Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

TÂM THƯ GỬI BÀ TÔN NỮ THỊ NINH

Điều gì đã khiến bà sa đọa đến vậy, hả Tôn Nữ Thị Ninh ?
Tôi vốn xuất thân từ làng báo, nên tôi tập được thói quen, rất ít khi tin ngay vào báo. Thế nên sau phát biểu, bà sẽ không nhận chức Giám đốc sở kế hoạch đầu tư Quảng nam ở tuổi 30 nếu vào địa vị của Lê Phước Hoài Bảo, của bà, tôi cứ đợi xem bà có đính chính ko. Đến tận hôm nay, thì tôi đoan chắc báo chí đã ko ghán câu nói trên vào cho bà.
Chúng ta, tôi và bà, có quyền nghi ngờ việc bổ nhiệm Hoài Bảo không phải từ năng lực, mà từ xuất thân địa vị của cha anh ta. Từ sự nghi ngờ ấy, chúng ta có quyền đặt ra đòi hỏi, Hoài Bảo, anh hãy trưng năng lực của anh ra đi. Cho đến thời điểm này, chúng tôi muốn thấy học bạ từ nhỏ tới  lớn của anh; Chúng tôi muốn đọc những lời nhận xét từ thầy giáo Việt, thầy giáo Mỹ về anh; Chúng tôi muốn những lời nhận xét của các đồng nghiệp nơi anh kinh qua công tác, anh đã  làm được những gì nổi bật vượt trội để được cất nhắc nhanh như thế....
Thế nhưng chúng ta, tôi và bà, cũng đều đã ở tầm tuổi đủ bình tĩnh, bao dung để cho những người trẻ nắm chặt lấy cơ hội của họ, mỗi khi cơ hội đến. Có thể mất một cái gì đó tốt nhưng, cũng rất có thể đạt được một cái gì đó còn tốt hơn cho sự phát triển của xã hội, khi người trẻ có nhiều cơ hội thể hiện mình.
Việc bà từ chối chức giám đốc sở ở tuổi 30, là ý nguyện là quan điểm sống của riêng bà, tôi rất tôn trọng điều đó. Nhưng đừng mang điều đó ra làm “chuẩn mực” cho thế hệ hiện nay. (Tôi để chuẩn mực trong ngoặc kép, là bởi, tôi chưa biết lý do bà từ chối là vì lòng tự trọng, vì đạo đức hay vì năng lực...).
Bill Gates nói một câu rất hay: "Đừng so sánh mình với bất cứ ai trong thế giới này. Nếu bạn làm như vậy có nghĩa bạn đang sỉ nhục chính bản thân mình".
Điều gì đã khiến bà sa đọa đến vậy, hả Tôn Nữ Thị Ninh ?


Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Thằng nào tiên phong dẫn đầu thằng đó bị giẫm đạp đầu tiên?

