Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

RẢNH THÌ ĐỌC

Bài
của Nguyễn Tấn Hùng
Phó giáo
sư, tiến sĩ, Đại học Đà Nẵng
. Copy
từ blog Vân Bình


- Có một số tên người có
nguồn gốc từ hai cách phiên âm khác nhau
. Thí dụ “Bụt” và “Phật” trong tiếng Việt tuy cùng một nghĩa nhưng có
hai nguồn gốc phiên âm khác nhau. “Bụt” được phiêm âm trực tiếp từ tiếng Ấn Độ “Buddha”;
còn “Phật” cũng từ “Buddha” nhưng được phiên âm sang tiếng Trung Quốc và đọc
theo ngữ âm Hán - Việt là “Phật Đà” rồi sau đó được rút gọn thành “Phật”. Các
từ “Kitô” và “Cơ Đốc” cũng có nguồn gốc tương tự như vậy. “Kitô” được phiên âm
trực tiếp từ tiếng Hy Lạp "Χριστός” (đọc là Khristós, tiếng Latinh
Christus, tiếng Pháp, Anh là Christ). Kitô là tước
hiệu, không phải là họ, Giêxu (Jesus) mới là tên. “Cơ Đốc” cũng từ nguồn
gốc đó, nhưng được phiên âm sang tiếng TQ rồi được đọc theo âm Hán - Việt. Rất
tiếc là nhiều người đã nghĩ Cơ Đốc giáo và Kitô giáo là hai tôn giáo khác nhau.
Ngoài ra, “Thiên Chúa giáo”, “Hồi giáo” là những cách gọi sai của chúng ta.
Kitô giáo, Cơ Đốc giáo là tên gọi chung (có thể là Công giáo hay Tin Lành); còn
Công giáo, Tin Lành, Chính thống giáo là tên những giáo phái của Kitô giáo, sau
đã tách ra thành những tôn giáo độc lập. “Hồi giáo” (tôn giáo của người Hồi) là
cách gọi của người Trung Quốc, gọi theo tên một bộ tộc theo tôn giáo này; thật
ra, tôn giáo này có tên là Islam.


- Một số thuật ngữ dịch
tuy phản ánh được nội hàm của khái niệm gốc, nhưng không sát với thuật ngữ gốc
của nó
. Nguyên nhân của tình trạng
này là do khi dịch một khái niệm, người ta chỉ cố gắng đảm bảo nội hàm, còn về
tên thuật ngữ thì lại đi tìm một tên khác, miễn là diễn đạt được nội hàm đó.
Thí dụ:


Thuyết “Tam quyền phân
lập”
là một học thuyết chính trị do nhà triết học chính trị Pháp Saclơ
Môngtexkiơ
(Charles Montesquieu, 1689 - 1755) đưa ra. Trong tiếng Pháp, thuyết
này có tên “Séparation des pouvoirs” (A: Separation of powers), nếu dịch sát về
thuật ngữ thì phải là “sự chia tách các quyền lực” chứ không phải là “tam quyền
phân lập”. Tuy từ dịch này không sai so với nội hàm của khái niệm, nhưng người
sử dụng cũng cần phải biết xuất xứ của nó.


“Chủ nghĩa thực dụng” (Pragmatism) là một trào lưu triết học đã và đang
thịnh hành ở Mỹ. Thuật ngữ “pragmatism” (A) hay “pragmatisme (P) xuất phát từ
“pragma” (số nhiều: pragmat) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hành động”. Từ
“pragma” là nguồn gốc của các từ practice (A), pratique (P), практика
(N) dịch ra tiếng Việt là “thực hành” hay “thực tiễn”. Như vậy,
“pragmatism” nếu dịch sát nghĩa phải là “chủ nghĩa hành động”, “triết học
thực tiễn”
chứ không phải là “chủ nghĩa thực dụng” như cách nói hiện nay.
Thuật ngữ “chủ nghĩa thực dụng” trong tiếng Việt tuy cách dịch không sai so với
thực chất của trào lưu triết học này (lấy công dụng, lợi ích, hiệu quả thực tế
làm thước đo cho tất cả), nhưng nó lại được hiểu lệch theo một nghĩa xấu vốn
không có trong thuật ngữ gốc của nó.


