Nhiều chính khách lên
tiếng yêu cầu xử lý nghiêm vụ bầu Kiên. Tôi không thích lắm cụm từ “xử lý
nghiêm” bởi hai lẽ: không chỉ bầu Kiên mà tất cả các vụ án đều phải xử lý
nghiêm, hơn nữa, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, cho đến thời điểm này ông Kiên
và các nghi can vẫn chưa có tội thì sao biết mà xử lý nghiêm? Ở đây không có
nghiêm hoặc không nghiêm mà chỉ có xử lý đúng pháp luật và công lý.
Chàng thanh niên ngờ
nghệch?
Tội phạm học - một
ngành khoa học nghiên cứu nguyên nhân, điều kiện phạm tội của con người - đã
chỉ ra rằng: trong cơ chế thực hiện tội phạm, người bị hại đóng vai trò tương
đối quan trọng. Rất nhiều vụ án xảy ra, người bị hại cũng có lỗi. Điều này
không quyết định trách nhiệm hình sự nhưng nó lại có ý nghĩa rất lớn để ngăn
ngừa tội phạm.
Khi đi mua hàng, việc
đầu tiên ai cũng biết là thứ mình mua đang nằm ở đâu, hình hài thế nào, tình
trạng ra sao. Thế nhưng, lại có đại gia như Hoà Phát dễ dàng giao hàng trăm tỷ
đồng cho bầu Kiên mà không hề biết số cổ phiếu đó nằm ở đâu! Có nhiều lý do được
đồn đoán, nhưng lý do dễ chấp nhận nhất có lẽ là sự tin tưởng. Bởi lẽ đặt trong
bối cảnh 2010 nền kinh tế tăng trưởng hầm hập, bầu Kiên lúc đó không chỉ là một
cái tên mà đã trở thành một khái niệm của quyền lực: kinh tế, uy tín và cả
những lời đồn đoán về “thứ đứng phía sau” bầu Kiên. Phải chăng những thứ thực
quyền và hư quyền đó khiến bầu Kiên, chỉ với cái tên, đã là sự đảm bảo cho một
thương vụ mua bán cổ phiếu hàng trăm tỷ đồng?
Không chỉ có Hoà Phát,
cứ xem thời điểm đó nhà nhà, người người buôn đất mới thấy sự lên đồng của nền
kinh tế và cơn say lợi nhuận của xã hội khi mà chỉ cần một tờ giấy viết tay,
một bản photo dự án... là người ta đã có thể xuống tiền mua căn hộ mà chẳng cần
biết nó nằm ở đâu, hình hài thế nào.
Không phải không có
cảnh báo nhưng có lẽ chưa đủ ép-phê hoặc cơn say lợi nhuận lấn át tất cả...
Bị hại là chính mình?
Bầu Kiên và nhiều yếu
nhân của ACB bị truy tố về tội cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế
gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một danh từ thú vị trong luật hình sự Việt
Nam. Hậu quả nghiêm trọng, theo giải thích đó, là thiệt hại về tài sản và các
hậu quả khác. Ở đây không có ý định phân tích cấu thành của tội này mà chỉ lưu
ý về cái gọi là thiệt hại (hậu quả) do hành vi cố ý làm trái gây ra.
ACB là ngân hàng cổ
phần, tài sản của ACB là tài sản cá nhân, tổ chức đã góp vốn vào đó. Việc đầu
tư chứng khoán, uỷ thác đầu tư... gây thiệt hại (mất tài sản) của ACB là quá
rõ. Nhưng trong một công ty cổ phần, việc định đoạt vốn, tài sản, phương án
kinh doanh, phân chia lợi nhuận... có cơ chế rõ ràng: cái gì thuộc thẩm quyền
của đại hội cổ đông, cái gì thuộc hội đồng quản trị. Khi hội đồng quản trị đã
được trao quyền quyết định thì sự rủi ro nếu có xảy ra, các cổ đông phải vui vẻ
chấp nhận. Nếu có tranh chấp thì có quyền kiện hội đồng quản trị để yêu cầu bồi
thường theo cơ chế tố tụng dân sự.
