Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

THANH MINH THANH NGA

Tính ra, Beo bỏ nghề báo cũng
khí lâu, vậy mà nghiệp đuổi tới tận giờ. Cứ hễ viết cái gì  gần gần xa xa đến văn nghệ là y như rằng  thư đi tin lại như bươm bướm.


Mấy nhời chình bầy lại về entry Ghi vụn về sách.


Đối với Trần Dần, hay là về khối nhân văn giai phẩm nói chung, ngoại
trừ duy nhất Đặng Đình Hưng, các cụ còn lại ôm giải Minh râu như một lời xin
lỗi chân thành của Đảng và Nhà nước là Ok rồi. Không biết trong ngăn kéo các cụ
còn cất giữ gì không, chứ chiểu theo những gì đã in ấn công khai, nếu không gắn
cái nhãn nhân văn giai phẩm, Beo thật, em cháu chúng nó bỏ xa các cụ lắm lắm. Đã
có cụ nào chạm tới tận đáy cùng của xúc cảm nhục dục được như Đỗ Hoàng Diệu hay
chỉ dừng ở mức hiện thực đờ-mi xã hội chủ nghĩa, đã có cụ nào chữ nghĩa giàu có
lung linh được như Phạm Thị Hoài hay chỉ dừng ở mức đèm đẹp sáng trong…


Sự kính trọng quãng đời khốn
khó và việc suy tôn tác phẩm của các cụ, Beo không đánh đồng.


Việc  iêu quý các tiểu thuyết gia lại cũng phải
thanh minh thanh nga thế này. Nguyễn Đình Tú là người duy nhất Beo chưa hề thân-
quen- biết trong 4 vị nêu trong entry. (Tầm này rồi giai trẻ khó bỏ bùa mê
thuốc lú được lắm bác Việt kiều ạ

). Beo chỉ nhận xét trên nền những gì Beo đã
đọc được và đọc kĩ. Đọc kĩ ở đây không có nghĩa đọc dăm vài lần  mà là  đọc
đủ những cuốn họ đã in ghi trên mỗi bìa sách (có người còn được đọc thêm cả
những cái chưa hoặc không được in).


Điều Beo đánh giá cực cao và
thích nhất ở Tứ vị là  họ có ý thức cách
tân và cách tân thành công tiểu thuyết Việt, đặc biệt kĩ thuật thể hiện, thoát
ra khỏi lối kể chuyện thông thường lâu
lâu vỗ đùi đánh đét vì một câu thâm thúy vặt. 
Hai chữ kĩ thuật, nghe thì
đơn giản và khô khan, nhưng trong văn chương nó đựng cả thế giới mà Tứ vị tạo
dựng ra, cho người đọc cái quyền tự tưởng tượng thêm thắt can dự vào thế giới
ấy thay vì chỉ dự khán như một người ngoại đạo (văn).


Beo không phản đối những ai ca ngợi
Nguyễn Xuân Khánh, Tạ Duy Anh hoặc dăm vài cái tên hay được báo chí điểm sách nhưng
đọc họ, Beo vẫn thấy chỉ dừng ở khối nhân
văn giai phẩm có tiến hóa theo thời cuộc (not đại).

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

CỨ LÀM NHƯ TA LÀ LỀ TRÁI KHÔNG BẮNG

Lâu rồi, có người hỏi, nick Tom
Cat là ai?


Mình bảo, ất ơ, không đáng quan
tâm.


Mới đây có người hỏi lại câu
ấy. Mình khẳng định chắc chắn: đại ất ơ. Suy diễn theo lối nghĩ thông thường, ai
viết lách mạnh bạo giọng lưỡi có chiều hướng chống chính quyền, thể nào cũng bị
công an làm rầy rà nọ kia. Mời lên xét hỏi, đóng blog, vân vân và vân vân.


Ở Việt ta, cứ nhìn hiện tượng
mà suy diễn kiểu ấy, chóng chầy cũng lòi tẩy anh chả có mịa gì thông tin, thuần
ất ơ.


Dẫn chứng mới nhất là lời
cảnh báo của Tom Cat về ku nhà báo chả phải nhà văn thì không Nguyễn Quang
Vinh, người hùng hổ băm bổ đi đầu chống hầm bà lằng trong vụ đất đai ở Tiên
lãng Hải Phòng.


Nếu biết mối quan hệ của Vinh
với ông cựu cốp, đồng chí Tom Cat thụt nửa lưỡi.


Nếu biết bản chất vụ Tiên
lãng, bảo đảm đồng chí Tôm Cat  cười vãi
ra quần bởi sẽ hiểu ngay tắp lự vì sao dũng sĩ Vinh này ngưng tham chiến trên
blog.


Ít nhất mình từng chứng kiến
hàng chục vụ, gậy ông nện bố nó lên đầu con  ông. Cụ thể trong vụ Tiên Lãng, nện chuội ra
ngoài đích nhắm đến độ, chính nạn nhân (nếu cho đó là nạn nhân) phải lên tiếng…xin  nhẹ tay cho thủ phạm (nếu cho đó là thủ phạm).


Vụ Tiên lãng đang đi đến hồi
kết. Không đóng blog thì lộ hàng việc thổi con ễnh ương thành con bò. Chủ hết
xài, bò phải quay về kiếp ễnh ương thôi.


Thế nên phải diễn bài cứ làm như ta là lề trái không bằng.


Xưa như trái đất.

GHI VỤN VỀ SÁCH

*** Cho đến chiều nay mới
nuốt hết đống sách mua từ Hội (chợ) sách. Cuốn để  dành đọc cuối cùng là Kín của Nguyễn Đình Tú.
Đọc xong cứ tủm tỉm cười một mình rất có duyên do: mình tin rằng cả cái hội
bánh khảo giải văn chương Hà lội mới đây léo có ai bỏ công  đọc kĩ cuốn này. Bằng chứng nếu đọc kĩ họ đã
trao giải cho nó thay vì cuốn cũ mèm mọi góc độ của Trần Dần.


Các nhân vật đi kín một vòng
đời khi còn rất trẻ. Chất liệu đầy ngồn ngộn nhưng do tham nên dăm chỗ thừa và
rối không cần thiết. Kín, cũng như mấy cuốn trước của tác giả này, rất hấp dẫn
ở cốt truyện. Triết lí trên giời dưới biển gì không biết nhưng cốt truyện nhạt
hoét là vứt. Mình còn thú bạn này ở điểm kĩ thuật viết. Dẫn dắt câu chuyện lắt
léo qua hết đường ngang này ngõ tắt kia để đến 
trang cuối cùng người đọc mới chợt phát hiện, ô hóa ra  nó cũng đơn giản.


Trong vòng 40 năm trở lại
đây, Nguyễn Đình Tú là tiểu thuyết gia đáng đọc thứ tư (xếp theo thứ tự tuyệt
cú mèo) sau Nguyễn Bình Phương, Bảo Ninh và Nguyễn Viện. Xếp Nguyễn Bình Phương
đứng đầu bởi sách vị này là sự kết hợp hoàn hảo chiều sâu tư tưởng (như Bảo
Ninh), chữ tuyệt đẹp (như Nguyễn Viện) và Phương cũng là tác giả duy nhất,
trong tất cả các tiểu thuyết chữ Việt xưa nay mình đã đọc, tạo dựng được không
gian đa chiều trong tiểu thuyết. Việc nối kết linh dị với phàm trần, so với
Phương, Tú còn khá thô và vụng.


*** Không mua, mà có đứa cho
cuốn  chèo của Nguyễn Huy Thiệp. Hồn cốt
của tất cả các thể loại kịch bản, đặc biệt là ca kịch, chứa trong… diễn viên,
không phải trong chữ nghĩa trên giấy. Mình bị dị ứng bẩm sinh với dạng sách này
nên chưa đọc.


*** Không mua, cũng bởi đã có
đứa tặng cuốn của Ngô Bảo Châu. Tự dưng thấy tủi thân y như mình là  Nguyễn Phương Văn đồng tác giả. Văn có cuốn
Thời tiết đô thị rất duyên, hơn hẳn Ki cọt kia, nhưng rơi tõm vào thinh không.
Nay lại bị  cái bóng của  ông Cánh đồng đón hết danh bán chạy nhất Hội
sách. Mượn chính status blog chú này diễn đạt suy nghĩ của mình Rẻ vừa thôi rẻ
quá đéo ai chịu được.


*** Cũng là đồng tác giả
nhưng số phận cuốn sách cực hay Lãnh đạo tỉnh thức của Đạt Lai Lạt Ma và
Muyzenberg có số phận hẩm hiu hơn nhiều so với Ki cọt khi nằm trong mớ hàng sôn.
Giáo thuyết Phật nhé, cụ ấy biên thế này Theo
đạo Phật, nhiệm vụ đầu tiên của mọi người chủ gia đình là chăm lo được cho bản
thân họ…Tinh thần doanh nhân là một điều tuyệt vời để có thể chăm sóc một người
và những người khác khi nó cung cấp một tiêu chuẩn sống tử tế. Những người
nghèo tiêu dùng ít bởi họ kiếm được ít. Nếu họ kiếm được nhiều hơn  thì họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn. Do đó tinh
thần doanh nhân là phương pháp hiệu quả nhất cho phép con người kiếm được nhiều
hơn và nó thành những thành viên của một nền kinh tế.


*** Vớ được cuốn The Zodiac bỏ
túi của nhà Sterling cũng trong đống sôn. Chưa
thấy cuốn sách bói toán nào viết hay đến thế khi bảo những ai tuổi xử nữ thì
rất xinh đẹp, thông minh, hiền hậu, yếu đuối, hài hước, thích chuyển dịch và
luôn đi tiên phong trong chuyện…sex. Âm ỉ tưng bừng sướng vì không hiểu làm sao
ngần ấy đức tính trái ngược nhau  trăm
phần trăm thế có thể tồn trong con người cụ thể là mình được. Đây là loại sách
buộc người ta phải suy nghĩ rất lung.


