Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

MẸ ĂN GÌ CHƯA ?

Anh đây! Mẹ không nhớ anh à?  Hôm nay nghỉ, mẹ làm gì?Ăn gì chưa? Nhớ ăn uống cẩn thận!
Hỏi liền tù tì như kiểu không buồn nghe trả lời. Những cú điện thọai rất thiếu tính sáng tạo,  lần nào nhấc máy  cũng mấy câu ấy. Chả bù mình...
Nghỉ, đương nhiên phải óanh giấc đến 10h, sau chuyến bay 7 tiếng đồng hồ bã bời, tứ chi  bỏ lòai người.
Gái đẹp dựng dậy rủ đi ăn sáng. Hai mẹ con thơm nhau mấy phát, anh iêu hục hặc ghen tỵ cào cửa. Bò dậy.
Bữa sáng Mỹ điển hình. 7.5 đô còn có cả  bát súp gà nho nhỏ. Lạnh, ngại giơ cao máy, chỉ lấy cái đĩa. Nhẽ thế nhã hơn. 
Sách cũ đi. Gái đẹp rủ.
Đi liền. Hai mẹ con, tạt vào Starbucks làm mỗi  đứa một ly, nắm tay nhau vừa đi vừa tám chuyện... ông Kạk Mạk râu và chủ nghĩa xã hội. 
Tiệm nhỏ xíu, dưới tầng hầm một building cũ. Có thể tìm ở đây thượng vàng hạ cám. Từ  Dickens nguyên séries đến tạp chí Playboy. Từ 50 Sắc xám đến những cuốn in từ năm 1886. Mình mân mê tập thơ của E. Allan Poe với lời đề tặng nhau đầy trân trọng từ năm 1996,  chẳng có ý mua. Loay quay thế nào, nguyên kệ đồ tế nhuyễn  rơi ụp xuống tung tóe. Ông cụ bán sách, lần nào đến cũng thấy đang nghe đài, cuống quýt vừa xin lỗi vừa xem mình có làm sao không. Dĩ nhiên  không sao, chỉ  mất 10 đô cho cuốn sách lẽ ra 5. Nghĩ cảnh ông già dọn chỗ đồ mình làm đổ, không nỡ trả giá. Lại nữa, mua về  xếp cho sang kệ sách,  có mà đến tết Công gô mới đủ trình tiếng Anh để thẩm thơ  nhà lão Poe  ấy.
cuốn sách in từ năm 1886
Quay qua quay lại, cũng gần 3h chiều. Lượn tiếp ra siêu thị. Bập ngay vào mắt là quả phật thủ, nở đẹp chưa từng thấy. Không thấy dán giá. Chỗ bấm giá tự động cũng không. Gọi nhân viên, thằng bé nhiệt tình vác đi hỏi. Quay lại lắc đầu, để bày cho đẹp, không bán. Cho tao đi. Nhìn mặt nó áy náy thấy phát thương. Cười bảo, tao đùa thôi.
Tuần sau Thanksgiving, một cái "Tết" thuần Mỹ nhất với món đặc trưng gà tây. Ngay sau đó là Ngày thứ sáu điên cuồng cho việc mua sắm. Siêu thị đông bất thường. Gà tây lọai nhỏ xíu cũng  hơn ba chục đô, trung bình sáu bảy chục, vào hàng siêu đắt trong các lọai thực phẩm ở chợ Mỹ. 
Vài năm nay, thật  sướng khi có nàng dâu đảm nhiệm việc nướng món gà  ngon mê ly này. Nhà mình có truyền thống gái nấu ăn ngon, đứt quãng mỗi Mémé chắc thời bao cấp đói, kiếm đâu ra thực phẩm mà thực hành nấu nướng. 
Chúng rất thần tượng mình. Dĩ nhiên không phải bởi tay nghề cao, mà vì khả năng  từ chặt gà cho tới cắt hành dùng mỗi một lọai dao. Bếp nhà bọn Mỹ con, đến dứt núm cà chua cũng có dụng cụ chuyên biệt. Nấu xong,  ngổn ngang xuống tận sàn.
Mua ba con tôm hùm, gần 3 kí, 26 đô. Lọai này cách nay hơn chục năm, Boston chỉ để cho tù nhân ăn. Sau khi người Tàu xâm lăng, chế biến thành vài ba chục món khác nhau nay thành đặc sản. Nhưng vẫn rất rẻ. 
  




Về gần đến nhà mới nhớ quên mua đồ tráng miệng. Lộn ngược lại siêu thị. Tranh thủ làm ly cà phê cầm tay cho ấm. Thảnh thơi ngồi cửa, hưởng chút nắng nhẹ nhàng của những ngày Thu ấm áp cuối cùng, 5 độ C.
Một thằng nhóc hậu đậu làm đổ nguyên kệ thông hàng trăm cây, lọai để bàn. Nước lênh láng. Chú nhân viên siêu thị chạy ra, hai thằng vừa dọn vừa luôn mồm xin lỗi nhau, như thi đua.
Uh, cũng chỉ lời nói. Cũng chỉ  hai từ. Hai từ khiến nguyên ngày nghỉ của mình, trọn vẹn hòan hảo.

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

...NÉM CHO DÂN KHÚC XƯƠNG...

