là xu thế tất yếu của quy luật thịnh suy.
Quý ông trẻ tiếp tục đi vận động người khác, tôi hỏi quý ông gặp lúc đầu:
- Có đúng Dương Trọng Dật được Hà Nội và Thành ủy chọn?
- Sao ông quá thật thà? Quý ông này cười: Một trăm thằng mơ bầu cử dân chủ, ra một  trăm hình tròn méo khác nhau, nhưng tất cả đều ghét sự áp đặt từ trên xuống, nên phải tung tin như thế để giết thằng Dật bằng nhiều mũi giáp công.
Hội Nhà văn thành phố hơn bốn trăm hội viên, chỉ cỡ hai trăm người có mặt. …
Vì đa số không quen, tôi tìm hàng ghế cuối hội trường để tiện làm khán giả. Tình cờ ngồi cạnh nhà văn TH. Tôi than với anh:
- Quá nhiều người xa lạ, mình thành lạc lõng.
TH nói:
- Vì không quen biết, nên Đại hội này như toàn thằng mù gặp nhau. Đến pha bầu cử, chắc chắn sẽ chỉ theo băng nhóm. Ngày xưa, những cuộc giao lưu và sinh hoạt văn học diễn ra thường xuyên, nhà văn cả nước, nhờ biết nhau qua tác phẩm, cứ gặp gỡ là thành bạn. Bây giờ, Hội thành phố, mỗi năm gặp nhau đúng một lần vào gần tết để ăn bữa cơm rẻ tiền; tác phẩm vừa ít, vừa loãng, các kỹ sư tâm hồn lọt thỏm trong đời sống hỗn độn giá trị,  vẫn hoang tưởng mình cao giá, không hề biết đó là cái tật dễ bị bọn láu cá lợi dụng nhất. Đại hội sau đếch đi nữa.
Trước lúc bầu cử, số người không chấp nhận danh sách đề cử vào Ban Chấp hành mới vẫn những gương mặt cũ, nhân giờ giải lao, bỏ về khá đông, vậy mà số phiếu phát ra, sau đó, thu vào, vẫn không mất người nào? Rồi khi bỏ phiếu, không ít đại biểu hồn nhiên sai luật,  cầm từ vài đến cả mớ phiếu, bỏ vào thùng.
Vào đại hội, những chuyện rất vớ vẩn, rất sơ đẳng  cũng cãi nhau ỏm tỏi. Ai nói khác, lập tức bị những kẻ to mồm quy tội phá hoại, vu cáo, đến nỗi mấy nhà văn lớn tuổi phải thốt lên: Không khác gì thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau năm 1954.
Việc Ban chấp hành mới nên 7 người, 9 người hay nhiều hơn, cũng đua nhau gào thét: 7 được rồi.
Xu hướng đòi hạn chế tối đa thành viên Ban Chấp hành ở đại hội các ngành nghệ thuật cả nước, có từ đầu thời kỳ đổi mới. Thời mà trước đó, các hội văn hóa, văn học nghệ thuật được Nhà nước “bao cấp nặng”, thành viên Ban Chấp hành được hưởng nhiều danh lợi, bổng lộc, nên tại đại hội, các hội viên chỉ bầu một lần, số trúng cử ít hơn dự kiến bao nhiêu cũng  quyết không bầu thêm vòng hai, để tăng số kẻ được hưởng đặc quyền, đặc lợi.
