Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Thị trường và phi thị trường


copy của Nguyễn Văn Phú blog


* Vì sao những
biện pháp phi thị trường lại được dư luận trông chờ và không bị doanh nghiệp
phản ứng mạnh? Vì sao hiện tượng này sẽ có những hệ quả xấu về lâu về dài?


Nếu đứng về lý, rất dễ bác bỏ
yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các ngân hàng thương
mại phải giảm lãi suất cho những khoản vay cũ về dưới 15%. Luật các tổ chức tín
dụng quy định tại điều 91: Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức lãi suất huy
động vốn; Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. NHNN
không có cơ sở pháp lý nào để yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho
những khoản đã cho vay bình thường. Đây là giao kết dân sự giữa hai bên, không
liên quan gì đến NHNN. Các ngân hàng thương mại đã huy động vốn dài hạn với lãi
suất cao thì cũng phải cho vay cao tương ứng nếu không muốn thua lỗ.


Thế nhưng trên thực tế, hầu như
không có sự phản đối công khai nào từ phía các ngân hàng thương mại. Họ chỉ đối
phó bằng các chiêu thức thường thấy như trì hoãn, chọc lọc người vay để giảm
lãi suất, đặt ra những điều kiện bổ sung… Công khai chỉ thấy các lời trần tình,
cần thêm thời gian, cần sự đồng thuận của hội đồng quản trị, cần cân nhắc rủi
ro… Trong khi đó, không ít phương tiện thông tin đứng về phía doanh nghiệp đi
vay để chất vấn giới ngân hàng: “Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa?” Quan
chức NHNN cũng khẳng định sẽ xử lý các ngân hàng không chịu giảm lãi suất cho
các khoản vay cũ.


Không lẽ tinh thần tôn trọng
nguyên tắc thị trường trong lãnh vực ngân hàng đã lụi tàn? Nguyên do chính là
vì giới ngân hàng từng bỏ lơ nguyên tắc thị trường để được hưởng lợi từ lâu nay
khó lòng nói khác.


Nếu áp dụng đúng nguyên tắc và
tôn trọng luật lệ một cách đằng thẳng, nhiều ngân hàng không thể nào vượt qua
yêu cầu tăng vốn điều lệ mấy năm trước, không thể nào cho nhiều dự án “sân sau”
vay vượt quá tỷ lệ quy định, không thể nào cho vay vượt quá mức huy động… Tình
trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng không dễ diễn ra. Quan trọng hơn cả,
tình hình nợ xấu không thể che giấu và báo cáo sai lệch như thời gian qua được.
Vì nỗi lo cho sự an toàn của cả hệ thống, NHNN từng đối xử với mọi ngân hàng,
cả tốt lẫn xấu như nhau, không công khai sức khỏe của từng ngân hàng để khách
hàng chọn lựa, không xử lý mạnh các sai phạm của một số ngân hàng khác…


Sự nương nhẹ của cả hai bên dẫn
tới tình trạng như hiện nay khi NHNN điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành
chính và hướng điều hành là tùy thuộc vào lợi ích hay mục tiêu ngắn hạn. Cứ mãi
như thế, biết bao giờ mới khởi động quá trình tái cơ cấu thật sự hệ thống ngân
hàng, làm cho nó lành mạnh và hoạt động đúng nguyên tắc thị trường?