Mình cho rằng, than thở thị
trường sách nghèo nàn gào thét thị hiếu đọc xuống cấp chỉ  là của dăm vài chú nhà văn ế khách và thím  phê bình ế hàng (thứ hàng của giới Sbiz í).  Không
cần ra đến hội, chỉ cần chui vô bất cứ hiệu sách nào ở Sàigòn có thể thấy ngay
mênh mông những sách là sách, từ cuốn đọc mãi không hiểu đến cuốn chưa đọc  đã
biết tuốt,  đọc đến chầu Diêm vương chưa hết chứ
ở đó mà nghèo  với nàn. Lại nữa, không biết
dựa vào một bổ ngửa toán học nào mà  cứ lấy
con số 1-2 ngàn bản in/đầu sách văn học  để
suy luận, bọn mua sách giờ toàn đồ đầu đất.

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

KHÔNG ĐỀ

Bây giờ chọn chỗ đứng giữa
lòng dân tộc tôi chỉ mất một ít lợi nhuận vật chất, nếp sống tư bản với một số
ưu đãi người ta dùng để mua chuộc giáo hội. nếu nghĩ cho thật thì Không phải
mất mác mà chính là được giải thoát để trở lại với Phúc-âm, tôi được cơ hội để
thuận tiện theo Phúc-âm hơn cả, tôi được giải thoát khỏi-những tệ đoan của nếp
sống xã hội tư bản thì giáo hội càng trong sáng hơn, và điều mà bản thân tôi
được lớn lao hơn cả là được Tổ-Quốc.


Sự lựa chọn ấy Không phải
Không có cơ sở, vì bao nhiêu giá trị tinh thần trong chủ nghĩa Cọng Sản rất phù
hợp với phúc Âm, đó là chỗ đứng chung để phục-vụ con người ấm no hạnh-phúc. Con
người chính là điểm gặp gỡ của CộngSản và Giáo-hội.


Nhìn lại lịch sử những sự đối
Kháng lớn lao giữa Chính Thống và Công-Giáo từ thế Kỷ thứ 9, giữa Tin lành và
Công Giáo từ Thế Kỷ 16 lắm lúc đã đi đến cực độ, 2 bên đã tạo ra vạ tuyệt thông
lẫn nhau, thậm chí đã đổ máu, Nhưng ngày nay đã xoá bỏ tất cả, đã đi lại với
nhau, xem nhau là anh em, đã xé văn-bản vạ tuyệt thông trong một nghi thức hòa
giải trước mặt 5.000 giám-mục dự Công đồng Vatican II. Tại sao lại Không thể
làm như thế với Cộng-Sản, phải rút vắn thời gian xa cách, ngò vực chống đối
nhau lại, vì chỉ có hại cho Giáo-hội Việt Nam , cho dân tộc-


Không có cuộc giải phẫu nào
mà Không đau đớn, nhưng cần cắt vứt tận gốc cái u độc mới cứu sống được, vì chỉ
có sự thật mới giải thoát-


* Các lỗi morat là
chép theo nguyên văn.


* Và nguyên văn
trên đây không phải chữ nghĩa tư tưởng của Beo, mà là của  HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN.


** Hu hu hu, bổ
sung theo yêu cầu của blogger quý ở Quy Nhơn. Hoá ra rất nhiều người chả biết
ông Thuận là ai.


Hồng y Thuận là cháu gọi Ngô
Đình Diệm bằng cậu ruột. Đi tu từ năm 23 tuổi. Đậu tiến sĩ thần học tại Roma. Ông
nắm giữ nhiều bí mật (đã kịp bật mí) về cụ Diệm, về những chiêu thức đâm bị
thóc chọc bị gậy của Mỹ ở Việt Nam
thời trước Ngô Đình Diệm cho tới  mãi tận
sau này. Trong lòng đề cao chủ nghĩa dân tộc 
nhưng ông lại dựa vào Mỹ để chống chủ nghĩa duy vật của Cộng sản.


Sát ngày giải phóng ông được
thụ phong tổng giám mục Sàigòn sau thời gian dài làm giám mục Nha trang. Năm 76 bị đi tù 2 năm (không phải đi cải tạo)
  những quan hệ với CIA. Mãi tới năm 85
ông mới sang Roma định cư, được thụ phong Hồng y và mất tại đấy.


Ông cực ghét  bà Trần Lệ Xuân.


Lấn cấn trong việc phong
Thánh cho ông giữa Việt Nam
và Vatican phải giải thích rất dài dòng. Nếu
thấy hot, câu viu được

Beo sẽ biên riêng.

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

AFP BỊA ĐẶT

AFP hôm qua đưa tin, Việt nam
rút visa của phái đoàn Vatican vào điều nghiên
việc phong thánh cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận.


Thông tin này là hoàn toàn
bịa đặt. Việc phái đoàn này chưa vào
là sự  thu xếp nội bộ của Vatican và, chính quyền hẳn không sợ Va tican đến độ
phải  cấm nhập cảnh mấy ông  thầy tu.


Hồng y Nguyễn Văn Thuận người
gốc Huế. Sinh năm 1928 mất năm 2002. Trước giải phóng ông là Giám mục Nha
Trang. Sau 75 ông bị  bắt đi tù  2 năm vì
liên quan đến CIA.


Đính chính: (Beo đánh máy lộn
không đọc dò lại) Hồng y Nguyễn văn Thuận bị đi tù 2 năm  chứ không phải 12. (từ 76 đến 78).




Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Doanh nhân: nợ đời và sự cô độc!!

Đời doanh nhân ở xứ này thật khổ, khổ đến mức khốn
nạn! Trước thì gọi là bọn con buôn, đám bóc lột giá trị thặng dư, thiệt xứng
đáng bị tru di, diệt chủng; sau thì một mình loay hoanh giữa thương trường,
xông pha hoặc sống hoặc chết! 


Họ sống chết tự thân, không một khiên che chắn...
pháo giấy, pháo tay, những gì lấp lánh như lớp áo mỏng che bên ngoài sự hiềm
nghi, đố kỵ, và biết đâu đấy cả lòng tự phòng thủ của những gì đứng trên nhân
dân? 


Ý chí, nghị lực, sự nhạy cảm, lòng quyết tâm và cả
sự đơn độc là những gì họ có!


Một lão là đại gia đất miền Trung này, nói với tôi:
Nếu muốn sống hãy biết lobby! Hiển nhiên là như vậy, xưa nay, quyền lực và cả
sự vinh nhục được song hành bởi vị thế chính trị và đồng tiền! Nhưng lobby cũng
là con dao hai lưỡi nếu làm dấy lên những nghi ngờ, lòng tự phòng thủ của
thượng tầng xã hội.


Những người tiên phong làm giàu, những doanh nhân
tạo dựng những thương hiệu đầu tiên ở xứ này như  Nguyễn Văn Mười
Hai, Tăng Minh Phụng, Bùi Xuân Hải (tức Hải Đồ Cổ)... đều đã chết dập chết
vùi trong cay đắng, trong nước mắt, trong tủi nhục đớn đau hoặc đã từng chịu
chết như vậy. 


Cái chết (trong kinh doanh) của họ rất bất thình
lình, cô độc, tuyệt vọng, thậm chí có cái chết lãng xẹt đến mức nực cười. 


Hãy so sánh: 


Vinashin đổ nợ 86 ngàn tỷ đồng - Chính Phủ tái cơ
cấu thậm chí vì Vinashin không trả được nợ mà Việt Nam bị đánh tụt
chỉ số tín nhiệm. Bao nhiêu tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ
cỡ ngàn tỷ, vài ngàn tỷ, thậm chí vài chục ngàn tỷ. Không ai phải chịu trách
nhiệm!! "Tôi không có trách nhiệm gì". 


Doanh nghiệp Nhà nước tồn tại trên cơ sở bóc lột tài
nguyên dân sinh! Trên cái mệnh đề bất khả xâm phạm - tồn tại lố bịch: Kinh tế
thị trường xã hội chủ nghĩa. Những nắm đấm của nền kinh tế, cứ thế đấm vỡ mặt
người dân, và người dân buộc phải hài lòng!


Còn doanh nghiệp dân doanh – Có những cái chết kiểu
cây cao giữa đám bụi rậm. 


Hồi tháng 12 năm ngoái, Tw Đảng ra Nghị quyết trung
ương 9 về Doanh nghiệp và Doanh nhân có nói đến vai trò, vị trí của tầng lớp
này. Đích thân ngài Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến VCCI huấn thị, trao nhiệm
vụ.


Một đột biến trong sự chậm trễ và doanh nhân cần
nhiều hơn thế! Đó là cơ chế, là sự bảo trợ, trọng thị thực sự của quốc gia. Là
ý chí mãnh liệt ham làm giàu chân chính của công dân. 


Nhưng buồn cười và đớn đau là đến giờ đó chỉ là cơn
chém gió bốc đồng??


"Quốc gia là con thuyền doanh nhân là người
chèo lái con thuyền đó".


Oái oăm thay, người Việt ghét giàu, căm thù và ham
muốn sự giàu có. Nếu không giàu được, chúng ta lựa chọn ước muốn: mọi người đều
nghèo như như nhau. Đại gia, Đám cưới khủng, dàn siêu xe ... là những từ đầy dị
ứng! Dậu đổ bìm leo, một  doanh nhân rủi may ngã trên thương trường, một
đám reo hò thỏa sức cho những nguyền rủa của mình! Cơn liên hoan điên rồ của
truyền thông bắt đầu!


Sự ấu trĩ này nhẽ ra phải được đào mồ chôn chặt từ
hai mươi, hoặc chí ít là 15 năm trước?? Nhưng ở Việt Nam nó đang là
một phạm trù tâm lý bất biến, được nuôi dưỡng ngàn đời bởi tư tưởng tiểu nông
cào bằng.


 


Công ty Bình An lênh đênh giữa giông tố, trong những
tiếng kêu gào ở trạng thái man rợ, hoặc tiền man rợ, trong số ít đồng cảm, ta
thấy những cắc cớ đâu đó!


