Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

Quê

Đi chơi thích hơn đi làm. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy lúc nào cũng mới.


Dễ khí lâu mới lang thang, không định hướng, không di động, không nét niếc. Chụp một rừng ảnh, gặp một huyện người, gần 100 nốt muỗi đốt. May quá nó chừa mặt. Chồng lại bảo đấy là chỗ xấu nhất nên muỗi chê.


Tiếng là về quê, nhưng đặc sản quê giờ chỉ đẫm ở người già. Bà cụ gặp ở sân đền chao ơi là đẹp. Mũi cao thẳng tắp, cằm chẻ, mắt vời vợi. Cụ  xấu hổ cúi gằm xuống mẹt hàng khi thấy tớ nhìn cụ chăm chăm. Mà không thể không nhìn. Ngoài tám mươi, con cái lớn cả chẳng phải lo cho đứa nào, cụ ông bán thân bất toại đã dăm năm, mẹt hàng với mấy gói kẹo bột, mấy thẻ nhang vàng tiền giấy cụ bán cho có việc đỡ buồn. Mình hỏi bà ơi ngày xưa chắc bà đẹp lắm, cụ lại cúi xuống mủm mỉm có đẹp gì đâu, ngày xưa đi làm giao liên toàn phải lấy bùn bôi lên mặt mặc quần áo rách, mãi đến đêm mới được mặc cái áo nâu non mới. Cái cách cụ khoe ngày xưa của mình tế nhị chưa, yêu không thể tả được !  



Nhưng cụ này mới độc đáo. Chẵn 73, hơn cụ ông 22 tuổi. Bà ơi làm cách nào bà lấy được cụ ông trẻ thế? Cưa Tiệp đấy, trẻ hơn ông này! Bà chỉ lão chồng tớ, rồi quay sang  lái xe, ngang chú này. Sắn sởi đi, bà còn quay lại nói với cũng là duyên thôi mợ, chứ cưa Tiệp hay cưa giời mà không duyên không số  thì cũng vứt khi tớ hỏi kinh nghiệm cưa Tiệp của cụ. Cụ làm bọn tớ vui như Tết cả buổi chiều khi tớ thì tưởng tượng ra mồm mình  có phi công hăm mí còn lão chồng hân hoan đại may lấy được vợ quá trẻ.



Hỉ nộ ái ố chuyện quê, chẳng chuyện nào giống chuyện nào, đa âm đa sắc. Như tấm gương soi để thấy mình đáng thương và thảm hại. Ấy thế rồi vẫn nhảy bổ vào cái computer khi vừa về đến nhà, trốn ánh mắt  dịu dàng của  chồng bằng câu nói trớ:  thì xem bão bùng miền Trung ra sao!