Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Nên trở về với nền cộng hòa dân chủ theo tư duy Hồ Chí Minh (tiếp)

Mấy kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Xin nêu mấy vấn đề, cũng có thể coi là những ý tưởng muốn góp vào Hiến pháp sửa
đổi:


-       Việt Nam là một nước độc lập, có chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển
và vùng trời. Các dân tộc Việt
Nam
là một khối thống nhất, đều bình đẳng, không phân biệt nòi giống, gái trai,
giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo, đảng phái.


-       Chế độ chính trị mà Việt
Nam lựa chọn
đưa vào Hiến pháp là Cộng hòa (hoặc Cộng hòa – Dân chủ hay Cộng hòa – Dân chủ -
Nhân dân). Sứ mệnh với tầm nhìn xa của chính thể Cộng hòa là bảo vệ nền độc
lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, xã  hội dân chủ,
công bằng, văn minh.


-       Lợi quyền lớn nhất, cao nhất kể cả quyền
sửa Hiến pháp là của toàn dân. Nghiêm cấm bất kỳ sự áp đặt lợi quyền nào khác
lên trên lợi quyền của dân, do dân, vì dân.


-       Nhà nước của nước Cộng hòa Việt
Nam (hoặc Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Việt nam) là Nhà nước pháp
quyền tam quyền phân lập, của dân, do dân, vì dân chứ không thể chỉ phân công
ba quyền dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng như hiện nay.


-       Điều 4 của Hiến pháp năm 1980 và Hiến
pháp năm 1992 đều khẳng định Đảng Cộng sản Việt nam là lực lượng duy nhất lãnh
đạo Nhà nước và lãnh đạo xã hội Việt Nam. Thiết nghĩ, trong  Hiến pháp sửa
đổi, điều này nên dành cho những quy định của Hiến pháp về Đảng cầm quyền. Đảng
cầm quyền phải trung thành với Hiến pháp và tuân thủ pháp luật, được nhân dân
lựa chọn với những giới hạn thời gian nhất định, chịu sự giám sát, phán xét và
xử lý của nhân dân theo Luật định.


-       Với tầm của Hiến pháp, cần có quyết sách
đúng và rõ về chủ quyền và quyền sở hữu về đất đai.


Đất đai là tài nguyên và môi trường tự nhiên, như tài nguyên khoáng sản trong
lòng đất, tài nguyên nước, thời tiết khí hậu và đa dạng sinh học, vùng trời,
vùng biển và hải đảo . . . thuộc chủ quyền quốc gia, Nhà nước được trao quyền
quản lý, ai khai thác sử dụng phải được Nhà nước cho phép, chịu sự chế tài của
pháp luật và phải nộp thuế cho Nhà nước.


Đất được đưa vào sử dụng, trở thành sản phẩm của lao động (thậm chí cả lao động
cha truyền con nối), là tài sản của chủ thể sản xuất kinh doanh nhất định.
Trong sản xuất nông nghiệp, đất là tư liệu sản xuất, là yếu tố của sản xuất,
như các yếu tố công cụ khác là vật sở hữu của nông dân, không có lý gì đất ở
đây không phải là vật sở hữu của nhà nông. Đất là yếu tố cấu thành tài sản
trong bất động sản, vốn là một thể thống nhất không thể chia cắt được, tất yếu
phải là tài sản, là vật sở hữu của chủ thể kinh doanh bất động sản.


Vì thế với tầm Hiến pháp, lần sửa đổi này, cần có quyết sách đúng về chủ quyền
quốc gia về tài nguyên và môi trường tự nhiên, trong đó có tài nguyên đất. Và
cần có sự thừa nhận quyền sở hữu của các chủ thể sử dụng đất với tư cách là tài
sản, là tư liệu sản xuất, là yếu tố của sản xuất như bao nhiêu yếu tố khác vốn
đã là sở hữu của họ, trong đó có chủ thể là tư nhân (là chủ sở hữu tư nhân), có
chủ thể là tổ chức xã hội (là sở hữu tập thể) và có chủ thể là Nhà nước (là sở
hữu Nhà nước).


Đất đai là tài sản có chủ sở hữu rõ ràng, trong kinh tế thị trường việc dịch
chuyển quyền sở hữu dưới hình thức mua bán đất là tất yếu. Nhà nước khi có nhu
cầu vì quốc kế dân sinh thường phải trưng mua theo cơ chế và giá cả thị trường.