Nông dân có thể cho công ty nợ tiền mua sản phẩm đến
hàng tỷ, thì đó không phải là nông dân nghèo, đó là những triệu phú, tỷ phú
thực sự. Những con người này biết đâu đó, nhờ Bình An mà giàu lên (đại gia) như
vậy? Hãy đọc lại lời ông Trần Văn Trí – Tổng giám đốc Tổng công ty Bình An
trả lời phỏng vấn Vnexpress (Trụ sở triệu đô tại Mỹ của Bianfishco là nhà thuê):  “Suy
nghĩ nhiều nhất của tôi hiện nay, sau khi trả nợ cho hơn 30 hộ mà mỗi hộ chỉ có
1-2 tỷ đồng, còn gần chục hộ nông dân “đại gia”, có thể mời tham gia đại hội cổ
đông và bầu vào HĐQT để họ trở thành đồng chủ sở hữu nhà máy"
 -  để
kiểm nghiệm điều này.


Ngân hàng chối Bình An, lập tức một loạt báo chí bâu
vào, tiếp đó là công bố những khoản nợ "khủng" - ngàn tỷ của công ty
này, rồi nói một cách đầy ám chỉ: Đại gia thủy sản (bà Diệu Hiền) trốn nợ bằng
cách đi nước ngoài chữa bệnh. Dư luận nháo nhào cả lên, thả sức ném đá, hoặc
kêu than đau đớn đầy hận thù. 


Tuyệt! Một đòn giết Bình An, giết luôn những người
nông dân là chủ nợ của Công ty.


[Ngay cái tít Trụ sở triệu đô là đi thuê của
Vnexpress cũng đầy tính câu view rẻ tiền – Không câu view, báo chí đã chết! Và
thế là sự câu view bằng trí tuệ sự cảm thông đã bị thủ tiêu?? Nhẽ đương nhiên!]


Nhiều lúc tôi tự hỏi: Liệu có hay không một âm mưu
thôn tính Bình An? Tất nhiên đó chỉ là giả định? Mà trong nhiều trường hợp giả
định không chắc đã khác với sự thật!


Thẩm định giá của Bình An là bao nhiêu, bao gồm nhà
máy, các khối bất động sản và thậm chí cả thị phần thủy hải sản, thương hiệu
tầm ảnh hưởng... Nói như vậy để biết Bình An có đủ sức vượt qua sóng gió hay
không? Có đủ sức trả nợ và rồi bình an thực sự hay không? Kinh doanh ai
chả nợ? Ai chả vay ngân hàng? "Không vay nợ người ta gọi đó là lều doanh
nghiệp chứ nhà doanh nghiệp nỗi gì"? 


Trong sóng gió thì thái độ, cách hành xử nói lên
nhân cách con người, nhân cách doanh nghiệp. Hãy xem ông Trần Văn Trí bày
tỏ: “không để nông dân phải bán nhà vì Bình An”, hãy xem công ty
này sẵn sàng bán nhà máy, bán cả cái xe của vị Chủ tịch HĐQT để trả nợ. Gia
đình bà Diệu Hiền giờ đã không đủ tiền để trả phí điều trị ở Mỹ: "Vì
bệnh của vợ tôi quá nặng. Khi bị tai biến, vợ tôi liệt nhẹ cánh tay trái phải
mổ để chữa, sau đó sử dụng hóa chất trị ung thư. Chữa bên Mỹ không đủ tiền, hôm
họp báo tôi nói tốn 500.000 USD, đó như là tiền đặt cọc lúc nhập viện, còn để
mổ khối u phải tốn khoảng một triệu đô. Do vậy, vợ tôi phải nằm thêm ít lâu nữa
mới về được".


Ồ vâng! Tất cả  tiềm lực tài chính đang được
những người chủ của Bình An dồn vào việc trả nợ, trong đó có cả việc trả nợ cho
người nông dân (những nông dân tỷ phú) - chả ai trong họ bị bệnh như bà Diệu
Hiền. Còn sinh mạng bà Diệu Hiền thì phải phó thác cho trời vì không đủ
tiền?? 


Những người chủ của Bình An không chạy trốn, không
trốn nợ để dồn sức chữa bệnh cho người vợ, người mẹ của mình dù họ có thể làm
như vậy. Không khôn ngoan, họ đã lựa chọn đương đầu, dám chịu trách nhiệm dù
trong đơn độc.


Xem thế cũng biết được phần nào cái tâm thế kinh
doanh của Bình An, cũng là biết thêm sự vật lộn của doanh nhân. Hy vọng,
vượt qua giông tố, Bình An lại bình an! Hy vọng nhiều hơn cho nợ đời doanh nhân
Việt vơi bớt nhọc nhằn!


Quốc gia là con thuyền, doanh nhân là người chèo lái
con thuyền đó! Đừng để người chéo lái con thuyền đơn độc, tự chết.


NGUỒN

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Copy về đây thay lời từ biệt

Gió từ Nguyên


Lê Minh Hà


 


Tôi là người đến muộn. Với chữ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên.


Thì biết làm sao. Là đàn bà, lại còn sắp cán đích già, chắc
chắn là khó tính. Một cái Avatar trên mạng: nào kính đen, nào
khăn xếp, nào môi tím lưỡi đỏ, cái tên chủ nhân đọc đã đoán là quá trẻ so với
mình, dễ gì hấp dẫn nổi tôi ngay.


Vậy mà đọc thì khó dứt.


Đinh Vũ Hoàng Nguyên có quá nhiều người biết và ngưỡng mộ.
Vào blog laothayboigia,
hay vào nhà Nguyên ở facebook, có cảm giác đem in thì lời bình về các bài viết
của chủ nhân khéo nhiều lần dài hơn chính các bài viết ấy. Đinh Vũ Hoàng Nguyên
chỉ quăng một Status thôi là kéo giật được bao nhiêu người
nhào vào đọc, rồi bình. Cứ nghĩ đến chuyện mình mang hết góc nọ góc kia của cõi
lòng của miền tâm cảm bày ra trên mạng mà thiên hạ coi như nước ao bèo không
thèm ném cho hòn sỏi, đọc thống kê lượng người vào thăm nhà Nguyên, khéo buồn
khéo tủi khéo ghen.


Quả trên mạng chưa thấy ai có được những Status hài hước thế.
Đây không hẳn là cái duyên, giỏi nhìn ngó và biết kể, mà là hẳn một kiểu tư
duy, không thể nào bắt chước được.


Nguyên, trong những Status hay entry, tưởng bỗ bã, suồng sã,
tợn tạo, tục nữa, nhưng đằng sau những dòng chữ ngắn ngủi là một bầu tâm cảm
trước thế sự xa gần, trong tư cách một công dân, nhưng trên hết và sau cùng, là
ý thức làm người. Đọc, biết người viết yêu cuộc đời này lắm, thương cuộc đời
này lắm, văng tục vào mặt đời cũng vì một sự biết yêu biết thương này.


Đấy là tố chất đầu tiên của một người muốn tận hiến mình cho
nghệ thuật. Nguyên là họa sĩ, nhưng Nguyên không viết theo kiểu người có một
nghề khác tạt ngang văn chương, quăng cho văn chương đôi ba mảnh tâm tình, đôi
ba mẩu tài không dùng hết trong nghề, như một cách thí xả. Đọc lại trọn vẹn
bloglaothayboigia, dễ nhận ra ở đó một tâm thái nghệ thuật nghiêm cẩn và
đa diện.


Nghịch ngợm, phá phách, tinh quái đến điều là Nguyên ở các
entry viết về bè bạn. Chuyện là của riêng, mà viết ra khiến người không can dự
phải đọc không dứt được, thế có nghĩa là tài. Thế có nghĩa là người viết đã mở
được cửa cho đời vào. Những “y và những gã”, những “hiệp
hội sản xuất bàn là”,
 đọc rồi cứ nghĩ chỉ cần công bố rộng nữa rộng
mãi là giúp khối người khỏi phải đi tới các lớp dưỡng sinh tập nhe răng. Chữ
nghĩa của người viết ở đây hệt như nhất dương chỉ, cù nhẹ một cái là khiến bao
nhiêu cơ quan đoàn thể trong người đọc nhất loạt khởi động tập trung vào một tư
thái duy nhất: cười.


Không có nội lực bằng thế, nhưng người có thể kể chuyện hài,
viết hài hài thì cũng chẳng hẳn là khó kiếm. Tuy nhiên, hài được, với cả một
chủ ý nghệ thuật thì cực khó. Tôi, tôi thử chán ra rồi. Chịu.


Điều ấy, Nguyên đã thể hiện trọn vẹn trong nhiều entry, khi
có khi không được chú là truyện ngắn. Và ở đó, cái hài quay về điểm khởi hành:
nỗi đau đời, của một kẻ trời sinh bắt phải biết thương đời.


Một chuyện tình” là một truyện ngắn hoàn hảo
trong nghĩa này. Phảng phất như Nam Cao, trong cái dịu dàng tít tắp đằng sau
câu chữ. Nhưng cái khùng khùng của nhân vật đang to tiếng mình yêu và thất ái
thì đúng là của bọn thời nay, rất trẻ, rất vui, cái Nam Cao, do thời thế và do
thể tạng xúc cảm, không bao giờ phát lộ.


Ở những entry khác, mà có lúc Đinh Vũ Hoàng Nguyên cũng chú
trước là truyện ngắn, tưởng chừng như tác giả Số đỏ có truyền nhân.


