Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

KHIẾP QUÁ ĐI MẤT !

Cơ sự thế này.
Một nhiếp ảnh gia có cái nick NaSon Nguyen đưa một status trên trang mạng cá nhân, đại ý chỉ trích Thư viện Hà Nội, với hai ý: Sử dụng hình ảnh của anh không hề nói tiếng nào; Lừa dối công chúng khi treo bức ảnh phục dựng trong một triển lãm về Thủ đô.
Thư viện HN ngay sau đó có văn bản xin lỗi tác giả. Sự việc kết thúc đến đây là rất đẹp, rất có văn hóa, từ cả hai phía.
Nhưng nếu thế  đã là...văn hóa thị thành, còn gì để nói.
Nhảy ngay ra cặp vợ chồng, hai người tạm được cho là đang giữ chủ quyền bức ảnh, lên tiếng đòi lại ý tưởng lẫn chủ quyền bức ảnh kia, trong khi chưa hề thấy NaSon Nguyen có ý định giành giật. Nhảy ngay ra mấy anh nhà báo, quên phắt chuyện lừa dối của thư viện HN, mà nhắm thẳng vào NaSon Nguyen  tấn công tội...ăn cắp chủ quyền.
Đừng tranh cãi với Beo chữ tạm, hỡi vị luật sư nhanh nhảu mồm nào đó  mới phát biểu trên báo. Lý do. Beo chưa rõ hai bên làm hợp đồng thế nào khi thực hiện bộ ảnh, nếu chỉ hợp đồng miệng lời nói gió bay không có giá trị pháp lý  hoặc, trong hợp đồng không ghi rõ ai giữ chủ quyền, thì dù 21 triệu chứ 2.1 tỷ cho bộ ảnh, giả dụ NaSon Nguyen cãi đó chỉ là chi phí trả công cơ học cho anh ta (xăng xe, vác máy, thuê người cầm phản quang....ví dụ thế) còn anh ta vẫn giữ chủ quyền ảnh hay chỉ bán một lần cho cặp vợ chồng kia, thì các vị trắng mắt ra.
Nhưng, Beo không định bàn về luật-lệ làng xã ta ở đây, Beo chỉ nói về phong trào giết-người-hàng-lọat đang diễn ra trên diện rộng ở Việt nam.
Beo thấy cặp vợ chồng kia một sự vô ơn bạc nghĩa. Không phải bất cứ ý tưởng hay ho nào cũng có thể chuyển thành bức ảnh đẹp. Bởi nếu dễ thế thì gọi chú hàng xóm ku bạn học nó bấm máy cho, vời đến nhiếp ảnh gia làm gì. (Tuy nhiên, nếu chú hàng xóm hay ku bạn học bấm máy, ảnh có đẹp bằng ba thế chắc chắn cũng không ai xin mang ra triển lãm).
Truyền thông, nhảy ngay vào đánh hôi, lấy sự vô ơn bạc nghĩa kia làm nền.
Trong sự việc này, Beo thấy cần khuyến cáo nhất cho các giao dịch dân sự của ta là đừng chỉ thỏa thuận miệng, để rồi khi đụng chuyện, thay vì nhẹ nhàng đóng cửa bảo nhau thì lại lôi ra làm nhục nhau chẳng vì mục đích gì, như trường hợp của NaSon Nguyen.
Theo một hướng khác, đó là trường hợp Kenny Sang. Cả một hệ thống truyền thông từ chính thống lẫn xã hội sấn sổ vào bóp chết giấc mơ  của một con người.
Kenny Sang dám mơ được đổi số phận, được sinh ra, được sống  không phải ở nơi bần hàn  anh ta đang sống. Anh ta dại dột nói ra ước mơ ấy giữa tầng tầng nấc nấc của lối suy nghĩ giàu thì ghét nghèo thì khinh trung bình thì tởm. 
Đừng mang thứ  đạo- đức- giả- vờ ra rao giảng để rồi lên án, dồn đuổi anh ta. Quý vị chỉ tòan mơ những giấc mơ lương thiện và trí thức và thực tiễn, chưa từng một lần trong đời mơ giấc mơ (rất thấp hèn) như Kenny Sang?
Quý vị cứ tiếp tục những giấc mơ lương thiện và trí thức và thực tiễn của mình đi và Kenny Sang, em cũng cứ tiếp tục mơ giấc mơ của em đi. Nếu có lời khuyên nào của người từng trải bằng tuổi cha mẹ em thì Beo chỉ nói rằng: cố gắng đừng làm bố mẹ đau lòng thêm khi  ông bà không mang được cho con mình cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại.
Không việc gì phải trốn chạy. Vì giấc mơ của em không phương hại đến ai. Hơn thế, với Beo nó còn chỉ ra một cách rõ ràng nhất sự tàn nhẫn bọc vải điều của xã hội này.
Sợ đêk gì chúng nó, em hả!.