-       Mô hình kinh tế tổng quát bị chi phối bởi
thể chế kinh tế nặng về công hữu là nền tảng, kinh tế Nhà nước là chủ đạo, kế
hoạch hóa tập trung và bao cấp đã không còn phù hợp, thiết nghĩ phải thay đổi
trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Mô hình kinh tế được lựa chọn, thay thế có những đặc trưng cơ bản là: (1) Kinh
tế thị trường hiện đại; (2) Hai loại hình – công hữu và tư hữu về tư liệu sản
xuất chủ yếu; ba khu vực - kinh tế công, kinh tế tư  nhân và  kinh
tế  hỗn hợp; với đa dạng các chủ thể kinh doanh bình đẳng trước pháp luật,
cùng phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, không coi công hữu là
nền tảng và cũng không coi kinh tế Nhà nước là chủ đạo, mà chỉ xác định đúng
mức vai trò của Nhà nước pháp quyền đối với nền kinh tế thị trường Việt Nam;
(3) Thực thi dân chủ trong kinh tế, mà vấn đề cốt lõi là quyền của người dân và
thực quyền kinh doanh của doanh nghiệp; (4) Liên kết hợp tác và hội nhập quốc
tế.


 

Nên trở về với nền cộng hòa dân chủ theo tư duy Hồ Chí Minh

Bài viết
của thầy  Đào Công Tiến,
Nguyên
Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TpHCM, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế VN.


 


Tinh thần của nền cộng hòa
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những
quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống,
quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và luôn luôn được tự do
và bình đẳng về quyền lợi”.