Thói quen đó kéo dài đến nay, và vẫn không kém phần hùng hồn như ba chục năm trước, song các nhà văn chỉ quên thời thế nay đã khác. Do kinh tế khủng hoảng, đạo lý xuống cấp, danh giá tinh thần của các nhà văn, nhà thơ trong đời sống dân sinh ngày càng khiêm tốn, Nhà nước chuyển từ “bao cấp nặng” sang “bao cấp nhẹ”, kinh phí, quyền lợi dành cho các hội bị xiết lại và cắt giảm rất nhiều, khiến vào Ban Chấp hành, ai có lòng thì hội viên được nhờ, chứ danh cũng hẻo, mà lộc cũng bèo, nên thành viên Ban Chấp hành, nhiều đến hai, ba chục cũng chẳng hại gì đến tiền thuế của dân. Trong khi số lượng càng ít thì khoảng cách giữa lãnh đạo Hội và các hội viên càng xa, dẫn đến tình trạng hội viên một năm chỉ gặp nhau một lần, chẳng mấy ai biết ai. Và điều này có chăng, chỉ càng trúng ý mấy anh đứng đầu Hội, vì thành viên Ban Chấp hành càng ít thì “địch” càng khó lọt vào, họ dễ bề an tâm lũng đoạn.
Hậu quả tệ hại từ số ít thành viên trong Ban Chấp hành khóa trước vẫn còn sờ sờ. Nếu khóa vừa rồi, số thành viên Ban Chấp hành nhiều hơn, chắc chắn những sai phạm nghiêm trọng của cá nhân lãnh đạo Hội sẽ có người đấu tranh ngăn chặn và Hội sẽ không yếu kém kéo dài suốt 5 năm.
Dương Trọng Dật thiếu 10 phiếu mới quá bán, nên không trúng cử Ban Chấp hành.
Những năm gần đây, phần lớn các hội, ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao, sau khi Nhà nước chỉ còn “bao cấp nhẹ”, đã dần dần giác ngộ, thay vì bầu  đứng đầu hội, ngành, là những người theo đủ các tiêu chuẩn chính trị giáo điều, đã chuyển sang bầu những người biết làm kinh tế, để góp phần “xóa đói, giảm nghèo” cho hội, ngành mình. Hội Nhà văn TPHCM là Hội nghèo thâm niên. Tạp chí Văn, tờ báo duy nhất của Hội  (mà Hội Văn Nghệ tỉnh nghèo nào cũng có ), chỉ vì không kinh phí, phải đình bản nhiều năm nay; tờ Văn nghệ TPHCM thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, sống nhờ kinh phí bao cấp quá hẻo của thành phố, không cách nào cải thiện nội dung, nên số lượng thấp ở mức vừa đủ cầm hơi; giải thưởng Văn học thành phố lớn nhất nước, không có một đồng dành cho các tác giả đoạt giải, thật đáng xấu hổ; vân vân và vân vân… Bất cứ việc gì đụng đến tiền đều phải ngửa tay xin Thành ủy. Thời buổi kinh tế thị trường, có lòng tự trọng, lẽ ra chẳng ai phải xin ai, nên mỗi lần xin là một lần yếm thế. Nếu không tìm đủ mọi cách bơm thổi các loại dự án để lấy tiền bằng được, thì cũng phải năn nỉ nứt lưỡi.