Ông Kiên gây thiệt hại
cho chính ông Kiên dưới giác độ luật Hình sự không có gì phải bàn, song, để
thuyết phục số đông chắc phải mất thời gian và không loại trừ có sự vênh vẹo
giữa luật Hình sự và luật Doanh nghiệp. Công tố và toà án có lẽ không sai và
cấu thành tội phạm lạnh lùng không biết nói, nhưng những nhà lập pháp không thể
làm ngơ. Bởi lẽ, nó động chạm đến quyền tự định đoạt của doanh nghiệp - ngay cả
khi họ mất tài sản.
Cũng có thể lập luận
rằng hậu quả nghiêm trọng do hành vi cố ý làm trái gây ra không chỉ là tài sản
mà còn những hậu quả vô hình, đó chính là sự bất ổn, xáo trộn của hoạt động
kinh tế. Nhưng những bất ổn của kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng không dễ
định lượng và cũng không đơn giản đổ lỗi cho một ngân hàng.
Rủi ro đến từ luật?
Để đảm bảo các hoạt
động kinh tế - trong đó có hoạt động ngân hàng, tiền tệ - được trật tự và ổn
định, nhà nước - với chức năng của mình - phải đặt ra hệ thống các quy định. Vi
phạm các quy định này dẫn đến thiệt hại phải chịu trách nhiệm pháp lý cao nhất là
trách nhiệm hình sự. Đó là logic mà các nhà lập pháp và thực tiễn lý giải.
Nhìn vào thực tế, một
trong những điểm yếu nhất của hệ thống pháp luật nước ta chính là sự thiếu ổn
định, thiếu nhất quán và rất nhiều khoảng trống. Pháp luật trong lĩnh vực ngân
hàng không nằm ngoài thực trạng đó. Điều 106 luật Các tổ chức tín dụng là quy
phạm uỷ quyền khi cho phép ngân hàng uỷ thác đầu tư theo quy định của ngân hàng
Nhà nước. Nhưng hành vi cho nhân viên uỷ thác lại xảy ra trước khi có điều 106
và quy định cấm của ngân hàng Nhà nước.
Sự tranh cãi về pháp
luật khi áp dụng là chuyện không hiếm nhưng không phải ở đâu người ta cũng bất
lực. Nguyên tắc suy đoán vô tội khẳng định: nếu có nghi ngờ về pháp luật thì
(phải) giải thích có lợi cho người bị buộc tội. Việc tranh cãi về điều 106 và
hiệu lực của quy định của ngân hàng Nhà nước - do chưa ai giải thích rõ ràng -
cho thấy có sự nghi ngờ ở đây.
Không chỉ vậy, sự
tranh cãi về việc bầu Kiên đầu tư vốn vào các công ty tài chính là hoạt động
kinh doanh hay góp vốn đã cho thấy môi trường pháp lý hoàn toàn đem đến sự rủi
ro. Khi luật không quy định, khi luật còn mâu thuẫn thì buộc người ta phải viện
dẫn nguyên tắc của luật, trong trường hợp này, là: được làm những gì luật không
cấm!
Khi còn những bất cập
về luật và giải thích luật thì vẫn còn đó những rủi ro pháp lý, điều tối kỵ với
một môi trường kinh doanh lành mạnh!
Cái còi và thanh kiếm
Người ta có thể tranh
luận về sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực kinh tế nhưng chỉ là can thiệp
đến mức nào chứ không thể phủ nhận vai trò của nhà nước đối với hoạt động kinh
tế. Triết lý ở đây là “chính phủ tồi còn hơn không có chính phủ”!
Hàng loạt những sai
phạm diễn ra trong thời gian dài, một dòng tiền khổng lồ chảy vòng vèo ngầm
trong nền kinh tế từ ACB đến các công ty con của ACB, chảy ra thị trường tài
chính nước ngoài qua hoạt động buôn vàng, chảy cả vào tài khoản của Huyền Như -
4.000 tỉ đồng biến mất như bị hút bởi lỗ đen... nhưng hệ thống cảnh báo không
rung chuông và cuối cùng, chỉ thanh kiếm của sự trừng phạt là được lạnh lùng
rút khỏi vỏ.
Quản lý hình như đang
nắm cái cần phải buông và buông cái cần phải nắm!
Bài của Luật Sư Đinh Thế Hưng