Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009

Hoàng đế chết nốt hay chuyện hai tây một ta

Hai Tây ở đây là Nhà nghiên cứu giáo dục Thomas Vallely và Giáo sư toán Neal Koblisz, ta là ông Phạm Toàn với bài viết Nhà vua chết rồi hoàng đế vạn tuế.


Vallely và Koblisz là hai người Mỹ vào Việt nam từ rất sớm sau khi cuộc chiến kết thúc, và là những người nhiệt tình nhất trong việc thúc đẩy tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt –Mỹ những năm 90 thế kỷ trước. Gần đây, ông  Vallely( đồng tác giả với Ben Wilkinson) đã viết một bản phúc trình giản lược về sự khủng hoảng của hệ thống giáo dục đại học tại Việt nam nhằm cung cấp cho Nhóm chuyên trách hợp tác giáo dục  đào tạo Việt nam – Hoa Kỳ ( Nhóm này được thành lập từ tháng 6/2008, phía Việt nam do thứ truởng bộ GDĐT Đặng Vũ Luận làm nhóm trưởng. Báo VNN dịch là Ủy ban đặc nhiệm song phương về giáo dục đại học). Sau đó ông Koblisz viết một bài phản biện  bản phúc trình trên. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai bản viết là việc lý giải căn nguyên của  khủng hoảng, từ quá khứ lịch sử cho tới thể chế quản lý hiện hành của giáo dục đại học Việt nam.


Ví dụ, ông Vallely đổ lỗi cho người Pháp trong việc đầu tư rất ít cho giáo dục đại học Việt nam so với các chế độ thuộc địa khác. Ông Koblisz cho rằng phải kể thêm trách nhiệm của người Mỹ. Ông Vallely đổ lỗi việc sinh viên ra trường không tìm được việc làm  trong lĩnh vực chuyên môn do tính hiệu quả của chương trình đào tạo kém thì ông Koblisz lại cho rằng, đây là do khu vực tư phát triển chậm chưa thể tiếp nhận hết…


Từ hai góc độ lý giải căn nguyên khác nhau  tất nhiên sẽ dẫn đến hai phương án giải quyết khủng hoảng như lửa với nước. Ví như ông Vallely đề xuất nên thành lập trường quốc tế theo mô hình Mỹ ngay tại Vn, ông Koblisz ngược lại, cho rằng những trường như thế chỉ độc quyền cho một nhóm thượng lưu không thúc đẩy được chất lượng giáo dục nước sở tại…


Đây là hai bản viết rất dài nhưng dễ đọc và thú vị dù thông tin và phương pháp xử lý thông tin, trong cả hai bản, không có  gì mới mẻ. Thú vị hơn cả là có thể nhìn, có thể đọc được động cơ  của hai ông mà không lo bị cho là hàm hồ võ đoán.


Dù nghiêng hẳn về Vallely, nhưng tôi lại thích kết  luận giàu tính ôn hòa của ông Koblisz  khi ông mượn suy nghĩ từ giáo sư Hoàng Tụy. Kết luận này cũng là tinh thần chi phối toàn bộ quan điểm của ông về đường hướng cải cách giáo dục Việt nam. Người Việt Nam, thích những sự thay đổi vừa phải và giải quyết những bất đồng một cách êm thấm, sao cho không dẫn đến những sự đàn áp hay làm nhục đối phương. Nếu như cái nhìn này về cách thực hiện cải cách ở Việt Nam vẫn còn chính xác thì rất có thể nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao ở Việt Nam mà vẫn không đoạn tuyệt với hệ thống xã hội chủ nghĩa, không sỉ nhục những người được đào tạo tại Liên Xô các nước khối Đông Âu cũ, và không giao phó tương lai của Việt Nam cho những người được gọi là "chuyên gia" Mỹ”.


***

Giờ thì bàn đến ông ta.


Với danh xưng nhà nghiên cứu giáo dục như VNN giới thiệu, tôi  hy vọng đọc được từ ông Phạm Toàn những ý kiến xác đáng và sắc bén, góp tiếng nói của người trong chăn bảo vệ các luận điểm của ông Vallely. Nhưng không, “Vấn đề quan trọng bậc nhất không phải là tranh cãi xem ông GS Koblitz và bản Báo cáo Harvard cái nào đúng cái nào sai. Vấn đề quan trọng nhất là cái tai của người lắng nghe những lời phê phán.”


Tai Vallely của ông Phạm Toàn thích thú với những phê phán thể chế điều hành của chính quyền hơn cả, thích đến độ trích luôn  ví dụ Intel. Chết nỗi đây lại là chỗ dở nhất trong bản của Vallely vì ông Koblisz chứng minh ngược lại một cách khá thuyết phục bằng  phát ngôn của chính Intel. Tuy nhiên tai Koblisz của ông mới thực sự có vấn đề.


Thay vì tóm lược lại những luận điểm của Koblisz để bình luận hay phê phán, ông lại nhặt nhạnh những đoạn  rất thiên về tình cảm của vị Giáo sư Mỹ dành cho Việt nam để mỉa mai bằng một câu  trong chăn mới biết chăn có rận. Ông hỏi Koblisz giữa chân lý và lý lịch, nên chọn cái nào và ngay sau đó, ông tự trả lời bằng cách lôi forum sinh viên Koblisz ra để phản biện lại những lập luận của Koblisz.


“Chúng tôi ở trong chăn đã lâu, xin có một lời khuyên giản dị với GS như sau: Nước chúng tôi có quá nhiều người tốt bụng rồi, xin ông GS không cần giúp đỡ thêm về mặt này nữa.”


Thôi thì cứ hiểu người tốt bụng theo đúng nghĩa thuần Việt đi, một người làm giáo dục mà lại không cần thêm lòng tốt nữa thì không chỉ có nhà vua chết rồi mà hoàng đế cũng chết nốt, để  chấy rận trong chăn chui lên chễm chệ làm người thôi.