Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

CHUYỆN ANH HẠNH



1. Âm mưu viết entry này có từ cách nay ba bốn năm. Vì nhiều lý do chưa thể thực hiện được mà chính yếu nhất là không muốn khuấy động vết- thương- không- thể- liền- da của anh chị ấy.
Anh. Dứt khoát không cho viết.
Chị. Tự giải tỏa những đau khổ không thể tưởng tượng được bằng thơ.
Và Beo, trong cơn báo chí đang sục sôi đòi lôi những người làm oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn Bắc Giang ra trước vành móng ngựa, thì nghĩ, bao giờ báo chí tự đưa mình ra trước pháp trường, khi trực tiếp hủy hoại tan nát đời một con người.
Trần Mai Hạnh chỉ là một trong số những nạn nhân đó. (Câu này hàm ý rồi sẽ kể đến những người khác).
2. Nếu muốn cắt nghĩa được nguồn cơn sâu xa của vụ án Trần Mai Hạnh, thì phải  lược qua bối cảnh báo chí 10 năm trước và tiểu sử của chính anh 30 năm trước nữa.
30 năm trước, Tổng giám đốc TTX Đào Tùng (đã mất) và Phó là ông Đỗ Phượng đã chép nguyên mô hình của thông tấn xã Tiệp Khắc về Việt nam khi sản xuất những ấn phẩm trực tiếp tham gia thị trường, thay vì  gián tiếp làm ngân hàng tin tức cho báo chí như truyền thống.
Ba ấn phẩm về ba lĩnh vực ra đời lần lượt theo thứ tự: Giải trí (Văn hóa thể thao quốc tế, sau bị tuyên giáo bắt buộc đổi tên thành Thể thao văn hóa nhằm giảm nhẹ tính tiên phong trong các quan điểm về văn hóa của tờ này); Chính trị xã hội (tờ này luẩn quẩn đổi đi đổi lại tên Tin tức tuần và Tuần tin tức) và một tờ chuyên về khoa học. Ba tờ báo này ngay lập tức thống lĩnh toàn bộ hệ thống báo chí toàn quốc, vì lợi thế nguồn tin vốn được độc quyền của TTX thời bấy giờ.
Như một luật bất thành văn cho tới tận hiện nay, ai nắm mảng chính trị xã hội gần như chắc chắn bước  cả hai chân vào ghế lãnh đạo cao hơn trong tương lai. Trần Mai Hạnh là một trong những người khai sinh, người đầu tiên tổ chức nội dung kiêm phóng viên, thi thoảng kiêm luôn họa sĩ vẽ maquette và nhân viên sửa morat của tờ Tuần tin tức.
Tuần tin tức đi tiên phong,  trước cả Tuổi trẻ ở phía Nam, trong việc chống tham nhũng, nhắm vào các cấp lãnh đạo vốn bất khả xâm phạm. Đình đám nhất là phanh phui tiêu cực tại Thanh Hóa khiến cho quan đầu tỉnh Hà Trọng Hòa mất chức. Một việc cho tới thời điểm đó là chưa từng có.
Các Tổng biên tập của TTX thời đó xứng đáng được viết hoa trân trọng, bởi đó là những người thực sự xuất sắc về nghề. Các đời sau này xuống cấp, không phải thấp dần đều mà theo phương thẳng đứng.
Sau toan tính chiến lược nhân sự của Bộ biên tập TTX, Trần Mai Hạnh, lúc này là Phó tổng TTT, “văng” sang Đài Tiếng nói Việt nam.
Tổng giám đốc VOV, ủy viên trung ương, Phó chủ tịch hội nhà báo VN, Trần Mai Hạnh là gương mặt sáng giá nhất trong danh sách quy hoạch chức bộ trưởng bộ Văn hóa thông tin (nay tách thành hai bộ) cho kì đại hội 4/2006.
Ngày 25/2/2003, khai mạc phiên tòa xét xử Trương Văn Cam, tục gọi Năm Cam.
3.