BÀI CỦA LS ĐINH THẾ HƯNG
Cuối những năm 80 đầu 90 của thế kỷ trước khi Bầu Kiên còn cặm cụi nhặt bạc lẻ, Bầu Đức đang là phó mộc thì Tăng Minh Phụng đã nổi lên là một đại gia. Bởi lẽ Bảy Phụng kinh doanh lĩnh vực dày dép, may mặc và hàng tiêu dùng bằng nhựa. Đánh đúng tâm lý khát hàng tiêu dùng của dân chúng sau thời gian tem phiếu hành hạ và nền kinh tế như con bệnh vừa qua khỏi cơn nguy kịch đang nhúc nhắc ăn giả bữa
Mở rộng quy mô công ty lên tầm Group là tham vọng của ông chủ gốc Tàu. Nhưng cũng giống như bao kẻ làm ăn vấn đề đầu tiên Phụng vấp phải là câu chuyện tiền ở đâu?
Khi cần tiền mần ăn thì ông bạn đầu tiên người ta nghĩa đến là các Bank. Nhưng các Bank hồi đó có thể đếm trên đầu bàn tay. Những ai đến các Bank thủa ấy còn nhớ cảm giác khúm núm như đến cơ quan công quyền chứ không phải doanh nghiệp buôn tiền như bây giờ
Hơn nữa Minh Phụng là doanh nghiệp tư nhân mà tư nhân hồi đó còn đang bị ghẻ lạnh mặc dù Hiến pháp 92 long trọng tuyên bố các thành phần kinh tế bình đẳng. Hơn nữa số tiền Minh Phụng vay quá lớn có thể hơn cả vốn điều lệ của một ngân hàng cỡ 4.000 tỷ đồng. Vay vốn khó như lên giời với quy định không cho váy 10% vốn của tổ chức tín dụng
Bảy Phụng dùng chiêu xé lẻ các khoản vay bằng cách lập nhiều công ty con và thuê người làm giám đốc mục đích chỉ là để ngân hàng cho vay tiền (thế là lừa cmn đảo). Chiêu này sau được` Nguyễn Đức Kiên nâng lên tầm cao mới
Gom cục tiền Bảy Phụng ném tất vào lĩnh vực ở Việt Nam thời đó dân làm ăn nói đến còn run rẩy lưỡi: Bất động sản !
Nhưng bối cảnh lúc đó, luật lá về địa ốc còn hỗn mang như vũ trụ thủa hồng hoang giống như một cái bẫy có thể sập xuống bất cứ lúc nào, khiến Chánh án tối cao lúc ấy phải thốt lên xử kiểu gì cũng được ! Thậm chí chiểu theo luật lúc đó doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là bất hợp pháp
Đúng lúc đó, cơn bão khủng hoảng tài chính quét qua châu Á, đúng lúc đó, thị trương bất động sản dừng lại nghe ngóng chính sách và đóng băng theo chu kỳ
Nợ ngân hàng đến hạn trả trong khi tiền vay ngân hàng đang chết dí ở những đám đất hoang ! Đương nhiên các đồng chí PC 15 vào cuộc theo đúng phận sự vì có dấu hiệu tội phạm!
Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa được thành lập và theo Bộ luật hình sự lúc đó bảy Phụng bị bắn nghìn lần mới đúng.
Tại tòa Bảy Phụng khóc mà rằng: Hãy cho tôi dăm năm nữa khi bất động sản hồi phục tôi sẽ trả đủ gốc và lãi không thiếu một xu.
Quan tòa cười khảy, báo chĩ bĩu môi, bằng hữu ngao ngán: số nợ đó 10 đời nhà mày trả chưa hết . Chết đến nơi còn chém gió
Quan tòa đã làm đúng bởi họ chỉ biết tuân theo pháp luật đúng như biểu tượng nữ thần công lý bịt mặt mang thanh kiếm
Như một sự tiên đoán thời gian sau bất động sản nóng rừng rực. Đất hoang trở thành đất vàng. Nhưng năm 2003 Minh Phụng đã bị hành quyết vài năm sau 500 bác ngồi Ba Đình bấm nút bỏ hình phải tử hình với tội Lừa đảo với lý do hoàn thiện thể chế cho phù hợp với kinh tế thị trường .Lúc đó tăng Minh Phụng đã sang cát
Thế chế là thứ vô hình nhưng nó có thể trói buộc hay kìm hãm xã hội đúng quy luật cơ sở hạ tầng và thượng tầng kiến trúc như bạn Mác quả quyết
Thể chế có thể giết chết người thậm chí giết chết cả tinh hoa nếu nó ì ạch 
Vi phạm pháp luật, xử đúng pháp luật, nhưng đó là pháp luật nào?
Vụ Minh Phụng xét dưới góc độ nào đó là cú quẫy đạp tuyệt vọng trong cái thể chế kinh tế quá chật chội, ọp ẹp, lỗi thời và bất an buộc người ta phải thừa nhận và hốt hoảng thay đổi !


Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

NHƯ THẾ LÀ MẤT DẠY


Copy từ Ben Nguyen
Mình không ủng hộ cách một tờ báo điện tử cho phóng viên và CTV "đội lốt" công nhân để tìm cách bới các loại bèo ra bọ doanh nghiệp làm bánh Kinh đô. Điều đáng lên án ở đây chính là đạo đức của BBT, họ lựa chọn thương hiệu Kinh Đô (uy tín, giàu có), lựa chọn thời điểm vụ bánh lớn nhất trong năm để thâm nhập vào doanh nghiệp, họ từng không tìm thấy vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và thất vọng bỏ cuộc (một nhóm). Họ đưa gương mặt của một người đàn ông đang được chính người PV xoa bóp đầu (để lấy cảm tình, lợi dụng moi móc thông tin), tất nhiên họ làm việc đấy và biết trước hậu quả anh này sẽ bị đuổi việc. Cái day xoa, bóp đầu đầy tình cảm kia, thật sự khiến cho những con người bình thường ghê sợ. Đó là bàn tay của một con quỷ man trá. Đó là cách họ nhấn nhá thông tin, không đưa hết mà quăng ra từ từ nhỏ giọt, là bằng chứng mà không phải là bằng chứng, là câu chuyện vô thưởng vô phạt của những công nhân mà họ lợi dụng nhét từ, nhét chữ vào mồm. 
Đó không phải là cách làm của những người tử tế, có đạo đức, hiểu biết pháp luật. Nào hãy sòng phẳng đi, tờ báo kia, các bạn muốn gì?
- DN sẽ phải đổ bỏ hàng chục tấn bánh trung thu (có thể hơn) bởi đây là thứ bánh mùa vụ. 
- Sẽ có ít nhất vài trăm công nhân mất việc và gia đình của họ rơi vào cảnh túng bấn.
- Các kênh truyền thông khác lao vào xâu xé để kiếm view và rất có thể là những lợi ích khác.
- Không chỉ có Kinh đô mà những thương hiệu khác cùng phân khúc sẽ bị liên lụy bởi cái lớn nhất là niềm tin của người tiêu dùng đã bị đánh mất. Bánh là thứ đồ để biếu nhau hơn là mua ăn. Liệu còn ai muốn biếu nhau hộp bánh cổ truyền nữa? 
Rồi, giờ ta nói về tài làm báo, các bạn hãy thâm nhập vào làng tái chế rác, bãi than, khoáng sản lậu, vào rừng già xem lâm tặc phá rừng, thợ săn bẫy thú quý hiếm, hay đường dây buôn thuốc lá lậu, rượu lậu, rượu giả.. Đó mới là chuyện của cộng đồng, vì cộng đồng. 
Bài học đầu tiên dành cho những PV trẻ mới vào nghề, đó là đạo đức, không phải là mánh lới để đặt bẫy, lọc lừa..

NHẮN GỬI ÔNG BỘ TRƯỞNG CÔNG AN

Vụ anh ngáo đá khống chế trẻ sơ sinh bị bắn chết coi như đã xong, nhưng giờ vẫn phải nhắc lại.
Chắc nhiều người không còn nhớ thảm họa giải cứu con tin ở Bắc Giang năm 2009 khiến cháu bé 21 tháng tuổi bị tên cướp tiệm vàng cắt cổ chết. Đây là ám ảnh không bao giờ quên của những người tham gia cuộc giải cứu quy mô kỷ lục với hơn 70 cảnh sát chìm nổi, đặc nhiệm đủ loại.
Trong cuộc giải cứu đó, lực lượng công an không hề thiếu súng đạn và cơ hội bắn hạ tên cướp, cái họ thiếu là cơ chế bảo vệ các chiến sĩ thực hiện tác xạ, như ta thấy qua vụ vừa rồi, ngay từ những thứ cơ bản nhất như danh tính, cấp bậc (thiếu mỗi địa chỉ nhà và size quần chíp) đều được phóng viên công khai trên mặt báo. Nói không nịnh chó cũng làm báo tốt hơn phóng viên xứ Giao Chỉ.
Để đảm bảo cho các chiến sĩ công an yên tâm xả cả băng đạn 9mm vào lũ du côn phi nhân tính tới mức giết cả trẻ em, cần có ngay một cơ chế bảo vệ cho lực lượng hành pháp về mặt pháp lý, an toàn thân nhân và bảo mật danh tính...
Vì thậm chí đến phóng viên còn đòi được bảo vệ khi tác nghiệp cơ mà, phỏng ạ.

