Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Nên trở về với nền cộng hòa dân chủ theo tư duy Hồ Chí Minh (tiếp)

Mấy kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Xin nêu mấy vấn đề, cũng có thể coi là những ý tưởng muốn góp vào Hiến pháp sửa
đổi:


-       Việt Nam là một nước độc lập, có chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển
và vùng trời. Các dân tộc Việt
Nam
là một khối thống nhất, đều bình đẳng, không phân biệt nòi giống, gái trai,
giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo, đảng phái.


-       Chế độ chính trị mà Việt
Nam lựa chọn
đưa vào Hiến pháp là Cộng hòa (hoặc Cộng hòa – Dân chủ hay Cộng hòa – Dân chủ -
Nhân dân). Sứ mệnh với tầm nhìn xa của chính thể Cộng hòa là bảo vệ nền độc
lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, xã  hội dân chủ,
công bằng, văn minh.


-       Lợi quyền lớn nhất, cao nhất kể cả quyền
sửa Hiến pháp là của toàn dân. Nghiêm cấm bất kỳ sự áp đặt lợi quyền nào khác
lên trên lợi quyền của dân, do dân, vì dân.


-       Nhà nước của nước Cộng hòa Việt
Nam (hoặc Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Việt nam) là Nhà nước pháp
quyền tam quyền phân lập, của dân, do dân, vì dân chứ không thể chỉ phân công
ba quyền dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng như hiện nay.


-       Điều 4 của Hiến pháp năm 1980 và Hiến
pháp năm 1992 đều khẳng định Đảng Cộng sản Việt nam là lực lượng duy nhất lãnh
đạo Nhà nước và lãnh đạo xã hội Việt Nam. Thiết nghĩ, trong  Hiến pháp sửa
đổi, điều này nên dành cho những quy định của Hiến pháp về Đảng cầm quyền. Đảng
cầm quyền phải trung thành với Hiến pháp và tuân thủ pháp luật, được nhân dân
lựa chọn với những giới hạn thời gian nhất định, chịu sự giám sát, phán xét và
xử lý của nhân dân theo Luật định.


-       Với tầm của Hiến pháp, cần có quyết sách
đúng và rõ về chủ quyền và quyền sở hữu về đất đai.


Đất đai là tài nguyên và môi trường tự nhiên, như tài nguyên khoáng sản trong
lòng đất, tài nguyên nước, thời tiết khí hậu và đa dạng sinh học, vùng trời,
vùng biển và hải đảo . . . thuộc chủ quyền quốc gia, Nhà nước được trao quyền
quản lý, ai khai thác sử dụng phải được Nhà nước cho phép, chịu sự chế tài của
pháp luật và phải nộp thuế cho Nhà nước.


Đất được đưa vào sử dụng, trở thành sản phẩm của lao động (thậm chí cả lao động
cha truyền con nối), là tài sản của chủ thể sản xuất kinh doanh nhất định.
Trong sản xuất nông nghiệp, đất là tư liệu sản xuất, là yếu tố của sản xuất,
như các yếu tố công cụ khác là vật sở hữu của nông dân, không có lý gì đất ở
đây không phải là vật sở hữu của nhà nông. Đất là yếu tố cấu thành tài sản
trong bất động sản, vốn là một thể thống nhất không thể chia cắt được, tất yếu
phải là tài sản, là vật sở hữu của chủ thể kinh doanh bất động sản.


Vì thế với tầm Hiến pháp, lần sửa đổi này, cần có quyết sách đúng về chủ quyền
quốc gia về tài nguyên và môi trường tự nhiên, trong đó có tài nguyên đất. Và
cần có sự thừa nhận quyền sở hữu của các chủ thể sử dụng đất với tư cách là tài
sản, là tư liệu sản xuất, là yếu tố của sản xuất như bao nhiêu yếu tố khác vốn
đã là sở hữu của họ, trong đó có chủ thể là tư nhân (là chủ sở hữu tư nhân), có
chủ thể là tổ chức xã hội (là sở hữu tập thể) và có chủ thể là Nhà nước (là sở
hữu Nhà nước).


Đất đai là tài sản có chủ sở hữu rõ ràng, trong kinh tế thị trường việc dịch
chuyển quyền sở hữu dưới hình thức mua bán đất là tất yếu. Nhà nước khi có nhu
cầu vì quốc kế dân sinh thường phải trưng mua theo cơ chế và giá cả thị trường.


-       Mô hình kinh tế tổng quát bị chi phối bởi
thể chế kinh tế nặng về công hữu là nền tảng, kinh tế Nhà nước là chủ đạo, kế
hoạch hóa tập trung và bao cấp đã không còn phù hợp, thiết nghĩ phải thay đổi
trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Mô hình kinh tế được lựa chọn, thay thế có những đặc trưng cơ bản là: (1) Kinh
tế thị trường hiện đại; (2) Hai loại hình – công hữu và tư hữu về tư liệu sản
xuất chủ yếu; ba khu vực - kinh tế công, kinh tế tư  nhân và  kinh
tế  hỗn hợp; với đa dạng các chủ thể kinh doanh bình đẳng trước pháp luật,
cùng phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, không coi công hữu là
nền tảng và cũng không coi kinh tế Nhà nước là chủ đạo, mà chỉ xác định đúng
mức vai trò của Nhà nước pháp quyền đối với nền kinh tế thị trường Việt Nam;
(3) Thực thi dân chủ trong kinh tế, mà vấn đề cốt lõi là quyền của người dân và
thực quyền kinh doanh của doanh nghiệp; (4) Liên kết hợp tác và hội nhập quốc
tế.