Copy của Nhị Linh
Tôi ước mình đủ tài sức để bình luận về những điều kinh
hãi như là đội tuyển bóng đá nam của Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng một
giải đấu lớn, như là chuyện nhà đầu ngõ bán được những 500 triệu một mét vuông đất,
hoặc như là các hiểm họa vệ sinh thực phẩm khiến cho người ta nghĩ đến món thịt
bò (hay đuôi bò, lưỡi bò) là ớn, nhưng thật không may tôi chỉ được quanh quẩn
với mấy vấn đề văn hóa (giờ đây hay được gọi là “văn hóa-giải trí”).
Tôi cũng ước mình đủ thời
gian để xem cái hiện tượng báo lá cải mới manh nha ở Việt Nam tệ hại đến mức độ
nào, nhưng vì hơi bận rộn kiếm sống và còn phải đi uống bia nên tôi mới chỉ đọc
lướt qua được một ít, hiểu biết chưa dày dặn, chắc vì thế mà chưa thấy thấm
thía được nông nỗi nguy hiểm mà các tờ báo đứng đắn nghiêm ngắn gần đây dõng
dạc tố cáo. Chưa thấm thía, tôi chỉ rụt rè nêu lên nhận xét riêng của mình, là
hình như báo lá cải nước mình thực sự là lá cải, chứ không phải lá su hào, càng
không phải lá bồ đề lá diêu bông gì cả. Còn rụt rè hơn, tôi xin nêu nhận xét
thứ hai là đọc báo lá cải thấy rất buồn cười, chẳng biết sự hài hước ấy là được
tạo ra có chủ đích hay tình cờ mà gây buồn cười, nhưng nếu không bận rộn kiếm
sống và uống bia, dám chắc tôi cười to hơn và cười lâu hơn.
Chẳng hiểu làm sao phóng viên
báo nghiêm túc không viết buồn cười bao giờ, thế mà vài lần gặp họ đông đông,
tôi thấy rõ ràng họ nói chuyện rôm rả buồn cười lắm, nội dung câu chuyện theo
thiển ý của tôi còn lá cải hơn lá cải xịn. Vậy nhưng hễ cầm lấy bút viết (à,
nhấc tay gõ bàn phím) là y như rằng toàn chuyện đứng đắn, nghiêm túc, đầy đạo
đức, khuyên nhủ tận tình và say sưa giảng giải. Tôi thấy không có vấn đề lắm
khi nhìn thấy tên bài báo sặc mùi lá cải trên báo lá cải, nhưng thấy những tên
bài như “Một chuyện tình gây sốt” hay “Sao Harry Potter nổi tiếng nhưng không
sa ngã” hay “Lần đầu tiên… của Jenni Trang Lê” trên mặt một tờ báo chưa
từng dính tiếng lá cải thì tôi nghĩ thà mình đi uống bia còn hơn, dẫu có nguy
cơ gặp nhà báo và trở thành đối tượng bị phê phán trong một bài được giật tít
“Lần thứ 1043… của XYZ”.
Có vẻ như đã thị trường, đã
lá cải mà thị trường thật, lá cải thật thì lại hóa thành đứng đắn, và sẽ là
không đứng đắn nếu làm lá cải mà không ra lá cải, hoặc không định lá cải mà cuối
cùng lại thành lá cải; hình như không ai chập mạch đến mức ngồi xổm ăn trứng
vịt lộn trên vỉa hè mà lại đòi chủ quán đưa khăn vuông kích cỡ chuẩn 38 xăng ti
mét mỗi chiều để đặt lên hai đùi.
Cô ca sĩ nào đó hát “Em có một ước ao, em có một khát
khao” trở thành luôn hiện tượng “té ghế” báo chí thuộc phe đứng đắn um xùm cả
lên, còn tôi thấy kinh hãi khi nghe lời ca của nhiều nhạc sĩ không bị xếp vào
hàng ngũ “té ghế”, chẳng hạn như của một nhạc sĩ hiện nay rất hot: “dù
chỉ một lần khi anh được nói với em, rồi hẹn em đi chơi và hứa đi xem phim, này
người ơi biết anh chờ mong”, và nói vô phép, có những câu thậm chí còn hơn té
ghế như “Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ” vân vân và vân vân. Nhạc sĩ Nguyễn
Vĩnh Tiến từng miêu tả nhạc của mình và nhiều đồng nghiệp của anh rất chính
xác: “có sợi rơm khô”. Các nhạc sĩ của chúng ta tạo ra không phải một mà nhiều
sợi rơm khô rất khó nhá.
Tôi uống thêm liền mấy cốc bia để rón rén nêu lên những sự
kinh hãi nữa (cũng hãi, thế nào cũng bị ghét lắm), như là nhà phê bình mơ có
trại sáng tác đã nhắc tới ở bài trên số tuần trước; như là đi xem triển lãm sắp
đặt của một họa sĩ trẻ không phải không có chút tiếng tăm mà thấy ngay bản sao
tác phẩm mình vừa nhìn thấy hai tháng trước trong một chuyến đi nước ngoài; như
là thấy mấy nhà văn nổi tiếng cả ngày ôm lấy laptop trả lời “còm”, hồi
đáp cả những “còm” thuộc dạng “póc tem nha”, mà câu trả lời nào cũng xứng đáng
xếp hàng chung với trao đổi ở Quốc hội về mức độ vô vị và gây buồn ngủ; như là
đọc một tản văn nào đó của Lê Hoàng viết trong vài năm trở lại đây: sau một
quãng vừa đanh đá vừa duyên dáng giờ đây Lê Hoàng trở nên giống bà mẹ chồng có
quá khứ nhiều bất hạnh đã quá tuổi hồi xuân, và gần đây Lê Hoàng lên báo tuyên
bố báo chí phải hấp dẫn bằng trí tuệ (bia, nhất định lại phải bia thôi!); như là
xem ảnh chụp của những người hay được gọi là nhiếp ảnh gia, giờ đây đông đảo
đến không tưởng tượng nổi.
Điều kinh hãi nhất mà tôi
nhận ra là để kể ra được những thứ trên đây, tôi đã uống hết một can bia Hà Nội
mua tận gốc, số 183 phố Hoàng Hoa Thám. Cứ thế này, khéo mà tôi sớm kinh hãi cả
bia.