Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

bài copy của talawas

Joseph Nye - Quan điểm mới về thúc đẩy dân chủ


Phạm Minh Ngọc dịch


Lời người dịch: Áp đặt, thậm chí là áp đặt chế độ dân chủ, không phải là điều tốt. Đấy có thể là nhận thức mới và chính sách ngoại giao mới của chính quyến của Tổng thống Barack Obama.


Joseph S. Nye là giáo sư của Đại học Harvard. Ông được các chuyên gia trong lĩnh vực đối ngoại đánh giá là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực này trong 20 năm gần đây.


 ___________


Tổng thống George W. Bush đã trở thành nổi tiếng khi tuyên bố rằng thúc đẩy dân chủ là trọng tâm của chính sách ngoại giao của Mĩ. Ông không phải là người duy nhất nói như thế. Đa số các tổng thống Mĩ, kể từ Woodrow Wilson đều đã từng tuyên bố tương tự.


Cho nên người ta càng lấy làm ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố trước quốc hội về “chính sách 3-D” - quốc phòng, ngoại giao và phát triển - của Mĩ. Sự thiếu vắng chữ D của từ dân chủ càng gây được chú ý, nó chứng tỏ sự thay đổi chính sách trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama.


Bill Clinton và George W. Bush vẫn thường viện dẫn ảnh hưởng tích cực của nền dân chủ đối với an ninh. Họ trích dẫn các tác phẩm nghiên cứu khoa học nói rằng các nền dân chủ thường ít khi đánh nhau. Những nếu trích dẫn thật đúng thì phải nói rằng các nền dân chủ tự do hầu như chưa bao giờ đánh nhau, và có thể chính nền văn hoá tự do hiến định có vai trò quan trọng hơn là bản thân các cuộc bầu cử.


Bầu cử là quan trọng, nhưng dân chủ tự do còn quan trọng hơn. Bầu cử mà thiếu những câu thúc hiến định và văn hoá có thể làm phát sinh bạo lực, thí dụ như ở Bosnia hay là tại vùng tự trị của Palestine . Còn các nền dân chủ phi tự do thì vẫn đánh nhau như thường, đấy là trường hợp của Ecuador và Peru trong những năm 1990.


Nhiều người phê bình ở Mĩ cũng như ở nước ngoài cho rằng sự thái quá của chính quyền Bush đã làm hoen ố ý tưởng thúc đẩy dân chủ. Việc Bush viện dẫn dân chủ để biện hộ cho cuộc xâm lược hàm ý rằng dân chủ có thể áp đặt bằng họng súng. Từ dân chủ bị người ta liên tưởng với dân chủ kiểu Mĩ và mang màu sắc đế quốc chủ nghĩa.



Tuy nhiên phản ứng thái quá đối với thất bại của chính quyền Bush cũng chứa đựng một số nguy cơ. Phát triển dân chủ không phải là sự áp đặt của Mĩ và có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Khi kinh tế phát triển và quen dần với hiện đại hoá thì dân chúng sẽ càng ngày càng muốn được tham gia nhiều hơn. Dân chủ không đi vào thoái trào. Tổ chức phi chính phủ có tên là Nhà Tự do (Freedom House) thống kê được danh sách 86 nước tự do vào lúc Bush bắt đầu nắm quyền và 89 nước tự do khi ông ta kết thúc nhiệm kì, tức là có tăng.


Dân chủ vẫn là mục tiêu đáng giá và có ý nghĩa rộng rãi, nhưng quan trọng là phải phân biệt giữa mục đích và phương tiện nhằm đạt mục đích đó. Có sự khác biệt giữa sự thúc ép và sự ủng hộ một cách nhẹ nhàng quá trình dân chủ hoá. Tránh bạo lực và những cuộc bầu cử quá sớm, những lời kêu gọi hùng hồn đạo đức giả không được cản trở chính sách nhẫn nại dựa trên sự giúp đỡ về kinh tế và ngoại giao sau hậu trường, và đường lối tiếp cận đa phương nhằm trợ giúp cho sự hình thành xã hội dân sự, hình thành chế độ pháp quyền và tổ chức những cuộc bầu cử cho thật tốt.


Các phương pháp áp dụng trong nước cũng quan trong không kém so với các biện pháp ngoại giao áp dụng ở nước ngoài. Cố gắng áp đặt là chúng ta đã làm hoen ố tư tưởng dân chủ. Sống theo những truyền thống tốt đẹp nhất của mình là chúng ta thúc đẩy người khác noi theo và tạo ra sức hấp dẫn. Cách tiếp cận như thế được Ronald Reagan gọi là “thành phố lấp lánh trên đỉnh đồi”.


Thí dụ, nhiều người, cả ở Mĩ cũng như ở nước ngoài tỏ ra hoài nghi đối với hệ thống chính trị của Mĩ, họ khẳng định rằng nó bị đồng tiền chi phối và người ngoài không thể héo lánh vào được. Việc bầu Barack Hussein Obama vào năm 2008 đã có vai trò to lớn trong việc khôi phục sức mạnh mềm của nền dân chủ Mĩ.


Một khía cạnh khác của nền dân chủ tự do nội bộ Mĩ là cuộc tranh luận đang diễn ra về cách thức đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Trong không khí hoảng loạn sau những cuộc tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, chính quyền của Tổng thống Bush đã mắc mứu vào việc giải thích một cách méo mó luật pháp quốc gia và quốc tế, làm ô uế nền dân chủ Mĩ và giảm bớt quyền lực mềm của nó.



Trong giai đoạn hoảng loạn, đa số ý kiến ngả về phía an toàn. Abraham Lincoln, trong giai đoạn Nội chiến đã tạm thời đình chỉ nguyên tắc habeas corpus, tức là thạm thời không cho tù nhân được quyền khởi kiện việc bắt giữ mình, còn Franklin Roosevelt thì cho tạm giữ các công dân Mĩ gốc Nhật trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Thế giới II.


Khi một số thành viên viên biết điều hơn trong chính quyền của Tổng thống Bush được hỏi vì sao năm 2002 họ lại có lập trường như thế thì họ viện cớ những cuộc tấn công bằng chất anthrax diễn ra ngay sau ngày 11 tháng 9 và mối lo sợ của mọi người trước một cuộc tấn công thứ hai nhắm vào người Mĩ. Trong những hoàn cảnh như thế, dân chủ tự do và an toàn nhất định phải xung đột với nhau.


Chủ nghĩa khủng bố là một loại hí trường. Hiệu quả của nó không chỉ là những tàn phá tại chỗ, những hành động tàn ác chống lại thường dân tạo ra xúc động khủng khiếp không kém. Chủ nghĩa khủng bố cũng giống như môn nhu thuật. Kẻ yếu nhưng biết lợi dụng sức mạnh của người khoẻ hơn và chiến thắng.


Bọn khủng bố hi vọng tạo ra được bầu không khí sợ hãi và bất an, và rồi chúng ta sẽ tự hại mình bằng cách làm suy yếu chính nền tự do dân chủ của chúng ta. Ngăn chặn những vụ khủng bố mới, đồng thời phải hiểu và tránh những sai lầm của quá khứ, đấy là vấn đề chính yếu nếu chúng ta muốn giữ và củng cố nền dân chủ tự do ở cả trong lẫn ngoài nước. Đấy chính là cuộc tranh luận mà chính quyền của Tổng thống Obama đang thực hiện ở Mĩ ngày hôm nay.