Nói cho công bằng, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cũng là một chức vụ danh giá. Trước đây, đôi ba người ngồi ghế này, chẳng làm gì nên hồn, vẫn “ngon” toàn diện. Nhưng ngày nay, không làm cho Hội nên hồn, danh cũng là danh hão.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Ở NƠI KHÔNG CÓ THƯỢNG ĐẾ


(Viết riêng cho Nguyễn Ngọc Long)

1. Chuyện thật
- Nàng leo lên uber trong tình trạng  xỉn, ói  ra xe. Tài xế chụp  hình lại và automatic trừ  thêm vào tài khoản 80 đô tiền rửa xe. Nói rõ thêm, nơi xuất bill 80 đô này là chỗ rửa xe.
- Chàng và nàng gây lộn tưng bừng. Leo lên uber tiếp tục gây. Đi chừng  nửa mile, tài xế dừng xe mời cả hai xuống. Sau đó chàng lên Yelp-một website chuyên chấm điểm các dịch vụ công cộng, phàn nàn, chấm uber 1 sao. Chừng tiếng sau, chàng nhận được email thông báo, uber ngừng cung cấp dịch vụ cho tài khoản của chàng cho đến khi chàng xin lỗi anh lái xe kia (là một sinh viên làm thêm ngoài giờ). Đồng thời, dịch vụ uber cũng report chàng với Yelp.
Ghép hai câu chuyện có thật Beo chứng kiến kia làm một, thành chuyện ở VN.
Một anh lên uber, nôn ra xe. Uber trừ 350 ngàn tiền rửa xe sau đó. Anh lên facebook tố. Uber trả lời lại cũng trên facebook, sau đó trả lại tiền và chấm dứt dịch vụ.
(Beo thấy chuyện này quá nhảm nên ko theo dõi kĩ. Tóm tắt sự việc vậy  ko biết đã chính xác chưa, xin lỗi Long).
2. Chuyện luật Mĩ
Long hỏi: chị cho e tham khảo thông lệ ở Mĩ một xíu, là khi khách hàng khiếu nại, họ có đưa lên facebook xử lý ko hay sẽ liên hệ riêng KH qua email/tin nhắn này nọ?
“Post lên facebook…hay không post lên facebook”,  trả lời cho câu hỏi của Long, Beo tìm thấy trong Bộ qui tắc ứng xử chuyên nghiệp và trách nhiệm nghiệp vụ của luật sư, của Hiệp hội luật sư Mĩ. Hiệp hội này hòan tòan độc lập và "tư nhân", nên Bộ qui tắc này không được tính là “luật”, tuy nhiên, vì Hội chịu trách nhiệm giám sát và cấp chứng chỉ cho cả luật sư và trường luật, nên nếu vi phạm có thể bị tước quyền/bằng cấp/chứng chỉ hành nghề.
Công thức chung về nguyên tắc cung cấp thông tin công cộng là  chỉ được phép tiết lộ những thông tin đại chúng: chung chung và ai cũng biết. Bất kì thông tin nào bị xem là sẽ dẫn đến sự tạo thành định kiến trong công chúng/truyền thông/bồi thẩm đòan/thẩm phán... đối với một trong hai phe, đều là bất hợp pháp. Cứ hễ tiết lộ là phạm pháp.
(Nói ngoài lề. Ví như Trần Triển luật xư mà ở Mĩ thì đi chăn lợn từ thế kỉ trước).
Mức độ vi phạm được tính theo mức độ lan truyền cũng như nguy hại mà việc bị tiết lộ thông tin ảnh hưởng tới. Nhẹ nhất, người tiết lộ có thể bị phạt tiền hoặc ngồi tù, từ vài giờ tới vài tuần.
Post lên facebook (hay twitter, blogs, etc.) là hành động  bị coi là “cẩu thả”  hay “liều mạng”  bởi tính lan truyền rất cao, và gần như chắc chắn sẽ tạo nên thành kiến với người trong cuộc. Tùy vào thông tin được post, nhưng nếu post những gì chi tiết hơn truyền thông (báo đài tv…) đang (hoặc đã) đăng thì nếu đang trong thời gian kiện tụng, gần như chắc chắn phiên tòa sẽ bị gián đọan hoặc bãi bỏ.
Tóm lại,  luật pháp Mĩ ko hoan nghênh việc đưa  tranh chấp lên truyền thông-điều này Beo nghĩ xứ nào cũng thế. Tuy nhiên, hành động tung lên truyền thông của người trong cuộc để tìm kiếm lợi thế, thì chỉ có ở Việt nam. Tại , như đã dẫn ở trên, đó là điều bất lợi rất lớn, trước toà.
3. Và chuyện luật rừng rú
Có 2 điều Beo rút ra từ câu chuyện này.
Thứ nhất. Người Mĩ được dạy từ khi biết nhận thức, mọi người đều bình đẳng trong xã hội.  Công chức ko phải là công bộc và khách hàng  đừng mơ làm thượng đế. Anh trả tiền, tôi phục vụ anh, càng nhiều tiền dịch vụ càng tốt. Dịch vụ như thượng đế, không đồng nghĩa người làm dịch vụ là kẻ hầu.