Copy từ facebook Phạm Hưng
Tôi không nghĩ các bạn vì quá yêu nghề giáo của mình, hoặc của người khác mà phản ứng dữ dội thái quá đến thế trước sự việc VTV chiếu câu chuyện "Nhặt xương cho thầy" hay còn có tên khác là "Trao thương cho trò". Tôi nghĩ các bạn chưa thoát ra được hội chứng sợ người ta không coi trọng mình, hoặc thảm họa hóa vấn đề theo thuyết âm mưu.
Khiêm tốn một chút, bình tĩnh một chút đặc biệt là đối với những người làm cái nghề cần có đức tính, tố chất đó thì thấy vấn đề cực kì là bình thường, chẳng có gì. Nên đón nhận câu chuyện hài hước, ngộ nghĩnh đó là một món quà vui, ý nghĩa dù phảng phất sự chua chát trong cái ngày mà thời trong phim chưa có. Thời đó chưa có ngày Thầy Đồ.
Các bạn nóng mặt, thậm chí có cậu Tiến sĩ triết còn ấm ức khóc lóc ăn vạ VTV bằng một bài viết khi cho rằng mẩu chuyện là cái tát vào mặt giới giáo viên thì thật quá đáng. Rồi tự suy diễn là VTV xem các thầy như giới trộm cắp, đĩ bợm. Thật là không thông minh và quái gở cho tư duy của một giáo viên triết, ĐH tp HCM. Sao phải căng thẳng, nâng cao quan điểm đến thế. Tại sao không thể mỉm cười bâng quơ rồi đỏ mặt nhớ lại xem đã bao lần mình giả vờ đứng sau lưng cô sinh viên xem bài, rồi liếc trộm khe áo ngực cô ấy!
Khi biết rằng những câu chuyện đại loại giống chuyên VTV chiếu là có sẵn trong kho tàng văn học dân gian thì các bạn lại quay sang phê phán về thời điểm chiếu 20/11. Đúng vậy không? Hay vẫn chỉ là hình ảnh ông Đồ trong phim không đẹp?
Nếu các bạn nghĩ nghề nào đó theo các bạn là nghề có ý nghĩa cao quí thì rõ ràng một năm có 365 ngày, ngày nào cũng ý nghĩa và cần được tôn vinh. Đâu cần phải là ngày cụ thể này, cụ thể nọ.
Các bạn nhao nhao la ó phản đối câu chuyện, giống như dã dân đánh hôi trộm chó đâu có biết rằng là một người thầy đúng nghĩa thì cần luôn khiêm tốn và dạy dỗ học trò, nhất là bọn trẻ con đầu còn cứt trâu nhớ một điều là nghề nào trong đời cũng là nghề cao quí. Không có sự phân biệt, không nên nhồi nhét cho những cái đầu thơ ngây bê- tông hóa ngay trong đầu nghề nào cao quí nghề nào không cao quí, nghề nào chả ra gì.
Nếu như đứa bé sinh ra mà thấy được cảnh bác sĩ phụ khoa đỡ đẻ ngồi trực giữa hai chân mẹ nó, đón đỡ nó lúc giây phút chào đời thì chả cần giới bác sĩ bắt nó công nhận thì nó cũng khóc ré lên lương y là nghề cao quí nhất.
Nếu một xác chết vô thừa nhận trôi sông mà nhìn thấy hình ảnh người chèo thuyền đi nhặt xác thì hẳn nhiên linh hồn của cái xác sẽ quì xuống lạy tôn vinh nghề nhặt xác trôi sông là nghề cao quí nhất.
Các bạn nịnh đời phá cổng trường đạp lên nhau để nộp đơn xin học cho con đâu có hiểu là thà nhặt xương cho thầy như trong phim còn hơn chứng kiến cảnh bố mẹ mình xô đẩy bố mẹ bạn trước sự dửng dưng dự đoán trước của giới giáo viên.
Tôi dám cam đoan là những nhà giáo chân chính, có lương tri và lương tâm sẽ trầm ngâm, ưu tư trước câu chuyện được VTV3 chiếu trong ngày Hiến chương.
Tôi dám chắc là bản thân các bạn đang la ó, khóc lóc, đòi lại "công bằng" vẫn chưa phân biệt nổi đâu là Thầy giáo đâu là Thợ giáo.
Tôi nghĩ rằng, phần lớn các bạn do mải mê tập trung công việc bàn giao con chữ cho học sinh nên khi thấy VTV3 kể câu chuyện đã vội vơ hết vào mình bức xúc một cách không đúng mực. Biết đâu, cậu học trò trong phim chính là cậu bé Đỗ Viết Khoa làm nghề dọn xương cho ông thầy đã cao chạy xa bay thì sao? Nếu đúng thế thì các bạn cần có lời xin lỗi và tạ ơn VTV3 khi đã trót hồ đồ la làng ăn vạ.
Tôi dừng ở đây vì không muốn các bạn vì giận mà mất khôn, không biết là tôi viết như vậy không có nghĩa là tôi không có những thầy cô tôi yêu mến, kính trọng. Không có nghĩa là tôi không có những người bạn là giáo viên mà tôi cảm mến phục tài. Không có nghĩa là những người ruột thịt gần gũi nhất của tôi không từng và đang là thầy giáo, cô giáo.
Tất nhiên tôi không quên nhắn các bạn một lời cuối là các bạn từng đã lên án chuyện thầy trò nào đó oánh nhau trên bục giảng, nhưng bản thân các bạn cũng đang ầm ĩ giật đầu, bứt tóc, vác đá ghè nhau với VTV ngay trên bục Hiến chương 20/11 của mình mà không biết.

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Tôi rất ghét nỗi sợ

Bài  Tâm Phan, ảnh Đỗ Hương. Nữ quyền,  bắt đầu từ những điều đáng yêu thế này.
Mỗi khi có 1 nỗi sợ nào đó dâng lên thì tôi phải đối diện với nó và giết nó.
Con người bị hạn chế bởi nhiều nỗi sợ.
Sợ bị đánh giá nên phải sống giả vờ, không dám sống thật với chính mình. 
Sợ mất việc nên phải nịnh sếp
Sợ vô lễ nên phải nín nhịn
Sợ cô đơn nên phải níu kéo
Sợ bị chê cười nên phải giấu giếm
...
Tôi rất sợ sâu róm
1 lần có con sâu róm bò lên chân tôi, tôi đã hét lên, gạt nó xuống đất và di nó nát bét đến mức không còn nhận ra 1 sợi lông của nó, cho đến khi nó tan vào cát bụi. 
Không. Tôi không hề dũng cảm. Tôi chỉ ghét nỗi sợ. 
Với bất kỳ nỗi sợ nào tôi cũng làm thế. 
Trước kia ngực tôi đầy đặn nở nang, sau khi cho con bú, ngực tôi teo lại. Rất nhiều chị em phụ nữ giống như tôi và họ hoảng hốt, sợ bị chồng chê, sợ ai đó phát hiện và họ sẽ vô cùng xấu hổ vì bộ ngực lép kẹp của mình. Tôi cũng có chung nỗi sợ đó.
Vậy tôi phải đối diện với nỗi sợ này và giết nó. 
Tôi là 1 phụ nữ đẹp trong mắt chồng tôi. Anh yêu tôi không phải vì bộ ngực đẹp. Chỉ có đàn ông ngu xuẩn mới yêu 1 phụ nữ vì bộ phận cơ thể nào đó. Bởi vì cô ta sẽ già, bộ ngực hay bộ mông có đẹp mấy cũng phải chảy xệ. Gương mặt ngây thơ, làn da mịn màng đến mấy cũng phải nhăn nheo. Tất cả chúng ta ai cũng sẽ già và hình thức bên ngoài chỉ là tạm thời. Khí chất tâm hồn mới là vĩnh cửu. 
Bầu vú này đã từng căng mọng sữa để nuôi con. Tôi tự hào vì con tôi mạnh khỏe, ít ốm đau nhờ sức đề kháng tự nhiên từ sữa mẹ. Bộ ngực teo nhỏ hoàn toàn xứng đáng cho một đứa con khỏe mạnh. Hãy nghĩ đến những bà mẹ vú to mà không có sữa, con nhỏ ốm đau triền miên. Họ sẵn sàng đánh đổi lấy bộ ngực nhỏ, miễn là có đủ sữa và 1 đứa con khỏe mạnh.
Tôi nhận được 1 lá thư của 1 bà mẹ trẻ. Cô ấy bị bỏng dầu sôi khi mới lên 5. Vết bỏng chiếm 3/4 cơ thể nhưng cô bé may mắn thoát chết. Như bao cô gái khác, cô ấy rất thích chụp ảnh, nhất là khi mang bầu em bé, nhưng sự mặc cảm tự ti vì những vết sẹo đã khiến cô ấy không dám nói ra, sợ bị chê cười. So với cô ấy, chúng ta quá may mắn khi có thể chụp ảnh tự sướng post FB. 
Hãy nghĩ đến những người bị ung thư vú, phải cắt bầu vú để cứu mạng sống của chính mình. Khi ấy vú to hay vú nhỏ cũng phải cắt hết. 
Hãy yêu cơ thể mình, chị em ạ. Bởi chỉ có bản thân mình mới hiểu sự hy sinh và giá trị sức khỏe của bản thân. Chết là hết. Vú to hay vú nhỏ cũng trở về với cát bụi.
Tôi đã hoàn toàn giết được nỗi sợ đó!