Copy từ FB Chung Nguyễn

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

KHOAI KHÔNG DỄ NHỪ -1

Đẳng cấp cao nhất nào cũng buộc phải được che bao bằng nghệ thuật. Phi nghệ thuật thì chỉ  xếp vào loại đi đất chân to.
Phố đi bộ bắt đầu bằng bức tượng.
Cơ khổ. 
Bức trước vốn phạm vào nguyên tắc tối thiểu, phàm tượng đài buộc phải “chất” cả  4 góc nhìn, nó chỉ được 3.
Lịch sử bức tượng ấy cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt mà lỗi không thuộc cụ tác giả,  nay đã ra người thiên cổ. Đại khái, nó giống như hầu hết các tượng đài trên đất nước này, từ phác thảo, tượng mẫu cho tới khi hoàn thiện là cả một khoảng cách trượt dài nghệ thuật. Nó, cũng giống như hòan cảnh sinh ra  của anh  bộ đội ôm bom ba càng dốc ngược… tự chết ở Bờ Hồ, hay Bác Hồ thượng đa hạ thiểu ở Ninh Kiều-Cần thơ, hay bà mẹ móm mém hết răng mà vòng 1 vẫn thẩm mĩ quá tay silicon ở Bến Tre…nhiều ko kể hết.
Bức ấy, nay chuyển về nhà thiếu nhi. (Phải mình, mình giồng cái cây cổ thụ phía sau, che bớt khiếm khuyết).
Bức ấy, còn được 1 phương chính diện, khi lột tả được sự dung dị (rất tuyên giáo) của nhân vật lịch sử.
Bức mới thế chỗ-vị trí đẹp gần như nhất thành phố để đặt tượng đài bởi phối cảnh xung quanh, tư thế tạo hình cực khiên cưỡng, tỉ lệ sinh học đầu-mình-tứ chi tạo cảm giác không cân đối, màu của chất liệu nhìn nhanh tưởng…thiếc Malaysia. 
Có chạy vòng vòng như tăng động hay vắt chân lên trán tự kỉ, cũng ko thể tìm  được milimét nào khả dĩ selfie chung. Nó xấu cả 4 phương 8 hướng.
Con đường đẹp đẽ ấy rồi có thể thành phố Arbat, thành đồi Montmartre hay thành Time Squaire, cây rồi sẽ  phủ bóng thành cổ thụ…nhưng có những điều rất khó sửa chữa.
Nó như điểm nhấn, cho người ta  chì chiết, về một thời đi đất chân to.





Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

TÔI THÍCH CHÍNH TRỊ, LÀ VẬY

Ngày xửa ngày xưa, có 3 con lợn. Cả 3 cùng có tham vọng để lại dấu ấn gì đó cho đời.
Con thứ nhất tên Tào Tháo. Xảo quyệt, nham hiểm, nó có thể làm tất cả mọi điều, miễn giành chiến thắng.
Con thứ hai tên Lưu Bị. Lưu Bị thích sử dụng những cảm xúc, hay dùng các từ  "chân thành", "tin cậy" để thuyết phục mọi người. Nếu thấy cơ hội được leo cao, thậm chí nó có thể khóc.
Con thứ ba là Tôn Quyền. Nó được thừa kế cả một trại lợn và bắt buộc, đổi mới hay là chết.
Có thể được yêu hay bị ghét, nhưng thành thật mà nói, ba con lợn ấy biết mình là ai và biết phải làm gì cho đời.
Tất cả những con lợn còn lại, biết mỗi ăn tạp.
(Dịch có cải biên từ Joshua Yip)





Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

KHỦNG HOẢNG TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2015 : ĐẾN ĐÂU?