Việc giáo dục từ rất sớm hai chữ bình đẳng, khiến cho quan hệ người với người trong xã hội tôn trọng lẫn nhau, ko mặc cảm về nghề nghiệp, thân phận hay gia thế. Người ta không phải tìm kiếm đạo đức từ người nghèo để tôn vinh như một sự khoả lấp  vật chất, ko ai đòi hỏi một cách ngớ ngẩn, sống bằng thuế tao đóng mày phải  abcd hay, quăng ra tý tiền  thành quan hệ thượng đế-người hầu..
Thứ hai. Chính quyền tất cả các cấp, từ trưởng thôn tới chóp bu, đang trong giai đoạn bầu bán nhân sự nhiệm kì mới, các phe phái đánh nhau mang vũ khí "tối tân" mạng xã hội (bên cạnh vũ khí cũ là báo chí) ra triệt hạ nhau.
Qua một vài vụ, thấy vũ khí này hiệu quả, đã được dùng phổ biến.  Từ chính trị, kinh tế, văn hoá...đến  chửi chồng mắng đồng nghiệp, lôi tất nhau lên  phây, chém. Chính quyền bắt một nàng  nhãi nhép Thánh cô cô Bóc là động thái ... nhãi nhép. 
Đám đông u mê, lãnh đạo  hèn hạ và  người tử tế, chết tốt.

Ban lại vấn đề tác giả “Bình Ngô đại cáo" và “Quân trung từ mệnh tập”


                                                         Hoàng Tuấn Phổ

Cho đến nay, có lẽ chẳng còn mấy ai không nói và viết rằng: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập đều là những tác phẩm của Nguyễn Trãi. Sự thực, vấn đề tác giả ở đây không thể quan niệm đơn giản như các tác phẩm văn chương khác.
Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn:“Lê Lợi lên ngôi vua tại điện Kính Thiên...đặt tên nước là Đại Việt, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, ban lời cáo rằng...”[1]
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua đã bình được giặc Ngô, bố cáo khắp thiên hạ, lời cáo như sau...”[2]

Như vậy, trong chính văn của các bản chính sử nói trên đều không ghi tên ai là tác giả đích thực bài đại cáo. Riêng sách Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội-1972) dưới bản dịch bài cáo có chua dòng chữ: (Bài Đại cáo này là do văn thần Nguyễn Trãi soạn). Lời phụ chú này tất nhiên không phải là chính văn, thì, một là sự việc không được chính thức ghi nhận, hai là do người nào đó thêm vào sau khi văn bản chính hoàn thành. Bản thân Nguyễn Trãi chỉ được gọi là “văn thần”, không có chức vụ, tước vị, không phải văn chép sử. Ở đây, chúng ta chú ý chữ “soạn” với chữ “tác”, chữ “tác” với chữ “thuật”. Nếu bài cáo là của Nguyễn Trãi, do Nguyễn Trãi tự làm thì phải dùng thữ “tác” (sáng tác). Chữ “soạn” thường dùng cho loại văn từ hàn, tức là loại văn bản mang tính quốc gia, do Viện Hàn lâm soạn thảo theo lệnh bề trên. Bài Đại cáo bình Ngô trước hết là một văn kiện chính trị, lịch sử, có lẽ vì đậm chất văn chương nên được người soạn sách giáo khoa đưa vào môn văn trường học, coi như một tác phẩm văn học, bởi thế Nguyễn Trãi soạn giả, nghiễm nhiên thành Nguyễn Trãi tác giả! Nói rõ hơn về phương diện chính trị-lịch sử, Đại cáo là lời của Hoàng đế Lê Lợi bố cáo với thiên hạ. Nhà vua chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước thiên hạ về mỗi câu, mỗi chữ trong bài cáo. Nguyễn Trãi giỏi thơ văn, nhưng ông không thảo ra bài cáo với tư cách tác giả, mọi thứ giấy tờ khi được nhà vua phê duyệt thì văn bản ấy thuộc về triều đình, của triều đình, người soạn thảo không còn phải chịu trách nhiệm gì cả. Với Nguyễn Trãi, lúc ấy chức vụ của ông là thừa chỉ. Chữ “thừa chỉ” nói rõ nhiệm vụ của ông là vâng lệnh vua (thừa) soạn thảo giấy tờ (lệnh chỉ). Đối với bài Cáo bình Ngô vô cùng quan trọng này, Nguyễn Trãi soạn xong dâng lên, (thực tế có thể đã được sửa chữa, bổ sung nhiều lần theo ý Lê Lợi, trước khi bố cáo-HTC) được Lê Lợi châu phê là thở phào nhẹ nhõm như trút xong gánh nặng, coi như xong phận sự, hết trách nhiệm  Nếu Nguyễn Trãi dám nhận mình là tác giả, sau khi tác phẩm đã tuyên cáo rồi, bị phát hiện hay phê phán có chỗ sai, chữ nào lỗi thì không khỏi mắc tội với triều đình. Cho nên, công việc ấy thuộc về nguyên tắc, soạn giả, không thể thành tác giả. Cho nên, sử sách không ghi chép Chiếu dời đô do ai viết, mà chỉ biết là của Lý Công Uẩn. Đối với các sự kiện chính trị-lịch sử quan trọng khác cũng vậy.
Đi vào nội dung Bình Ngô đại cáo, vận dụng phương pháp nghiên cứu văn bản, chúng ta có thể tìm ra kết luận trong cách so sánh thú vị:
Lê Lợi nói:
“Việc dụng binh lấy sự toàn quân là hơn cả. Nay ta hãy để cho lũ Vương Thông về nói với vua Minh trả lại đất nước ta, không còn trở lại xâm lấn, thì ta còn cần gì hơn nữa, hà tất phải giết hết để kết mối thù với nước lớn?” [3]