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM: TRÒ CHƠI CHÍNH TRỊ HẠNG XÒANG - tiếp

Beo thấy gì từ kết quả cuối cùng của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm?
1. Bộ máy chính phủ là một  tổng thể thống nhất và quan hệ hữu cơ nhau. Bất chấp mọi tiêu chuẩn tín nhiệm chung nhất, việc mức độ tín nhiệm 22 thành viên có khỏang cách lớn như vậy là một sự bất hợp lý.
Đất xây thuộc địa phương, tiền xây thuộc Bộ kế họach đầu tư, tại sao bà Tiến chịu hết trách nhiệm về việc bệnh viện quá tải. Quốc hội, một mặt hối thúc chính phủ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, mặt khác lại đòi hỏi bà Tiến-tức chính phủ- phải quản lý giá thuốc. Cử tri có quyền nghi ngờ rằng, các vị đại biểu của mình không hề biết khái niệm kinh tế thị trường.
2. Bộ quốc phòng là một bộ đặc thù. Nói ví von nó như những con robot, được điều khiển bởi một nhóm có quyền lực cao nhất quốc gia. Thước đo cho người đứng đầu là sự trung thành với chế độ. Mọi đánh giá khác đều không mang bất cứ giá trị gì.
3. Ngay trước kì họp, vị bộ trưởng đăng đàn báo chí khá nhiều và khá mạnh miệng đòi thay đổi thể chế, cả chính trị và kinh tế, đã đứng chót bảng tín nhiệm. Điều này  cho thấy- ngòai tác dụng ngược của việc lạm dụng báo chí, một cuộc cách mạng về xu hướng phát triển đất nước, hay nói cách khác, công cuộc đổi mới lần thứ hai chưa thể diễn ra, ít nhất trong vòng ba năm rưỡi nữa.
4. Kết quả một cuộc bỏ phiếu, chỉ mang tính tham khảo chứ không phải để ra một quyết định, về lâu dài sẽ bị các phe phái lợi dụng cho những cuộc hạ bệ. Mà phe phái của ta, cũng dừng ở lợi ích vật chất, đừng mơ những cuộc tranh chấp về tư tưởng.
Bởi, nó quá cao sang.
còn tiếp

P/S: Tại Mỹ, từ năm 1937, viện Gallup đã duy trì một cuộc thăm dò (hiện nay là hàng tuần) về tổng thống. Một câu duy nhất: Bạn có tán thành về cách tổng thống đang thực thi nhiệm vụ của ông ấy không ? Tuy không phải là một tổ chức của chính phủ nhưng khi số lượng câu trả lời ở ngưỡng nguy hiểm, Văn phòng tổng thống phải có thông cáo giải trình.

Trong tòan bộ hai nhiệm kì tổng thống của Clinton, tuần có số phiếu ủng hộ cao nhất là vào khi ông điều trần chuyện, có làm tình với Monica Levinsky hay không.

BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM: TRÒ CHƠI CHÍNH TRỊ HẠNG XÒANG

Kì thực, Beo định đợi đến khi quốc hội kết thúc kì họp, nghe xem còn đại biểu nào phát biểu về vụ bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên lãnh đạo nhà nước, mới viết entry này. Tuy nhiên, sau phát biểu của bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, thì có thể kết luận như tựa đề trên là được rồi.
Lí do. Beo sẽ giải thích trên bề nổi của sự việc trước. Còn bản chất thật sự của việc lấy phiếu đang diễn ra hiện nay, nó thuộc về mặt âm u của chính trường Việt, nên cần cân nhắc khi viết ra công khai.
(Những chữ in nghiêng là phát ngôn của bà Nga-và trong entry này, bà đại diện cho số nhiều).
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141120/can-cu-nao-de-mac-dinh-tat-ca-deu-duoc-tin-nhiem/674265.html
*** Thứ nhất, bà Nga không nắm được bản chất của việc lấy phiếu tín nhiệmbản chất của lấy phiếu là “thăm dò mức độ tín nhiệm”. Phàm thăm dò mức độ, việc định danh ra 3 mức độ hay 10 mức độ đi chăng nữa là điều hòan tòan không quan trọng, thậm chí nó có thể thay đổi theo từng kì. Bản chất chính trị của 3 lọai phiếu đó là đồng lòng, ko đồng lòng hay trung dung. Đó không phải là lọai phiếu phủ quyết hay không phủ quyết để có thể dẫn đến hệ lụy: hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó.
Sự phân biệt này là cực kì dễ dàng: dựa vào việc xử lý cuối cùng với số phiếu. Lọai phủ quyết  buộc phải dẫn đến kỉ luật, cách chức, miễn nhiệm… Còn việc thăm dò như hiện đang, chỉ có ý nghĩa giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động (nhắc lại là Beo đang nói bề nổi của vấn đề).
*** Từ chỗ không nắm được bản chất, bà Nga đã nhầm lẫn đối tượng thụ hưởng kết quả của việc lấy phiếu: mục đích lớn nhất của lấy phiếu tín nhiệm là nâng cao hiệu quả giám sát.
Giám sát họat động của nhà nước là nhiệm vụ của quốc hội. Hiệu quả giám sát cao hay thấp thuộc trách nhiệm đại biểu quốc hội. Đặt mục đích (lớn nhất) cho việc lấy phiếu là nâng cao hiệu quả giám sát, bà Nga có tham vọng một mũi tên  hạ 2 con  chim. Bởi như vậy,  con số phiếu kia cũng đồng nghĩa là thước đo cho họat động của chính quốc hội.
Và nếu thế, thì việc lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong suốt nhiệm kì 5 năm như bà Nga đề nghị, là quá ít. Nó phải được bầu bán trong từng kì họp quốc hội, tức 6 tháng/lần.
*** Beo không quan tâm đến ông A ông B cụ thể đã phấn đấu, rèn luyện ra sao để đại nhảy vọt trong bảng xếp hạng sau 17 tháng, tính từ lần 1 đến lần 2. Bởi Beo đặt mục đích,  những lá phiếu  sẽ tác động thế nào đến chiến lược phát triển xã hội của chính phủ. 
Xét trên tầm ảnh hưởng chính trường, xét trên tầm trí lực của đại biểu quốc hội hiện hành và xét thêm cả cơ chế tổ chức của ta (ban chấp hành trung ương Đảng mới  thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất), thì những lá phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm kia, thậm chí còn chẳng ảnh hưởng nổi tới những vị trí lãnh đạo đất nước trong nhiệm kì tiếp theo.
Mong gì những điều thiết-thực-vĩ-mô hơn, ở nó.

