Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Trung Hoa cộng hòa nhân dân quốc


Ba mươi năm cải cách mở cửa đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của Trung Quốc, từ một nước nghèo vừa thoát qua thảm họa diệt chủng trí thức cách mạng văn hóa vươn dậy trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 08-09 cho thấy vị thế nổi bật của Trung Quốc trong trật tự chính trị-kinh tế quốc tế khi không bị động tuân theo luật chơi do Mỹ áp đặt mà trở thành một trong những chủ thể quan trọng định ra luật chơi quốc tế. Trung quốc cũng tham gia ngày càng sâu vào quá trình định giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường toàn cầu. Các dòng chảy tư bản ngày càng đổ nhiều về các trung tâm tài chính mới trên đất Trung Quốc như Thượng hải, Hồng kông, Quảng Châu…Nắm trong tay lượng dự trữ ngoại tệ nhiều nhất thế giới (2 400 tỉ USD), Trung Quốc đã trở thành chủ nợ của nước giàu nhất thế giới: Hoa Kỳ.


Trung Quốc công khai tuyên bố về việc phát triển theo chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mà thực chất, đang thực thi một cuộc cải cách và phục hưng Khổng giáo, làm cho Khổng giáo trở thành tinh hoa tột đỉnh của văn minh nhân loại. Với quan niệm thâm căn cố đế Trung Quốc là trung tâm vũ trụ, người Trung quốc từ cổ đại tới đương đại đều muốn có một ngọn cờ tư tưởng mang dấu ấn của trung tâm vũ trụ đó. Trung Quốc đang hợp lý hóa, chính đáng hóa các yêu sách lãnh thổ và văn hóa của họ với logich chỉ giành lại thứ đã mất của họ. Thứ logich này đồng hành với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nước lớn.


Kinh tế tăng trưởng nhanh (trung bình 9,8% năm) và chi phí quốc phòng còn tăng nhanh hơn thế (15,5%), Trung Quốc đã khởi động xây dựng chiến lược quân sự toàn cầu trên cơ sở quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào thích ứng với quốc tình quốc lực mới. Đóng tàu sân bay, xây dựng Hạm đội biển xanh, xây dựng căn cứ quân sự tại Tây Thái bình dương và Ấn độ dương, còn có một vài căn cứ nằm sát Việt nam trên vùng biển Campuchia, Thai Lan, Myanma.


Điểm đặc biệt nhất, quyền lực cứng  được tập trung  cao độ vào trong tay một số ít lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản, tạo cho Trung quốc khả năng thiết chế, huy động năng lực cao độ và ít bị ảnh hưởng hay lũng đoạn bởi các nhóm lợi ích xuyên quốc gia, xuất thân từ chính Trung Quốc hay bên ngoài. Mô hình này nếu thành công sẽ trở thành cấp số nhân đối với quyền lực tổng thể của Trung Quốc.


Rất nhiều nước luôn có thái độ hai mặt với Trung quốc. Một mặt họ cần Trung Quốc cho sự phát triển của mình, mặt khác lại lo ngại tính bành trướng của Trung Quốc và mong muốn liên kết bao vây chiến lược để hạn chế bớt đặc tính rất Trung Hoa này….


***


Bài này viết riêng tặng một bạn hiền trong FL, cầu cho bạn ý đọc xong lăn đùng té xỉu mọc một nốt tàn nhang trên mũi, chừa cái tội nằng nặc đòi Beo viết nghiêm túc cho  zống chí thức đi.


Bồi nữa đây

Đọc cái entry “bồi bút” bên blog chị Beo, nhịn không nổi. Em cũng làm một cái góp vui.


Học trường Tuyên giáo thì thế nào là bồi bút theo quan niệm của một số thầy khá đơn giản: nhận phong bì rồi viết bài này nọ kia.


Em nhớ là có dạo một loạt các thầy bên ngoài vào trường giảng, có một thầy gì đó vào giảng rất hay mà tự nhiên quên béng mất tên. Thầy hỏi một câu giữa lớp: người ta đưa phong bì thì có nhận không? Đặc biệt là đi làm điều tra, khi người ta đưa phong bì thì có nhận không?


Tất nhiên chả đứa nào bảo “có nhận”.


Thầy bảo, thế là các em quá ngu. Nếu các em không nhận thì người ta sẽ cảnh giác, sao nó lại lạ đời thế nhỉ, các em chưa về đến tòa soạn thì người ta đã alo về đến nơi rồi. Các em cứ nhận cho tui, rồi về cứ sự thật mà uýnh bỏ tía đi cho tui.