Bình Ngô đại cáo viết:
“Chúng đã sợ chết tham sống mà thực muốn cầu hòa
Ta lấy toàn dân làm cốt mà cho dân được nghỉ.
...Xã tắc do đó được yên
Non sông do đó đổi mới”

Lê Lợi nói:
“Xưa vì họ Hồ vô đạo, cho nên giặc Minh nhân đó mà cướp nước ta, sự tàn ngược tưởng các ngươi đều thấy cả”[3]

Bình Ngô đại cáo viết:
“Vừa đây họ Hồ chính sự phiền hà
Để đến nỗi nhân tâm oán giận
Giặc Minh thừa dịp làm hại dân ta
...Thui dân đen trên lò bạo ngược...”

Lê Lợi nói:
Các vị tướng giỏi thời xưa thường bỏ chỗ kiên cố mà đánh vào nơi nứt rạn, lánh chỗ  nhiều, mà đánh chỗ ít...”[3]

Bình Ngô đại cáo viết:
“Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ
Lấy ít địch nhiều, hay dùng quân mai phục”

Lê Lợi nói:
“Binh pháp có câu: không cần đánh mà đối phương phải khuất phục. Đó là thượng sách của nhà binh vậy!”[3]

Bình Ngô đại cáo viết:
“Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng”
Như vậy khá rõ là nhiều ý kiến (lời dụ bảo) của Lê Lợi đã được Nguyễn Trãi (vâng mệnh) đưa vào bài đại cáo một cách khéo léo, tài tình. Cho đến những câu:“Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”, chúng ta tưởng đó là tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi thì cũng là sự khái quát hóa súc tích chủ trương và hành động của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn. Ví dụ khi bình định châu Trà Long (1424) Lê Lợi ra lệnh các quân sĩ không ai được xâm phạm mảy may của dân, còn các quân địch đều được xá tội hết, không giết một tên nào. Hoặc khi Vương Thông sắp kéo quân về nước, các tướng sĩ và người nước ta vì căm giận nên khuyên vua giết cả. Lê Lợi bảo rằng: trả thù báo oán là thường tình của mọi người, mà không thích giết người là bản tâm của người nhân. Vả lại, người ta đã hàng rồi mà giết thì thì việc bất tường (tức không lành, không phải điều tốt-HTC) không gì bằng. Chi bằng tha mạng cho ức vạn người mà tuyệt mối chiến tranh cho sau này...[3]
Chính Nguyễn Trãi cũng đã từng ca ngợi tư tưởng lớn ấy của hoàng đế Lê Lợi trong các bài thơ, phú chữ Hán của ông như Hạ quy Lam Sơn I, Hạ quy Lam Sơn II, Chí Linh sơn phú...
-Nhân nghĩa duy trì quốc thế an
(Giữ nhân nghĩa để thế nước được yên)
-Đương thời chí dĩ tại thương sinh
(Bấy giờ cái chí vua đã thương dân)
-v.v...(4)
Trong bài đại cáo có một số chỗ chắc chắn nằm ngoài ý nghĩ và quan niệm của Nguyễn Trãi, như đối với họ Hồ, ông coi là bậc anh hùng, nhưng bắt buộc phải nói lời phê phán rất nặng. Chứng cớ là bài Quan hải, ông viết: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh hùng để hận mấy ngàn năm) nhưng ở Bình Ngô đại cáo, họ Hồ lại bị coi là kẻ có tội phản dân hại nước. Lại nữa, cách gọi Minh thiên tử Trung Hoa bằng những chữ: “Tuyên Đức chi giảo đồng” (thằng nhãi ranh Tuyên Đức) là của Thuận Thiên hoàng đế, không thể nào một chức quan Hàn lâm như thừa chỉ Nguyễn Trãi dám tự ý dùng bừa cho bài đại cáo nghiêm trang...
