Trong loạt bài cực hay về nước Mỹ, Phó Đức Tùng thoáng đến và kịp nhận ra “Boston
giấu những người nghèo, người thường trong những lâu đài. Ở đâu ta cũng ít thấy
sự chênh lệch, phân biệt một cách thô thiển đẳng cấp. Ở đâu, sự bình đẳng cũng
tương đối, đủ giữ thể diện, nhân phẩm cho tất cả mọi người cũng được đảm bảo”.
Lịch sử phát triển đô
thị Boston, như tất cả các thành phố khác, bắt đầu từ khu trung tâm với tứ giác
trọng tâm rất đặc trưng châu Âu: Nhà thờ, Tòa thị chính, Thư viện và Chợ. Thuở
ban đầu, người giàu có chiếm lĩnh toàn bộ những con đường bao quanh tứ giác trọng
tâm này, sau loang dần ra, nhường những kiến trúc yêu kiều cho tầng lớp trung
lưu hay nghèo hơn.
Chỉ vài miles cách Quảng
trường Copley, nơi gần đây nổi tiếng bởi vụ bombing marathon, theo những đường cây đan thành vòm gotic xanh rợp, là tới nơi cư ngụ của tầng lớp thượng lưu Boston hiện nay, những
dòng dõi quý tộc lâu đời nhất nước Mỹ.
Không có bất cứ sự lặp lại nào, đi miên man cả ngày chưa ra khỏi thiên đường có thật nơi hạ giới. Trong không gian lặng lẽ, ngập ngừng
thoang thoảng tiếng piano của trẻ mới học đàn. Đâu đó trên vạt cỏ nắng trước
sân, cặp vợ chồng già tựa lưng nhau ngồi
đọc sách. Beo cất tiếng chào. Cả hai cùng gỡ kính, bỏ sách xuống đáp lời. Người
đàn bà đứng dậy hái cho chùm mận chín đỏ. Bà bảo ngọt lắm. Tiếc vì đẹp,
không ăn. Ông cười, hái thêm cho một quả lẻ.
Mỗi ngôi nhà, chứa
trong nó một câu chuyện như cổ tích về thành phố này, về những thăng trầm biến
trải của những thế hệ đàn ông. Duy những người đàn bà, là vẫn thế, xưa giờ vẫn thế. Vẫn những
công việc muôn thuở trong nhà, đọc sách, đan len, tỉ mẩn cầu kì gấp quần
áo cho cả nhà. Tối tối, tam đại đồng đường quanh bàn ăn. Cái cảm giác gia đình
máu thịt thật sự đến khi vòng tròn nắm chặt tay nhau, nhắm mắt đồng thanh cầu nguyện, Cảm ơn
Chúa đã cho gia đình chúng con no đủ và hạnh phúc. Bữa nào cũng có món
khoai tây nghiền ngầy ngậy béo.
(còn tiếp)