Ôi ngưỡng mộ. Đúng là được cả đôi đường còn gì hihi.  Vừa có nhuận bút vừa có tiền phong bì bơm xe.


Nhận phong bì hay không nhận phong bì có thể được xét với góc độ tiểu xảo chứ không hẳn chỉ là đạo đức.


Có mỗi cái chuyện nhà báo có nhận phong bì khi họp hành này nọ không thôi mà nói hoài. Nói năm này qua năm khác. Thằng Sắn Thái Bình bạn em ở báo PLTPHCM (họ thật là Ngô, nhưng Quang Thiện bạn em đổi nick thằng bé thành Sắn) nó bảo bên ý còn có nguyên cả một cái hội thảo nội bộ tòa soạn. Anh Râu em ở báo V thì bảo đại khái là đăng tin có lợi cho một ai đó tức là có cái gì đó khuất tất đằng sau. Đại khái là phía sau đó có chuyện phong bì này nọ. Quá khả nghi!


Chuyện phong bì hay không phong bì, chuyện có lợi cho ai đó hay không có lợi cho ai đó (đối tượng trực tiếp được nói đến trong tác phẩm) chả quan trọng. Làm thế nào để có được tác phẩm cũng không quan trọng. Quan trọng nhất là tác phẩm được sản xuất ra Có Hay Không?


Không hay vì không nhận phong bì thì phải nhận mà khai thác cho hay hơn. Hay rồi mà còn cầm phong bì nữa thì lúc đó mới xét tiếp. Trong hai thằng ấy thì thằng đưa phong bì là thằng hơi ngu.


Có một điều khoản trong đạo đức báo chí nói rằng: Không vì lợi ích của một ai đó, kể cả bản thân mà bỏ qua không công bố một sự thật hoặc cố tình công bố một sự thật. Cái này em đọc được ở trên một tấm bảng phoc mi ca ở tòa soạn Lao Động hồi còn đóng ở Hàng Bồ. Lâu lắm rồi. Hồi đó em đứng nhìn cái gần như là khẩu hiệu ấy, nhìn gẫy cổ. Em nghĩ về nó rất lâu, và bây giờ nhắc lại không phải ai đã làm ở Hàng Bồ cũng nhớ.


Quyền công bố. Quyền ấy bây giờ ra sao?


Hồi em còn được quyền đi lại tung tăng sung sướng, em viết suốt ngày. Trong đầu không có khái niệm bồi bút hay không bồi bút. Chỉ có khái niệm Có Hay Không mà thôi. Em đưa một bài cho bạn em đọc khi báo ra nóng hôi hổi, khi nó đọc em nhìn nó chăm chú, chỉ để hỏi nó một câu: có hay không? Nó nói không thì em buồn một phút, bảo là mày chả biết đ’o gì là hay ho cả, rồi em đi viết cái khác. Nó nói có thì em sướng mười phút, bảo là dạo này cậu rất tinh tế, rất khá đấy haha, rồi em đi viết cái khác. Trung bình mỗi ngày em di chuyển hơn 100km lấy tin và có thể viết được một cái phóng sự ngắn. Có tháng em viết tới 24 cái phóng sự khác nhau, mà em tự tin nói là chẳng tệ hại lắm. Gọi là đăng được. Em cứ sung sướng như thế. Vui em viết điều tra, buồn em làm phóng sự. Vui thì mới tỉnh táo được, buồn thì mới nghĩ chậm lại được. Đi đánh nhau cũng thú lắm. Đánh bố nọ, đánh bố kia. Thằng Đức Vinh bạn em ở báo PLVN là thằng đánh rất ghê, đến nỗi mỗi khi nó xách cặp ra khỏi tòa soạn là y như rằng thể nào cũng có một chú tầm cỡ Chủ tịch xã sẽ đi đời. Giờ đây người ta không dùng cụm từ như “ông A bị báo chí đánh” nữa. Vì nó chả ra đánh. Nó như kiểu mát xa chân, cù nách vậy thôi. Lâu lắm rồi thì phải, chả thấy ai đánh ai một quả cho ra hồn, để em đọc ké.  


Em thì tất nhiên như lâu lắm rồi cũng chả đánh ai. Vui cũng chả đánh, buồn cũng chả đánh. Em như bỏ hắn dòng Bôi đen, bơi luôn sang dòng Tô hồng. Muốn nói ai cái gì em cũng giảm trừ bớt đi cho nhẹ nhàng. Như các đồng nghiệp thôi.


Em lâu lắm rồi như chẳng vui chẳng buồn. 


Copy của Huy Bom