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Status cuối cùng về câu chuyện Công Phượng bao nhiêu tuổi

Sau khi có mấy status theo thời cuộc, bản thân phải nhận không ít tin nhắn chửi bới. "Anh nhận tiền VTV à mà bênh bên đó thế". Vậy nên có mấy lời cuối và từ mai, đừng ai nhắc đến vụ này với mình nữa nhé!
Thứ nhất, tại sao phải làm rõ tuổi Công Phượng? Không phải ai cũng hiểu tại sao FIFA chia nhiều giải đấu U trong hệ thống của mình. Bảo Công Phương 21 hay 19 không quan trọng là điều ngớ ngẩn. Cách biệt 2 tuổi trong thể thao là một sự chênh lệch lớn, vô cùng lớn. Hãy nghĩ xem khi thi tuyển vào HAGL, Công Phượng hơn những người cùng thi 2 tuổi thì sao? Thành công ngày hôm nay liệu có là đạp lên giấc mơ, hy vọng của người khác ngày hôm qua?
Thứ hai, tại sao có sự mơ hồ về tuổi tác? Nếu theo dõi kỹ vụ này, sẽ thấy một đống câu hỏi xung quanh chuyện giấy tờ. Đi đến cùng thì sao? Hoặc là sự thật. Hoặc là dăm cán bộ xã phải đóng vai "tốt thí". Rốt cuộc, vì những yếu tố khách quan nên thế.
Thứ ba, tại sao dư luận lại khủng khiếp như vậy? Cá nhân tôi cũng sốc vô cùng khi câu chuyện của một cầu thủ trẻ (giỏi nhưng chưa phải là xuất sắc) lại khiến cả lãnh đạo VIP cũng phải để tâm.
Chúng ta dường như quá thiếu niềm tin. Tôi phản cảm vô cùng khi một U19 được thổi lên đóng vai người hùng cứu thế, dù thậm chí không có danh hiệu hay thành tích nào ra hồn. Ca ngợi những đứa trẻ của bầu Đức, liệu có nhìn xem U19 Myanmar ra sao? U19 chỉ là U19. Và thật đáng thương cho một nền bóng đá cầu cứu niềm tin kiểu đó. U23, ĐTQG không đáng bị ghẻ lạnh như vậy.
VTV và cách làm của CĐ24 có thể gây phản cảm với một số người xem về cách dẫn, cách truyền tải thông điệp. Nhưng xét đến cùng, sự thật là thế nào? Kiểu dư luận bao dung như hiện nay chỉ tạo hệ quả tai hại về sau: Tao đá hay là được. Tao có dối trá cũng chẳng sao!!!
Lời cuối gửi một số bạn bè trong nghề: Các bạn có thể viết theo chỉ đạo, viết theo phong bì. Điều đó là bình thường. Nhưng đừng tỏ ra hằn học theo kiểu cá nhân. Công Phượng bao nhiêu tuổi? Sẽ không có câu trả lời chính xác cuối cùng đâu. Chắc chắn là như thế!

(Tác giả là Vũ Trung Sơn- thế hệ viết thể thao giỏi cuối cùng của thể thao VN).

GIẤC MƠ MỸ- 7


Đây là bìa cuốn tạp chí của trường Luật thuộc đại học Boston College, nằm trong top 20 những trường luật tốt nhất nước Mỹ. Hình bìa là một nhân vật 19 năm nay tự mình đi tìm công lý. Chàng bị buộc tội hãm hiếp, chính luật sư  xúi chàng nhận  phứt cho rồi. Chàng nhất khóat không nhận. "Nạn nhân" hai thập kỉ trước giờ nặng gần 2 tạ và chàng vẫn chối tới cùng.
Nước Mỹ, được coi  có nền tư pháp hòan chỉnh bậc nhất thế giới, vậy nhưng  từ ông chánh tòa thượng thẩm cho tới học trò trường Luật, vẫn tranh cãi chưa ngừng về một điều luật gọi là suy đóan vô tội. Dịch tiếng Việt hàng tít : CÓ TỘI- cho đến khi chứng minh được vô tội. 
Mỗi năm, chỉ có 2.5% các vụ kiện tụng tại Mỹ là ra tới tòa, còn lại do  luật sư các bên tự giải quyết với nhau. Nghề luật, vì thế tiền đông như quân Nguyên.
Một vài hình ảnh nhà tù thật, chụp lại từ tờ tạp chí trên.
 

Có một vài tuyến bus riêng của trường đưa đón miễn phí học sinh. Chú đội mũ trong hình là lính đi học theo học bổng của quân đội. Quân đội Mỹ khi có xung đột vũ trang tại nước ngòai, Afganistan chẳng hạn, có chính sách tuyển lính đặc biệt: bất cứ người nước ngòai nào, dĩ nhiên phải đủ sức khỏe và dăm vài điều kiện linh tinh khác, sẽ được nhập quốc tịch ngay lập tức khi đăng lính, tình nguyện  "chết thay" người Mỹ.
Ngồi trong  bus nội bộ của trường, mặc kệ bất nhã với chả lịch lãm, chăm chắm nhìn những tiên đồng ngọc nữ vây quanh. Chưa bao giờ, chưa ở đâu mình gặp nhiều  những thanh niên mười chín đôi mươi, đẹp đến thế.
Bậc thang trong khuôn viên trường được mô phỏng đúng như con đường hơn hai ngàn năm trước, Chúa cõng cây thánh giá đến nơi bị đóng đinh.

Chẳng biết tại sao ku ấy lại chui  ra xó cầu thang ngồi thế, trong khi phòng đọc mênh mông. Thư viện trường luật mà riêng sách nghiên cứu về nghệ thuật cổ kim đông tây đã có hàng vạn cuốn.
 
Phòng học
Thư viện BC là một trong hai thư viện cổ nhất (cái kia của trường Harvard) tại Boston. Tại đây lưu giữ những bộ luật bằng tiếng latinh cách nay vài trăm năm. Và điều này mới khiến mình nổ vang trời đất: không phải ai cũng vào được kho sách đó. Ngắm nghía tự selfie xong đi ra,  chả hiểu gì thấy cũng bằng không.

Phòng học
Báo miễn phí

Decor chi tiết khắp các tòa nhà, từ cầu thang, vòi nước uống, bóng đèn, họa tiết trên trần, trên cánh cửa đều mang các biểu tượng quyền lực của công lý. Không thể không có cảm giác hãnh diện về nghề nghiệp ngay từ những ngày đầu tiên tiếp cận với "môi truờng  nghề" tuyệt đẹp như thế.
Chưa biết tại sao ở VN mình hay dịch chữ college là cao đẳng. Thật ra nó là chữ khác chỉ đại học. Hình như bắt đầu từ khi Harvard ra đời, chảnh chọe bắt các trường ít tiền kém miếng hơn phải né chữ university. Hình như thôi chứ cũng không chắc.
Lúc đứng trong thư viện cổ, tự dưng mình nảy một ham muốn, ham muốn tột bậc luôn, là được xem nhà máy điện nguyên tử mini của trường MIT, phục vụ nghiên cứu và giảng dạy, nằm ngầm ngay dưới trường. TaiLong bảo kĩ thuật này quá cao, tầm mình hiểu ko nổi nên vào chả ích lợi gì. Mình vặc: Ai ko cần hiểu biết, Ai cần khoe, chả phải người Việt nào cũng được chui xuống đấy. Việt Nam cũng đang làm nhà máy điện nguyên tử bị phản đối ầm ầm... TaiLong  gật gù, Du có thể thuyết phục ... Mình cắt lời luôn: Quên nhanh. Người Việt ko bao giờ tin ai, kể cả chính mình. Thế nên Ai chỉ tự sướng...











Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

GIẤC MƠ MỸ-6

 



Nếu như bạn nghe  Beo kể trong lọat entry Giấc mơ Mỹ rằng,thanh niên Mỹ rất hiếm khi thấy ngồi ko, lúc nào, xó xỉnh nào cũng bắt gặp chúng ôm khư khư cuốn sách, laptop hay ipat, để rồi suy ra rằng, Mỹ nhan nhản tiệm sách báo, thì bạn lầm to.
Trừ các gian hàng sách trong các trường đại học, Barnes & Noble là lọat cửa hàng sách duy nhất mà Beo biết. Quy mô, bài trí, chủng lọai sách cũng na ná như mấy cửa hàng lớn nhất của FAHASA ở Sàigòn. Lác đác thấy đóng cửa, nhất là ở Cali, những khu vực đông người Việt. Lâu lâu có chương trình giới thiệu sách mới. Ông tác giả ngồi một chỗ, dòng người  mua sẵn sách ôm khư khư trong tay xếp hàng chờ ông ấy ký. Cũng tòan ông già bà cả.
Tạp chí  bán trong hiệu sách. Lọai lá cải thêm chỗ tính tiền  trong các siêu thị Mỹ. Báo in hàng ngày, Beo tuyệt đối chưa thấy bán ở đâu. Muốn đọc, duy nhất phải đặt mua dài hạn qua mạng. Mỗi sáng, bưu tá  dắt lên thành cổng. Có hôm, chắc đêm bị vợ chê, ném tọet tít bên ngòai.
Hồi chiều vừa đi coi Hội chợ sách cổ. Giá vé 10 đô, bắt gửi áo,  sóat túi rất kĩ và cảnh sát suốt từ ngòai vào trong. Ngay lập tức thấy TaiLong có lí khi đóng bộ com lê cà vạt trang trọng. Khách dạo xem cũng như khách mua bán, trông còn cổ hơn sách.
Đắt nhất có bản diễn văn viết tay của G. Washington trong lễ Thanhsgiving đầu tiên của nước Mỹ: 8.4 triệu đô. Sách xuất bản từ thế kỉ 14/15 trên dưới trăm ngàn. Rẻ nhất là những ấn bản in đầu tiên của Túp lều bác Tôm, Huckeberry Finn...cũng 5-7 ngàn. 
Thế hệ Beo, có lẽ hiếm ai không một lần mộng mơ với Túp lều bác Tôm, Không gia đình, Hòang tử bé...Beo đi miên man trong hội chợ và không tìm được từ ngữ diễn đạt những cảm xúc rợn lên của mình. Mắt nhìn cuốn này tay sờ vào cuốn khác.  Cái cảm giác quay về quá khứ vài trăm năm,  đứng trước mặt những Colombo, Leonardo da Vinci, Mark Twain..., được đối thọai ngang hàng với họ, nằm ngay dưới bàn tay.
Những khóai cảm mà sách điện tử không cách gì mang lại được.




Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

THẾ HỆ XÍCH VÀ LÍP-3

***
Cà chua trúng mùa, ế đổ tháo. Một nhóm thanh niên đứng ra thay nhà phân phối, giao cà chua (hình như miễn phí) giúp nhà nông.
Ko ít người hoan nghênh và gọi đó là nghĩa cử. Riêng Beo, ko. Phàm nghĩa cử, nó không được làm tổn thương ai cho dù vô tình. Bạn giúp nông dân bán được 1 tấn cà chua, cũng đồng thời bạn lấy đi 1 tấn miếng ăn của tiểu cộng đồng khác- các tiểu thương, những người phân phối cà chua ra thị trường và định lượng tiêu thụ đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Rộ mùa hay thất mùa, mặt hàng ấy không có biến động tăng đột biến để cần thêm những nhà phân phối nghiệp dư.
***
Cả xã hội mặc định rằng, ngòai sách (đặc biệt là sách văn học), các lọai hình văn hóa nghệ thuật khác chỉ là giải trí thứ cấp. Dạo vụ đd Lê Hòang bị ném đá tơi bời vì ngồi lên cái ghế kê bằng mấy cuốn sách, Beo đã nghĩ, giả dụ thay mấy cuốn sách ấy bằng mấy cái băng đĩa nhạc hay phim, chắc chả ma nào quan tâm.
Trái đất vẫn tròn nhưng thế giới đã phẳng vài thập kỉ, chúng ta thì vẫn loay hoay đo đạc thế hệ sau bằng những cái thước dùng cả vài trăm năm Shakespeare, Tolstoi, Gogol…
Thầy Trợ, thầy hãy thử một lần chơi games điện tử đi. Những người  sáng tạo ra nó, không phải ai cũng vô trách nhiệm với xã hội, làm tiền con trẻ tòan bằng bạo lực bằng sex cả đâu.
Và thầy, hãy thử một lần đặt những cuốn sách của thầy ngang hàng với tất cả các lọai hình giải trí khác. Thử một lần công bằng với rap, rock, với ngụy hiện đại (pseudo modern)…và tạm ngừng cho rằng, chỉ sách văn chương mới trì dưỡng tâm hồn. Beo bảo đảm rằng, sau khảo nghiệm thóat ra khỏi những nấu cơm rửa bát hay tủ sách nhà thầy, thầy sẽ giải thích được cặn kẽ vì sao, khi điện ảnh thế giới cho Tổng thống Cha già dân tộc họ làm ma càrồng, thì chúng ta, vẫn vật vã hành hạ nhau với Võ Nguyên Giáp giống hay không giống thật, trong một bộ phim về Điện biên phủ.
***
Đồng lọat cả xã hội đều kêu gọi giảm tải chương trình học trong nhà trường. Tuy nhiên, chưa thấy thầy cô nào lên báo nêu, nên giảm phần cụ thể nào trong chính môn dạy của mình.
45/45 học trò của thầy Trợ đi học thêm, điều đó chứng tỏ về khoa học, thời gian và khả năng tiếp thụ kiến thức của chúng, hòan tòan chưa đến mức quá tải. Thì 100% học trò vẫn tải thêm được đó thôi.
Như vậy, việc học thêm phải chăng có lý do xã hội khác hòan tòan ngòai giáo dục? Các thầy cô chân chính hãy một lần nhìn thẳng vào sự thật đó, thay vì hùa vào đòi giảm tải. Việc la làng này chỉ giúp duy nhất ông bộ trưởng GD và các nhóm lợi ích quanh ông lợi dụng, lấy ngân sách quốc gia ra làm xiếc mà thôi.
***

Còn tiếp

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

ALAN PHAN MUA BẰNG TIẾN SĨ?