Theo tư duy của Hồ Chí Minh, đó là những lời bất hủ về tinh thần của nền cộng
hòa, mà Người tiếp nhận được từ bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Những lời
bất hủ ấy cũng đã được Hồ Chí Minh đưa vào Việt Nam qua Tuyên ngôn Độc lập ngày
2 tháng 9 năm 1945 và Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa.
Với khát vọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước; ai cũng có
cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, thoát khỏi áp bức bất công cho nhân dân,
Hồ Chí Minh cũng đã đến với chủ nghĩa “Tam dân”: Dân tộc độc lập – Dân quyền tự
do - Dân sinh hạnh phúc, như đến với những giá trị của tinh thần cộng hòa ở
phương Đông.
Mục tiêu tối thượng là giải phóng thuộc địa từ tay thực dân Pháp giành lại độc
lập cho đất nước và lợi quyền cho nhân dân, đã thúc đẩy Hồ Chí Minh đến với
Lênin, qua bài viết của Lênin về vấn đề thuộc địa. Vấn đề này, ở khía cạnh giải
phóng các dân tộc thuộc địa khỏi áp bức bóc lột, bất công do đế quốc thực dân
gây ra, thiết nghĩ cũng không nằm ngoài tinh thần cộng hòa - là cái mà Hồ Chí
Minh cần tìm, chọn cho Việt Nam.
Tinh thần cộng hòa theo tư duy và hành động cách mạng của Hồ Chí Minh gắn liền
với việc lựa chọn chính thể cho Việt Nam sau khi giành được độc lập, bao
gồm một số nội dung cơ bản như:
-         Nền cộng hòa dân chủ.
-         Sứ mệnh và tầm nhìn của nền
dân chủ cộng hòa ấy là: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
-         Tất cả quyền bính là của toàn
thể nhân dân, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn
giáo. Tất cả quyền bính đó, được cụ thể hóa trong 11 điều (từ điều 6 đến 16)
của Hiến pháp năm 1946, đến nay vẫn còn nguyên giá trị của tính thần cộng hòa,
dân chủ.
-         Tất cả công dân đều bình đẳng
trước pháp luật – ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa
xã hội, là cơ sở pháp quyền cho sự phát triển của khối đại đoàn kết dân tộc
Việt Nam .
Sự bất cập của thể chế
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày
2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập
được bầu ra tại cuộc tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 năm 1946. Và Hiến pháp đầu
tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Quốc hội thông qua ngày 9 tháng
11 năm 1946.
Trải qua trên 65 năm, Hiến pháp năm 1946 đã qua 3 lần sửa đổi vào các năm 1959,
năm 1980 và năm 1992. Ba lần sửa đổi đó, mà nhất là lần sửa đổi năm 1992 đã có
khoảng cách khác biệt khá xa với tinh thần cộng hòa, dân chủ mà Hiến pháp năm
1946 đã chọn.
Hiến pháp năm 1992, chọn chế độ chính trị là xã hội chủ nghĩa trong cụm từ Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa thay cho Dân chủ Cộng hòa của Hiến pháp 1946.
Vậy xã hội chủ nghĩa (XHCN) là gì mà vừa thay cho Cộng hòa Dân chủ, lại vừa gắn
kết với cộng hòa trong cụm từ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa?
XHCN được đề cập ở đây là một hình thái xã hội (xã hội XHCN), mà những người
phát kiến ra nó đã đưa vào đó những ý tưởng rất nhân văn, rất đáng được trân
trọng. Nhưng mô thức tổ chức vận hành của hình thái xã hội XHCN cả trên góc độ
lý thuyết lẫn thực tiễn, lại có không ít những nội hàm không hợp lý, quá lạc
hậu, nhất là lạc hậu so với sự phát triển của xã hội hiện đại vốn mang những
đặc tính cơ bản đã được sàng lọc, lựa chọn trong quá trình tiến hóa của lịch sử
nhân loại, bao gồm kinh tế thị trường, xã hội dân sự và Nhà nước pháp quyền.
Nền tảng chính trị tư tưởng và là kim chỉ nam của sự phát kiến hình thái xã hội
XHCN là học thuyết Mác - Lênin. Mà với nhiều kết quả nghiên cứu, lý luận và
tổng kết thực tiễn cho biết – học thuyết Mác-Lênin có cái trước đúng nay vẫn
đúng, có cái trước đúng nay không còn phù hợp vì bối cảnh xã hội đã có quá
nhiều thay đổi, có cái trước và nay đều không đúng. Đơn giản chỉ vì nó “không
phải là một học thuyết đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch
nào đó”, như cách nói của chính Lênin.
Vì thế, mô thức tổ chức xã hội XHCN, tự thân nó có nhiều khuyết tật gây bất ổn
cho hệ thống giải pháp phát triển và hoàn thiện xã hội. Những khuyết tật gây
bất ổn đó đã và đang tồn tại gắn liền với một số đặc trưng cơ bản như:
Tổ chức xã hội theo thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp. Coi đấu tranh giai
cấp là động lực phát triển xã hội. Coi Nhà nước XHCN là Nhà nước chuyên chính
vô sản và trên thực tế đã không tránh khỏi tình trạng lấy vô sản chuyên chính
dân tộc đánh vào khối đại đoàn kết dân tộc.
Mô thức tổ chức và vận hành nền kinh tế bị chi phối hầu như  tuyệt đối bởi
chế độ công hữu tư liệu sản xuất (bao gồm cả ruộng đất) là nền tảng, kinh tế
Nhà nước là chủ đạo và phương thức kế hoạch hóa tập trung, bao cấp thay cho
phương thức thị trường. Chọn mô thức tổ chức và vận hành như thế là không phù
hợp với tinh thần “lấy dân làm gốc”, không khuyến khích và tạo điều kiện cho
việc phát triển mọi nguồn lực của dân từ khu vực dân doanh.
Trong khi đó, khu vực kinh tế Nhà nước,  nhất là các tổng công ty và tập
đoàn kinh tế lớn được quá nhiều ưu ái, giao cho quá nhiều nguồn lực (cả nguồn
lực cứng lẫn nguồn lực mềm) vượt quá tầm quản lý (cả quản trị kinh doanh và
quản lý nhà nước), và hệ lụy khôn lường đã và đang đến là vừa kinh doanh không
hiệu quả, vừa làm vẩn đục môi trường kinh doanh, tạo quá nhiều lỗ hổng cho cạnh
tranh không lành mạnh, gây lãng phí, thất thoát và tham nhũng vô phương cứu
chữa.
Đảng nắm quyền lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối mọi mặt hoạt động của đời sống
chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, và trên thực tế quyền lãnh đạo đó đã
trở thành siêu quyền lực, ( có nơi có lúc là Đảng trị cộng với sùng bái cá
nhân) đặt lên trên dân quyền và pháp quyền. Sự hiện hữu của siêu quyền lực như
vậy, không phù hợp với tinh thần đề cao dân chủ và thượng tôn pháp luật. Tập
trung thái quá quyền lãnh đạo của Đảng làm cho Đảng bị tha hóa và cũng làm cho
các bộ phận quyền lực khác của hệ thống chính trị nói riêng và toàn xã hội nói
chung (bao gồm quyền của người dân và công dân) bị vô hiệu hóa, trở thành hữu
danh vô thực. Hệ lụy đã và đang đến là, đã mất quyền thì cũng mất luôn trách nhiệm
xã hội, khiến cho xã hội không có người làm chủ đích thực và trở thành chỗ dung
thân hợp pháp cho thói vô trách nhiệm và vô cảm.
Mô thức tổ chức vận hành xã hội XHCN với những đặc trưng vốn hàm chứa nhiều
khuyết tật gây bất ổn cho giải pháp phát triển và hoàn thiện xã hội như vậy
thực sự không còn đáng được tồn tại trong sự lựa chọn thể chế chính trị mà Hiến
pháp cần có.
Mô thức tổ chức vận hành xã hội XHCN như vậy, cũng có khoảng cách khác biệt quá
xa với tinh thần của nền cộng hòa theo tư duy Hồ Chí Minh. Do vậy, cũng không
thể ghép “XHCN” đó với “cộng hòa” trong cụm từ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa” để
giữ lại cái tên nước Việt Nam là nước “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” như
đã ghi trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992.
Hiến pháp năm 1992 so với Hiến pháp năm 1946 là một bước thụt lụi. Không có
những đột phá về cải cách thể chế trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khó có thể
có được kết quả lập hiến ngang tầm với giai đoạn phát triển mới.


CÒN
NỮA