- Một số thuật ngữ dịch
sai cả về tên và nội hàm của khái niệm.


Không chỉ có thuật ngữ “chủ
nghĩa duy tâm”, “chủ nghĩa duy vật”, mà có nhiều thuật ngữ khác cũng được thêm
từ “duy” vốn không có trong tiếng nước ngoài, thí dụ “chủ nghĩa duy thực”, “chủ
nghĩa duy danh”, “chủ nghĩa duy năng”, “chủ nghĩa duy linh”, “chủ nghĩa duy ý
chí”,… Chữ “duy” ở đây làm cho người ta hiểu sai là “chỉ có”, thí dụ, hiểu nhầm
chủ nghĩa duy vật cho rằng “chỉ có vật chất”, chủ nghĩa duy tâm cho rằng “chỉ
có ý thức”… Thực ra, các trào lưu này không tuyệt đối hóa sự tồn tại của một
trong hai nhân tố, mà chỉ nhấn mạnh vai trò quyết định của một trong hai nhân
tố đó mà thôi.


Thuật ngữ “chủ nghĩa duy
tâm”
còn sai cả từ và nghĩa nữa. Các từ idealism (A), idéalisme
(P), idealismus (Đ) xuất phát từ tiếng Hy Lạp “ιδεα” được dịch sang
tiếng Anh là “idea”, “form”; tiếng Việt là “ý niệm”. Platôn - nhà triết học duy
tâm khách quan cho rằng “ý niệm” là một thực thể tinh thần có trước, độc lập
với sự vật cảm tính. Hêghen cũng kế thừa tư tưởng đó. Còn những nhà duy tâm chủ
quan, như Đêvit Hium (David Hume, 1711 - 1776), thì lại cho rằng sự vật chỉ là
“tập hợp các cảm giác” hay “tập hợp các ý niệm” (collection of ideas) của con
người. Đáng lẽ “idealism” phải được dịch là “chủ nghĩa ý niệm”. Thuật ngữ Hán -
Việt, “tâm” tuy cũng có nghĩa là ý thức, tư duy, nhưng chỉ nói về tư duy
của con người mà thôi (chỉ có thể áp dụng cho chủ nghĩa duy tâm chủ quan); trái
lại, thuật ngữ “ý niệm” (idea) trong từ “idealism” theo quan niệm của các nhà
triết học duy tâm khách quan thì lại tồn tại độc lập, ngoài con người.


“Chủ nghĩa kinh nghiệm” (empiricism) là khuynh hướng triết học thịnh hành ở
nước Anh với Francis Bacon, John Locke, George Berkeley, David Hume trong thế
kỷ XVII đến các nhà triết học thuộc chủ nghĩa thực chứng trong các thế kỷ XIX
và XX. Thuật ngữ này tuy rất quen thuộc, song thế nào là “kinh nghiệm” thì ít
người hiểu đúng, vì từ “kinh nghiệm” trong tiếng Việt và tiếng nước ngoài (εμπειρισμός
(H) experientia (L), experience (A, P) không đồng nghĩa với nhau.
“Kinh nghiệm” trong tiếng Việt thường được hiểu là những tri thức thu được
trong hoạt động thực tiễn. Do đó, chủ nghĩa kinh nghiệm được người Việt hiểu
như là khuynh hướng tư tưởng coi kinh nghiệm thực tiễn là tất cả, coi thường lý
luận. Tuy nhiên, trong triết học phương Tây, “εμπειρισμός”, “experience
trước hết được hiểu là tất cả những tri thức cảm tính, tức tất cả những gì do
quan sát được bằng giác quan đem lại. Như vậy, “chủ nghĩa kinh nghiệm” ở phương
Tây là trào lưu triết học chỉ thừa nhận những tri thức có nguồn gốc từ cảm
tính hoặc có liên hệ trực tiếp với cảm tính; nó phủ nhận những tri thức do suy
lý gián tiếp, phản đối phương pháp tư duy tư biện.
Chủ nghĩa kinh nghiệm có
thể là duy vật hoặc duy tâm. Đối với các nhà triết học duy tâm chủ quan, các
nhà triết học thực chứng và thực dụng thì kinh nghiệm là tất cả, không phân
biệt khách quan, chủ quan.
Theo họ, vũ trụ, mặt trời, mặt trăng… đều nằm
trong kinh nghiệm.