Bài của thầy Nguyễn Tuấn Hải
Chiều nay nhóm hoạt động và nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục , công nghệ và chính sách gồm Thế Trung Chủ Tịch DTT , Hoài Nam CEO của SeeSpace và Đức Thành Viện Trưởng Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách và Tôi đã chủ động liên lạc với Bộ Trưởng Bộ GD để có cuộc đối thoại với Bộ. Bộ Trưởng đã cử Cục Trưởng Cục Khảo Thí và Vụ Trưởng Vụ Đại Học đối thoại với chúng tôi về cuộc khủng hoảng tuyển sinh hiện nay.
Nhóm đã mời GS Ngô Bảo Châu tham gia cuộc đối thoại nhưng rất tiếc anh lại bận buổi chiều hôm nay nên không tham gia được.
Mục đích tiếp xúc với Bộ GD của chúng tôi dựa trên nền tảng tán đồng với các chính sách về tuyển sinh đại học của Bộ nhưng muốn tìm hiểu rõ hiện trạng đúng thực sự của cuộc khủng hoảng đang bị truyền thông thổi phồng này là gì?
Chúng tôi cho rằng việc đưa 2 kỳ thi TNPT và TSDH thành 1 là một quyết định đúng đắn và táo bạo. Anh Cục trưởng CKT đã chia sẻ là quyết sách này đã được Bộ nghiên cứu về cả lý luận và thực tiễn nhiều năm trước khi đưa vào thực hiện năm nay.
Các giải pháp về kỹ thuật dựa trên nền tảng CNTT cũng đã được tính toán chạy thử trên 1 nền tảng giả định là 1 triệu thí sinh cũng đã được chạy thử và chạy tốt.
Chúng tôi xoáy vào vấn đề chọn ngành và trường và cả vấn đề rút và nộp hồ sơ rất hỗn loạn thì nhận được các thông tin sau :
1. Bộ đã hướng dẫn việc rút và nộp hồ sơ về nguyện vọng dựa trên ID của từng học sinh tới từng sở và từng trường. Và trên thực tế thì có tới 62/63 tỉnh thành ( trừ Bình Dương ) thực hiện các công tác hỗ trợ thí sinh như sau : rút và nộp đơn ngay tại trường phổ thông của mình hay tại Sở GD địa phương mà không cần tới các trường đại học.
Nhưng các em thí sinh và phụ huynh vẫn " LAO " tới các trường đại học để làm việc này. Nếu làm đúng theo hướng dẫn này thì thí sinh sẽ chỉ mất ít phút để hoàn thành công việc này và sẽ không có hiện tượng hỗn loạn như hiện nay.
Ngay cả với sự hỗn loạn như hiện nay thì Bộ khẳng định rằng đó chỉ là hiện tượng nhỏ nhưng đã bị bi kịch hóa bởi 3 nhóm đối tượng là : các em học sinh , phụ huynh học sinh và báo chí.
Cụ thể là : Với trên 530 ngàn thí sinh trên toàn quốc thì theo báo cáo cập nhật tới sáng nay đã có trên 350 ngàn thí sinh đỗ theo nguyện vọng 1 của mình. Số thí sinh gặp phải vấn đề và phải rút và nộp hồ sơ là dưới 43 ngàn ( 43 ngàn là số lượt rút và nộp ). Tức là chỉ 9% tổng số thí sinh.
Cụ thể hơn nữa là trong hơn 500 trường đại học trên toàn quốc thì chỉ có 30 trường gặp phải tình trạng quá tải của việc rút và nôp hồ sơ một cách thủ công này. Trong khi họ được cung cấp các công cụ hỗ trợ đầy đủ để làm việc này.
Như vậy về mặt bản chất thì cuộc khủng hoảng rút nộp này đã bị bi kịch hóa và bị khai thác rất tiêu cực bởi báo chí và mạng xã hội. Nó xuất phát từ sự cố tình không sẵn sàng với việc sử dụng các biện pháp và công nghệ hỗ trợ đã được tạo sẵn cho các thí sinh.
Tại trường ĐH KTQD nơi tổ chức tiếp nhận việc rút và nộp hồ sơ cho thí sinh đã thể hiện sự kém cỏi trong công tác tổ chức của nhà trường khi họ để cho đám đông cha mẹ vào hết hội trường nơi mà đáng nhẽ chỉ nên dành cho riêng thí sinh làm việc của mình. Những hình ảnh được khai thác dưới góc độ " chứng khoán " hay hình ảnh " khóc lóc kêu gào " của phụ huynh đã được khai thác " triệt để " để câu view và tạo khủng hoảng truyền thông.
