Bài
của Như Phong trên bản báo của ổng. Lấy
lại vì tính chính xác điều mà ai trong
làng báo đều biết cả biết từ lâu lắm.
Những ngày này, dư luận hết sức quan
tâm về việc có một số nhà báo bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam về các
tội bảo kê cho lâm tặc, cưỡng đoạt tài sản, tống tiền…!
Theo
thông tin chúng tôi mới nhận được, có thể sẽ còn có một số nhà báo, trong đó có
cả những người giữ những chức vụ quan trọng ở một vài tờ báo có tiếng cũng sẽ
bị “nhập kho” lần này.
Đây
thực sự là điều đáng buồn, bởi lẽ báo chí của chúng ta bấy lâu nay được tiếng
là “trong sạch” so với nhiều ngành nghề khác. Báo chí vốn luôn là người đầu
tiên lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực, phanh phui những vụ tham nhũng, chính
vì thế, mà những vụ phóng viên “dính chàm” luôn được dư luận quan tâm. Và đặc
biệt, những phóng viên có sai phạm lại thường hay “cao giọng” chống “tiêu cực”
nhất.
Thế
mới gọi là “Chân mình thì lấm bề bề. Lại còn đốt đuốc đi rê chân người”.
Có
một điều là ở những ngành nghề khác, nếu muốn tham nhũng, tham ô, muốn làm sai
để trục lợi thì thường là phải có chức, có quyền. Nhưng đối với báo chí thì
khác. Không ít phóng viên chẳng có chút quyền hành nào, thậm chí còn là phóng
viên không ai biết tên tuổi vẫn có thể “kiếm chác” nhờ cái danh “nhà báo”.
Những người này viết lách thì xoàng hoặc cùng lắm là có được vài ba tác phẩm
báo chí khá. Nhưng họ đã lợi dụng nghề nghiệp của mình, lợi dụng vị thế của tờ
báo để tống tiền các doanh nghiệp, để viết theo kiểu “đâm thuê, chém mướn”;
viết theo kiểu “gắp lửa bỏ tay người”; viết theo kiểu “ném đá giấu tay”. Chẳng
thế mà anh em báo chí thường ngao ngán nói với nhau rằng, nếu có cuộc thi
“Olympic” môn “thọc gậy bánh xe”, “ném đá giấu tay”, “gắp lửa bỏ tay người” thì
sẽ có nhiều “vận động viên” là phóng viên ẵm hết các giải cao (?!).
Tuy
không ai thừa nhận vị trí quyền lực thứ tư của báo chí, nhưng ai cũng biết,
công luận hoặc các nguồn thông tin từ báo chí ngày càng có tác động mạnh mẽ đến
tất cả các vấn đề của xã hội. Trong một xã hội đang có nhiều vấn đề phức tạp,
trong đó đặc biệt là những khó khăn về xây dựng, phát triển kinh tế thì vai trò
của báo chí càng lớn. Và thế là phóng viên báo chí trở thành những người có
“quyền lực”.
Các
doanh nghiệp hiện nay rất khốn khổ về tình trạng một số người mạo danh phóng
viên, tất nhiên trong đó có cả những phóng viên “thật” gọi điện “đòi” quảng
cáo, thậm chí có những người còn nói theo kiểu “có quảng cáo không thì bảo”.
Còn chuyện vớ được một chút tài liệu nội bộ có liên quan đến vụ này, việc khác
của đơn vị, rồi gọi điện đe dọa sẽ viết bài thì là chuyện thường ngày ở rất
nhiều doanh nghiệp.
Gần
đây có một câu “ranh ngôn” rằng: “Đừng dây với nhà báo...”. Nghe mà thấy đau
đớn làm sao cho nghề báo.
Cũng
phải thừa nhận rằng, các cấp chính quyền thường rất “ngại” báo chí và đây chẳng
phải riêng gì Việt Nam, mà trên thế giới cũng vậy. Đó chính là vì báo chí có
sức mạnh riêng, rất khó kiểm soát.
Tại
sao lại có những chuyện buồn về báo chí như thế này?
Tại
sao trong làng báo lại đang nảy nòi ra nhiều con sâu như thế?
Theo
chúng tôi, có ba nguyên nhân.
Thứ
nhất, đó là báo chí đang trở thành cơ quan quyền lực và những người phóng viên
tự thấy mình có quyền lực. Từ việc có quyền lực mới sinh ra lạm quyền, lộng
quyền, mà các chế tài của pháp luật đối với báo chí xem ra lại chưa đủ mạnh.
Thứ
hai, việc quản lý phóng viên ở nhiều tờ báo rất lỏng lẻo. Tình trạng khoán cho
phóng viên phải viết bài kèm quảng cáo để mang tiền về cho tòa soạn đang xảy ra
ở nhiều tờ báo.
Một
nguyên nhân nữa là báo chí hiện nay đang rất “đói”. Doanh nghiệp “chết” kéo
theo báo chí “chết”. Số lượng những cơ quan báo chí sống được bằng chính nội
lực của mình ở Việt Nam này có lẽ đếm ra chỉ trên mười đầu ngón tay. Còn lại
đều phải sống bằng quảng cáo, bằng “ấn… phẩm” - nghĩa là báo được bán đến những
đối tượng buộc phải mua bằng ngân sách Nhà nước, bất kể tờ báo đó xuống đến cơ
sở có người đọc hay không.