“Chủ nghĩa duy lý” (rationalism có gốc từ tiếng Latinh ratio - lý
trí, lý tính, reason (A), raison (P)) là trào lưu triết học đối
lập với chủ nghĩa kinh nghiệm. Chủ nghĩa duy lý là khuynh hướng triết học coi
trí là cơ sở của tồn tại, nguồn gốc và tiêu chuẩn kiểm tra chủ yếu của tri
thức; đồng thời cho rằng, bằng lý trí và phương pháp suy luận diễn dịch, con
người có thể nhận thức được tất cả, không cần đến kinh nghiệm.
Đối lập với
trào lưu chủ nghĩa duy lý còn có trào lưu “chủ nghĩa phi lý” (phi lý
tính
hay phi duy lý - irrationalism) phủ nhận vai trò của lý trí, lý
tính. Chủ nghĩa hiện sinh là một điển hình. Nó cho rằng tất cả đều là phi lý.
Cái phi lý là cái không có bản chất, quy luật, nguyên nhân, quan hệ… và do vậy,
không thể dùng lý trí để nhận thức, mà chỉ có thể cảm nhận bằng cảm giác, cảm
xúc mà thôi. Đừng nhầm lẫn “phi lý” (absurd) với “vô lý” (illogical). Cái vô lý
là cái không hợp lôgíc, nghĩa là có thể nhận thức được bằng lý trí, nên mới
biết được nó không hợp với lôgíc khách quan. Còn cái phi lý là cái không thể
nhận thức được bằng lý trí, nên không thể nói gì về nó cả. Theo nhà triết học
hiện sinh Pháp - Albert Camus, hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống… là những
cái phi lý, chúng ta chỉ có thể cảm nhận chúng mà không thể giải thích được
chúng.


“Chủ nghĩa thực chứng” là gì? Nó là trào lưu triết học thịnh hành ở các
nước, như Anh, Mỹ trong thời kỳ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thuật ngữ
“chủ nghĩa thực chứng” (Positivsm, Positivisme trong tiếng Anh, Pháp) xuất phát
từ positivus (L) (positive, positif trong tiếng A,P) có
nghĩa là xác thực, rõ ràng. Positive - negative là một cặp từ được dùng
ở nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn như dương - âm (cực dương hay cực âm của một
nguồn điện). Cặp từ này cũng có nghĩa là khẳng định (nói có) - phủ định (nói
không)
trong các phán đoán. Thí dụ, trong kết quả xét nghiệm một loại vi
rút nếu được ghi là negative (dịch là âm tính) có nghĩa là không có virút đó.
Cặp từ này còn có nghĩa là tích cực - tiêu cực. Riêng từ “positive”
trong khoa học, triết học, thí dụ “positive knowledge”, “positive thinking”, có
nghĩa là xác thực, rõ ràng. Positivism được dịch là “chủ nghĩa thực
chứng” vì đây là một trào lưu triết học không thừa nhận lối tư duy tư biện và
những tư tưởng tư biện; nó chỉ thừa nhận những tri thức thực chứng, tức là
những tri thức xác thực, đã được chứng thực. Tuy nhiên, hạn chế của trào lưu
này là chỉ giới hạn việc chứng thực các mệnh đề lý luận bằng kinh nghiệm cảm
tính (quan sát, thực nghiệm).


