Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Người Việt xấu xa


Copy của Dan Huynh (báo Người
Việt)


 


Tôi
chạnh lòng khi nghe một người bạn đồng nghiệp cứ hỏi câu: Tại sao? Hoặc tại sao
lại như vậy? Khi có một câu chuyện bàn cãi nhau về lòng nhân, về tình người, về
chuyện yêu thương nhau giữa con người và con người, về người Việt Nam trong và
ngoài nước, sao người Việt cứ mãi thù hằn, sao người Việt không bao giờ đoàn
kết gắn bó yêu thương nhau..vv..và vv… Người Việt có lịch sử tự hào đến mức khó
hiểu, khi bà Âu Cơ đẻ trăm con, 50 con lên núi, 50 con xuống biển, từ cội nguồn
đã rẻ chia thì chắc điều đó cũng là điềm gở cho cả dân tộc ! Thời mới lên trung
học, tôi nhớ câu chuyện nhỏ khi thầy Phí Ngọc Tấn dạy môn sử lớp tôi, thầy được
đi tu nghiệp ở Thụy Sĩ và trở về lớp thầy có kể: “Điều tôi thấy xót xa cho
người Việt của mình khi ra ngoài phố tôi gặp hai người Việt Nam nói chuyện với
nhau họ nói tiếng Anh với nhau, nhưng khi gặp hai người Nhật họ lại nói tiếng
Nhật với nhau!”


Có một chuyện vui của một
người Nhật khi gặp được một người Việt Nam ,
ông Nhật cúi đầu kính cẩn ngợi khen: “ Dân tộc Việt Nam các bạn là nhưng viên kim cương
ngời sáng, trong khi chúng tôi chỉ là một cục đất sét tầm thường…” Ông Việt Nam
run lên vì sung sướng và hãnh diện, nhưng sau đó ông nhận được một lá thư nhỏ
diễn giải về điều đó…Những viên kim cương sáng chói không bao giờ kết dính với
nhau nhưng cục đất sét luôn kết chặt với nhau ! Chuyện đơn giản nhưng ngụ ý cho
cả một dân tộc. Thêm một câu chuyện tiếu lâm khó quên khi tôi mới đặt chân lên
định cư ở nước Mỹ, không biết có phải ai ác ý để nghĩ ra câu chuyện về con cua VN
và cua Mỹ. Chuyện như sau, có hai ông đi bắt cua với nhau, họ đem theo hai
thùng đựng cua để phân loại cua Mỹ và cua Việt, khi bắt gần đầy thùng một người
vội kêu người bạn đậy nắp thùng và nói: “Anh chỉ cần đậy nắp thùng cua Mỹ thôi
khỏi cần đậy nắp thùng cua Việt Nam !” Người bạn kia ngạc nhiên và hỏi: “Tại
sao lạ vậy?”.Anh kia giải thích: “Con cua Mỹ nó khác hẳn cua Việt vì nó biết
cách nằm chồng lên nhau để cho các con khác bò lên người để ra khỏi miệng
thùng, còn cua Việt Nam thì con nào vừa định ngoi lên đã có con bên cạnh níu
chân kéo xuống nên không bao giờ lên đến miệng thùng, khỏi cần đậy nắp !”


Người Việt Nam sau năm
1975 đã phân tán khắp nơi trên thế giới tạo ra rất nhiều những cộng đồng nhỏ,
họ vẫn còn mang theo tập tục truyền thống, tập quán, mang theo một túi ca dao
chữ nghĩa, tiếng mẹ đẻ cho con cháu dù biết sẽ mai một theo thời gian. Chuyện
hồn quê thiêng liêng nhưng cũng dễ quên lãng làm sao, ít ai ấp ủ mãi điều
thiêng liêng đó trong tim bởi cuộc sống văn minh, thực dụng, thế giới mới mẻ
đổi thay hàng ngày như trình diễn fashion show, ca nhạc tạp kỹ. Thế giới của
3D, Digital, Hi Tech, thế giới của robot vô hồn, vô cảm nên chuyện yêu nước sẽ
dần lạ lẫm đối với con cháu chúng ta? Có phải bi quan quá cho một thế hệ tương
lai của chúng ta ?


Lịch sử Việt Nam cũng không
nên lạc quan quá độ để thần thánh hóa, để tô vẽ lớp vỏ bọc dối trá, tinh thần
dân tộc không nên đội lốt chủ nghĩa, giáo điều hoặc giả nhân giả nghĩa, chuyện
chính trị và thủ đoạn chỉ phục vụ cho lợi ích của một cá nhân, giai cấp hoặc
một nhóm nhỏ để rồi xâu xé chia rẽ dân tộc. Thù hằn cùng từ nguyên nhân đó mà
ra, người xưa nói lấy oán báo oán oán trùng trùng, lấy ân báo oán oán tiêu tan…vậy
để bao dung, để vị tha có khó lắm không ?


Chuyện người Việt ngồi lại
với nhau để kể về dòng dõi Lạc Hồng, để cùng hát câu ca dao của mẹ Việt Nam, để
yêu thương tình anh em ruột thịt da vàng có phải là giấc mơ muôn thuở ?


Tìm về nguồn cội… ai cũng
muốn trở về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mảnh đất ta sinh ra và lớn lên.


Quyển sách Người Việt kỳ diệu
ngày xưa của nhà văn Sơn Nam đơn giản, dễ thương nhẹ nhàng làm sao khi chỉ bàn
về phong tục tập quán của hồn quê, của làng xóm…còn bài viết Người Việt xấu xa
của chính tôi chỉ viết những điều bế tắc của một dân tộc.


Tôi chỉ mong được xin tha thứ
khi ưu tư về quê tôi, dân tôi và xin tha thứ khi dùng hai chữ xấu xa….Có lẽ tôi
chỉ viết một điều ấu trĩ về một ước mơ bầy đàn gắn kết như chuyện xa vời ảo
tưởng.