Nhưng, cả Nam Cao, cả Vũ Trọng Phụng trong thời của mình mới
chỉ phơi bày cái khổ, cái đáng khinh, niềm yêu thương phẫn hận, và cả niềm tin
dù đã thấm mùi hoài nghi nặng của mình trước cuộc đời, cho cuộc đời, mà có khi
thời ấy mới chỉ đáng bị, đáng được như thế thì Đinh Vũ Hoàng Nguyên đi xa hơn
trong cái thời mình. Đinh Vũ Hoàng Nguyên, trong truyện ngắn Chuyện vụn
xóm bụi,  Khu cũ (1 và 2) 
mà tôi nhìn thấy ở đó tầm vóc của một
tiểu thuyết đã phơi bày sự phá sản trọn vẹn của một lí tưởng xã hội độc tồn qua
ít nhất ba thế hệ ở Việt Nam dường như vẫn đang chỉ đạo bằng quán tính không
tâm thế thì là hoạt động thường nhật của không ít người. Xã hội trong thời
thịnh đạt của văn học hiện thực phê phán 1930 -1945 quả thối nát nhưng vẫn còn
giữ được trật tự, vô trật tự nhất, loạn nhất cũng chỉ là cả làng hào hứng kéo
nhau đi nghe thằng say chửi cụ tiên chỉ, xem Chí Phèo tự tử và tràn trề hưng
phấn trong phỏng đoán bố con Bá Kiến ngã trâu. Hôm nay, qua Đinh Vũ Hoàng
Nguyên, khác, là sự thu nhỏ một xã hội quăng bỏ kỉ cương, luân lí, người người
hoặc như Chí Phèo hoặc trong dạng tiềm năng thành Chí Phèo, không say nhưng hồn
nhiên hơn cụ Chí ngày xưa, chẳng ai băn khoăn về thiên lương. Nhân vật ở Khu
 chửi như tập thể dục miệng, nghe chửi như một hình thức luyện tai
và luyện tâm. Hoạt động trong ngày của nhóm cư dân nhân vật này được tác giả
túm trong ba chữ: chửi chào cờ, đầy tính nghi thức. Cách mô tả này
đã nhấc toàn bộ hiện thực của tác phẩm ra khỏi môi trường sống tưởng chừng vẫn
như là nối dài hiện thực thời 30 – 45, cho chúng ta nhận diện đó là hôm nay của
chúng ta, trì đọng, sống động, cũng cho chúng ta thấy Đinh Vũ Hoàng Nguyên là
hậu bối chứ không là truyền nhân của dẫu có là Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao. Tác
giả Sống mòn và Số đỏ vẫn còn giữ mình (trong tư cách người kể chuyện) bên
ngoài hay bên trên hiện thực mình mô tả. Đinh Vũ Hoàng Nguyên, khác rồi, đặt
mình vào sống thoải mái giữa dòng đời mình mô tả cực kì trào lộng, trào lộng
đến mức nhi nhiên.


Tôi đọc các entry có tên hoặc đơn giản chỉ được đặt tít là viết
ngắn
 rồi đánh số của tác giả này, cứ mong Nguyên viết tiếp và tập hợp
lại, in ra, cho những người đọc thích cầm sách trên tay hơn là ngồi thiền trước
màn hình máy tính. Với Đinh Vũ Hoàng Nguyên, văn học Việt Nam đã có thêm sắc
màu mới. Có thể không nằm trong những quẫy cựa vô vọng về kĩ thuật nhưng không
hẳn không cần thiết và thôi miên không ít người viết không muốn hiểu ra những
trào lưu ta kêu gọi nhau hướng tới hôm nay là kết quả của sự vận động tâm thế ở
một xã hội thời hiện đại văn minh hơn mình. Nhưng cái tinh thần hài hước đậm
chất phồn thực, cái sắc bén tỉ mỉ trong quan sát, mà đằng sau câu chữ chặt ra
chặt thái ra thái ấy tôi luôn cảm thấy độ mong manh của một tâm hồn cưu mang
lắm nỗi chắc chắn sẽ cắm được một giới hạn nữa trên tiến trình vận động của văn
học nước nhà, nếu như tác giả… Coi chữ nghĩa là một cuộc chơi nghiêm túc, Đinh
Vũ Hoàng Nguyên hoàn toàn xa lạ với sự nhạt, là bi kịch của bất kì ai thiết tha
với nghệ thuật, và là thảm họa cho người thưởng thức, chẳng cứ văn chương. 
Thì phải có tài. Hẳn thế rồi. Đọc, rồi đọc lại, rồi hoang mang. Tài của kẻ đó
là đâu? Văn xuôi? Nhưng hình như chưa hết. Thơ? Đích thị. Thơ mới thật là Đinh
Vũ Hoàng Nguyên.


Tiếc, cũng như văn xuôi, y công bố thơ chưa nhiều. Nhưng thơ
trong văn chương cũng là khúc nghịch trong nhạc, là một nét phảy màu mang lại
hồn vía cho tranh, để đóng đinh vào tâm cảm chúng ta câu hỏi, cũng như lời giải
ai người sáng tạo. Thơ, khác văn xuôi, đôi khi là một món ngon như nhất, hoặc
đôi khi chỉ cần như là một cọng rau thơm đúng vị, trái mùa. Chỉ với một “Có
một phố vừa đi qua phố”,
 không dài, tôi nghĩ Hà Nội đã có thêm cho
riêng mình một thi sĩ, như từng có một Hoài Anh mang ba mươi sáu phố
phường đi kháng chiến - chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô, 
một Lưu Quang
Vũ trên ngày tháng trên trên cả niềm cay đắng thơ tôi là mây trắng của
đời tôi
, một Bằng Việt với chuông xe điện trong màn sương rạng sớm
– và nắng nhỏ trên hàng cây rét muộn – có thể nào không xui tôi nhớ em, 
một
Hoàng Nhuận Cầm vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu dẫu hòn bi lăn hết
vòng tuổi nhỏ - nhưng trong những ba lô kia ai dám bảo là không có - một hai ba
giọng hát chú ve kim, 
và, mang mang nhất: Phan Vũ với Hà Nội phố, một
thời chiến tranh, một thời hòa bình, đã xa chiếc lá lạc vào căn gác nhỏ
- lá thư quên địa chỉ quay về… 
Phải, Hà Nội đã có thêm cho mình một
người thơ, trong từng chút tự sự, với mình, với ai, cũng cực kì Hà Nội: Đinh Vũ
Hoàng Nguyên.


Bất chợt nghĩ rồi một ngày ta sẽ, tôi sẽ, và Nguyên sẽ…


Sẽ thiếu đi, vĩnh viễn, một người có thể lẩy ra vẻ đẹp tuyệt
vời, giản dị, bất ngờ của thế gian nhọc nhằn này.


Sẽ còn lại mãi, một hồn người nửa đời chưa hết gió,
một hồn người biết chạm khẽ làn rêu.


Phải không?




 

CUỐI CÙNG CŨNG ĐƯỢC 1 CÂU NÓI ĐÚNG

Tính viết chuyện Lê Công Định
(và sắp tới đây thêm Nguyễn Tiến Trung) sau khi được giảm án sẽ đi đâu về đâu,
vớ ngay  được cái đi đâu về đâu  này, ngứa tay viết trước.


Chú Sìgoòng  sai bét nhè, nghĩ mãi không biết chửi theo hướng trục tung hay trục hoành
cho dễ tiếp thu.


Câu trước câu sau ngược nhau
như ngóe. Chú bảo Chẳng hạn trong đề án tái cơ
cấu doanh nghiệp Nhà nước: giải pháp duy nhất mà đề án này đưa ra là cổ phần
hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Với cách làm như vậy thì căn bệnh của
các Doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn nguyên và đó không phải là tái cơ cấu. Tái cơ
cấu doanh nghiệp Nhà nước phải làm thế nào để các doanh nghiệp Nhà nước hoạt
động có hiệu quả.
Ơ, thế hóa ra khi tư bản
hóa thì các doanh nghiệp hoạt động lại kém hiệu quả đi à.


Không quan tâm nhà ông chiên da tâm tình
với chú là ai, nhưng nếu viết thế này chứng tỏ ông ấy chả nắm được cái gì đến
đầu đến đũa. Khi nghiên cứu kỹ 3 đề án tái cơ cấu, các chuyên gia thấy 3
cách làm đi theo 3 hướng khác nhau. Do vậy, nếu không có một sự điều phối mạnh
(trên thực tế đến giờ là chưa có) thì chắc chắn việc tái cơ cấu nền kinh tế
Việt
Nam
sẽ không đi đến đâu cả.
Chính phủ giao cho các bộ ngành xây dựng đề án, sau
đó sẽ xem xét hợp nhất lại thành một giải pháp chứ có phải mỗi thằng tự viết
rồi tự thực hiện tái cơ cấu chính nó đâu, zời ạ.


Những câu khơi khơi không dẫn giải dẫn chứng,
những khái niệm- kém tắm như Beo, thấy mới toe toe. góc độ cơ bản của
kinh tế học
thì căn bệnh của kinh tế Việt Nam đã ăn sâu vào trong xương tủy…
niêm yết tất cả các doanh nghiệp Nhà nước trên
thị trường đại chúng.


Đọc đến cái đoạn chú viết về thanh khoản chợt
thấy, ngân hàng ta y như xã hội đen đòi thanh khoản là trả liền tức khắc. Trong
khi khả năng chi trả phải tính tới 10 hay 20 năm. Dẫn chứng điển hình nhất cho
hệ thống thanh khoản ngân hàng là Hy Lạp. Tại sao châu Âu không cho Hy Lạp phá
sản, là bởi ngân hàng Đức nắm giữ rất nhiều trái phiếu của Hy Lạp. Chàng không
có khả năng chi trả, Nàng chả nhẽ lại không liêu xiêu.


Lại nữa, cái logic của Sìgoòng có áp lực cạnh
tranh thì sẽ giảm giá và tăng dịch vụ nó xưa  hơn 20 năm rồi. vẫn là sở
hữu 100% vốn Nhà nước nhưng mà cước viễn thông đã rẻ đi rất nhiều, chất lượng
cao hơn rất nhiều, độ bao phủ rộng hơn rất nhiều. Nói cách khác, nếu như có áp
lực cạnh tranh (ngay cả đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước) thì
hoạt động kinh doanh mới thực sự có hiệu quả.


Khi thị trường cạnh tranh ở mức độ như hiện
tại, doanh nghiệp, thay vì cạnh tranh nó bắt tay nhau tạo ra liên minh (ngầm)
để điều khiển thị trường, triệt tiêu quyền lực của người tiêu dùng. Vụ Samsung+Sharp+Hitachi
ngầm liên  minh làm giá màn hình LCD sau đó  phải bồi thường gần 400
triệu Obama hay vụ Táo và IBM thỏa thuận ngầm không chiêu mộ nhân viên lẫn nhau
để ép lương người lao động là những minh chứng cho logic 2012 của Thị Beo.


