Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Suy nghĩ từ cải cách y tế Mỹ

Bài của bác Nguyễn Quang A


Sau khi được thực hiện, luật này sẽ cải tổ sâu sắc xã hội Mỹ, một sự điều chỉnh rất khó khăn và vô cùng lớn. Nó sẽ đảm bảo thêm cho 32 triệu người Mỹ các dịch vụ y tế cơ bản mà họ chưa được hưởng.


Đảng Dân chủ từng định đưa ra đạo luật cải cách y tế từ nhiều chục năm qua nhưng đều thất bại. Lần này họ đã thành công.


Trong khi các nhà nước phúc lợi châu Âu đã đảm bảo dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người từ lâu, hệ thống y tế của Mỹ dựa quá nhiều vào sự tự nguyện, vào thị trường, vào khu vực tư nhân, khiến hàng chục triệu người không có bảo hiểm y tế.


Phúc lợi xã hội tạo gánh nặng cho nhà nước ở các nước châu Âu và buộc các nước này có những cải tổ hệ thống để nâng cao hiệu quả. Với đạo luật này, Mỹ dường như tiến đến một nhà nước phúc lợi hơn.


Đảng Cộng hòa và các hãng bảo hiểm y tế tư nhân ở Mỹ phản đối kịch liệt dự luật này và sẽ tìm mọi cách để cản trở việc thực hiện nó trong tương lai. Họ có rất nhiều lý do phản đối, từ giảm quyền tự do của nhân dân đến lấn quyền của các bang, v.v.


Nhưng một trong những lý do cơ bản là ý thức hệ. Họ mang “con ngáo ộp xã hội chủ nghĩa” ra để dọa dân Mỹ, để biện hộ cho sự phản đối của họ, nói rằng luật này cho phép nhà nước can thiệp quá sâu vào lĩnh vực y tế và khiến nước Mỹ trở nên “xã hội chủ nghĩa” hơn.


Nếu chỉ hiểu “xã hội chủ nghĩa” là nhiều dân chủ hơn, nhiều phúc lợi hơn cho người dân, thì các nhà nước phúc lợi Tây Âu “xã hội chủ nghĩa” hơn Mỹ nhiều, dù thực chất, họ là các nước tư bản chủ nghĩa hiện đại.


Chủ nghĩa tư bản có khả năng tự điều chỉnh và đã có sự điều chỉnh rất nhiều so với chủ nghĩa tư bản man rợ thời trước Marx. Luật Cải cách Y tế Mỹ là một minh chứng nữa cho sự điều chỉnh như vậy.


Trung Quốc rất khôn khéo đi theo con đường mà họ gọi là “chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc”. Con đường mang mầu sắc Trung Quốc là gì? Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, khu vực tư nhân phát triển, cải cách mạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.


Nhà nước phúc lợi trước kia ở Trung Quốc mới dành cho số ít (trong bộ máy hành chính nhà nước, doanh nghiệp nhà nước). Nay Trung Quốc đã có kế hoạch cải cách hệ thống phúc lợi, trong đó có y tế, cho số đông.


Đấy là con đường nhanh nhất, hữu hiệu nhất để chấn hưng Trung Quốc.


Nhân tranh cãi về cải cách y tế ở Mỹ, có thể thấy, cả ở Mỹ lẫn Trung Quốc và nhiều nơi khác, người ta đang ngày càng đi theo hướng tránh kinh nghiệm xấu, học cách làm hay và tìm cách làm cho chúng thích ứng với điều kiện của mình, sẵn sàng thử nghiệm những cách làm mới.


Đấy có thể là cách khôn ngoan để cải tổ xã hội, nền kinh tế và hệ thống phúc lợi, để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, để chấn hưng đất nước.


Bài này hay, để đây đã, bình sau