Trường hợp Quân trung từ mệnh tập cũng có tính chất tương tự.
Quân trung từ mệnh tập còn gọi là Quân trung từ lệnh tập. Ngay ở tên sách (do người sưu tầm đặt) mấy chữ “từ lệnh” hay “từ mệnh” đã chỉ rõ đây là những giấy tờ được soạn thảo theo mệnh lệnh của Bình Định vương Lê Lợi trong thời gian chống giặc Minh. Những thư từ gửi quan tướng nhà Minh, tất nhiên Lê Lợi phải cho nội dung trước để thừa chỉ Nguyễn Trãi nắm được ý đồ mà sai khiến ngòi bút. Đối với quan tướng nhà Minh thâm hiểm, xảo quyệt khó lường trước, có thể nào Lê Lợi lại “khoán trắng” cho Nguyễn Trãi? Hẳn là từng bức thư gửi đi, mỗi giấy tờ giao dịch, phải được soạn thảo dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Lê Lợi. Về phía Nguyễn Trãi, một bậc đại trí, lẽ nào không hiểu cái thế của mình thế nào? Ông là dòng dõi bên ngoại nhà Trần, hai cha con từng làm quan nhà Hồ, được Lê Lợi dùng nhưng chắc đâu đã được tin. Trong văn chương, ông luôn luôn nhắc đến “đạo làm con mấy đạo làm tôi” của mình như để khẳng định (hay thanh minh?) tấm lòng trung hiếu trước sau không hề thay đổi. Nhưng triều Lê có tin ông đâu!
Khi tiến quân vào bao vây thành Đông Đô, Lê Lợi ban lời dụ: “Có bậc văn nhân tài tử nào chưa ra làm quan mà có thể viết thư đưa vào thành Đông Đô, khuyên được tướng tá trong đó mở cửa thành ra hàng hoặc giảng hòa để về nước, sẽ đặc cách trọng dụng ngay”.
Như vậy, ở lĩnh vực “từ lệnh” trong quân, Lê Lợi không chỉ tín nhiệm riêng Nguyễn Trãi, và Nguyễn Trãi cũng không phải là người độc quyền soạn thảo mọi thư từ giao dịch với quân Minh. Mặt khác, Lê Lợi nhằm vào loại “văn nhân tài tử chưa ra làm quan” để kêu gọi, tức là trong đám “văn nhân tài tử” đã ra làm quan không có ai đương nổi việc vô cùng khó khăn ấy. Cho nên Quân trung từ mệnh (do Trần Khắc Kiệm sưu tầm, đời Lê Thánh tông bị thất lạc, gần 400 năm sau, đời Minh Mạng, Thiệu Trị, nhóm Dương Bá Cung mới hợp sức sưu tầm lại) chắc có cả những bài không do Nguyễn Trãi soạn thảo[5]. Hơn nữa, chúng ta không nên đề cao tuyệt đối những gì chỉ có giá trị tương đối. Bấy giờ giặc Minh mưu mô rất xảo quyệt, thái độ rất ngoan cố. Nếu chúng không bị dồn đến chân tường thì thư gọi hàng hay giảng hòa phỏng có tác dụng gì? Mấy lần Vương Thông chẳng nhận giảng hòa rồi lại trở mặt, đó sao? Thuyết phục kẻ địch để đỡ tốn xương máu cũng là phép dụng binh, nhưng quyết định chủ yếu vẫn ở lưỡi gươm ngoài chiến trường, đâu phải văn bản do ngòi bút nơi màn trướng. Nhận định rằng: “Chỉ dùng lời lẽ viết trong thư, Ức Trai tiên sinh đã khuất phục được bọn chúng, bắt buộc vua quan nhà Minh phải giảng hòa với ta” [6] thực là hết sức sai lầm!