Link đây http://searchenginewatch.com/article/2143994/Steve-Jobs-Email-to-Google-Stop-Recruiting-Apple-Employees


Đến tận câu kết mới có một ý suýt nữa thì hoan
Một cách tổng quan nhất là không hy vọng vấn đề lớn của nền kinh tế Việt
Nam có thể được giải quyết bởi 3 chương trình
( chính xác phải viết 3 nội
dung của 1 chương trình) tái cơ cấu này . Nửa câu còn lại không hiểu ý
Sìgoòng định nói về riêng vụ tái cơ cấu hay chung cả nền kinh tế, nhưng túm
quần lại, kiểu gì cũng nhất trí đúng sẽ vẫn không thể giải quyết được bởi không
có một thủ lĩnh

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

ĐỘC GIẢ RÁC (tiếp)


***  HA COW
vừa ló mặt lên cơ quan là mình mắng cho té tát.  Phóng viên NGƯỜI
TA
tân tiến phóng khoáng thế này chứ, phải lấy đấy làm tấm gương mà dáo dục quân mình noi theo chứ, sao lại
quê mùa cũ kĩ đến mức mỉa mai người ta. Năm hai nghìn mười mấy rồi mà còn  khăng khắng bắt lính làm báo chong sáng bói ra đứa nào đeo nghề nữa.
Nó hề hề cười và 1 phút sau đổi qua làm phóng viên chuyên viết PR.


Loại nó, dụ gái Ok chứ dụ
tiền, đợi xem sao.


*** Xem VTV 4, một ẻm phỏng
vấn bộ trưởng ngoại giao Ucraine. Xinh, nói tiếng Nga như cái máy khâu. Phần
dịch chạy chữ thế này: ngài dự đoán thế nào về mối quan hệ Việt-Ucraine
trong  thời gian tới.


Ô hay, bộ trưởng ngoại giao là
ku hoạch định chính sách, nó khoái phát triển quan hệ thế nào nó sẽ biến thành
hiện thực ngay thế ấy, việc gì phải đoán với dự.


Rộng ra, có lẽ đấy là thói
quen của nhà báo ta khi nhiễm phần đông các nhà nghiên cứu chính chị, nhà kinh thế nhà
luật… ta, trả lời báo chí tinh những đoán
cùng dự hôm trước sai bét nhè ngay hôm sau và hôm sau nữa lại đoán lại dự tiếp,
trên tờ báo khác.


Nhà chính chị nhà kinh thế dù sao còn ít lấn sang lĩnh vực khác chứ nhà văn nhà thơ mới
kinh, thiên hô bát sát lĩnh vực nào cũng chen vô dạy như đúng zồi. Vụ này đợi
tổng kết Tiên lãng sẽ dẫn chứng chứng minh sau.


*** Trong trường báo chí,
người đang dạy gì để những người sản xuất ra Độc giả rác giờ tếu đến thế


Chịu khó mở mạng youtube, xem
thầy trò Đường Toong (not tăng) đi thỉnh bao cao su của sinh viên trường báo
chí, sẽ hiểu tận gốc.


Còn tại sao Độc giả rác giờ
lên ngôi đỉnh thế, lí giải dài dòng hơn tẹo, nên viết riêng.

ĐỘC GIẢ RÁC

Hai phương án cho 42 lao động
Việt Nam được giải cứu tại Malaysia (Pháp
luật VN)


42 phụ nữ
Việt Nam bị
mắc kẹt tại Malaysia và thiếu ăn
(Lao động)


Đây là 2 trong số các cái tít
được giật lên các báo khiến cho người đọc nghĩ rằng, nếu không phải là vụ buôn
người thì cũng cực kì vô trách nhiệm của cơ quan xuất khẩu lao động đem con bỏ
chợ.


Sự thật, giờ này đã được đính
chính. Không ai bị truy bức phải cần giải cứu và với 500 ringgit/tháng không
thể bị đói khi, chỉ cần 3.5 ringgit người ta đã có một đĩa cơm (tự  ý xới), một cái đùi gà rất to với 1 chén canh
nấu theo kiểu Tàu. (Chỉ bị thiếu ăn vì lí do phải nhịn gần 9 bữa mới đủ tiền cho
một lần nhuộm tóc như mấy người đẹp trong hình

).


Sẽ có người phản bác, thông
tin do chính một tờ báo bản xứ đưa lên đầu tiên. Beo từng làm việc 1 tháng tại
chính tờ báo này, The Star. Có một điều, dù mức thu nhập thế nào đi nữa, lao
động Việt cũng ăn và ở vô cùng nhếch nhác. Sự tằn tiện cũng có bản tính sinh
hoạt cũng có luôn.


Ví như căn hộ mọi tiện nghi thiết
kế cho 2 người, có thể ở tối đa  4, riêng
Việt ta nhồi hơn chục chú thím. Máy giặt máy sấy không sử dụng mà giặt tay nên
lung bung trong nhà những là quần áo ẩm ướt. Ăn, thay vì bát đĩa bày biện đàng
hoàng thì làm cái tô nhựa cho nhanh gọn nhẹ. Salông bàn ăn dẹp hết  lấy chỗ ngủ nên chuyện  ngồi bệt trải báo ăn trên sàn (như trong
hình) rất đỗi bình thường.


Bình thường với người Việt nhưng
cực phức tạp khó hiểu với bạn  nên việc The Star viết lao động bị ngược đãi, âu
cũng là suy luận… bình thường.


Hiện trạng này giống hệt ở
Hàn và Sing, là những nơi Beo mục sở thị chuyện lao động xuất khẩu.


Có một điểm nữa giống hệt
nhau, phụ trách cơ quan quản lí lao động của bạn và chủ thuê nhân công chỗ nào cũng
đều hết lời ca ngợi lao động Việt cần cù, ngoan, kĩ năng làm việc rất tốt.
Riêng tại Mã, ông (tương đương cục trưởng ta) quản lí lao động ngoại nhập còn
so sánh, chất lượng lao động Việt cao hơn hẳn lao động Inđô, người Inđô lười.


Khi người ta làm báo theo sì
tai chép trên mạng xuống sau đó chép lẫn nhau, sai hàng chục lần đúng một lỗi
một việc, Beo tạm gọi tên là loại báo độc giả
rác, tức là khinh người đọc như
cỏ rác vậy.

NHƯ THẾ LÀ BỊP BỢM

Ngay cả nếu Nhã Nam không quyết định dừng việc phát
hành cuốn Bản đồ và vùng đất do Cao
Việt Dũng dịch, Beo cũng không hề muốn viết tiếp đề tải này sau entry góp ý với Dũng. Và
cũng nói thật, sau bài đầu tiên trả lời Tiền vệ đầy ngông nghênh và dốt nát của
Dũng, thì Beo chỉ chú tâm đọc Hà Thúc Lang hầu còn mở mang thêm chút kiến thức.


Hàng trăm ông ngồi trong nước tiếng Pháp giỏi như thần,
đã có ai tỉ mẩn chỉ ra những sai sót cho Dũng, như ông Hà Thúc Lang. Thế nên, Beo nhìn thấy ở ông ấy cả tấm lòng nhiệt tình với văn hóa nước nhà và sự tử tế với cá nhân Cao Việt Dũng.


Không có ông ấy, thì những người yêu sách, như Beo
chẳng hạn, đã mất tiền oan vì những bản dịch bịp bợm, như Bản đồ và vùng đất.


Bịp bợm, nghe thì nặng, nhưng chính xác.


Và chính vì cái còm dưới đây bên blog Nhị Linh, gợi
cảm hứng cho Beo viết thêm entry này.


Vì uy tín của NN và NL tôi nghĩ ông bạn ký tên
Hà Thúc Lang nếu muốn đứng tên đồng dịch giả thì cũng nên ra mặt nói thật xem
mình là ai. Uy tín của một tổ chức hay một cá nhân được đánh giá không phải
trên một hai sản phẩm mà là cả một quá trình lao động. Không thể phủi công lao
bằng mấy trò ném đá giấu mặt thế được. Bác NL cầu thị như thế này là tốt rồi.
Tôi thì vẫn nghĩ người gieo cày gặt hái quần quật khác hẳn thằng chạy theo mót
của nhặt phân rơi. Chúc bác vững bước. Đại tỷ Xuân Cúc


Có dăm vài đại tỷ thế này, không tỉnh ra, Cao việt Dũng  sẽ thành tay đại bịp, trong làng dịch thuật
Việt.

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

CHUYỆN ĐẠO-CHUYỆN ĐỜI VÀ THÌ TƯƠNG LAI

Sau khi thỏa mãn cảm giác (cực)
mạnh, đứng ngay nơi sinh ra và chết đi của hai cái tên vĩ đại nhất trong lịch
sử loài mang tên con người,  Chúa và Phật, hôm nay bắt tay vào viết séries
này.


Cảm ơn Giám mục Phanxico Xavie
N. và Sư cụ Minh Đạo N. với những chỉ dẫn tận tình về phần Chuyện Đạo.


Entry trong Blog chỉ là những gạch đầu
dòng, chia sẻ với các bạn quan tâm đến đề tài này trên góc độ sơ lược sự kiện.


KÌ 1: LỊCH SỬ GIÁO
HỘI TOÀN CẦU


*Từ khi ra đời cho đến thời kì thực dân 1781.


Vị Giáo hoàng đầu tiên của
Giáo hội là thánh Phéro, trị vì ở Zerusalem bắt đầu năm 33 với vỏn vẹn 12 giáo
dân là những thuyền chài. Sau đó Phéro chuyển qua Syrie lập tòa thánh ở Antiokio
và sống ở đây 25 năm. Cuối đời, ông sang Roma truyền đạo và mất năm 67.


Từ năm 33 tới  năm 314, tất cả các Giáo hoàng đều bị các đời
Hoàng đế La mã giết chết, tổng cộng 32 vị cả thảy.


Giai đoạn này, Giáo hội gắn với
thân phận người lao động nghèo. Bám rất chặt vào lời dạy của Chúa Giêsu trong
kinh Phúc âm: những người bóc lột, tham của khó vào thiên đàng hơn con lạc đà
chui qua lỗ kim.
(Phúc âm Mathieu chương 19 câu 44). Và đây chính là lí do Phúc
âm  vượt ra khỏi đế quốc La mã và lan tỏa
nhanh chóng trên toàn cầu, bất chấp mọi chém giết.


Rất giống lịch sử đạo Phật, Đạo
thiên chúa chỉ triển dương và thịnh phát khi nhà cầm quyền đồng tâm. Năm 314, Hoàng đế Constantino cải đạo,
nhường  Roma cho Giáo hội làm thủ đô và
lập thủ đô mới ở Constantinople, nghĩa là thành của Constantino, giờ thuộc Thổ
Nhĩ Kì.