“Chủ nghĩa hiện sinh” là gì? Thuật ngữ này rất quen thuộc nhưng ít người
hiểu đúng thực chất của nó, ngay cả những người nghiên cứu và giảng dạy triết
học, vì thuật ngữ này trong tiếng Việt không đồng nhất với thuật ngữ gốc. “Hiện
sinh” trong tiếng Việt có nghĩa là “đang sống”, nhưng thuật ngữ gốc của nó
không có nghĩa như vậy. Thuật ngữ “chủ nghĩa hiện sinh” (Existentialism
(A), Existentialisme (P) xuất phát từ gốc từ Latinh “existentia”, nghĩa
thông thường là “tồn tại”. Đây là trào lưu triết học phi lý tính,
phát triển mạnh ở Đức và Pháp từ những năm 20 của thế kỷ XX. Thật ra, trong
ngôn ngữ thường ngày, beingexistence (A) hay êtreexistence
(P) đều có chung một nghĩa là “tồn tại”, chẳng hạn, “being and
thinking
” (tồn tại và tư duy) “the existence of God” (sự tồn tại của Thượng
đế). Tuy nhiên, các nhà triết học hiện sinh lại phân biệt hai khái niệm này.
Theo họ, être (P); being (A); Sein (Đ) (dịch ra tiếng Việt là “tồn tại”) chỉ
đơn giản là “có mặt ở đó”, nhưng không có ý thức nên vô nghĩa, không đáng quan
tâm. Chỉ có existence (A&P); Dasein (Đ) (được dịch ra tiếng
Việt là “hiện sinh” hay “hiện hữu”) là một thứ tồn tại đặc biệt - tồn tại có
ý thức
, mới là cái đáng quan tâm. Tuy nhiên, ý thức mà họ nói ở đây không
phải là lý trí hay ý thức khoa học, mà là một thứ xúc cảm chủ quan (sự
lo âu, trăn trở, đau khổ, tự do, nổi loạn…) ở cá nhân riêng lẻ của con người
“hiện sinh” và cảm nhận chủ quan mà con người hiện sinh gán cho đồ vật mà thôi.
Nhà hiện sinh Pháp - Jean Paul Sartre (1905 - 1980) đưa ra luận điểm nổi
tiếng “L'existence précède l'essence” (“hiện sinh có trước bản chất”, nhưng
nhiều tài liệu nhầm là “tồn tại có trước bản chất”) nghĩa là con người sinh ra
không có một bản chất vốn có nào cả; chỉ khi nào con người “hiện sinh”, tức là
có ý thức về bản thân mình, tự do lựa chọn cho mình trở thành một cái gì thì
anh ta mới có được một bản chất nào đó. Đồ vật chỉ đơn giản là tồn tại, nó chỉ
“hiện sinh” khi con người hiện sinh đem lại cho nó một ý nghĩa nào đó. Nhà hiện
sinh Pháp - Simone de Beauvoir (1908 - 1986) có câu nói nổi tiếng “On
ne nait pas femme, on le devient”
(Người ta không sinh ra là phụ nữ, mà trở
thành phụ nữ) cũng được hiểu theo cách tương tự như vậy. Như vậy, chủ nghĩa
hiện sinh là trào lưu triết học chỉ quan tâm đến sự “hiện sinh”, một thứ tồn
tại đặc biệt, chứ không phải là tồn tại nói chung.


Thuật ngữ “chủ nghĩa cộng
sản”
được dịch từ các thứ tiếng phương Tây (communism (A), communisme (P),
Kommunismus (Đ), коммунизм (N). Các thuật ngữ này không hề có từ “sản” mà chỉ
gần gũi với từ “chung” (common), “cộng đồng” (community). Không phải ngẫu nhiên
mà một tác giả đã giải thích: “communism = common + ism”. Việc dịch thuật ngữ
này thành “chủ nghĩa cộng sản” là sai cả về ngữ nghĩa và thực chất của khái
niệm.
Communism nếu dịch chính xác phải là “chủ nghĩa cộng đồng”,
chứ không thể là “chủ nghĩa cộng sản” được. Từ “chủ nghĩa cộng sản” tạo ra một
ấn tượng sai lầm rằng xã hội tương lai mà chúng ta phấn đấu xây dựng phải là
một xã hội mà mọi tài sản đều là của chung. Mặc dù, sau này, người ta đã cải
chính rằng không phải mọi tài sản mà chỉ có tư liệu sản xuất là của chung,
nhưng như vậy cũng không phản ánh được thực chất của chủ nghĩa cộng sản. Khái
niệm “communism” phản ánh mục đích phấn đấu là cộng đồng xã hội, ưu tiên của
cộng đồng xã hội so với cá nhân; còn tư liệu sản xuất chung chỉ là con đường để
thực hiện mục đích, chứ không phải là mục đích.


