Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Tự Do Lựa Chọn



Bản copy-xin lỗi không nhớ nguồn
...Tôi nghĩ đến chuyện những đứa trẻ con, ngay từ lúc mới hiểu biết, mới biết nói, biết phát biểu ý nghĩ của mình, câu đầu môi chót lưỡi của chúng là: “Its not fair,” mỗi khi chúng đòi cái gì mà không được, hoặc bị cha mẹ cấm đoán điều gì. Lúc đó, bài học triết lý đầu tiên chúng được cha mẹ dậy là: “Life is not fair.”
Phải nhớ kỹ nằm lòng cuộc sống là một chuỗi những sự bất công. Đừng bao giờ chờ đợi sự công bằng ở trên cõi đời này. Thế nhưng, khi chập chững bước chân vào trường, bài học đầu tiên chúng được dậy trong lớp mẫu giáo lại là phải play fair. Khi chơi phải tôn trọng sự công bằng. Cấm không được ăn gian. Rồi sau đó là phải nhường nhịn, phải biết đợi đến lượt mình, phải xếp hàng.
Thật ra thì tôi chẳng được học mẫu giáo bên Mỹ này, nhưng những điều này tôi đọc được trong một cuốn sách của ông Robert Fulghum, một tác giả mà tôi rất ưa thích, trong cuốn sách rất nổi tiếng của ông, có tựa đề là Tất cả những điều cần biết-tôi đã được dạy từ mẫu giáo. Nếu đọc kỹ, sẽ thấy, những điều luật về luân lý căn bản - theo nền giáo dục Mỹ - chỉ được nhắc đến trong lớp mẫu giáo – sau đó, nhà trường không có bổn phận và cũng không có quyền hạn, phải giáo dục trẻ, mà chỉ có bổn phận dạy chúng những kiến thức chuyên môn. Dạy dỗ về luân lý, là phận sự của bố mẹ.
Đây là sự khác biệt giữa nền giáo dục của Mỹ và Việt Nam, cần phải nói cho rõ. Công cuộc đức dục của một đứa trẻ bắt đầu từ trong lòng mẹ, sau đó là bổn phận của nhà trường. Tiên học lễ, hậu học văn. Nhớ lại những bài trong Luân Lý Giáo Khoa Thư, sẽ thấy rằng, chỉ cần hiểu biết và áp dụng những bài học cấp tiểu học này, đứa trẻ sau này ra đời, sẽ trở nên một con người có giáo dục, có lương tâm, có đạo đức. Nhiều lúc tôi nghĩ thầm trong bụng, giá mà tôi là một con người đàng hoàng, đứng đắn một tí, tôi nên viết một cuốn sách, từa tựa như cuốn của ông Fulghum, với đề tựa là: Những điều luân lí căn bản để làm người, Tôi đều học được từ bộ Luân lý giáo khoa thư, của chương trình tiểu học thời Pháp thuộc, thì hay biết mấy. Ngày nay, chương trình mẫu giáo đang trên đà bị thay đổi rồi. Mẫu giáo Mỹ đấy nhá, chứ tôi không nói chuyện cổ tích giáo dục thời xưa ở nước mình đâu.
Tại sao hai anh học trò, cùng học một lớp mà sau khi ra đời mỗi anh lại đi vào một con đường trái ngược nhau như vậy? Một anh trở thành một vị thẩm phán, cầm cân nảy mực, gìn giữ trật tự cho xã hội được an ninh, một anh lại là một kẻ làm hại xã hội, phá hoại an ninh, sống ngoài vòng pháp luật. Và tôi đi đến nhận định, ông Trời bất công. Tôi trở thành một đứa trẻ con, lúc nào bất mãn là lại than phiền cuộc đời. Tại, vì, bị, bởi. số phận hẩm hiu. Trời Già không tựa. Cuộc đời hắt hủi. “Life is not fair.”
Còn nhớ con cháu gái của tôi, con Michelle, học năm thứ ba đại học. Trong một buổi mẹ con bà cháu bàn luận chuyện đời, nhân nói đến một đứa bạn học trung học cùng với nó, Michelle cho biết, thằng này bỏ học sau khi tốt nghiệp trung học. Nó bỏ nhà, đi giang hồ, và vừa bị cảnh sát bắt về tội buôn bán ma túy. Nghe xong chuyện, tôi chép miệng nói: tội nghiệp cái thằng số phận hẩm hiu chẳng ra gì. Ông Trời bất công với nó quá. Nỡ lòng nào đẩy đưa nó vào con đường tội lỗi như vậy chứ. Con Michelle lừ mắt, lên giọng dạy: không có cái gì là số phận, là xui xẻo, là bất công cả, bà ơi. Tại nó tự chọn cho nó cách sống tồi tệ đó. Chẳng có Ông Trời nào bảo nó làm như thế. Nó có tự do lựa chọn mà. Tự ý nó muốn đi ra khỏi cuộc sống bình thường, có kỷ cương, kỷ luật. Nó lựa chọn cuộc sống ngoài vòng pháp luật như thế mà, tại sao lại trách Ông Trời???
Nhiều người ca tụng cho rằng món quà quí giá nhất mà Thượng Đế ban cho con người là sự tự do lựa chọn. Ông cho con người một hình hài để hành động, một bộ óc để học hỏi, suy tư, một trí thông minh để phân biệt phải trái và cái nguy hiểm nhất là sự tự do để lựa chọn cho mình một con đường đi, một lối sống như ý muốn. Những người thành công, có khi coi đó như một sự đương nhiên vì nhờ tài năng của mình, và có thể không nghĩ rằng mình đã lựa chọn đúng. Nhưng người thất bại luôn luôn nhìn nhận, mình đã làm một lựa chọn sai lầm. Chỉ có những người già cả, lẩm cẩm như tôi mới đổ tại số phận. Nhưng món quà quí giá này - sự tự do lựa chọn - chẳng phải ai cũng biết xử dụng cho đúng cách.
Giá mà, Ông Trời không cho con người được tự do lựa chọn, mà chỉ đưa ra một con đường bên phải để cho con người cứ đó mà đi, cứ thế mà tiến, thì trên đời chẳng có nhiều người thất bại hay phạm tội. Có thể cũng vẫn còn sự chênh lệch về kiến thức và khả năng. Người đi nhanh, người đi chậm, người đến trước, kẻ đến sau, người ngã bên lề, người đi nhưng không bao giờ tới. Nhưng sẽ không có người đi ra ngoài lề, hay đi lạc hướng. Như vậy, cũng vẫn không tránh khỏi câu thắc mắc: Tại sao tôi chọn đúng mà vẫn thất bại? Tại sao nó chọn sai mà lại thành công? Tại sao nó đi nhanh mà tôi đi chậm?
Những người quê mùa như tôi lại phải mượn lời cụ Nguyễn Du: Có Trời mà cũng có Ta! Tránh làm sao khỏi bàn tay ông Trời!