Constantino cũng dâng một số
cung điện để làm nhà thờ. Ngày nay, các cơ sở thờ tự mang tên Vương cung thánh
đường  ( basilique) là bởi gốc chữ Vua
(basileas) trong tiếng Hy lạp mà ra. Nhà thờ  đức bà Sàigòn nằm trong số này, vui ở chỗ nó được gọi là Vương cung bởi xây bằng tiền của... nhà nước Pháp.


Suốt 15 thế kỉ, có thăng có
trầm nhưng về cơ bản, các Giáo hoàng đã thiết lập uy quyền của mình về phần
đời, Vua trên các Vua châu Âu, khi giành cho mình cái quyền phong và phế Vua.
Trong đó có thể kể 3 nhân vật nổi tiếng nhất, đi vào  văn chương là Henri VIII (Anh), Napoléon I (Pháp)
và Barberousse (Phổ). Riêng Vua Phổ sau đó phải xin đến tu viện Cassanova ăn
chay để được Giáo hoàng giải vạ.


Giáo hội làm được rất nhiều
việc thay đổi thế giới như sửa lại
dương lịch: năm 1582, sau ngày 4/10 thay vì ngày 5 lại là ngày 15; Lập ra các
trường đại học lớn của châu Âu; Hộ trì cho dòng nghệ thuật Phục hưng; Khi C.
Colombo tìm ra châu Mỹ, Giáo hội đứng ra làm trọng tài trong các cuộc  tranh chấp đất đai như chia cho Bồ đào Nha
phần đất lập ra nước Brasil hay Tây Ban Nha phần đất lập ra nước Argentina ngày
nay.


Tuy thế, một sự kiện lớn do
Giáo hội cầm đầu lại đã tàn phá Hy lạp, Thổ Nhĩ Kì, Syrie và làm kiệt quệ cả
châu Âu: cuộc Thập tự chinh nhằm chiếm lại ngôi mộ của Chúa Giêsu bị Đạo Hồi chiếm giữ, vào thế kỉ
15.

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

ĐỌC BÁO SÁNG

*** Sáng nay lướt các báo,
tin hay nhất thuộc về Tuổi trẻ.


GAP viết tắt của chữ này: Vietnam
Good Agricultural Pratices. Dịch theo sìtai Beo có nghĩa là các tiêu chuẩn trong
suốt quá trình trồng trọt của nông dân để rau củ quả Việt khi ăn vào không chết
tức khắc (ngộ độc) hay chết từ từ (ung thư táo bón tiêu chảy…) mà lại còn béo
bổ ngon lành hơn xưa. Beo chưa so sánh với GAP quốc tế xem VịtGAP có hạ  chuẩn điểm gì không, nhưng đọc hết những quy
định để đạt VịtGap thì nghĩ, chỉ cần nông dân ta thực hiện được 2/3 số yêu cầu,
thì người xơi sản phẩm của họ cũng thọ thêm dăm năm nữa rồi.


Tuy nhiên trong  loạt bài này, Tuổi trẻ mới chỉ đặt ra những
vấn đề về quản lí nhà nước của GAP. Giá mà có thêm những bài viết thật đơn
giản, thật dễ thương, thuyết phục
nông dân hãy trung thành với GAP.


Không phải vô duyên Beo dùng
từ dễ thương ở đây. Cùng một số lời,
một đằng bỏ vốn 10 một đằng bỏ 5, đến gian thương ngay thương  cũng không chọn bỏ 10 nữa là nông dân, nhất
là nông dân. Chỉ có cách nỉ non tỉ tê thuyết phục, chỉ ra món lời nhân đức họ nhận được ngay, từ cả triệu người tiêu dùng. Nông
dân mình, gì chứ khoản ấy, vô cùng hào phóng.


Nếu thuyết phục không nổi, lì
quá thì dùng  bài cuối là nâng cái GAP
kia lên thành…pháp lệnh

, bắt buộc phải làm theo.


Beo cho rằng những thông
tin  của Tuồi trẻ đi đúng vào gốc của
vướng mắc thực hiện GAP hiện nay. Một vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe
của quảng đại quần chúng mà hầu như  rất
ít báo quan tâm, đặc biệt  báo chuyên của…nông dân

.


*** Tin thiếu thông tin (nội
bộ) nhất thuộc về Vietnamnet.


Vụ này, dẫn giải sau, hen!...ăn
nói nửa chừng  xuân, vầy mới dzui!

 

*** Tin hài nhất thuộc về vnexpress, không
cách gì nhịn nổi cười. 

  

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

DẠY ĐỜI TÍ ĐÊ……

*** Trên Tiền vệ có một loạt
bài vạch ra những lỗi dịch thuật tiếng Pháp của Cao Việt Dũng. Beo đánh giá đây
là loạt bài hết sức tốt, thậm chí có thể coi như cour miễn phí, về tiếng và về
văn hóa Pháp, cho những người học tiếng Pháp.


Beo mà là Cao Việt Dũng. Beo
sẽ làm hai việc, một là xin lỗi bạn đọc. Không phải xin lỗi khơi khơi, mà xin
lỗi quyết liệt bằng cách bỏ tiền ra in một cái thư và kẹp vào từng cuốn sách.


Thứ hai, Beo sẽ cảm ơn Hà
Thúc Lang  và đề nghị ông ấy  hiệu đính lại giùm toàn bộ, nếu có tái bản đề
tên ông ấy là đồng dịch giả.


Beo tin rằng nếu ứng xử thế,
uy tín về nghề nghiệp và nhân cách (của Dũng) sẽ khiến không ít người kính
trọng, thay vì viết một bài trả lời Tiền vệ hết sức tầm bậy và sau đó là im
lặng.


Mở ngoặc, Beo đọc được sách
Pháp ngữ nguyên bản chứ không cảm tính khi đứng về phía ông Hà Thúc Lang.


*** Khốn khổ cho nữ đại
gia  Nguyễn Thị Liễu ở Hương Sơn Hà Tĩnh,
làm đám cưới cho con mà bao nhiêu báo bâu xâu vào rỉa róc. Giật những cái tít
dạng Đại gia trần tình…đại gia giãi bày…


Beo mà là bà Liễu. Beo sẽ xắn
quần, bắc loa chửi cho cái đám bâu xâu kia bằng những ngôn từ tục tĩu nhất mà
từ điển có và Beo sáng tạo thêm, đừng có mơ trần tình với giãi bày. Chưa hết,
Beo sẽ kiện ra tòa, sẽ làm đơn  kiến nghị
gửi tất cả các cơ quan đoàn thể trong ngoài nước cần nữa tới Hội cuốc liên vì
bâu xâu kia đã soi mói việc riêng tư gia đình, nhân danh thứ mà bâu xâu không
đủ tư cách, đó là đạo đức xã hội.


Nhà ông da đen Xì mít, người
thêm vào chuẩn đạo đức cho dân Mỹ một tiêu chí: lắm tiền và được xã hội hân
hoan chấp nhận.  Hân hoan ở đây bao gồm cả bọn nhà văn nhà báo nhà phim nhà kịch…Hai
thế kỉ sau, vẫn có một đám triển dương, khuyến khích người ta  khinh khi sự giàu sang. Dùng từ rị mọ, không thể
diễn đạt hết ý.


***


VIỆT TRUNG-ĐẪM LỆ MỘT CHUYỆN TÌNH ĐẮM SAY

Mình trên cả  thân với ông Vinh Tàu, HLV Thể công ở thời
điểm huy hoàng nhất của đội bóng này, ngoài miền Bắc.


Đặt cái tựa entry thế cho nó
song hành cùng trào lưu sến sặc sụa báo mạng, chứ tuyệt chả có tình tọt gì với
nhà ông Vinh Tàu này, lại còn gọi bằng chú mới kinh.


Lôi vào đây vì đời ông ấy có
một chi tiết, giờ nhắc lại vẫn  đau.


Hãy hình dung, đang thét ra
lửa, sáng sáng đến cơ quan lính gác đứng nghiêm bồng súng rốp rốp chào thì một
sáng, vẫn những thằng lính gác ấy cấm cửa ông với một lời khẩn khoản, lệnh cấp
trên, chú thương chúng cháu thì dừng ngoài cổng này.


Cái biệt danh của ông đã nói đủ
căn nguyên.


Cơn bão bài Hoa ngày ấy  càn quét xác xơ các china town Hải phòng và
Hà nội.


Sàigòn, không phải tâm bão
nhưng dư chấn không hề nhẹ nhõm hơn.


Ông là Tiêu Khánh Nha, nằm
trong lứa những phi công đầu tiên của Hàng không Việt. Và không thuộc trường
hợp ngoại lệ.


Bị cho nghỉ ngang, đơn vị lại
dứt khoát không cấp bất cứ thứ giấy tờ gì để ông ra ngoài kiếm sống. Phải đặt
trong bối cảnh 30 năm trước mới thấy, đấy là những cách dồn ông và gia đình vào
cửa tử.


Vượt biên bằng cách ăn cắp
máy bay là kế do chính những đồng nghiệp Việt bày ra và thực hiện gần hết các
công đoạn ăn cắp phi thường- đến giờ
vẫn là phi thường- cho ông.


Nguyên tắc, khi máy bay đưa
vào hanga phải rút toàn bộ xăng. Chiếc máy bay ấy được phép rời hanga với đầy
đủ thủ tục nhiêu khê ai cũng biết trừ lãnh đạo không biết, sẽ bay với mục đích thật là gì.


Tiêu Khánh Nha cùng vợ và hai
con được các chị cantin xưởng máy bay giấu trong bếp. Tới gần giờ phi thường trốn tiếp bên bờ rào gần
hanga, mé mạn Gò vấp bây giờ.


Tiêu Khánh Nha đã cất cánh
ngay tại sân đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất, không chạy ra đường băng.


Dĩ nhiên là náo loạn, ra tận
Hà nội.


Lệnh máy bay quân sự đuổi
theo bắn hạ được thực thi. Thế nhưng, bình thường, một phi công quân sự từ trên
giường nhảy xuống, đóng đầy đủ lệ bộ 
bùng nhùng áo quần mũ mãng và sẵn sàng trong buồng lái, chỉ mất 9 phút.
Lần ấy, chuông báo động hỏng ...cầu chì  gần 20 phút.