Các thuật ngữ “conservatism”,
“conservative party”
được dịch sang tiếng Việt là “chủ nghĩa bảo thủ”, “đảng
bảo thủ”. Các thuật ngữ này xuất phát từ động từ “conserve” (A) hay conserver
(P) có nghĩa là giữ gìn, bảo tồn, bảo toàn. Cách dịch này sang tiếng
Việt tuy không sai (“bảo thủ” có nghĩa là “bảo vệ, giữ gìn”), nhưng vì trong
tiếng Việt, từ “bảo thủ” thường được dùng với một nghĩa xấu, do đó người ta
thường hiểu sai khuynh hướng chính trị này. Thực ra, đây là một khuynh hướng triết
học chính trị chủ trương giữ gìn, bảo tồn những giá trị, những thể chế (chính
trị, văn hóa, đạo đức, tôn giáo, v.v.) đã qua thử thách trong lịch sử. Khi sử
dụng thuật ngữ “chủ nghĩa bảo thủ”, vì không hiểu nguồn gốc của nó, nên nhiều
người thắc mắc tại sao trong nhiều nước tiên tiến, đảng “bảo thủ” lại có thể
được quần chúng ủng hộ, như Đảng Bảo thủ Anh đã nhiều lần nắm được ghế
thủ tướng; Đảng Bảo thủ Canađa hiện nay đang nắm chính quyền ở nước này
từ năm 2006 đến nay.


Không chỉ các thuật ngữ được
dịch từ các tiếng phương Tây, mà ngay cả một số thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng
Nga, tiếng Trung Quốc cũng không phải đã được hiểu đúng.


Tác phẩm của V.I.Lênin “Империализм,
как высшая стадия капитализма”
được dịch ra tiếng Việt là: “Chủ nghĩa đế
quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”.
Đúng ra phải dịch là: “Chủ
nghĩa đế quốc - giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản”.
Cần lưu ý, hai
thuật ngữ “tột cùng” và “cao nhất” không hoàn toàn trùng khớp với nhau về ngữ
nghĩa. “Tột cùng” còn có nghĩa là cuối cùng; còn “cao nhất” chưa hẳn là cuối
cùng (vì còn có quá trình đi xuống, suy vong nữa rồi mới chấm dứt). Thuật ngữ “умирающий
капитализм”
được dịch ra tiếng Việt là “chủ nghĩa tư bản giẫy chết” cũng
không hoàn toàn sát nghĩa. умирающий (động tính từ của động từ умирать) có
nghĩa là đang chết. “Đang chết” diễn đạt một quá trình lâu dài, chết dần dần;
còn “giẫy chết” cho ta ý niệm về một cái chết diễn ra rất nhanh chóng.


Câu nói của Khổng Tử: “Tính
tương cận, tập tương viễn”
thường được giải thích là: Tính người vốn
sinh ra là gần nhau nhưng do nhiễm những thói quen, tập quán xấu ngoài xã hội,
nên vì thế mà tính người trở nên xa nhau.
Ta thử đối chiếu với cách dịch
câu nói này trong một giáo trình triết học ở Mỹ: “By nature, men are nearly
alike; by practice, they get to be wide apart"
(Về bản tính, con người
gần giống nhau; bằng sự rèn luyện mà họ trở nên xa nhau) (2). Tính
người (human nature) phải được hiểu là bản tính tự nhiên của con người, chứ
không phải là ý thức hay nhân cách, vì khi mới sinh ra, con người chưa có được
những yếu tố này. “Nature” là tự nhiên khác với “culture” (văn hóa, giáo dục).
Bản tính tự nhiên của con người xuất phát từ bản năng động vật, tức yếu tố
“con” ở trong con người (bản năng ăn uống, tự vệ, sinh dục …) đòi hỏi phải được
thỏa mãn cho cá nhân một cách tối đa, bất chấp lợi ích của người khác (từ đó
sinh ra tính tham lam, ích kỷ, lánh nặng tìm nhẹ, v.v.). Tuy nhiên, nhờ lớn lên
và rèn luyện trong môi trường văn hóa mà con người kìm chế được những bản năng
này và phát triển những phẩm chất xã hội. Nhưng, những phẩm chất xã hội ở mỗi
người là không giống nhau vì việc rèn luyện của mỗi người là khác nhau.