Tại sao Beo đặt nghi vấn vậy?
Vì nếu là  bằng tiến sĩ thật thì không thể viết  thế này: http://dantri.com.vn/su-kien/mua-nha-nguoi-my-sau-15-thang-con-viet-nam-mat-33-nam-995116.htm?mobile=true
 “ở Mỹ, ….diện tích căn nhà khoảng 200m2 (tại Cleveland-Ohio) chỉ có giá khoảng 65 - 97 nghìn USD.  Trong khi đó, thu nhập trung bình của một người Mỹ thống kê năm 2013 khoảng hơn 81.000 USD”  Sau đó ông  suy ra: Một người Mỹ có thu nhập trung bình có thể mua căn nhà này sau 15 tháng làm việc
Cách lập luận như trên, Beo khẳng định rằng, ở Việt nam chưa đầy 14 tháng thu nhập là mua được nhà, ngắn hơn người Mỹ- của- ông- Alan Phan một tháng.
Bạn chia thử, thu nhập bình quân đầu người Việt 1 922usd/ năm, bạn mua căn nhà tình nghĩa ở Bạc Liêu, xem có ra 14 tháng không.
Chính xác thì ông Alan đang tính theo  cách ấy đấy. Lấy thu nhập bình quân đầu người trên tòan nước Mỹ đi mua nhà ở khu vực rẻ nhất, lọai nhà rẻ nhất nước Mỹ. Sau đó, ông so sánh rằng, giá nhà Việt nam là bất cập.
Giá bất động sản, chia ra nhiều phân khúc. Giá chính căn nhà có cực sang, sang, trung bình và rẻ. Giá vị trí địa lý…Các phân khúc này có các biến động giá khác nhau, trong các hòan cảnh kinh tế cụ thể.
Nếu có ý định so sánh thu nhập và giá bất động sản, cũng buộc phải tính theo các phân khúc tương đương. Không ai tính theo kiểu, bác chạy xe ôm chạy xe trong bao năm thì sở hữu căn hộ Vincom và ngược lại, thu nhập trong mấy tháng thì ông Alan Phan mua được căn nhà cấp 4 Gò Vấp.

Thu nhập bình quân của một người có bằng đại học-đã có gia đình- làm việc cho Apple là 50 ngàn usd/năm, sau thuế  (13% đã có gia đình và 37% nếu còn độc thân tại bang California) còn 43.000 usd. Để mua một căn nhà  y hệt ông Alan Phan miêu tả, nhưng tại Sillicon Valley chứ không phải Cleveland, anh ta phải nhịn tòan phần từ 8 đến 12 năm, tùy từng thành phố trong thung lung này. Còn mua căn nhà như trong hình, phải sống như chết rồi  22 năm chẵn.
Beo ko có ý định mở rộng nội dung entry về bất động sản, cũng như ko có ý định bình về cái bài báo tòan tiến sĩ  đưa ra những lập luận sai lổn nhổn từ đầu tới cuối. Chỉ ngứa mồm với ông Alan Phan từ lâu, lẩy ra một ý dạy ông vậy thôi.

SỰ KHÁC BIỆT CỦA MỘT TÊN VÔ LẠI VÀ MỘT QUÝ ÔNG

Vào trang của bạn, định viết nốt “phản biện” vui vui với một bạn về Apec. Thấy một bạn “phản pháo” phần đầu hôm qua mình còm. Bạn ý và mình khác quá xa nhau, một bên bình luận dựa vào phỏng đóan, một bên (mình) dựa vào những gì đã biết và đang có trong tay. Nản kinh. Ra luôn.
Copy cái này từ một blog Pháp, coi như một góc nhìn của mình về một sự việc, thật ra rất ko đáng để bàn luận. Bạn Yuri Yuzhanin dịch, mình chỉ sửa chút đỉnh cho sát nghĩa và gọn lại. Nguồn đây nhé.
Đây là chuyện về P.L tên nhà báo đần độn (xin lỗi, đây là từ ngữ lịch sự nhất tôi có thể tìm thấy), ở AFP (viết tắt từ Agence France-Presse, blogger chơi chữ thành Association des Fripons Propagandistes- Hiệp hội những kẻ tuyên truyền bịp bợm), sẵn sàng thêu dệt những chuyện vớ vẩn hay tâng bốc những kẻ ghét Nga và lên án tổng thống Putin “câu dẫn một mối quan hệ qua đệ nhất phu nhân Trung Quốc”
Rõ ràng, sự phỉ báng được thẳng tay cắt dán từ các giọng điệu tuyên truyền ngu độn của phương Tây, cực kỳ vui sướng phỉ báng Tổng thống Nga.
Sự xúc phạm này không chỉ là biểu hiện của sự bất lực của các phương tiện truyền thông côn đồ nô lệ, nó còn là triệu chứng của một phương Tây suy đồi, từ bỏ và chà đạp những giá trị của nó!
Thực tế cho thấy:
Một mặt, Quý ông Nga Putin, một người có giáo dục với những cử chỉ chu đáo, mẫu mực – di sản của nền văn minh châu Âu, từng thể hiện và bảo vệ.
Còn bên kia, những tên vô lại, Cameron kiêu ngạo hay Holland háu ăn, đại diện tiêu biểu cho một xã hội cá nhân, tham lam vật chất, những kẻ chỉ biết nghĩ đến dáng vẻ bên ngoài hay cái bụng của mình
Ở đây là một sự so sánh, trong khi Cameron của Anh đang điên lên vì cái cà vạt bị ướt của mình thì ngài Putin, khoác áo cho thủ tướng Đức Merkel, và anh hề quốc gia của chúng ta (ám chỉ Hollande) ngu si ngồi vào đĩa thức ăn của mình trước vị khách là một phụ nữ, một người già và tình cờ, đó lại là nữ hoàng Anh, vẫn còn đứng tại bàn.
Nếu một số kẻ đạo đức giả nói (sủa) rằng những cử chỉ xã giao lịch sự đã lỗi thời và thời ấy đã qua rồi, tôi sẽ nói với họ rằng, những phong tục và truyền thống đánh dấu sự khác biệt giữa  văn minh và mọi rợ ...
Nhưng một thực tế là sự lịch thiệp-biểu hiện của thẩm mỹ và đạo đức của một nền văn minh, trước hết là giới quý tộc, nằm ngoài tầm với của những kẻ côn đồ tự xưng là đại diện của chúng ta.


