1. Trước tiên phải đưa ra một quan niệm chung nhất
thế này: sách viết ra là cho người khác đọc, thế nên bất kể viết thể loại nào cũng
phải bảo đảm bố cục mạch lạc khúc triết.
BTC thiếu hẳn một cái đầu biên tập tỉnh táo giúp Huy
Đức làm điều trên, và cả giúp HĐ bớt “tham”, đổ toàn bộ "vốn liếng" chỉ vào một cuốn sách.
Trong tất cả các phần, việc sắp xếp dày đặc các sự
kiện không theo một trình tự không gian nào (BTC chỉ xếp theo thời gian) khiến
người đọc ngán, từ ngán dẫn tới chán, nhất là với những độc giả từng tiếp xúc
trực tiếp, đã biết các sự kiện trong
sách.
Trong phần 1, tác giả đã rất ý thức vẽ ra bức tranh
toàn cảnh về một giai đoạn nhiều biến động bậc nhất của xã hội Việt nam hiện đại,
giai đoạn giao thời giữa chiến tranh và hòa bình. Và thành công nếu người đọc
chịu tương tác một cách hết sức thiện chí với tác giả, tức là tự tổ chức lại
các sự kiện để tự hiểu.
Bên cạnh đó, tác giả cũng rất ý thức điểm xuyết những
số phận cụ thể cho bức tranh. Đương nhiên, không thể không có “nhân vật”.
Nhưng, như Beo từng viết trong entry kể chuyện bên lề cuốn BTC, đây sẽ chính là
điều “cam go” nhất của Huy Đức khi về nước: đối diện với những nhân vật sống của
mình.
Phần 2, HĐ đã không điều khiển được sự lan man trong
những bí- mật- ai- cũng- biết về chính
trường thời đổi mới vào mục đích lí giải cho những bế tắc của Việt nam hiện tại.
Chính vì vậy nó hạ thấp cả sách lẫn tác giả, ngang tầm bloggers “chém gió” đầy
rẫy trên internet.
2. Góc đứng quan sát sự kiện hay việc chọn sự kiện để viết ra thực chất đã là một cách bày tỏ quan điểm riêng. Dù với tư
cách nhà viết sử hay nhà báo, việc đòi hỏi (mọi) tác giả không thiên kiến là vô
lối. Nhìn nhận lịch sử, công tâm đồng nghĩa với vô tư, chữ vô tư Beo dùng
ở đây tức không cần…nghĩ.
Ví dụ cụ thể. Sự kiện thu vàng của người vượt biên.
Từ góc nhìn của Beo thì đây là chủ trương đúng và
nhân đạo. Hàng triệu người bỏ xứ ra đi, gửi số phận hàng vạn dặm cho những con
thuyền câu mực mong manh thường chỉ dám ra xa bờ vài ba hải lí. Còn gì tốt hơn ở
thời điểm ấy là đóng cho họ những con tàu chắc chắn.
Beo còn biết và biết rất rõ chuyện một trung tá công
an (chắc to ngang trung tướng bây giờ) đã
bị kết án tù 7 năm vì tội ăn chặn số vàng của người vượt biên. Vị trung tá hiện vẫn ở Sài gòn này hoàn toàn có
thể là nhân vật chứng minh về tính đúng đắn cũng như sự trong sạch của chính
quyền ngày ấy.
HĐ lại kể một câu chuyện khác hẳn, như trong BTC,
cũng cùng về sự kiện thu vàng.
Có thể dẫn ra hàng trăm ví dụ tương tự.
Người viết giữ quyền đưa ra nhìn nhận đánh giá sự kiện và
người đọc giữ quyền bình luận nhìn nhận đánh giá của người viết. Văn minh hay hủ lậu thì việc hai quyền "đập chan chát" nhau, âu là chuyện thường.
Có thất bại nào lớn hơn việc viết
ra không ai bàn tới và có cái gì nhạt nhẽo hơn một cuốn sách vô tư. Và như vậy, xét cả 2 phía, BTC là
một cuốn sách thành công.
3. Vì sao HĐ lại “cam go” khi phải đối diện với những
nhân vật sống của mình?
Dự định viết sử về một nhân vật đang sống có hai điều tối quan trọng cần phải trang bị trước. Thứ nhất, không như khi mô tả sự kiện, mô tả nhân vật có phạm vi quan sát gần và hẹp nên buộc phải sát thực, sát thực tối đa trong khả năng có thể. Thứ hai, biết 10 chỉ viết ra 5 và phải phát ra (bằng được) tín hiệu để nhân vật (ngầm) biết nửa đang còn lưu trữ. Thủ thuật này vừa để phòng thân trước pháp luật vừa buộc được nhân vật "ngậm bồ hòn làm ngọt". Đây là quan hệ tay đôi tác giả-nhân vật, người đọc chỉ liên can khi người viết càng giỏi thì thuyết phục càng đông họ đứng về "phe" mình.
Từ phản ứng của một sĩ quan quân đội cộng hòa và Lưu Đình Triều trên công luận cho thấy, cả nguồn tư liệu lẫn sự trung thực, HĐ đều thiếu. Hai nhân vật trong BTC này là copy từ sách, báo đã phát hành, đã thế lại cắt gọt đoạn copy một cách hết sức ác ý.
4. Không triều chính nào làm đẹp bằng cách vá víu lại tấm long bào cũ rồi khoác nó lên mình.
Mang quá khứ ra làm tấm gương hy vọng đời nay soi chiếu là tham vọng ấu trĩ.
Gắn quá nhiều sứ mệnh vào một cuốn sách, thực chất vẫn đang ở dạng bản thảo thô, là hành động ngớ ngẩn.
Khi hy vọng phải bám vào những ấu trĩ, ngớ ngẩn để tồn tại thì không biết nên dùng từ thảm hại hay đáng thương để nói về đời sống tinh thần của một lớp người, gọi là trí thức.