Chúng tôi thì cho rằng không chỉ các trường kém cỏi trong công tác quản trị 1 chương trình lớn như thế này mà còn cả Bộ GD cũng rất yếu kém trong các tính toán về tình huống để quản trị thay đổi về chính sách.
2. Bộ GD rất quyết tâm đưa công tác thi và tuyển sinh tiếp cận được các quy trình hiện đại của nước ngoài và qua đó tạo ra các thay đổi về cách dạy và học trong trường phổ thông. Cả 2 đại diện là lãnh đạo của Bộ đều khẳng định và chia sẻ với chúng tôi việc này.
Đó là một điều rất đáng mừng.
Chúng ta cũng đã nhìn thấy các định hướng hiện đại trong đề án cải cách chương trình phổ thông khi nói tới các câu chuyện sau :
Giáo dục phẩm chất công dân.
Cho phép học môn tự chọn.
Cho phép dạy liên môn.
Về mặt chính sách thì đây rõ ràng là 1 tư duy đồng bộ về chính sách và cả lý luận khi Bộ tiếp cận các phương pháp giáo dục hiện đại của phương Tây.
Tôi đã hỏi anh Trinh - Cục Trưởng CKT là : " Anh , về cá nhân , và cả bộ có nghĩ rằng chúng ta nên học tập Mỹ trong việc tổ chức các trung tâm khảo thí ( thậm chí độc lập ) hay không? Để học sinh có thể tham gia các kỳ thi nhận các chứng chỉ về cả chương trình cơ bản và nâng cao tự chọn vào các thời điểm khác nhau không? " thì anh đã trả lời là : " Có , và điều này đã nằm trong chương trình hành động của Bộ ".
Và tôi ngạc nhiên. Và cả vui mừng nữa.
Vì điều này có thể sẽ là tiền đề dẫn tới việc các em học sinh có thể kết thúc quá trình chuẩn bị các " chứng chỉ" của mình thậm chí trước khi kết thúc lớp 11 và sự phân luồng ngành , trường sẽ được thực hiện sớm hơn trước khi các em kết thức lớp 12.
Dĩ nhiên Bộ đã có các sai lầm của mình mà trong đó chính là công thức : " 1 trường 4 nguyện vọng ngành ". 2 vị lãnh đạo bộ đã chia sẻ bí mật của họ là việc này họ đã bị các trường " ép " khi họ lo sợ không tuyển đủ học sinh vì số lượng thí sinh ảo sẽ cao.
Sự hỗn loạn dù là diễn ra ở số ít trường và số ít thí sinh dù sao cũng bắt nguồn từ lỗi chết người này của Bộ. Và họ khẳng định là họ sẽ khắc phục việc tiếp cận này trong kỳ tuyển sinh đại học năm tới.
Có 1 điều quan trọng mà tôi viết để kết bài này là : trên thực tế theo đánh giá của Bộ thì lượng thí sinh vào được đúng trường và đúng ngành năm nay , tính tới thời điểm này , là cao hơn nhiều so với năm ngoái. Trong khi vẫn còn các đợt tuyển bổ sung sắp tới.
Chúng tôi đánh giá đây là 1 thành quả của họ.
Chia tay , tôi có nói với anh Trinh là : " Những gì Bộ GD đang làm là các cuộc cách mạng về GD và không có cuộc cách mạng nào mà không có phản đối hay đau đớn cả ".
Anh cười.
Ps. Nhóm chúng tôi thực sự mong muốn các bố mẹ và các em học sinh hiểu được thực chất các vấn đề và hãy tin rằng chúng ta đang đi đúng hướng với các bước đi tuy còn khó khăn nhưng đã khá là dứt khoát và quyết tâm , để nhìn thấy các điều tích cực.
Nếu đồng cảm , mong mọi người hãy chia sẻ bài viết này để mọi người cùng giảm nhiệt và thoát ra các cuộc khủng hoảng đáng lẽ không cần phải có như hiện nay.

Trân trọng cám ơn.