Chuyện anh Hải chế máy bay trực thăng


 Copy từ Beloved MamaCat
Cuối 2005 đầu 2006, khi anh Hải và anh Danh lắp xong 1 chiếc trực thăng nữa (cả 2 chiếc chưa thử nghiệm bay), báo chí viết: "Hai Lúa chế tạo máy bay!" rất phấn khích. Lúc đó tôi vừa làm "Tại sao không?", liền cùng bạn biên tập Thủy Trà về ngay Suối Dây, Tây Ninh xem thực hư ra sao. Nhà anh Hải nghèo, 2 mô hình máy bay nằm ở 2 gian lợp tôn. Máy bay thứ nhất động cơ xe Zin, ghế nhựa buộc dây thép, ống sắt. Mô hình thứ hai gắn Honda hay Kole gì đó, bộ phanh ga cũng là của động cơ trên, tôi không còn nhớ, phủ sắt gò sơn trắng gồ ghề. Cánh quạt kiếm từ phế liệu chiến tranh. Riêng cửa kính trước anh Hải kể phải đi lùng ở chợ Dân Sinh rất lâu. Gia đình rất thân thiện và lúc đó anh Hải anh Danh chỉ mong làm sao được các nhà khoa học chứng nhận cho sáng chế này. Mặc dù trước đó, mô hình trực thăng đầu tiên không bay được, khi mang ra đồng thử nghiệm thì không thể cất cánh, địa phương phải yêu cầu dừng vì sợ chết người, nhưng anh Hải vẫn được địa phương cử đi dự Hội nghị tôn vinh những Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới toàn quốc, điều đó chứng tỏ chính quyền ủng hộ anh đến thế nào. Và anh đã nói, nhờ vinh dự đó mà anh quyết chế chiếc thứ hai!
Anh Hải là người tâm huyết và lắm sáng kiến, lại khéo tay. Lúc đó chúng tôi hỏi anh làm gì để sinh sống và có tiền chế máy bay, thì anh chỉ những chiếc xe tải nhẹ chở mía chạy qua, bảo chúng đều do anh độ, để tăng hiệu suất chở mía. Nông dân quanh vùng đều đến anh để cải tiến xe của họ. Ngoài ra, anh còn đang chế một vài loại công cụ làm ruộng khác, và anh chỉ cho chúng tôi xem 1 cái máy bừa.
Đúng kiểu "Tại sao không?", chúng tôi đam mê cái đam mê của anh, và quan tâm xem điều gì đã thúc đẩy anh nghĩ tới máy bay trực thăng, anh mở máy tính, cho xem khoảng 30 tấm ảnh download từ internet về các loại máy bay trực thăng từ thời ban đầu của chúng. Bản vẽ hai chiếc máy bay rất sơ sài và thuần túy là mô hình, ngay từ đầu chúng tôi đã thấy không mang yếu tố cơ khí chính xác.
Tôi giới thiệu các anh với ba tôi, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, khoa Cơ khí, bộ môn Cơ học chất lỏng và Kỹ thuật Hàng không Đại học Bách khoa Hà Nội. Các anh rất phấn khởi và trong tháng đó đã ra ngay Hà Nội để gặp ba tôi. Nhận xét của ba tôi là: Anh Hải và anh Danh không nắm kiến thức cơ bản, cụ thể nhất là trọng tâm máy bay ở đâu thì không xác định được. Các kiến thức như khí động lực, cơ học các vật thể bay lại càng không có. Do đó, 2 vật thể được tạo ra chỉ mang tính chất mô phỏng, chỉ là mô hình máy bay trực thăng. Cả nhà tôi yêu mến sự nhiệt tình của các anh, Ba tôi tặng 2 anh quyển "Mục đích cuộc sống", hồi ký của Công trình sư Yakovlev, cha đẻ của máy bay trực thăng YAK. Và ông giới thiệu hai anh với Bộ môn Cơ học chất lỏng và Kỹ thuật Hàng không ĐHBK Hà Nội, lúc đó Phó tiến sĩ Nguyễn Thế Mịch, phụ trách về Kỹ thuật hàng không đã sẵn sàng lập 1 nhóm vào Tây Ninh giúp 2 anh nghiên cứu và điều chỉnh lại, trước nhất là tìm trọng tâm của máy bay, mọi chi phí do Bộ môn chịu. Tôi nhớ hai anh phấn khởi lắm, lên ngay kế hoạch và điện thoại qua lại, gửi ảnh gia đình rất vui.
Nhưng chỉ sau độ nửa tháng, anh Hải có "báo tin vui" với ba tôi, là hội Cựu chiến binh với 1 ông tướng bộ binh về hưu nào đó vừa tới thăm và cam kết sẽ yêu cầu các cấp chính quyền công nhận sáng chế của các anh. Rồi anh được một số người quân sư viết thư lên Chủ tịch nước. Rồi, diễn ra 1 chương trình Người đương thời về 2 anh, trong đó có nhà khoa học phản biện rằng máy bay như thế không thể bay được. Nhưng có lẽ anh Hải chỉ cần được công nhận.
Báo chí sau đó thỉnh thoảng lại xới lên là Hai Lúa còn chế được máy bay, coi đó là "cái tát nhẹ" đối với các trường, viện, các kỹ sư nói chung. Ngay như thông tin là chiếc máy bay thứ hai được trưng bày ở Viện bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York trong Project Gallery trong mấy tháng, không ai chú ý rằng đó là do 1 nghệ sĩ gốc Việt giới thiệu như một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Một mô hình.
Năm 2007, sau khi khảo nghiệm nhiều lần, kể cả cho bay thử (không thành), Bộ Quốc phòng đã kết luận: máy bay này được lắp ráp sai nguyên lý điều khiển của máy bay trực thăng và không đạt tiêu chuẩn an toàn, cho nên Bộ khuyến cáo dừng ngay việc thử nghiệm máy bay. Như vậy là chính quyền và quân đội mất nhiều công để bảo vệ tính mạng cho anh và những người xung quanh.

Một điều chắc chắn rằng, có những sáng chế đơn giản, sáng ý là làm ra được, như cái phin cà phê bằng giấy, hay cái máy bừa. Nhưng trực thăng không phải là cái có thể sáng chế ra kiểu nhanh trí như thế. Nhiều bài báo về anh Hải cũng mắc tội nhanh trí khôn, nghe - chép, nhìn - mô phỏng. PV Việt ngữ BBC sang bên Tây rồi cũng không khá gì hơn. Cái ý "Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong họ công nhận anh là nhà khoa học" làm tôi thấy phì cười. Và chủ ý của bài viết, "Đam mê của tôi không được khuyến khích ở VN" thật thô thiển. Anh Trần Quốc Hải có lẽ là người nông dân được ưu ái nhất trong số những người cần cù lao động và tự chế tạo những công cụ cho mình.

