Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG GIỮA "CẬU BÉ ĐẦM TÔM" VỚI "LUẬT SƯ CỦA NGƯỜI NGHÈO"

Biết rằng "mọi sự so sánh đều là khập khiễng" nhưng câu chuyện ầm ĩ trong giới luật sư xuất phát từ tuyên bố của LS Võ An Đôn mấy ngày gần đây làm tôi liên tưởng tới câu chuyện của cậu bé đầm tôm - Hào Anh ngày nào. Giữa 2 sự việc này có những điểm tương đồng đến kỳ lạ, dù biểu hiện ra bên ngoài là khác nhau:
- Thứ nhất, xuất phát điểm cả hai đều nghèo. Trong khi Hào Anh vì gia cảnh phải đi làm thuê đổi miếng ăn từ rất sớm thì LS Đôn có một cuộc sống khó khăn về kinh tế do không có một công việc ổn định trong khi thâm niên và danh tiếng chưa đủ để có được lượng khách và thu nhập ổn định từ nghề nghiệp luật sư;
- Thứ hai, cả hai đều là nạn nhân của sự truy bức. Với Hào Anh, đó là việc bị chủ và người làm trong đầm tôm đánh đập, hành hạ dã man. Còn với LS Đôn là khi tham gia bào chữa cho vụ án Ngô Thanh Kiều đã bị đe doạ, gây sức ép, thậm chí bị đề nghị khai trừ ra khỏi Đoàn Luật sư.
- Thứ ba: cả hai đều nổi tiếng và được cộng đồng quan tâm, chia sẻ. Với Hào Anh, nhiều nhà hảo tâm đã động lòng quyên góp tiền giúp cậu bé có được số vốn lớn nếu so với mức sống tại địa phương, nhất là so với hoàn cảnh của cậu ta. Với LS Đôn, đồng nghiệp trên khắp cả nước đã lên tiếng chia sẻ, động viên và đấu tranh để LS Đôn không bị khai trừ, đồng thời, không ít luật sư đã quyên góp tiền giúp đỡ LS Đôn trang trải các chi phí do tin tưởng vị LS này bào chữa miễn phí vì tấm lòng chân thật và góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, bảo vệ công lý;
- Thứ tư: cả hai vụ việc đều "có sạn" ngay từ đầu nhưng được mọi người dễ dàng cho qua. Với Hào Anh, đó là lời khai của chủ đầm tôm và những người làm công rằng cậu bé này có tật trộm cắp vặt và biểu hiện hư hỏng nhưng hoàn cảnh đáng thương của cậu bé khiến người ta dễ dàng bỏ qua lỗi lầm đó mà chỉ quan tâm đến hoàn cảnh đáng thương của cậu bé và gia đình. Với LS Đôn, đó là những phát ngôn tại phiên toà và các bài phỏng vấn, bài viết trên trang cá nhân dường như "đi quá giới hạn". Thời gian này, xúc động trước sự thật vụ án Ngô Thanh Kiều bị phơi bầy và cảm động trước quyết tâm bảo vệ người bị hại của LS Đôn mà dư luận, đặc biệt giới luật sư đã không tiếc công sức để bảo vệ vị luật sư này trước nguy vơ bị kiểm điểm, rút giấy phép hành nghề. Thậm chí, nhiều Công ty Luật, VP Luật sư còn mời LS Đôn về làm việc nhằm giúp LS Đôn ổn định thu nhập và có điều kiện để phát huy năng lực;
- Thứ năm: giao du với bạn xấu. Với Hào Anh, sau khi nhận được sự đồng cảm và giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nhất là gần đến ngày cậu bé đủ 18 tuổi và sẽ được nhận bàn giao số tiền từ thiện, nhiều bạn xấu đã tiếp cận, rủ rê và tiêm nhiễn nhiều thói xấu. Với LS Đôn, trong và sau vụ án Ngô Thanh Kiều, cùng với công luận và nhiều đồng nghiệp sát cánh cùng vị LS này trong chặng đường bảo vệ công lý, không ít đối tượng xấu đã tiếp cận, tung hô và khuyến khích LS Đôn đi theo chiều hướng khác với định hướng nghề nghiệp của một luật sư tư vấn và tranh tụng đúng nghĩa. Dần dần, những bài viết và trả lời phỏng vấn của LS Đôn không còn như trước...
- Cuối cùng: sự phản bội tình cảm và niềm tin của những người đã từng hết lòng ủng hộ và giúp đỡ. Với Hào Anh, từ khi nhận được số tiền từ thiện, cậu bé ngày nào đã mua xe đẹp, quần áo đẹp, đi theo lũ bạn phá phách số tiền có được, bất hiếu với cha mẹ và cuối cùng là trộm cắp sau khi đã phá hết số tiền mà mọi người quyên góp, trao tặng cho cậu để làm vốn vào đời. Với LS Đôn, sau khi nhận lời bào chữa cho bên bị hại trong vụ Ngô Thanh Kiều, tiếng tăm của vị LS nghèo này nổi như cồn. Đặc biệt sau khi vụ án được xét xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt với các bị cáo, và nhất là khi có kiến nghị xử lý kỷ luật, LS Đôn đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng luật sư. Có thể nói, sự quan tâm, đồng cảm và chia sẻ từ cộng đồng và đồng nghiệp là "vốn" lớn đối với LS Đôn. Tiếc rằng, chỉ trong khoảng nửa năm trở lại đây, LS Đôn đã dần "đốt" số vốn này qua các bài viết, bài trả lời phỏng vấn với một số báo chí nước ngoài. Ngoài việc bị một số thế lực chống chính quyền lợi dụng tên tuổi, hình ảnh, dường như LS Đôn đã trở thành một phần của "các nhà hoạt động dân chủ". Động thái gần đây nhất, khi đưa ra nhận định về nghề luật sư và giới luật sư Việt Nam, LS Đôn đã hoàn toàn phủ nhận nghề luật sư và đạo đức nghề nghiệp của các luật sư đồng nghiệp. Đây là "giọt nước tràn ly" hay "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" thì tuỳ cảm nhận của mỗi người. Chắc chắn, đồng nghiệp và giới luật gia sẽ không còn chia sẻ, cảm thông chứ đùng nói là giúp đỡ vị luật sư này nữa, sau cú "hắt bát nước vào mặt" những đồng nghiệp đã từng ủng hộ, giúp đỡ anh ta... Nên nhớ, Luật sư không chỉ là những người chuyên về trang tụng hình sự và ngay trong số các luật sư tranh tụng chuyên về án hình sự, số người như mô tả của LS Đôn đến nay không ai dám chắc tỷ lệ là bao nhiêu? Theo tôi, trên thực tế đó vẫn chỉ là thiểu số, còn nếu đọc stt của anh ta (hình ảnh) người ta sẽ cho rằng các Luật sư đều thế, trừ LS Đôn.
Dù không phải là luật sư, nhưng tôi luôn coi các luật sư là "đồng môn", "đồng đội", "đồng nghiệp"... của mình. Xin chia sẻ với những luật sư đã bị phản bội và xúc phạm bởi những tuyên bố mới đây của Luật sư Võ An Đôn
(copy từ facebook Nhan Thanh)