Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

cọp của Trương Duy Nhất


1000 năm Thăng Long- đại lễ cận kề. Không biết đã tốn bao nhiêu tiền? Chỉ biết rằng những loại “dự án hướng về” đại lễ trong mấy năm qua, trên khắp 63 tỉnh thành (chứ không riêng Hà Nội) đã nhiều đến mức không nhớ nổi. Tiền cho các “dự án hướng về”, và cho kịch bản chính của ngày đại lễ chắc sẽ (đã) chất cao như núi.


          Rồi sẽ ra sao? Chắc lại cờ phướn, băng rôn, sân khấu, hội hè, xếp hình người, múa may, nhảy nhót, hát hò… như muôn vàn lễ hội khác. Xong rồi tắt đèn ra về, đâu vào đấy, nhạt nhòa qua đi chẳng đọng lại gì…


          Trong vô vàn những đại dự án cho đại lễ nghìn năm, cứ thấy nó mông lung, vời xa và hão. Thay vì tổn phí hàng núi tiền cho các loại siêu dự án này, thay vì thành phố 100% quan chức là… tiến sĩ, thay vì “nâng tầm văn hóa” hay “giữ gìn bản sắc” chi chi đó, chỉ mong sao Hà Nội làm được mấy điều nhỏ (vĩ đại) sau:


          - Người Hà Nội không chửi, không văng tục, bớt… điêu ngoa.


          - Phố phường Hà Nội sạch, không còn vương vãi rác.


          - Hà Nội ngập tràn hoa, phố nào cũng hoa. Hà Nội thành một thành phố hoa, thủ đô hoa.


          Điều thứ nhất chắc không khó. Bởi chẳng lẽ người Hà Nội giờ lại không còn chút sĩ diện… Tràng An?


          Điều thứ hai càng dễ hơn, bởi nhiều đô thị khác sạch được, tại sao Hà Nội không ?


          Điều thứ ba rất giản đơn, không tốn phí tiền nhà nước, lại quản được, không phơi bày những biểu hiện thiếu văn hóa như các “lễ hội hoa” mà Hà Nội từng làm. Đó là vận động các hộ dân (tất nhiên cả các công sở) nhất loạt trồng hoa trên đoạn phố trước nhà mình. Hoa họ trồng, tự chăm, tự quản. Thế thì biến Hà Nội thành một thủ đô hoa, hoa ngập tràn 2 vệ đường mọi phố phường Hà Nội đâu có gì là khó, và đâu phải đợi chờ lâu?


                    Kịch bản nào cho đại lễ?


          Kịch bản cũng chia vô vàn… dự án. Một lượng tiền hoảng hồn, nhưng rồi vẫn chỉ nghe quẩn quanh mấy chuyện sân khấu hóa, tuồng chèo, nhảy nhót, hát hò…


          Tôi chỉ ước, một kịch bản giản đơn cho đại lễ, giản đơn mà linh thiêng, linh thiêng hào hoa đúng chất Thăng Long- một kịch bản khác mà tôi vừa… mơ thấy đêm qua:


          Một con rồng khổng lồ từ hồ Gươm, từ khu hoàng thành Thăng Long, hay từ… Phủ Chủ tịch bay vút lên trời cao, thật cao, ngút ngát giữa bao la mây trời Hà Nội. Ngồi trên lưng rồng là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Bản “nghìn năm Thăng Long đại cáo” với những áng văn vang dội sơn hà, qua chất giọng hào sảng của ông được gió trời thiêng Thăng Long thổi vang động đất trời, vọng rung sóng biển Đông, vang vọng khắp dải đất chữ S từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau…


          Bản “nghìn năm Thăng Long đại cáo” phải trở nên như một tuyệt tác tựa “Chiếu dời đô”, để cháu con muôn đời hễ ai là con dân đất Việt đều thuộc lòng như bản tuyên ngôn bất hủ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.


          Cả nước, từ bắc chí nam, có bao nhiêu công sở, bao nhiêu hộ gia đình, đúng giờ đó, sau bài “nghìn năm đại cáo” hào sảng vang dội sơn hà của Chủ tịch nước, nhất loạt gióng chuông lên. Hàng triệu triệu tiếng chuông cùng vang lên trong cùng một thời khắc- rung động năm châu, vang dội đất trời!


          Ấy mới là kịch bản xứng tầm nghìn năm, mới đúng nghĩa thiêng liêng hào hoa.


          Quá dễ để làm được điều này. Tại sao không?