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

THẾ HỆ XÍCH VÀ LÍP-2

1.
Khảo sát này được thực hiện ở lớp 12A1 trường THPT Hương Sơn, kết quả gồm 6 ý được thầy Trần Đình Trợ chia sẻ trên mạng xã hội như sau:
1. Có 45/45 em đi học bằng xe đạp. Trong đó 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp. Và không có em nào biết sửa xe.
2. Có 41/45 em thường đi qua sông suối. Trong đó chỉ 4 em biết bơi. Số còn lại chỉ biết lặn, kiểu lặn "xuống nước, ba ngày sau mới nổi".
3. Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng rửa bát.
4. Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên. Trong đó, chỉ 4 em là nhớ ngày sinh của bố mẹ mình.
5. Có 45/45 em đọc sách (nhưng là đọc các sách giáo khoa). Trong đó 5 em có đọc sách truyện, nhưng lại bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đã đăng ký mượn sách thường xuyên tại tủ sách miễn phí của thầy Trợ, nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi.
6. Có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào ĐH và 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ nhà nước. 
2.
Entry trước, Beo đã copy từ một bạn, lên án tư cách người thầy của thầy Trợ khi công bố những câu trả lời của học trò mình lên mạng xã hội, để cho chúng nhận lại những “phân tích khoa học” hết sức  xúc phạm đến sự thành thật của chúng. (Không thành thật làm sao dám nói mượn sách thầy nhưng bị bố mẹ cấm nên thôi).
Entry này Beo bình luận về 6 câu “vọng cổ hòai xích líp” của thầy Trợ.
Nói về lý do làm khảo sát, thầy Trợ cho biết, gần đây sinh viên học xong thất nghiệp đại trà, các em phải lăn lộn với cuộc sống và làm những công việc không được đào tạo. Do kỹ năng sống kém, nên nhiều em không biết ứng phó với hoàn cảnh rồi xảy ra bi kịch.
Trước tiên phải thống nhất với nhau kĩ năng sống  bao gồm những gì, sau đó quy trách nhiệm việc để kĩ năng sống kém tới mức dẫn đến  bi kịch với “nhiều em” thuộc về ai, gia đình, nhà trường, hay đảng và nhà nước.
Kĩ năng sống bao gồm: 1. Những hiểu biết để tự vệ khi gặp thiên tai (hỏa họan, lũ lụt, động đất…) và nhân tai (cướp giật, hãm hiếp, tai nạn giao thông…); 2. Khả năng tồn tại trong cộng đồng. Kĩ năng 2 này là chính yếu.
Về kĩ năng thứ nhất. Cần và buộc phải phải phân biệt giữa cái cần thiết và không cần thiết. Cái gì có thể phù hợp với hiện tại nhưng trong tương lai gần, nó không còn cần thiết nữa. Cái gì cũng bắt học trò biết tất để rồi quy kết đứa này có kĩ năng đứa kia không, là phi khoa học và phi…giáo dục.
Kĩ năng này thuộc về giáo dục gia đình và tự thân đứa trẻ phải tích lũy thành kinh nghiệm cho mình.
Ngược lại, các kĩ năng để tồn tại trong cộng đồng chủ yếu tiếp nhận từ nhà trường.
Nhà trường, phải dạy cho chúng phương cách đúng đắn nhất để sống trong cộng đồng. Ví như, muốn làm từ thiện thì có những cách thế này thế kia; Nếu muốn từ 1 đồng sinh lãi ra 10 đồng thì có những cách thế kia thế này; Lúc nào cần tôn trọng đám đông lúc nào cần cương quyết bảo vệ ý kiến riêng; Muốn nhận được sự kính trọng hay yêu thương, cần phải hội đủ các bước lần lượt a b c d…
Bất hạnh hay may mắn lớn nhất trong đời một con người, phụ thuộc rất lớn vào những kỹ năng sống như thế. Một xã hội văn minh hay không, phụ thuộc vào số người có kĩ năng giao tiếp cộng đồng có giáo dục nhiều hay ít.


Còn tiếp

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

MẶC VÁY VÀO CHO EM ĐI


Này anh.
Đừng giả vờ ngây ngô với em như thế
Chẳng đàn ông nào trên đời này thấy khó
Khi cởi một cái váy đâu
Anh lần tay sau lớp áo sâu
Bung nụ hoa tím
Mùa rơi nghiêng xuống
Một phiến môi hoa
Váy của đàn bà
Cởi ra đâu có khó
Nhưng sau tất cả những đam mê, nồng nàn mơn man gió
Anh có dành một vài phút nhẹ nhàng mặc váy lại cho em không?
Tình yêu của đàn ông
Không phải từ trước khi người đàn bà để lộ vai trần sau buông váy
Mà ở những phút giờ đằng sau ấy
Khi biết mặc lại váy vào cho người phụ nữ mình yêu.
By: Trà My

THẾ HỆ XÍCH VÀ LÍP-1

Lẩn khuất đâu đó trên mạng là chia sẻ của một thày giáo Hà Tĩnh, sau kết quả khảo sát với chính học trò lớp 12 của mình. Cứ tạm tin là việc khảo sát đó có thực, và kết quả đó là đúng cái đã.
Vấn đề là, đọc những gì thày giáo này đã nói và đã được một đôi tay nhà báo bơm thổi, thì hình như niềm tin về bọn con nít mới lớn nơi thày không còn nhiều nữa thì phải?
Nếu không nói là hết sạch?
Khảo sát của thày đại loại, học sinh không phân biệt nổi líp và đĩa, săm và lốp, không biết sửa xe đạp, lười nấu ăn, lười rửa bát, đại loại thế. Và thày chốt status của mình bằng kết quả khảo sát rằng em nào cũng thích làm cán bộ nhà nước, để rồi hờn mát bóng gió rằng kiểu gì ước mơ các em cũng thành hiện thực, vì bọn cán bộ giờ nó thế!
Cậu cho đó là tầm nhìn hạn hẹp, và ích kỷ,
Bọn trẻ có thể cóc cần biết săm, và lốp, nhưng chúng có đủ khả năng sử dụng google để biết được tất tần tật những gì liên quan đến hai thứ đó trong vòng 5 phút, điều mà thế hệ như các thày vĩnh viễn không làm được!
Mỗi thời đại cần có một chuẩn khác nhau để đánh giá về sức lao động của nhau, rõ ràng bọn trẻ bây giờ không thể nào bắt một lớp người như thày, biết sử dụng thẻ tín dụng thùm thụp, biết lập fanpage tự PR cho việc thày có một tủ sách miễn phí hoặc thày đang có nhu cầu dạy thêm, không thể yêu cầu thày sử dụng một lúc dăm ba tài khoản mạng xã hội để thuận tiện cho công việc và khai thác tài nguyên mạng. Đại khái thế.
Cậu mong con cậu sau này lớn lên, và các em cậu đang ở quê, nếu có thể quên được săm và lốp, xích và líp, hãy quên khẩn trương.
Và phải biết thèm thuồng. Cuộc đời còn dài và trường đời mới là quan trọng, rồi sẽ va vấp và học được đầy đủ cả, nhưng dứt khoát phải có sự thèm muốn. Làm lính ra trận mà không mong một ngày trở thành đại tướng, hoặc bét nhất cũng được tổ quốc ghi công hehe, thì xung phong làm đéo gì cho tốn cơm phí đạn bố mẹ!
Sự thành công của học trò có thể chưa nói trước được điều gì, nhưng sự thất bại của thày giáo thì đã rõ. Thật tiếc cậu tin rằng với một thày giáo có kiểu trải lòng như thế này, thì bọn học trò xứ miền Trung í, nó cũng dzí  vào quan tâm, nổ thế cho nét.
Dạy học, cần phải có niềm tin. Học trò càng yếu, thì niềm tin càng phải mãnh liệt để vun vén và thôi thúc động cơ người thày mỗi sáng mai đến lớp, ít nhất là trong khả năng của mình. Học trò là đối tượng và là thành quả công việc của mình, là phản ánh tương lai của mình chứ không phải là nơi để bóng gió gửi gắm sự bất mãn xã hội và ích kỷ cá nhân. Chưa nói đến, để xảy ra như thế, sao không tự vấn vai trò của mình trước, mà đã vội la làng đổ vấy đổ thừa cho thiên hạ?
Phần này copy của DG DG