Tiêu Khánh Nha hạ cánh an
toàn xuống sân bay Thái Lan và ngay lập tức được Hàn quốc chào đón.


Toàn bộ kíp trực Việt hôm ấy
lên bờ xuống ruộng và toàn bộ tổ bay cùng Tiêu Khánh Nha, trong đó có chồng bà
dì Beo, phải về nhà nuôi lợn theo đúng nghĩa đen.


Không một ai, nửa lời than
vãn hay hối hận về việc đã làm, cho Tiêu Khánh Nha.

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

NHĂNG NHỐ À NHĂNG NHỐ ƠI



Yes, I don`t

Ngọ ngoạy trên ghế từ đầu giờ, liếc sang khi thấy  Lóng lánh viết đến đấy thì mình thương tình dích tay chìa bài cho chép. Và bài Lóng lánh cao hơn bài mình 1 điểm.

Hồ sơ nhập học cử nhân Anh văn bắt buộc đã phải có bằng B. Lóng lánh chối đây đẩy, tao đi học đàng goàng, không phải bằng mua nghe mậy! Vụ người làm thấp điểm hơn người chép hôm thi xếp lớp còn lặp lại dăm vài lần nữa, nên mình tin Lóng lánh có đi học thật.

Lóng lánh cực chăm học. Tất cả những môn ngoài Anh ngữ, lớp bữa nào cũng vắng phân nửa, riêng Lóng lánh không. Mà lại còn ghi chép  cẩn thận, thiếu điều thầy hắt xì cũng biên. Chữ Lóng lánh rất đẹp, viết tay mà như chữ in.

Hết năm thứ nhất. Thi vấn đáp, Lóng lánh tự tin nói to tướng I too. Cả lũ ngồi sau cười ngất ngây. Kết quả, Lóng lánh vẫn đỗ.

Lóng lánh hay than thở sao tao quên goài, mậy?

Mình thân với Lóng lánh. Rõ rồi. Chứ đứa nào trong một cái lớp tập hợp từ tứ chiếng tứ độ tuổi, hàng năm ròng cho Lóng lánh chép bài xong rồi chấp nhận ít điểm hơn, như mình.

Lóng lánh làm ở nhà máy đường, phòng tổ chức. Một cái chỗ tiếng Việt còn xa xỉ, nữa tiếng Anh. Lóng lánh đi học vì cơ quan cho tiền, ngu gì bỏ, mậy.

Béo phát khiếp, vì bệnh tiểu đường nặng. Lóng lánh có cặp mắt cực lạ, lúc nào cũng óng ánh như  chuẩn bị khóc tới nơi. Khổ, không biết chất đâu cho hết.

Bố mẹ mất sớm, hai chị em Lóng lánh đi ở cho hết nhà này đến nhà khác. 15 tuổi một bà dì rủ vô R. Rờ rẫm cho nó liêu trai chứ là vào rừng, mạn bên Miên. Thời gian đầu sốt rét rụng trụi tóc, tắt luôn kinh. Và thế là triền miên kiểm điểm, khai ra ngủ với đồng chí nào con trong bụng của đồng chí nào.

Bà dì, sau đến dăm đêm ngồi nghe xỉ vả cháu nổi cáu bật lại, lồn nó nó xài. Bắt xin phép trước khi nó xài lồn nó thì phải ra thành nghị quyết giấy tờ. Tay bí thư chi bộ cáu lắm nhưng thua.

Hai năm sau, kinh có lại, Lóng lánh mới được yên thân.

Giải phóng. Lóng lánh lấy ngay tay bí thư chi bộ mẫu mực kia làm chồng. Đẻ được hai đứa con. Nhà nước cấp cho cái nhà không to cũng chẳng nhỏ. Làm công chức, nhờ cái lí lịch R nên cả hai đều có cái ghế trưởng phòng, không cao cũng chẳng thấp, vừa vặn.

Lóng lánh đưa em gái về ở chung, nở nang mày mặt. Mới 15, nhưng nó bỏ học từ lớp 6 ngại đi học lại, Lóng lánh cho nó học may, mình mách mối chỗ.

Dù tiếc đứt ruột khoản tiền học chùa, thì Lóng lánh cũng phải bỏ ngang đầu năm 2. Giờ của thầy Tây, thầy nhóc con, Lóng lánh  bốn chục lóng lánh mấy chả ăn thua.

Thưa gặp. Nhưng việc hiếu việc hỉ trong nhà, không thiếu mặt nhau cữ nào.

Thi thoảng Lóng lánh đáo cơ quan quăng cho mình mấy bịch đường viên.

Rồi, qua điện thoại, Lóng lánh rủ mình đi vũ trường.
Đúng thời điểm căng việc, mình phải làm suốt đêm. Hẹn nhau ban ngày.

 Lóng lánh không đến một mình. Kẹp díp một ông Việt kiều đeo sợi dây chuyền vàng như cái xích chó thêm một chùm chìa khóa dao nĩa lắc xắc
bên hông. Giữ thể diện cho Lóng lánh, mình chăm chú lật giở cuốn album 10X15, loại tặng kèm khi rửa 1 cuốn phim, nát bươm, đựng ảnh Việt kiều chụp chung với quan Việt cộng. Kì thực,  mấy quan anh ấy mình không chỉ quen biết mà còn nhìn bằng nhõn  phần ba con mắt.

Lóng lánh dẫn đến  mình chơi dăm vài ông nữa, đủ thể loại.

Mình mắng. Lóng lánh nhìn. Bơ thờ. Mắt, thì vốn lúc nào chả sẵn nước. Có phân biệt được vui hay buồn đâu.

Nửa đêm. Lóng lánh gọi. Khóc thành tiếng. Nó ngủ với con em tao từ ngày lên học may tao đâu biết. Giờ con nhỏ có bồ, nó lồng lên ghen ngược mới lộ chuyện.

Mình xúi, chị mách bà già ổng, kéo bà ấy làm đồng minh.

Mình, ngu nữa.

Bà già chửi chị em bây ngu,  ráng chịu.

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

BÁO THANH NIÊN BÊNH DOANH NGHIỆP: TỨC CƯỜI CHƯA

link
đây
 


A.   167 tỉ X 9 tháng X
14% (lãi xuất ngân hàng giả định ở mức thấp nhất) = 21, 042 tỉ ( hai mốt tỉ
đồng, làm tròn số). Đây là con số giả định nếu HAGL đem số tiền nợ thuế kia gửi
ngân hàng.


Trong khi thực tế, Hoàng Anh
Gia Lai chỉ phải nộp phạt cho số nợ thuế 167 tỉ  là hơn 2 tỉ đồng.


B.   Hiện tại HAGL vẫn đang có trong tài khoản khoảng 2.400 tỉ
đồng và điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng được. Vì lượng tiền này chúng tôi
dự định sử dụng cho một số kế hoạch của công ty nên mới xin gia hạn thuế.


Số nợ chỉ chiếm 7% số tiền
mặt HAGL “khoe”. Nếu một số kế hoạch của công ty
đầu tư thì không doanh nghiệp nào lại đem xài hết 100% số tiền mặt hiện có. Tức
là 7% kia hoàn toàn nằm trong phần trăm dự trữ, không có bất cứ lí do gì biện
minh cho được.


Từ A và B có thể dẫn đến kết
luận, phải viết đầy đủ là, HAGL chây ì thuế  với sự đồng lõa của Cục thuế
Gia Lai.


C.   Chiểu theo nguồn
dưới đây, hiện tổng nợ của HAGL là 15 ngàn tỉ. Trong đó, nợ ngắn hạn ngân hàng
là 2.2 ngàn tỉ. Dài hạn là 3.4 ngàn tỉ. (có thể kéo xuống trang 28 đọc cho
nhanh).



http://www.hagl.com.vn/UserFiles/file/HAG%20%E2%80%93%20BCTC%20hop%20nhat%20Quy%20IV%20-%202011.pdf 

Dĩ nhiên, không ai chỉ nhìn duy
nhất con số tổng nợ để phán xét năng lực một doanh nghiệp.


Nhưng hoàn toàn có thể dựa
vào những con số ấy để ”đọc” ra phía sau của sự việc nợ thuế kia là gì để nếu
có muốn bênh doanh nghiệp, tìm ra được những câu hỏi không  sặc mùi PR pha chợ búa, như của Thanh niên.


Có người bảo phụ trách truyền
thông ở HAGL nguyên là phóng viên Thanh niên. Biết điều này, không thể không
buột miệng hèn chi. Hèn chi sau ngần
ấy năm, hình ảnh Bầu Đức vẫn chỉ thuần là nhân vật …lắm tiền.



Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

MỘT “NGƯỜI TRONG CUỘC” BÌNH BÀI TRÊN BÁO THANH NIÊN

1. Công ty Diệu Hiền đang rất khó khăn vì cả lý do khách quan, lẫn lý do chủ
quan ở chính chị Diệu Hiền: người phụ nữ này vừa đáng thương vừa đáng trách. Cả
THƯƠNG và TRÁCH đều rất lớn, rất to. Gào lên mới xứng đáng. Em biết khá rõ về gia
đình này nên mới dám nói thế.


2. Tất cả những gì Thanh niên
viết vừa đúng vừa sai: Đúng ở hiện tượng (đã được nêu ra một cách không đầy đủ-
không biết là có ý chọn lọc hay vô ý không đủ thông tin) và không hoàn toàn
đúng họăc sai về bản chất. Cách làm này làm em liên tưởng đến câu châm ngôn: 1
nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, 1 nửa sự thật là sự dối trá. Và kết quả là rõ:
công ty của Diệu Hiền hết cửa để làm ăn và phá sản là chắc chắn. Trước đây em
dự báo tỷ lệ phá sản của công ty này là 50/50.


3. Đọc thanh niên sẽ có 2 cảm
nhận: a. Người không liên can thì nghĩ là Thanh niên đang “đánh” công ty này. B.
Chủ nợ sẽ nghĩ đến việc đi đòi nợ gấp. Không biết dụng ý tác giả là gì, nhưng
hệ quả là như thế trong mắt người đọc. Và mọi doanh nghiệp nếu bị đòi “tiền mặt
trả ngay” đều có khả năng phá sản cao, dù đang rất lành mạnh.


