Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Thiếu một tấm lòng ( trích từ blog Quà tặng xứ mưa)

(Thư của Nguyễn Đắc Xuân gởi nhạc sĩ Phạm Tuyên sau khi đọc bài báo “Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói” trên An Ninh Thế Giới Cuối Tháng (4-2009)


2. Anh Phạm Tuyên, chỗ thân tình, “vừa là đồng chí vừa là anh em” tôi xin nói nhỏ với anh: Chúng ta lên án nhạc sĩ Phạm Duy bỏ kháng chiến “về thành”. Giả dụ lúc đó Phạm Duy không “về thành” mà cứ tiếp tục công tác cho đến ngày 30-4-1975, anh có tưởng tượng được tình cảnh Phạm Duy và gia đình anh ấy ở miền Bắc sẽ như thế nào không? Với tài năng và phong cách của Phạm Duy, Phạm Duy không thể trung thành tận tuỵ với chế độ như Phạm Tuyên, không thể nhẫn nhục, chịu đựng như Tô Hải, không thể chịu ngồi yên in bóng mình trên vách như Văn Cao. Tôi tưởng tượng đến những việc có thể xảy ra với Phạm Duy như sau: Sau 1954 về Hà Nội, Phạm Duy đứng về phía những văn nghệ sĩ mà lịch sử gọi là “Nhóm nhân văn” với Hoàng Cầm. Khi ấy Phạm Duy không thể tránh được tù tội, nếu không chết trong tù thì anh ấy sẽ âm thầm viết hồi ký, bút ký, truyện ký gì đó tố cáo bôi bác chế độ ta, tàn mạt gấp nhiều lần so với hồi ký của Tô Hải đang được cư dân mạng toàn cầu chăm chú đọc hiện nay. Phạm Duy “về thành”, phải chịu tiếng “phản bội kháng chiến” nhưng bớt được cho chế độ ta một sai lầm là “đã đày đoạ một nhân tài của đất nước”. Qua Pháp, anh đã đọc hồi ký của Phạm Duy chắc anh đã biết rõ: trong thời gian Văn Cao ngồi in bóng mình trên vách ở Hà Nội đợi kháng chiến thành công thì Phạm Duy “về thành” đã làm được những gì cho nền tân nhạc Việt Nam. Phạm Duy ra đi để trở về, chắc chắn tốt hơn những người ở lại tại chỗ rồi phải sống giả giối, chờ hưởng hết bổng lộc vinh quang của chế độ rồi quay đầu chưởi lại chế độ, chưởi đồng chí, đồng đội và chưởi luôn mình như đã xảy ra trong giới nhạc sĩ Việt Nam. Và có ai dám bảo đảm với Đảng trong ngăn kéo, trong ổ nhớ máy vi tính của anh em ta không còn những bút ký, hồi ký, tự bạch như của Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khải, Tô Hải không ? Các anh đã có “những điều cần phải nói” với những người đã tự thú và cả những người đang chờ cơ hội để bộc lộ mình chưa?
*
3. Anh Trọng Bằng cảnh báo nhạc sĩ Phạm Duy rằng: “Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng, vì thế ông không thể nào so sánh với nhạc sỹ Văn Cao. Không thể ví được. Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện.” Anh nói hộ với anh Trọng Bằng, về đoạn trích trên, tôi xin trao đổi 4 ý kiến sau:
3.1. Anh Trọng Bằng, em anh Trọng Loan, về tuổi đời cũng như tuổi nghệ thuật âm nhạc đều thuộc lứa đàn em của nhạc sĩ Phạm Duy. Một nghệ sĩ đàn em viết về một nghệ sĩ đàn anh với giọng cửa quyền, gia trưởng, lệnh lạc như thế là khiếm lễ.

3.3. Anh căn cứ vào luật lệ nào mà cấm Phạm Duy không được so sánh với Văn Cao ? Luật vườn hay luật ruộng ? Phạm Duy so sánh với Văn Cao để thấy Văn Cao lớn hơn Phạm Duy như thế nào chứ? Cứ đọc mục từ “nhạc sĩ Văn Cao” trong google trên internet cũng có thể thấy nhiều cụm từ Phạm Duy nói về sư lớn lao của Văn Cao như thế nào. Ví dụ Phạm Duy viết: Văn Cao “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều.” Không so sánh làm sao Phạm Duy viết được câu đó?

3.4. Anh Trọng Bằng đánh giá: “Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện.” Anh Phạm Tuyên ơi, anh Trọng Bằng là một nhà soạn nhạc, nguyên Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam mà đi đánh giá nhạc sĩ Văn Cao chi lạ rứa?
Phải chăng vì đánh giá Văn Cao tầm thường dễ dãi đến như thế nên bao nhiêu năm các anh đã mặc cho Văn Cao ngồi in hình mình trên vách như thực tế đã diễn ra? nên sau năm 1975, Văn Cao sáng tác ca khúc Mùa xuân đầu tiên vào dịp Tết Bính thìn (1976), êm đềm, đậm đà tình người, nhưng mới phát hành đã bị tịch thu, các anh không có một lời bảo vệ? nên 1986 các anh tổ chức sáng tác quốc ca mới để thay thế Tiến quân ca của Văn Cao? May sao Mùa xuân đầu tiên vẫn được ra đời bắt đầu từ Liên xô, cuộc thi sáng tác quốc ca tiêu hao nhiều sức người. sức của nhưng rồi cũng chỉ được một bài học thất bại vì duy ý chí ngược với qui luật phát triển của nghệ thuật mà thôi. Những giá trị của âm nhạc Văn Cao không có gì có thể phủ nhận được. Các anh phê Phạm Duy kiêu, nhưng chính Phạm Duy đã đánh giá đúng Văn Cao. Theo Phạm Duy, Văn Cao là “người viết tình ca số một”, “người đẻ ra thể loại hùng ca và trường ca Việt Nam”…


6. “Trong cơ chế thị trường hôm nay, tôi nghĩ cần phải thẩm định đúng giá trị thật những đóng góp của nhạc sỹ Phạm Duy, không nên quá đề cao”.
Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý nội dung ý kiến nầy. Nhưng nó chỉ đúng khi tác giả ý kiến đó là một vị lãnh đạo Đảng, một quan chức lãnh đạo ngành văn hoá chứ không phải một quan chức ngành âm nhạc là Phạm Tuyên. Bởi vì việc “thẩm định đúng giá trị thật những đóng góp của nhạc sỹ Phạm Duy” là việc của Hội nhạc sĩ VN, của Viện nghiên cứu Âm nhạc VN, của các quan chức trong Hội Nhạc sĩ VN, trong đó có nhạc sĩ Phạm Tuyên. Không ai có thể thay thế các anh để làm việc đó cả. Việc của các anh các anh không làm lại đi chê trách báo chí trong cơ chế thị trường? Đáng lẽ báo chí phê phán các anh không làm nhiệm vụ của mình mới đúng chứ? Hay các anh sẽ bảo “Vì Phạm Duy mới về nên chưa làm kịp?” Vâng, mới gần 5 năm nên chưa kịp. Thế đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dã gần 35 năm rồi các anh đã “thẩm định đúng giá trị thật những đóng góp của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chưa? Cũng chưa? Có lẽ vì thế mà cả một cái sự nghiệp âm nhạc Trịnh Công Sơn được dân chúng trong và ngoài nước xem là đỉnh cao ấy chưa hề được ghi tên vào danh sách xét trao các giải thưởng cấp tỉnh, cấp nhà nước nào của các anh cả. Sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã vượt qua mọi giải thưởng.