Có một thời chúng ta đề cao vai trò lãnh tụ của Nguyễn Trãi trong khởi nghĩa Lam Sơn mà quên mất lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn là Lê Lợi chứ không phải ai khác. Đầu năm 1428, triều đình Lê định hạng các công thần, gồm 221 người, gồm ba bậc, trong đó không có Nguyễn Trãi. Sau, triều đình mới “lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm quan phục hầu, tư đồ Trần Hãn làm tả tướng quốc, khu mật sứ Phạm Văn Xảo làm thái bảo, đều cho quốc tính” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sự thực, quan phục hầu hay tả tướng quốc hay thái bảo đều là hư hàm. Vì thế Trần Hãn, Phạm Văn Xảo sớm bộc lộ thái độ bất mãn, tiêu cực để chuốc lấy tại vạ. Chỉ có Nguyễn Trãi vẫn ôm ấp tấm lòng trung để hơn mười năm sau cũng phải rơi đầu dưới tay bọn đao phủ.
Chức thừa chỉ học sĩ của Nguyễn Trãi là thực vị, vì ông là người làm giấy tờ giỏi. Khi Lê Thánh tông minh oan cho Nguyễn Trãi, cho biết Nguyễn Trãi là một mưu sĩ nơi màn trướng hồi kháng chiến chống quân Minh (không nên lầm mưu sĩ với quân sư). Nhưng nhận định toàn bộ cuộc đời Nguyễn Trãi, Lê Thánh tông ví ông với sao Khuê là khe tài văn chương và tấm lòng trung của Ức Trai. Lê Thánh tông hoàn toàn đúng khi khái quát Nguyễn Trãi như vậy. Đó là cốt lõi làm nên nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi.
Nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi phải có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa. Nhưng Bình Ngô đại cáo và Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi không thể ký tên với tư các tác giả. Cũng không phải cá nhân Lê Lợi, mà là Thuận Thiên hoàng đế, lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn, vị vua “Đại thiên hành hóa” (lời mở đầu bài cáo) mới xứng danh với bài đại cáo. Hoàng đế Lê Lợi đứng tên vào bài đại cáo, một sự kiện lớn lao trong lịch sử, làm vinh quang cho đất nước, cũng làm vẻ vang cho Nguyễn Trãi thừa chỉ. Chắc anh hồn Nguyễn Trãi dưới suối vàng sẽ mãn nguyện khi chúng ta hiểu ông, giúp ông giữ đúng nghĩa vua tôi, đạo thần tử mà sinh thời ông đã coi như một lý tưởng cao quý trong ứng xử (Có lẽ nên ghi: Bài Bình Ngô đại cáo của Thuận Thiên Hoàng đế (Lê Lợi) với chú thích: Nguyễn Trãi với chức trách thừa chỉ vâng soạn theo ý của vua Lê Lợi là đúng đắn nhất).

Đối với Quân trung từ mệnh tập, phải thận trọng và tế nhị hơn. Trong khi chưa xác minh được phần văn bản, có thể tạm coi như thừa chỉ Nguyễn Trãi thảo, nhưng không nên nhắm mắt đề cao. Chỉ có chủ thể của những bức thư ấy, không ai khác ngoài Bình Định vương Lê Lợi: “Bảo mày giặc dữ Phương Chính!” Nếu Lê Lợi không bảo như thế, đời nào Nguyễn Trãi dám viết như thế? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong trăm ngàn ví dụ. Bởi vậy, chúng ta không thể coi Nguyễn Trãi là “tác giả” Quân trung từ mệnh tập, theo đúng nghĩa chữ tác giả, một chủ thể sáng tạo.[7]