4. Nhà giáo mà không có đạo
đức sẽ làm hỏng con người, nhà báo không có đạo đức sẽ làm hỏng nền tảng đạo
đức xã hội. Ngày xưa hồi còn học đại học, có ông thầy dạy chủ nghĩa cộng sản
khoa học nói với em rằng: Giai cấp vô sản công nghiệp là tiên tiến và họ mới thực
hiện được cách mạng xây dựng CNCS. Có một loại giai cấp vô sản khác gọi là giai
cấp vô sản lưu manh, họ mà cướp chính quyền chỉ là cướp của và phá hoại.


5. Chị Hiền bị ung thư là
chuyện em đã nghe hồi trước Tết, nay thành đề tài báo chí. Chuyện đi chữa trị,
sang Mỹ…có thể là bỏ trốn, có thể là chữa bệnh, không ai biết ngoài chính chị
Hiền. Nhưng trong tất cả các loại tật xấu của phụ nữ, sợ hãi là tật xấu dễ tha
thứ nhất.


Khi khai thác đề tài này có
ai nghĩ nếu chị ấy bị bệnh thật thì sao (kể cả người ủng hộ lẫn đánh)? Họ có
một chút lương tâm nào không?


Đánh người vô cớ là vô đạo
đức, đánh phụ nữ là vô học (không cớ nào), đánh người bệnh tật là không có tim.


6. Đọc báo của nhà chị bây
giờ chán lắm. Mỗi lần cầm lên đọc (theo thói quen của mấy chục năm nay không
thể bỏ) lại thấy chán.

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

MỘT TRÒ CHƠI CHÍNH TRỊ TỘI NGHIỆP (TIẾP)


Copy của Kim Âu, có cắt cho ngắn bớt.


”Thỉnh
nguyện thư” đúng nghĩa chỉ là một lá thư CẦU KHẨN, VAN XIN, dùng chữ có tự
trọng một chút thì nên dịch là KIẾN NGHỊ.


Thỉnh
Nguyện Thư mà thêm hai chữ “Chiến Dịch” thì thật là “cán ngố còn chào thua” nên
dễ biến thành Mắc Dịch. Sai lầm khởi đi từ cái tên của một phong trào rồi cố
tình lừa quần chúng để dành vai trò lãnh đạo nên nổ quá trớn.


Nguyễn
Đình Thắng, Trúc Hồ, Nam Lộc và Việt Dzũng tin chắc vào thắng lợi của buổi gặp
gỡ giới chức trong tòa Bạch Ôc (từ nay nên sửa lại là Văn Phòng Bạch Cung),
nhưng mọi việc đã diễn ra không thuận theo óc tưởng tượng hoang đường của những
người được cho vào danh sách. Làm thầy thuốc sai lầm thì bệnh nhân mất mạng.
Làm chính trị sai lầm thì gây họa hại cho quốc gia.


Binh
pháp đã dạy: "Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi; bất tri bỉ nhi tri kỷ,
nhất thắng nhất phụ; bất tri bỉ, bất tri kỷ, mỗi chiến tất bại".  Biết người biết ta, trăm trận không nguy;
không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết
người, không biết ta, mọi trận đều bại.


Ban
tổ chức hình như do Nguyễn Đình Thắng đứng đầu đã “bất tri kỷ, bất tri bỉ”
không nhận thấy nhóm 165 người vào Văn Phòng Tòa Bạch Ốc chỉ là “một nhóm
dân thiểu số đi van nài, xin xỏ chính quyền giúp đỡ”
chứ không phải những
người đến để thi ơn, “donate” cho Obama mà mơ ước hão huyền chuyện tiếp đón
trang trọng, nồng hậu. Và chắc chắn không phải họ là “những người đi làm
lịch sử, cũng không phải toàn là đại sứ”
như anh bạn Nguyễn văn Khanh
ra sức cưỡng dâm chữ nghĩa.


Mộng
du, hoang tưởng về bản thân và tập thể, không tự biết giá trị thực của mình thì
có chuốc lấy nhục nhã âu cũng là chuyện đương nhiên.


Chính
phủ Hoa Kỳ không coi thường người dân, bằng cớ Văn phòng tòa Bạch Ốc vẫn dành
thời gian tiếp đón nhóm dân thiểu số Mỹ gốc Việt đến cầu xin giúp đỡ
đúng theo thủ tục tiếp dân. Đẳng cấp nào thì họ sắp xếp tiếp theo cách đấy.


“Theo
tường thuật trên làn sóng 14:30 AM chương trình Phố Đêm của Nguyễn-Xuân-Nam .


-
Phái đoàn được sắp xếp ngồi trong một phòng họp không tương xứng với số lượng
150 người hay nói thẳng ra là Toà Bạch Ốc đã không lịch sự, coi thường không
tôn trọng phái đoàn.


-
Không có bất cứ một Viên chức Ngoại Giao nào của Toà Bạch-Ốc, chỉ có vài người
phụ trách giao tế trong đó có một cô gái trẻ VN làm việc tại Toà Bạch Ốc tiếp
phái đoàn và họ cũng chỉ nói những chuyện "chung chung" về tình hình
nhân quyền trên thế giới, tuyệt nhiên không hề có lời lẽ gì đề cập tới nhạc sĩ
Việt-Khang, tất nhiên cũng không có việc các ca sĩ Asia hát hai bài ca của nhạc
sĩ Việt-Khang cho TT. Obama nghe.


-
Theo lời phóng viên Nghê-Lữ của đài SBTN thì Trúc-Hồ "tức giận" bỏ ra
ngoài tuyên bố : “Tổng-Thống Obama đã coi thường bỏ đi 130.000 chữ ký của người
Việt thì sẽ có 200.000 lá phiếu người Việt dồn cho đối thủ của Ứng cử viên TT
Obama”.


Lời
thuật lại của Nghê Lữ cho mọi người thấy rõ sự chủ quan, tự mãn ngớ ngẩn của
nhóm người này. Tại sao họ không thấy vị trí của họ trong xã hội Hoa Kỳ.


Một
nguyên tắc sơ đẳng nhất trong quan hệ xã hội là “không đồng đẳng thì
không có sự bình đẳng”
. Trong mối quan hệ “xin, cho”, “cầu khẩn, xin
ban ơn”
những con người tầm thường khi đi cầu cạnh mà được đối xử bình
thường là đã quá may mắn. Trong khi vấn đề trang phục của những người trong
nhóm đã thiếu sự nghiêm chỉnh thì còn đòi hỏi sự tôn trọng nỗi gì?


Khi
nghe ông Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng nói chuyện với Võ Thành Nhơn, tự cho phép
ông ta chọn lọc, gạt bỏ hệ lụy của Chiến Tranh Việt Nam , khéo léo cho cuộc chiến đi vào
tiền kiếp bằng khẩu hiệu chọn đại diện toàn là giới trẻ không biết gì về quá
khứ. Ngu đến thế là cùng! Đây chính là hành động tự từ bỏ những giá trị đích
thực của cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn trên nước Mỹ. Một hành động thâm hiểm nhằm
xóa bỏ căn cước tỵ nạn, biến một cộng đồng di dân thiểu số hình thành từ
vấn đề xung đột ý thức và chính trị trở thành một loại di dân kinh tế tầm
thường, tha phương cầu thực
. Những con người không biết gì về lịch sử,
bội bạc với lịch sử mà đòi làm lịch sử bằng chữ ký ảo và nước bọt điếm đàng.
Quyết định xuẩn động đó là nguyên nhân chính đã tạo ra thất bại đáng xấu hổ.


TẠI
SAO KHÔNG AI TỰ HỎI NHỮNG NHÂN VIÊN CHÍNH PHỦ, NHỮNG NHÀ NGOẠI GIAO CHUYÊN
NGHIỆP HỌ NGHĨ THẾ NÀO? Khi một nhóm người đưa vào hội thảo trong Văn Phòng Tòa
Bạch Ốc toàn những đứa trẻ mới lớn.


Ngày
5 tháng 3/ 2012
không là lịch sử đấu
tranh nhân quyền, và cũng chẳng có gì để huênh hoang , nếu không muốn nói đó là
ngày xảy ra sự việc đáng xấu hổ nhất từ 37 năm nay khi một
nhóm người Việt Nam đi vận động nhân quyền được khuyên nên về lo lắng
cho
những người làm nails, bảo nhau học thêm Anh ngữ cho khá, và đoàn kết giúp nhau
thăng tiến.
(chẳng khác gì bảo quý vị chẳng biết gì về chính trị,
ngoại giao hãy về lo chuyện áo cơm, sinh kế đi)


Tiếp
một nhóm dân thiểu số đa phần làm nail, Anh ngữ không thông thạo, nghề nghiệp
phức tạp nên bà Christine có khuyên bảo chí tình đến thế là đúng rồi.


***


Đã
mấy năm nay bọn Việt Cộng không đến White House vì những hiệp ước kinh tế,
thương mại của chúng còn dài hạn. Sự phát triển bang giao của Hoa Kỳ với Việt
Nam cho thấy chiêu bài Dân Chủ, Tự Do và Nhân Quyền chỉ là những chiêu
bài lòe mỵ, là thứ bánh vẽ, là cái bóng của con mèo, là trò “dương đông kích
tây” để che mắt thế gian.


Vậy
thì những ai sống trong những chế độ áp bức dám đứng dậy đấu tranh tất cũng có
khả năng đạt được Tự do, Dân chủ, Nhân quyền nhưng là bằng trí tuệ, xương máu
của chính dân tộc họ đổ ra giành lấy chứ không phải do Hoa Kỳ ban phát
.


Không
phải chính Hoa Kỳ đã nói “Freedom isn’t free” hay sao.


Hãy
nhìn vào tấm gương Cambodia để thấy Sam Raisin, Ranarith - những lá bài của Tây
Phương làm được gì - hay chẳng qua chỉ hợp thức hóa cho bọn Cộng Sản Cambodia
có quyền ăn nói với thế giới. Hunsen là ai nếu không phải là con đẻ của Cộng
Sản Việt Nam .